Thứ Tư, 22 tháng 7, 2020

Nhà thầu Trung Quốc dòm ngó dự án nhiệt điện Việt Nam!

Diễm Thi, RFA

Một nhà máy nhiệt điện than tại một khu công nghiệp ở Nội Mông, Trung Quốc, tháng 7/2009.
Một nhà máy nhiệt điện than tại một khu công nghiệp ở Nội Mông, Trung Quốc, tháng 7/2009.
 Reuters
















Nhà thầu Trung Quốc ồ ạt nộp hồ sơ
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư hai nhà máy nhiệt điện Na Dương II và nhiệt điện Quỳnh Lập 1.
TKV đã phát hành hồ sơ mời thầu gói thầu EPC dự án nhà máy nhiệt điện Na Dương II hôm 6 tháng 1 năm 2020, đóng thầu dự kiến ngày 8 tháng 4 năm 2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 TKV đã gia hạn thời gian đóng thầu lần 1 đến ngày 6 tháng 5 năm 2020 và lần 2 đến ngày 10 tháng 6 năm 2020.

Với dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1, TKV thông báo mời thầu trên trang web của tập đoàn từ ngày 10 tháng 2 năm 2020, đóng thầu dự kiến lúc 4 giờ chiều ngày 10 tháng 3 năm 2020. Tuy nhiên, cũng do ảnh hưởng của đại dịch nên TKV đã gia hạn thời gian đóng thầu đến 4 giờ chiều ngày 31 tháng 3 năm 2020.
Kết quả cho thấy hầu hết hồ sơ dự thầu là từ các nhà thầu Trung Quốc. Có tới 7/8 nhà thầu quan tâm tới Dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 đến từ Trung Quốc.
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) bày tỏ quan điểm của mình với RFA về việc Trung Quốc ồ ạt nộp hồ sơ thầu:
“Phải nói thẳng là hiện nay Trung Quốc tham gia rất nhiều dự án nhưng cuối cùng đều dẫn đến hậu quả trì trệ, chi phí đội vốn rất cao, làm lỡ kế hoạch. Cho nên Việt Nam rất cảnh giác với nhà thầu Trung Quốc.
Chính đường cao tốc Bắc Nam chuẩn bị đấu thầu quốc tế và trong đó có sự tham gia của rất nhiều các công ty Trung Quốc nên nói thực là phải hủy không tổ chức đấu thầu nữa. Chỉ xử lý trong nội bộ cho các doanh nghiệp trong nước tham gia mà thôi. Bài học nhãn tiền.”
Phải nói thẳng là hiện nay Trung Quốc tham gia rất nhiều dự án nhưng cuối cùng đều dẫn đến hậu quả trì trệ, chi phí đội vốn rất cao, làm lỡ kế hoạch. Cho nên Việt Nam rất cảnh giác với nhà thầu Trung Quốc. - PGS.TS Ngô Trí Long
Ông nói thêm rằng, nhà thầu Trung Quốc không từ một thủ đoạn nào để trúng thầu. Họ đút lót, mua chuộc các quan chức, họ bỏ thầu giá thấp…trong khi nhiều quan chức Việt Nam lại đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích quốc gia nên dễ dàng dính bẫy. Đến khi trúng thầu thì phía nhà thầu lại tìm mọi cách nâng giá lên. Đây là bài học mà theo ông, phía chủ đầu tư Việt Nam đang rút kinh nghiệm.
Một dự án lớn có tổng thầu EPC Trung Quốc gây bất bình cho rất nhiều người dân Việt Nam và bị coi là một thất bại của chính phủ trong việc lựa chọn nhà thầu, là dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Mới hôm 13 tháng 7, đại diện tổng thầu Trung Quốc lại tuyên bố, nếu phía Việt Nam không thanh toán đủ tiền thì tàu sẽ không chạy thử toàn tuyến.
Với kinh nghiệm đường sắt Cát Linh - Hà Đông do Trung Quốc làm tổng thầu EPC nhiều lần chậm tiến độ, vốn đội lên gấp đôi mà chưa biết bao giờ mới hoàn thành, chắc hẳn TKV phải nhìn vào đó để rút kinh nghiệm.
Lần này không phải dự án đường sắt mà lại là dự án nhiệt điện có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao và cũng có bài học nhãn tiền như cụm nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân.
PGS.TS. Phùng Chí Sỹ, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam chia sẻ thêm về việc lựa chọn nhà thầu cho các dự án nhiệt điện, một khi đa số hồ sơ dự thầu là từ người Trung Quốc:
“Thật ra hiện nay gọi là nhà thầu Trung Quốc nhưng công nghệ là của nước ngoài, của các nước tiên tiến. Thực tế ở Việt Nam cũng có một số nhà thầu Trung Quốc đứng ra thầu nhà máy nhiệt điện, không có vấn đề gì vì họ sử dụng công nghệ của Nhật, Hàn Quốc, Châu Âu…
Quan trọng nhất là Việt Nam khi xem xét hồ sơ thầu phải coi nhà thầu sử dụng công nghệ của nước nào. Thật ra người Trung Quốc hay trúng thầu vì nhân công họ rẻ chứ công nghệ thì không phải của Trung Quốc.
Việt Nam trước kia dính rất nhiều dự án vì ham giá rẻ chứ không phải vì công nghệ nên chọn nhà thầu Trung Quốc. Trong khi đó nhà thầu cũng không có năng lực về mặt tài chính dẫn đến dự án kéo dài, ảnh hưởng nguồn vốn.”
Ông Phùng Chí Sỹ nhấn mạnh rằng, Việt Nam hiện nay cũng có kinh nghiệm rồi. Khi mời thầu phải yêu cầu xem công nghệ nước nào coi có đáp ứng hay không thì mới chọn.
Vấn đề ô nhiễm
Sơ đồ ô nhiễm không khí do các nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam gây ra.
Sơ đồ ô nhiễm không khí do các nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam gây ra. Reuters
Các nhà máy nhiệt điện chạy than ở Việt Nam hiện nay tiếp tục gây ô nhiễm môi trường. Có ý kiến cho rằng các nhà máy nhiệt điện có chi phí xây dựng, hoạt động rẻ hơn các nguồn năng lượng khác, nên giá điện bán ra sẽ rẻ, phù hợp với thu nhập của người Việt Nam. Nhưng nếu không tính toán kỹ khâu xử lý môi trường thì số tiền bồi thường cho dân, chi phí khắc phục lại rất cao, lợi bất cập hại.
Tiến sĩ Ngô Trí Long nêu quan điểm của ông là phải “liệu cơm gắp mắm". Ông phân tích:
“Ngoài thủy điện, nhiệt điện, dầu diesel, khí còn có năng lượng mặt trời, năng lượng gió. Hiện nay tiềm năng năng lượng gió rất là lớn nhưng chi phí của năng lượng tái tạo như mặt trời và gió thì rất cao. Chi phí cao mà điều kiện thu nhập của người Việt Nam còn thấp cho nên không thể được. Cho nên phải phát huy nhiệt điện.
Hiện có rất nhiều người phản đối là nhiệt điện ảnh hưởng đến môi trường nhưng phải chấp nhận thôi vì nguồn lực có hạn. Có điều hiện nay bất kỳ nhà máy nhiệt điện nào cũng đều có phương án xử lý ô nhiễm môi trường.”
Hiện có rất nhiều người phản đối là nhiệt điện ảnh hưởng đến môi trường nhưng phải chấp nhận thôi vì nguồn lực có hạn. Có điều hiện nay bất kỳ nhà máy nhiệt điện nào cũng đều có phương án xử lý ô nhiễm môi trường. - PGS.TS Ngô Trí Long
Một nhà máy nhiệt điện chỉ mới đưa vào vận hành được một thời gian ngắn đã bị người dân sống quanh đó tập trung phản đối gay gắt do ô nhiễm ảnh hưởng sức khỏe, cuộc sống của họ. Đó là các nhà máy nhiệt điện thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận.
Chỉ mấy tháng sau khi hai tổ máy của nhà máy chính thức vận hành, khói và xỉ than phủ đầy nhà cửa, cây cối, giếng nước của người dân quanh đó. Khói của nhà máy thổi thẳng vào khu vực dân cư có lúc dày đến mức đứng cách nhau chục mét mà không thể thấy mặt.
Đến tháng 11 năm 2018, Bộ Công thương đã có báo cáo gửi Thủ tướng chính phủ, thừa nhận tình trạng tro xỉ gây ô nhiễm và dự kiến quá tải của các nhà máy nhiệt điện thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.
Với những nhà máy nhiệt điện sắp được xây dựng, TS. Phùng Chí Sỹ cho hay:
“Xu hướng hiện nay là hạn chế những dự án nhiệt điện than. Hai dự án này có thể đã được phê duyệt từ lâu rồi thì mới cho triển khai chứ bây giờ mới đưa vào quy hoạch thì rất khó.
Tất nhiên những nhà máy nhiệt điện than trước kia công nghệ nó không tốt nên gây ô nhiễm môi trường. Nhưng hiện nay thì những nhà máy nhiệt điện than họ làm rất tốt. Thứ nhất là công nghệ nó hiện đại, thứ hai là các biện pháp bảo vệ môi trường cũng tốt nên vấn đề ô nhiễm môi trường giảm thiểu rất nhiều.”
Theo ông Sỹ, hầu như các nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam hiện nay (do nước ngoài hay Việt Nam đầu tư) đều phải có biện pháp xử lý bụi, xử lý các chất khí gây ô nhiễm. Nếu không thì dân sẽ kiện cáo và không thể hoạt động được. Nhận thức của người dân Việt Nam cũng cao rồi, họ sẽ không để cho những nhà máy ô nhiễm hoạt động.
Hồi trung tuần tháng tư năm 2015, người dân tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận phải ra chặn Quốc lộ 1 đoạn đi qua địa phương để phản đối nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 xả bụi xỉ than gây ô nhiễm môi trường. Đến nay vấn nạn xỉ than của nhà máy này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Hồi ngày 17 tháng 7 vừa qua, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bình Thuận báo cáo Công ty Nhiệt Điện Vĩnh Tân đến cuối tháng 6 vừa qua vẫn chưa hoàn thành phương án phòng chống sự cố tại bãi xỉ than.

Không có nhận xét nào: