Dân trí
Đặt hàng Trung Quốc rồi bán tại Việt Nam vài năm gần đây là một nghề cho thu nhập cao. Nhưng hiện nay, nhiều dân buôn đã phải nghỉ việc hàng loạt vì gặp khó.
Buôn hàng Trung Quốc được gần 4 năm, chị Q.T. (Lạng Sơn) mỗi tháng đều thu về trên 30 triệu đồng. Nhưng gần đây, chị T đã phải chuyển công việc sang làm nhân viên bán hàng vì không theo được nghề.
Lý do theo chị T là bởi, hiện tại khu vực biên giới đang cấm, không được thông quan. Hàng vác qua đồi hay qua đò cũng chỉ được 2 - 3 tạ. Song, 2 tuần nay, hàng hoá đi qua đường này thậm chí còn bị bắt hết.
“Dân buôn rỉ tai nhau, đang quy hoạch lại để không cho đi tiểu ngạch tránh thất thu thuế. Hàng muốn đi qua được bắt buộc phải đi qua chính ngạch và kê khai thuế đầy đủ”, chị T nói.
Chính vì lý do đó, các loại hàng giả, hàng nhái, đồ ăn, linh kiện điện tử, thuốc, súng kiếm dao và đồ chơi tình dục đang rất khó tuồn về Việt Nam qua đường tiểu ngạch.
Theo một dân buôn, nếu không phải hàng giả thì có thể qua biên. Thậm chí, nếu nhập nguyên 1 container thì giá còn rẻ hơn đi tiểu ngạch.
“Nhưng rất ít người hoặc ít loại hàng hoá cần nhập nhiều đến vậy. Khối lượng hàng hoá qua biên của các mối buôn chỉ khoảng 500kg trở xuống nên ít người làm chính ngạch. Nếu có đi chính ngạch, giá sẽ tăng thêm 20 - 30%”, người này cho biết thêm.
Thời điểm này, các công ty vận chuyển, công ty chuyên đánh hàng Trung Quốc hay cả dân cửu vạn vùng biên cũng đang thất nghiệp. Nhiều nhân viên bán hàng của các công ty này đồng loạt xin nghỉ vì không có thu nhập.
Bởi cơ chế của nhân viên bán hàng thấp, chỉ được tính phần trăm theo giá trị đơn hàng, nên không có hàng về thì lương không đủ ăn.
Theo anh D (Thanh Xuân, Hà Nội), một quản lý tại một công ty chuyên buôn hàng Trung Quốc, các công ty nhỏ làm về hàng Trung Quốc đang khủng có nguy cơ vỡ nợ cao nhất.
“Vì hàng giữ ở biên giới quá lâu sẽ tồn vốn nhiều, giá vận chuyển lại tăng cao. Chưa kể, hàng giữ ở biên lâu hay bị hỏng nên phải đền”, anh D nói và thông tin thêm, có tới 20% các công ty mua bán hàng Trung Quốc có nguy cơ phá sản đợt này.
Sau khi các biện pháp mạnh tay được thực hiện tại biên giới thì hàng giả, hàng nhái khó có đường vào Việt Nam. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đã liên tiếp triệt phá các kho hàng giả lớn tại các tỉnh vùng biên và Hà Nội.
Mới đây, sau hơn 6 tháng theo dõi liên tục, Tổng Cục quản lý thị trường phối hợp với Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cục A05, Bộ Công An đã tấn công vào 1 kho hàng lậu hơn 10.000m2 tại thành phố Lào Cai.
Hàng trăm nghìn sản phẩm hàng giả, hàng lậu được đưa ra thị trường một cách trót lọt trong suốt 2 năm qua. Chủ kho hàng là Trần Thành Phú, sinh năm 1992 có hộ khẩu thường trú tại Lào Cai cùng em gái của mình điều hành kho hàng.
Các mặt hàng tại kho này đều là: giày dép, kính mắt, đồng hồ, hàng tiêu dùng, mỹ phẩm .... nhập lậu hoặc có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như LV, Gucci, Chanel, Adidas...
Thế Hưng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét