Thứ Năm, 30 tháng 7, 2020

Hàng tỷ USD của tập đoàn, tổng cty Việt Nam “sa lầy” trong đầu tư quốc tế

Khoảng 6,7 tỷ USD đã được các tập đoàn, tổng công ty lớn đầu tư vào những dự án ở nước ngoài nhưng nhiều dự án không hiệu quả, thậm chí phải dừng đầu tư, tìm đối tác chuyển nhượng.
Nhóm lãnh đạo của Vinachem khảo sát một mỏ muối kali bỏ hoang tại Lào để xin Chính phủ cho dừng dự án, năm 2016. (Ảnh: vinachem.com.vn)
Theo báo cáo tình hình đầu tư ra nước ngoài năm 2019 do Bộ Kế hoạch & Đầu tư gửi Thủ tướng Chính phủ, tính đến hết năm 2019, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư 1.321 dự án ở 78 quốc gia, vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 20,6 tỷ USD.
Trong đó, các doanh nghiệp nhà nước có 114 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 13,82 tỷ USD, đã giải ngân khoảng 6,7 tỷ USD.
Tổng số vốn các doanh nghiệp trong nước đã chuyển ra nước ngoài để đầu tư, góp vốn đến hết năm 2019 khoảng 9,49 tỷ USD, trong đó giải ngân lớn nhất trong lĩnh vực khai khoáng khoảng 3,5 tỷ USD, tiếp đến là viễn thông và công nghệ thông tin 1,61 tỷ USD, nông lâm nghiệp 1,56 tỷ USD, sản xuất điện 809 triệu USD, hoạt động tài chính ngân hàng 787 triệu USD, kinh doanh bất động sản 384 triệu USD.
Về hiệu quả đầu tư, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết lợi nhuận chuyển về nước của các doanh nghiệp có hoạt động đầu tư tại nước ngoài tính đến nay đạt khoảng 3 tỷ USD, lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư khoảng 363 triệu USD.
Tuy nhiên, bên cạnh một số dự án đem lại hiệu quả, nhiều dự án đang khiến các tập đoàn, công ty Việt Nam mắc kẹt hàng triệu USD.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên đang có số dự án triển khai ở nước ngoài nhiều nhất, với 27 dự án, tổng vốn đăng ký khoảng 7,1 tỷ USD. Các dự án do PVN rót vốn tại nước ngoài chủ yếu trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí và một số dự án lĩnh vực khoáng sản khác.
Tuy nhiên, tính đến ngày 31/3/2020, chỉ 11 dự án triển khai đúng tiến độ, 13 dự án hiện gặp khó khăn, số còn lại đang bị chậm tiến độ, không có khả năng triển khai.
Tổng vốn PVN đã chuyển ra nước ngoài để thực hiện các dự án đến nay khoảng 3,12 tỷ USD, tập trung chủ yếu trong giai đoạn 2008 – 2013. Tập đoàn này đã thu lãi gần 2 tỷ USD với số dự án đầu tư ở nước ngoài.
Bắt đầu triển khai từ năm 2004, sau 16 năm Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) hiện tiếp tục sa lầy trong dự án khai thác và chế biến muối mỏ Kali tại Lào. Dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 522,466 triệu USD, vốn thực hiện đến nay đạt khoảng 81,06 triệu USD, song dự án không hiệu quả như dự kiến ban đầu, với lý do giá sản phẩm Kali tren thị trường thế giới giảm sâu kéo dài.
Vinachem xin tạm dừng dự án, tìm đối tác sang nhượng, song tới giờ những vướng mắc tại dự án này vẫn chưa được giải quyết. Theo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, do dự án đầu tư quy mô lớn, đầu tư tại Lào nên theo pháp luật Lào, đang có tranh chấp giữa chủ đầu tư với các nhà thầu và khó tìm đối tác chuyển nhượng nên việc xử lý các vấn đề liên quan phức tạp, mất nhiều thời gian. Hiện Ủy ban này tiếp tục chủ trì xử lý các vấn đề liên quan dự án.
2/5 dự án của Tập đoàn Than & Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng đã phải dừng đầu tư vì không hiệu quả và đã hoàn thành chuyển nhượng.
3 dự án còn lại của TKV tại Lào, Campuchia cũng không khả quan hơn. 3 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 21 triệu USD (vốn đã thực hiện là hơn 13 triệu USD), nhưng sau khi thăm dò, TKV cho biết phát hiện trữ lượng thấp, không đủ khả năng phát triển thương mại để chuyển sang khai thác, chế biến sâu. Hiện TKV đang tìm đối tác và thực hiện chuyển nhượng dự án để thu hồi vốn nhà nước đã đầu tư.
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – VNA) cũng đang trong cảnh phải dừng đầu tư, tìm đối tác chuyển nhượng tại dự án đầu tư vào hãng hàng không Cambodia Angkor (CCA) tại Campuchia.
VNA đã góp 49 triệu USD lập hãng hàng không Cambodia Angkor (CCA) tại Campuchia, tương đương 49% vốn điều lệ của CCA. Ở giai đoạn đầu đầu tư vào CCA, hãng này ghi nhận doanh thu hơn 676 triệu USD, trong đó 3 năm (2009-2012) có lãi sau thuế gần 1 triệu USD. Nhưng từ năm 2013 đến nay hãng thua lỗ.
Hiện VNA đã có kế hoạch thoái vốn tại hãng hàng không này sau hơn 10 năm góp vốn, nhưng đến nay việc thoái vốn chưa hoàn thành.
Trong số 23 dự án trồng cao su tại Lào, Campuchia với vốn rót hơn 1,3 tỷ USD của Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG), 8 dự án đã được triển khai thực hiện (5 nhà máy chế biến cao su tại Campuchia, 3 nhà máy tại Lào). Trong số này, dự án tại Lào bắt đầu có lãi trước thuế 87 tỷ đồng, số còn lại do mới đi vào hoạt động, lại gặp phải tình hình giá cao su trên thị trường xuống thấp nên vẫn trong giai đoạn cân đối thu – chi hàng năm.
Đến nay lợi nhuận lũy kế VRG đã chuyển về nước gần 4,4 triệu USD, khoảng 0,5 triệu USD được giữ lại tái đầu tư.
Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội (Viettel) và đơn vị thành viên là Viettel Global đã đầu tư 10 dự án mạng viễn thông tại Campuchia, Lào, Mozambique, Đông Timor, Cameroon, Burundi, Tanzania, Haiti, Myanmar, Peru và 3 dự án nghiên cứu phát triển tại Pháp, Mỹ, Nga.
Tổng vốn đăng ký là 2,99 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế đạt khoảng 1,79 tỷ USD. Lợi nhuận và vốn đầu tư đã chuyển về nước là trên 800 triệu USD (trong đó lợi nhuận là hơn 481 triệu USD).
Các dự án viễn thông của Viettel tại Lào, Campuchia mang lại hiệu quả cao với lợi nhuận và vốn chuyển về nước lũy kế lần lượt là hơn 265 triệu USD và hơn 168 triệu USD, song các dự án đầu tư tại châu Phi (Cameroon, Tanzania, Mozambique…) gặp khó khăn do tình hình chính trị và luật pháp không ổn định. Điển hình là dự án đầu tư của Viettel tại Cameroon đang xảy ra tranh chấp kéo dài giữa các bên trong liên doanh, dự án phải ngừng hoạt động, có nguy cơ mất vốn nhà nước.
Một số doanh nghiệp tư nhân cũng đang bị “sa lầy” trong đầu tư ra nước ngoài. Ví dụ như Công ty CP Golf Long Thành đang triển khai 2 dự án tại Lào có tổng vốn đăng ký là 1,1 tỷ USD; vốn đã chuyển ra nước ngoài khoảng 102,9 triệu USD.
Trong đó, dự án phát triển đặc khu kinh tế Long Thành – Vientiane có vốn đầu tư 1 tỷ USD, đã chuyển ra nước ngoài 96 triệu USD, phần sân golf đã đi vào hoạt động, có doanh thu nhưng chưa có lợi nhuận. Đối với các khu vực còn lại của dự án, nhà đầu tư đang gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng tồn tại từ năm 2012.
Sơn Nguyên

Không có nhận xét nào: