Thứ Năm, 23 tháng 7, 2020

Kiếm hàng chục triệu mỗi tháng từ nuôi ruồi

HẢI DƯƠNG

Dù vợ không ủng hộ, những ngày đầu liên tiếp thất bại, nhưng Nguyễn Quốc Toản vẫn kiên trì với con ruồi lính đen và thu lãi 400 triệu đồng trong nửa cuối năm 2019.

11 giờ trưa, cái nóng tháng 7 hầm hập phả xuống từ mái tôn, anh Toản vẫn cần mẫn vục xẻng vào hỗn hợp đen quánh dưới chuồng gà, múc lên từng mẻ ấu trùng ruồi mang ra vườn đổ vào máng. Đàn gà vịt vài trăm con đang tránh nắng quanh khu trang trại 5.000 m2 vội vàng chạy đến, bu kín và tranh nhau những con ấu trùng còn ngoe nguẩy.
Cho gà ăn xong, người đàn ông 39 tuổi đưa tay bật hệ thống phun sương. Từng tia nước mát lạnh rơi xuống, "tắm" cho hàng trăm nghìn con ruồi lính đen trưởng thành đậu trong những chiếc mùng giăng kín.
"Đó là gia tài của tôi đấy", Toản nói, đưa tay vuốt mồ hôi ngang trán.
Anh Nguyễn Quốc Toản trong chuồng nuôi ruồi lính đen của gia đình. Trên tay anh là nhộng ruồi, sau vài ngày sẽ nở ra ruồi lính đen. Ảnh: Hải Hiền.
Anh Nguyễn Quốc Toản trong chuồng nuôi ruồi lính đen của gia đình. Trên tay anh là nhộng ruồi, sau vài ngày sẽ nở ra ruồi lính đen. Ảnh: Hải Hiền.
Cuối năm 2018, vợ chồng anh Nguyễn Quốc Toản quyết định trở về quê nhà ở xã Thái Dương, huyện Bình Giang sau 14 năm làm nghề may tại Nga. Trước khi về, anh đã lên mạng tìm hiểu và nuôi ý định làm "nông nghiệp bền vững". Một lần tình cờ xem video, anh biết tới con ruồi lính đen – loại côn trùng có lợi cho môi trường, chuyên ăn rác thải hữu cơ và làm thức ăn cho gia súc.

Xem video không hiểu tiếng, Toản chú ý tới hình ảnh, quy trình nhân nuôi rồi ghi chép lại theo những gì mình hiểu, cất đi như tài liệu quý. Hai năm tự nghiên cứu, anh học được nhiều kiến thức trên mạng, quyết thực hiện với niềm tin sẽ lập nên cơ nghiệp.
Với vài trăm triệu tiết kiệm khi lao động nơi xứ người, về Việt Nam, Toản bàn với vợ về mô hình nuôi gà kết hợp ruồi lính đen, chị Nguyễn Thị Huân - vợ anh - phản đối ngay. Chị bảo người ta diệt ruồi chẳng được mình lại mang về nuôi thì có mà... dở hơi. "Gà ăn ruồi, ruồi ăn phân gà. Nuôi kiểu này ai dám mua gà nhà mình?", người phụ nữ 35 tuổi lập luận. Mỗi lần chồng bàn tới ruồi lính đen, chị lại đứng dậy, lẳng lặng bỏ đi chỗ khác.
Vợ không đồng ý, Toản vẫn gọi anh em tới xây chuồng nuôi. Cạnh khu đất 5.000 m2 trồng cây ăn quả của gia đình nằm sâu trong làng, anh xin thêm 150 m2 làm khu chuồng trại. Hơn tháng trời, anh ăn ngủ ở trang trại, tự tay xây chuồng. Chị Huân hàng ngày vẫn qua thăm, nhưng tuyệt nhiên không bước tới chuồng ruồi.
Từ kiến thức học được trong hai năm nghiên cứu video nước ngoài, anh Toản thiết kế chuồng nuôi thành 2 khu. Khu thứ nhất nuôi ruồi lính đen trưởng thành, được quây lưới. Khu thứ 2 phần trên nuôi gà, phía dưới nuôi ấu trùng để dọn phân gà, tránh ô nhiễm môi trường.
Tháng 6/2019, Toản bắt đầu nhập trứng ruồi lính đen với giá 2 triệu đồng một lạng từ miền Nam ra. Một tháng rưỡi đầu tiên, trứng ruồi nở thành ấu trùng, biến thành nhộng và lột xác thành ruồi trưởng thành, Toản khấp khởi mừng vì sắp cho thu hoạch. Thế nhưng 70% số ruồi lính đen chưa kịp đẻ lứa trứng nào đã lăn ra chết, phủ đen dưới chân chuồng. Bốn lứa liên tiếp cùng có kết quả thê thảm như vậy. Anh Toản có nguy cơ "cụt vốn".
Thất bại liên tiếp thất bại nhưng Toản không dám kể với vợ vì sợ bị ngăn cản. Những ngày đó, chàng trai Hải Dương gần như không thể ngủ vì cứ nằm xuống lại nghĩ đến chuyện ruồi chết. "Sao những nước khí hậu nóng như Indonesia hay Malaysia nuôi được, còn mình lại không?", anh trằn trọc. Nửa đêm tỉnh dậy, Toản lại lên mạng, lùng sục cách nuôi của các trang trại trong Nam cũng như ở nước ngoài tìm câu trả lời. Nhưng càng xem, anh càng thấy bị "lạc" trong những phương pháp khác nhau. "Mỗi nơi một điều kiện nuôi, không gì bằng mình tự quan sát", Toản rút ra kết luận sau nhiều đêm thức trắng.
Cuối tháng 7/2019, trong những ngày nắng 40 độ, anh ngồi trong chuồng nuôi quan sát hoạt động của ấu trùng và ruồi trưởng thành, nhiều lúc hoa mắt chóng mặt vì say nắng. "Ruồi uống nước bao nhiêu là đủ? Làm thế nào để chúng đẻ nhiều trứng?", những câu hỏi dần được giải đáp sau một tuần ngồi lì trong chuồng.
Một hệ thống phun sương được lắp đặt ngay sau đó. Toản đã biết cách tính lượng nước bơm lên vừa đủ cho ruồi và thời điểm cấp nước thích hợp. Từ thay đổi này, ruồi khỏe lên hẳn, trứng đẻ ra cũng tăng về số lượng.
Những thanh gỗ là nơi ruồi đẻ trứng. Mỗi ngày anh Toản thu được 3-4 triệu đồng từ bán trứng ruồi. Ảnh: Hải Hiền.
Những thanh gỗ là nơi ruồi đẻ trứng. Mỗi ngày anh Toản thu được 3-4 triệu đồng từ bán trứng ruồi. Ảnh: Hải Hiền.
Song song với ruồi lính đen, người đàn ông này còn nuôi hàng trăm con gà, lấy phân làm thức ăn cho ấu trùng ruồi.
"Đây được xem là loại côn trùng có hàm lượng canxi cao nhất trong tất cả các loại mồi sống dành cho việc chăn nuôi, vừa giảm được 40% chi phí, vừa bảo vệ môi trường", ông chủ trang trại khẳng định.
Nhìn chồng bạc tóc vì con ruồi, từ chỗ rùng mình khi thấy ấu trùng căng mọng ngoe nguẩy trong phân gà, chị Huân lại chủ động bơm nước, cho ấu trùng ăn mỗi khi anh Toản đi vắng. "Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời. Anh ấy quyết liệt lắm, nói là làm", chị chép miệng.
Qua mùa hè 2019, trong những chiếc mùng cao 2m, rộng 7m, đã có hàng trăm nghìn ruồi trưởng thành. Những con ruồi lính đen dài khoảng 2 mm chen chúc, đẻ trứng vào những thanh gỗ hẹp đặt phía trong. Ngoài số trứng giữ lại để tiếp tục nhân nuôi, anh bắt đầu bán cho người cần. Thời điểm cao nhất một lạng trứng lên tới 1,5 triệu đồng, mỗi ngày anh thu được 2-3 lạng.
Tưởng như khó khăn đã qua, nhưng lần nữa ruồi lại chết phủ đen chuồng khi mùa đông đến, nhiệt độ ngoài trời nhiều lúc xuống dưới 15 độ.
Rút kinh nghiệm đợt ruồi chết vì nắng nóng, lần này Toản đem trứng nuôi trong 10 ô nhỏ rồi thực hiện chế độ ăn và nhiệt độ khác nhau. Mỗi ô lại treo bóng đèn công suất khác nhau để tìm nhiệt độ thích hợp nhất với sự phát triển của ấu trùng và ruồi trưởng thành. Như những ngày đầu, lần này anh lại tiếp tục chỉ ngồi và quan sát, nhiều lúc còn quên cả ăn.
Khi tìm hiểu được nhiệt độ thích hợp, Toản lấy bạt che kín và giăng bóng để ruồi và ấu trùng được sưởi ấm, cả ngày lẫn đêm. Tùy vào thời tiết, các bóng đèn được bật ở chế độ khác nhau nhằm cung cấp đủ nhiệt độ cho ruồi giao phối và sinh sản.
Sau hơn một năm mày mò với loại vật nuôi này, đến nay anh Toản luôn có sẵn 5-7 khay ủ trứng, tạo ra 700-900 ấu trùng mỗi ngày. Ngoài việc cung cấp làm thức ăn chăn nuôi, anh còn cung cấp trứng ra thị trường. Năm 2019, mô hình nuôi gà kết hợp với ruồi lính đen đã mang về lợi nhuận 400 triệu đồng.
Mô hình chuồng gà ở trên, ấu trùng ruồi ở dưới ăn phân gà vừa tiết kiệm vừa giúp bảo vệ môi trường. Ảnh: Hải Hiền.
Mô hình chuồng gà ở trên, ấu trùng ruồi ở dưới ăn phân gà vừa tiết kiệm vừa giúp bảo vệ môi trường. Ảnh: Hải Hiền.
Covid 19 bùng phát, giá gia cầm giảm sút, người đàn ông 39 tuổi chuyển hướng, không chỉ tập trung vào gà mà chuyển sang nuôi ruồi lính đen cung cấp trứng cho người cần.
"Ra Tết nhiều người lỗ vì nuôi gà đã tìm đến tôi với lý do muốn nuôi ruồi lính đen làm thức ăn thay thế cám công nghiệp", anh cho biết. Hiện trứng ruồi lính đen của anh đã được phân bố khắp Hải Dương và nhiều tỉnh thành khác ở miền Bắc.
"Anh Toản rất nhiệt tình, không giấu nghề, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi ruồi lính đen với người cần", ông Phạm Huy Thạo, Phó chủ tịch xã Thái Dương nhận xét.
Hơn một tháng nay, Toản thêm bận rộn khi chuồng nuôi lợn 200 con được xây dựng trên trang trại gia đình, lấy ấu trùng ruồi lính đen làm thức ăn bổ sung. Dự tính 3 tháng nữa, lứa lợn đầu tiên được xuất chuồng.
"Mỗi ngày tôi có 2-3 lạng trứng ruồi, thu về vài triệu đồng trên đất làng mình. Nếu không quyết tâm sẽ chẳng làm nổi việc gì", anh cười sảng khoái.
Hải Hiền

Không có nhận xét nào: