Thứ Ba, 28 tháng 7, 2020

NẠN DIỆT CHỦNG CÔNG NGHỆ CAO ĐANG DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO TẠI TÂN CƯƠNG?

Lam Hoang

Hai sự việc chấn động gần đây cuối cùng đã làm thế giới thức tỉnh về quy mô và sự kinh hoàng của những tội ác chống lại người Duy Ngô Nhĩ, một dân tộc thiểu số theo Hồi giáo ở Tân Cương, Trung Quốc. Sự việc đầu tiên là một báo cáo đáng tin cậy tiết lộ hành vi triệt sản có hệ thống đối với phụ nữ Duy Ngô Nhĩ. Sự việc còn lại là vụ Hải quan Mỹ thu giữ 13 tấn sản phẩm làm từ tóc người, nghi là tóc của những người Duy Ngô Nhĩ bị giam trong các trại tập trung. Cả hai sự việc đều gợi lên mối tương đồng đáng sợ với những tội ác đã từng xảy ra ở những nơi khác trong quá khứ, sự triệt sản cưỡng bức đối với những nhóm người thiểu số, người khuyết tật và người bản địa cũng như hình ảnh những ngọn núi tóc được trưng bày tại Auschwitz.
Công ước của Liên Hợp Quốc về ngăn ngừa và trừng phạt tội ác diệt chủng, mà Trung Quốc là một bên ký kết, định nghĩa “diệt chủng” là hành vi cụ thể chống lại các thành viên của một nhóm người với ý định tiêu diệt toàn bộ hoặc một phần nhóm người đó. Những hành vi này bao gồm (a) sát hại các thành viên của nhóm người; (b) gây tổn hại nghiêm trọng về thể xác hoặc tinh thần; (c) gây nên sự diệt vong của nhóm người bằng cách cố tình buộc họ phải chịu những điều kiện sống tồi tệ; (d) áp đặt các biện pháp nhằm ngăn chặn việc sinh đẻ trong nhóm người đó; và (e) dùng vũ lực chuyển trẻ em trong nhóm người đó sang một nhóm khác. Bất kỳ một hành vi nào được liệt kê ở trên đều đủ để cấu thành tội diệt chủng. Có rất nhiều bằng chứng cho thấy rõ rằng chiến dịch có chủ ý và có hệ thống của chính phủ Trung Quốc nhằm tiêu diệt người Duy Ngô Nhĩ đã phạm phải những hành vi bị xem là diệt chủng theo công ước.
Hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ thuộc sắc tộc Turk (Thổ) bị giam giữ trong các trại tập trung, nhà tù và những trạilao động cưỡng bức ở Trung Quốc. Những người bị giam giữ phải tuân theo kỷ luật kiểu quân đội, bị cải tạo tư tưởng và cưỡng bức nhận tội. Họ bị ngược đãi, tra tấn, hãm hiếp và thậm chí bị tước đoạt tính mạng. Những người thoát ra được kể lại rằng họ bị giật điện, xối nước, đánh đập nhiều lần, tra tấn căng cơ (stress positions) và bị tiêm các chất lạ. Những trại giam tập thể này được thiết kế để gây tổn hại nghiêm trọng về thể chất, tâm lý và triệt tiêu tinh thần dân tộc của người Duy Ngô Nhĩ. Những mệnh lệnh lặp đi lặp lại của chính phủ yêu cầu “cắt đứt nòi giống, cắt đứt cội nguồn, cắt đứt sự kết nối và cắt đứt nguồn gốc của họ”; “bắt giam những người đáng bị bắt giam”; và kiểm soát một cách có hệ thống việc sinh sản của họ; tất cả nhằm một ý định rõ ràng là xóa sổ hoàn toàn bản sắc của người Duy Ngô Nhĩ.

Ekpar Asat (anh trai của đồng tác giả Rayhan Asat) là một ví dụ điển hình về cách người Duy Ngô Nhĩ trở thành mục tiêu đàn áp bất kể họ có được công nhận là công dân Trung Quốc kiểu mẫu bởi Đảng Cộng sản hay không. Asat được chính phủ khen ngợi về khả năng lãnh đạo cộng đồng với tư cách là “nhân tố tích cực” và “cầu nối” giữa các dân tộc thiểu số với chính quyền địa phương khu vực Tân Cương. Nhưng Asat vẫn chịu chung số phận với hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ khác và bị đưa vào trại tập trung vào năm 2016. Anh bị giam giữ biệt lập và được cho là đang thụ án 15 năm với cáo buộc khống “kích động thù hận dân tộc”. Không tìm được bất cứ một tài liệu nào của tòa án nói về vụ việc này.
Năm 2017, Tân Cương tiến hành một cách tàn bạo “chiến dịch đặc biệt nhằm kiểm soát sinh sản” với những chỉ thị cụ thể của chính quyền địa phương. Năm 2019, chính phủ đã lên kế hoạch buộc hơn 80% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản ở phía nam Tân Cương phải đặt vòng tránh thai và triệt sản. Mục tiêu là “không còn bất kỳ trường hợp nào vi phạm quy định kiểm soát sinh sản”. Các tài liệu của chính phủ tiết lộ chiến dịch triệt sản quy mô lớn đối với phụ nữ Tân Cương được ngân sách nhà nước hỗ trợ để thực hiện hàng trăm ngàn ca triệt sản trong các năm 2019 và 2020. Con số này vượt xa quy mô, tỉ lệ bình quân đầu người so với tổng số ca triệt sản bắt buộc đối với phụ nữ trên khắp Trung Quốc trong thời kỳ “chính sách một con”.
Để thực hiện những chính sách này, chính quyền Tân Cương đã tiến hành các cuộc điều tra theo kiểu “truy bắt tội phạm” (dragnet-style) để săn lùng những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Sau khi bị bắt, những phụ nữ này không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận triệt sản bắt buộc để tránh bị đưa vào trại tập trung. Khi bị giam giữ, phụ nữ phải đối mặt với việc bị phá thai hoặc tiêm các loại thuốc không rõ nguồn gốc.
Thống kê cho thấy chính phủ Trung Quốc đang đạt được các mục tiêu kiểm soát sinh sản.
Từ năm 2015 đến 2018, tỷ lệ tăng dân số ở vùng đất của người Duy Ngô Nhĩ đã giảm mạnh đến 84%. Trong khi đó, các tài liệu chính thức cho thấy dù tỷ lệ triệt sản tăng vọt ở Tân Cương nhưng lại giảm mạnh ở các khu vực còn lại của Trung Quốc, và tài trợ cho các chương trình triệt sản này (ở Tân Cương) đã tăng lên. Từ năm 2017 đến 2018, tại một huyện, tỷ lệ phụ nữ bị vô sinh hoặc góa chồng tăng lần lượt là 124% và 117%. Năm 2018, 80% tổng số ca đặt vòng tránh thai của Trung Quốc được thực hiện ở Tân Cương dù tỉnh này chỉ chiếm 1,8% dân số cả nước. Những chiếc vòng tránh thai này chỉ có thể bị loại bỏ bằng tiểu phẫu được nhà nước cho phép hoặc theo những quy định khác của trại giam. Ở Kashgar, chỉ có khoảng 3% phụ nữ kết hôn trong độ tuổi sinh sản sinh con trong năm 2019. Những báo cáo thường niên mới nhất từ một số vùng đã bắt đầu loại bỏ hoàn toàn thông tin về tỷ lệ sinh sản để che giấu mức độ ảnh hưởng. Chính phủ Trung Quốc cũng đóng toàn bộ nền tảng trực tuyến sau khi tài liệu bị tiết lộ ra ngoài. Quy mô và phạm vi của các biện pháp này rõ ràng được thiết kế để kìm hãm khả năng sinh sản của cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ.
Với việc giam giữ đàn ông và triệt sản phụ nữ, chính phủ Trung Quốc đã khởi đầu cho sự hủy diệt về thể xác của những người Duy Ngô Nhĩ. Ít nhất nửa triệu trẻ em Duy Ngô Nhĩ còn lại đã bị tách khỏi gia đình và đang được nhà nước nuôi dưỡng tại cái gọi “mái ấm trẻ em”.
Điều làm cho nạn diệt chủng lần này trở nên đặc biệt nguy hiểm chính là sự tinh vi về mặt công nghệ, cho phép chính quyền Trung Quốc có thể thực hiện các hành động diệt chủng hiệu quả cũng như lẩn tránh sự chú ý từ cộng đồng quốc tế. Người Duy Ngô Nhĩ phải chịu sự giám sát của một nhà nước cảnh sát tiên tiến nhất, vốn kiểm soát và hạn chế sâu rộng mọi khía cạnh của đời sống, tôn giáo, gia đình, văn hóa và xã hội. Để việc giám sát thuận lợi, Tân Cương được quản lý theo một hệ thống hình lưới. Các thành phố và làng mạc được chia thành những ô vuông khoảng 500 người. Mỗi ô vuông có một đồn cảnh sát theo dõi chặt chẽ cư dân bằng cách thường xuyên quét thẻ căn cước, nhận dạng khuôn mặt, mẫu DNA, dấu vân tay và điện thoại di động. Các biện pháp này còn được hỗ trợ bởi một hệ thống vận hành bằng máy được gọi là “Nền tảng tích hợp phối hợp hoạt động” (Integrated Joint Operations Platform). Hệ thống này sử dụng công nghệ học máy (machine learning) để thu thập dữ liệu cá nhân từ các camera giám sát, điện thoại thông minh và những hồ sơ cá nhân khác nhằm tạo ra danh sách phục vụ cho việc bắt giữ. Ngoài ra có hơn một triệu người Hán được đưa vào sống chung trong các gia đình Duy Ngô Nhĩ đóng vai trò giám sát, khiến cho cả những không gian thân mật cũng phải chịu sự theo dõi của chính phủ.
Chính phủ Trung Quốc hiện đang vận hành hệ thống giám sát quy mô lớn mang tính can thiệp sâu rộng nhất trên thế giới, và liên tục từ chối cho phép cộng đồng quốc tế được tiếp cận nó. Do đó, việc cấp bách hiện nay là phải đánh giá được bản chất, mức độ và tốc độ của nạn diệt chủng này và hành động ngay trước khi quá muộn.
Việc thừa nhận những hành động mà chính quyền Trung Quốc đang làm với người Duy Ngô Nhĩ là hành động diệt chủng hay không là vấn đề mang tính sống còn. Năm 1994, vào thời điểm các quan chức Hoa Kỳ còn đang tranh luận về việc tình hình ở Rwanda có phải là một cuộc diệt chủng hay không thì gần một triệu người Tutsi đã bị sát hại. Một tài liệu được công bố bởi một quan chức Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ngày 1 tháng 5 năm 1994, thời điểm nạn diệt chủng đang lên mức cao trào, nói rằng: “Việc xem đây là một cuộc diệt chủng có thể khiến [chính phủ Mỹ] phải cam kết có những hành động cụ thể”. Bốn năm sau, Tổng thống Bill Clinton đứng trước những người sống sót ở Rwanda nói về thất bại lịch sử của chính quyền ông và thề rằng: “Chúng ta không bao giờ được phép tiếp tục do dự khi các bằng chứng đã bày ra trước mặt chúng ta”.
Với việc thông qua Đạo luật Chính sách Nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ, chính phủ Hoa Kỳ đã bắt đầu thực hiện các bước đi đúng đắn để tránh lặp lại một thảm kịch khác. Bảy mươi tám nghị sĩ đã tiếp tục kêu gọi chính quyền Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt theo Đạo luật Magnitsky đối với những quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm cho vấn đề Tân Cương và đưa ra tuyên bố chính thức lên án các tội ác tàn bạo, bao gồm cả tội diệt chủng. Cho đến nay, chính quyền Mỹ đã chính thức áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với bốn quan chức Trung Quốc và một thực thể phụ trách hệ thống giám sát và việc mở rộng các trại giam giữ ở Tân Cương. Chính phủ Hoa Kỳ hiện cần phải đưa ra một quyết định chính thức về tội diệt chủng. Điều này sẽ không khó khăn, vì người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Morgan Ortagus đã khẳng định rằng “Những gì xảy ra với người Duy Ngô Nhĩ… có thể là tội ác tồi tệ nhất mà chúng ta từng chứng kiến kể từ thảm sát Holocaust”.
Một tuyên bố chính thức về tội diệt chủng không đơn giản chỉ mang tính biểu tượng. Nó sẽ thúc đẩy các quốc gia khác tham gia vào một nỗ lực chung nhằm chấm dứt nạn diệt chủng đang diễn ra ở Tân Cương. Nó cũng sẽ nhắc nhở người tiêu dùng từ chối hơn 80 thương hiệu quốc tế đang thu lợi từ nạn diệt chủng. Hơn nữa, quyết định này sẽ tăng cường các công cụ pháp lý nhằm trừng phạt các công ty thu lợi từ chế độ nô lệ hiện đại trong chuỗi cung ứng của họ có nguồn gốc từ Trung Quốc và buộc các doanh nghiệp không được trục lợi từ nạn diệt chủng và cam kết tìm những nguồn cung ứng đảm bảo đạo đức.
Trong một thế giới kết nối sâu rộng ngày nay, chúng ta không chỉ là những người ngoài cuộc nếu chúng ta không xem đây là một nạn diệt chủng như nó đang diễn ra trước mắt chúng ta. Chúng ta còn là những kẻ đồng lõa.
---
Nguồn: Rayhan Asat & Yonah Diamond, “The World’s Most Technologically Sophisticated Genocide Is Happening in Xinjiang”, Foreign Policy, 05/07/2020.
Biên dịch: Nguyễn Thanh Hải
Rayhan Asat là một luật sư, chủ tịch Hiệp hội Luật sư Quốc tế người Mỹ gốc Turk, và là em gái của Ekpar Asat.
Yonah Diamond là cố vấn pháp lý tại Trung tâm Nhân quyền Raoul Wallenberg.
NCQT Posted on 22/07/2020
From: NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ

Không có nhận xét nào: