Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2020

"Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia từ việc hỗ trợ Việt Nam độc lập, mạnh mẽ, thịnh vượng"

 Thứ năm, ngày 02/07/2020 21:51 PM (GMT+7)

Aa Aa+
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Krittenbrink khẳng định: Việt Nam và Hoa Kỳ là các đối tác tin cậy của nhau, tình bằng hữu dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau.
 Bình luận 0
Tôn trọng thể chế chính trị mỗi nước
Mở đầu cuộc họp báo kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam Hoa Kỳ chiều nay (2/7), Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Krittenbrink nói rằng, bước tiến hai nước có được là rất to lớn. Ông điểm lại những thành tựu chính trong quan hệ song phương trước khi trả lời câu hỏi của báo chí.  
"Ngày nay 30 nghìn du học sinh Việt Nam học tập tại Hoa Kỳ. Họ sẽ quay trở lại Việt Nam và tôi tin họ sẽ đóng góp to lớn cho sự phát triển của Việt Nam
25 năm trước hai nước hầu như không có quan hệ thương mại. Giờ đây, kim ngạch thương mại hai chiều lên tới 77 tỷ USD mỗi năm.
Quan hệ quốc phòng phát triển, phản ánh lợi ích an ninh hai bên tương đồng với nhau. Quan hệ quân đội đóng góp vào môi trường an ninh mạnh mẽ, giúp thúc đẩy an ninh năng lượng, đảm bảo tất cả đạt được sự thịnh vượng kinh tế.
Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia từ việc hỗ trợ Việt Nam độc lập, mạnh mẽ, thịnh vượng - Ảnh 1.
Đại sứ Krittenbrink tại buổi họp báo.
Sự sâu sắc và độ rộng trong quan hệ song phương rất đáng ấn tượng. Quan hệ phát triển rộng khắp nhiều lĩnh vực, từ thương mại, y tế, an quốc phòng an ninh. Hai bên có cam kết chung về hòa bình và thịnh vượng.
Trong lúc hai bên hợp tác để đảm bảo hòa bình, thịnh vượng, ổn định, an ninh và xây dựng quan hệ, niềm tin chiến lược giữa hai quốc gia, chúng ta vẫn nhớ những nội dung có thể hợp tác từ các vấn đề trong quá khứ. Hoa Kỳ vẫn giữ cam kết xử lý dioxin Biên Hòa, xử lý vật liệu chưa nổ ở miền Trung và giúp đỡ người khuyết tật.
Hai bên tiếp tục hợp tác trên các vấn đề nhân đạo từng gắn bó từ những năm 1980, đó là việc tìm kiếm người mất tích cả hai phía. Hoa Kỳ rất biết ơn Việt Nam những năm qua hỗ trợ tìm kiếm 770 hài cốt quân nhân Mỹ tử trận trong chiến tranh và cũng cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm binh lính Việt Nam mất tích. 
Cùng lúc chúng ta  hợp tác trong xây dựng tương lai, tôn trọng quá khứ sẽ giúp xây dựng lòng tin cho chúng ta. Rõ ràng hai bên làm được nhiều việc. Nhưng tôi cho rằng, thành tích lớn nhất là ngày nay chúng ta hoàn toàn có thể gọi nhau là bạn bè và đối tác hết sức chân thành.
Phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ ở đây là để hỗ trợ Việt Nam phát triển. Tôi tin lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ có được từ việc hỗ trợ Việt Nam độc lập, mạnh mẽ, thịnh vượng.
Quan hệ hai nước trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau, thực tế là Tổng thống Donald Trump và 2 người tiền nhiệm đã tái khẳng định sự tôn trọng lẫn nhau đối với độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị mỗi nước. Tương lai chúng ta liên kết với nhau. Thành công, thịnh vượng của các bạn là của chúng tôi. Chúng tôi hết sức lạc quan về những thành tựu sẽ đạt được trong 25 năm tiếp theo".
Mỹ có sự tôn trọng rất lớn với Việt Nam
Theo đánh giá của ông, việc bình thường hóa quan hệ hai nước đã tác động như thế nào đến Việt Nam và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế?
- Tôi khó mà đánh giá những lợi ích tính toán của Việt Nam như thế nào, nhưng tôi nhận định cá nhân rằng câu chuyện thành công của Việt Nam  là câu chuyện phi thường và mọi người sẽ chia sẻ với tôi về nhận định đó. Cùng lúc với việc Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, tăng cường hợp tác quốc tế, thì Việt Nam cũng liên tục phát triển và gia tăng vai trò vị thế quốc tế của mình. Các nhà lãnh đạo và người dân Việt Nam đã tạo nên những thành tựu rất đáng tự hào đó. Nhưng trong suốt quá trình đó, mối quan hệ với Hoa Kỳ đã mang lại lợi ích cho Việt Nam. Cả hai quốc gia ủng hộ bình thường hóa vì cả hai đạt được những lợi ích rất to lớn trong quan hệ đó về an ninh, quốc phòng, kinh tế thương mại, giáo dục…
Chúng tôi có sự tôn trọng rất lớn với Việt Nam. Không chỉ 2 nước đạt nhiều thành tựu mà bản thân Việt Nam đạt được nhiều thành tựu và có thể tự hào vì vai trò càng lớn, những đóng góp và sự tự tin của Việt Nam.
Tôi có thể lấy một ví dụ nổi bật: Tháng 2/2020, Mỹ liên hệ với nhiều quốc gia tổ chức Hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nhưng Mỹ đã chọn Việt Nam và đã tới Việt Nam. Đó là vì chúng tôi tin tưởng Việt Nam hoàn toàn có thể hỗ trợ tổ chức hội nghị trong thời gian rất ngắn, tin vào năng lực ngoại giao của Việt Nam có thể giúp tổ chức hội nghị quan trọng như vậy.
Chúng tôi chọn Việt Nam cũng vì thấy Việt Nam tạo ra tấm gương, là minh chứng cho nhiều quốc gia khác nhìn vào, kể cả Triều Tiên. Việt Nam có mối quan hệ khá lạ với Hoa Kỳ, Việt Nam từng khá biệt lập với các quốc gia khác trên thế giới. Việt Nam từng có một nền kinh tế gần như là hoàn toàn tập trung. Nhưng sau 25 năm, Việt Nam là quốc gia có mối quan hệ hữu nghị đáng kể với Hoa Kỳ, có trách nhiệm với khu vực và thế giới. Năm nay Việt Nam là Chủ tịch ASEAN và tham gia Hội đồng Bảo an, có rất nhiều đóng góp, có chương trình cải cách kinh tế đem lại kết quả ấn tượng và tôi tin rằng Việt Nam thể là tấm gương, minh chứng rõ nét về sự phát triển của mình với các quốc gia khác.
Về thực chất chính là quan hệ chiến lược
Năm nay có hoạt động đặc biệt nào kỷ niệm quan hệ hai nước, chẳng hạn như nâng cấp quan hệ trở thành đối tác chiến lược?
"Trong một cuộc gặp của tôi với Đại sứ đầu tiên của Mỹ tại Việt Nam sau chiến tranh Pete Peterson, tôi nói những gì đạt được giữa hai nước là phép màu. Nhưng ông Peterson nói rằng tôi đã sai. Nếu nói "phép màu" thì đó là sự tình cờ, ngẫu nhiên. Ông nói những gì chúng ta đạt được là rất phi thường, rất to lớn, không phải nhờ sự thần thánh hay may mắn, mà nhờ sự dũng cảm và nỗ lực của hai phía những năm qua.
Tôi rất biết ơn những người đi trước, lãnh đạo hai quốc gia về dũng cảm, thiện chí của họ để đưa hai quốc gia gần lại, trở thành những đối tác và người bạn.
Là Đại sứ, cùng với 1.200 nhân viên phái đoàn ngoại giao của Mỹ ở Việt Nam, chúng tôi giữ cam kết mạnh mẽ về việc thúc đẩy quan hệ hai nước".
Đại sứ Krittenbrink
- Nếu hỏi trong năm nay hai bên có ý định tăng cường mối quan hệ không thì câu trả lời chắc chắn là "có".  Còn nếu muốn nâng cấp quan hệ hay không thì chưa có gì rõ ràng cả. Một người bạn của tôi trong Chính phủ Việt Nam nói, về chính thức thì chúng ta là quan hệ hợp tác toàn diện, nhưng về thực chất thì là quan hệ chiến lược. Tôi rất thích phát biểu đó. Cái tên mối quan hệ rất quan trọng vì mang ý nghĩa biểu tượng, nhưng chúng ta tập trung nhiều hơn vào bản chất, thực tiễn trong hợp tác để mang lại kết quả rõ rệt.
Vì vậy, chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng lòng tin giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, làm sao quan hệ thương mại kinh tế càng công bằng, tự do, có đi có lại, cân bằng với nhau hơn; làm sao tăng cường quan hệ quốc phòng an ninh, hơn là tên chính thức của quan hệ đó là gì. Tôi tin với quan hệ đối tác mạnh nhất, tốt nhất từ trước tới nay, chúng ta có thể kỷ niệm bình thường hóa quan hệ rất tốt và vui vẻ, với sự hợp tác càng ngày càng tăng hơn nữa.
 Xin ông đánh giá về hợp tác an ninh quốc phòng hai bên? Hoa Kỳ hỗ trợ an ninh quốc phòng, đào tạp nhân lực như thế nào cho Việt Nam trong thời gian sắp tới?
- Tôi tin rằng quan hệ đối tác hai bên tốt nhất từ trước tới nay. Điều này cũng đúng với quan hệ an ninh và quan hệ quân đội 2 nước. Hai bên có lợi ích chung trong việc hiểu rõ nhau và tăng cường hợp tác. Những việc đó giúp đẩy mạnh đóng góp của Việt Nam với an ninh quốc tế. Hoa Kỳ đã tăng cường giao lưu đối thoại với đồng cấp của chúng tôi ở Việt Nam. Đó là lý do mà 3 năm qua có 3 chuyến thăm của các bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ tới Việt Nam. Chúng tôi có nhiều cuộc gặp chính thức, phi chính thức giữa hai bên ở Hà Nội hay ở Hawaii.  Hôm qua, tôi cũng thăm Bộ Quốc phòng.
Từ năm 2012 Hoa Kỳ dành hàng trăm triệu USD hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực quốc phòng, đặc biệt là năng lực hàng hải. Chúng tôi có lợi ích trong giệc giúp đỡ các quốc gia kể cả Việt Nam hiểu điều gì đang xảy ra trong lãnh thổ của họ và bảo vệ lợi ích của họ. Nội dung đào tạo của Mỹ giúp Việt Nam, gồm cả đào tạo phi công, đáp ứng cả 2 lợi ích trên. Càng tương tác với nhau nhiều chúng ta càng hiểu nhau, tin tưởng và tôn trọng nhau hơn. Tôi hy vọng ngày càng nhiều cán bộ sĩ quan Việt Nam tham gia học tập, diễn tập tại các học viện của chúng tôi.
Chúng tôi cũng giúp đào tạo lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc mà Việt Nam đã cử đi Sudan và rất thành công trong sứ mệnh đó. Tôi hy vọng sẽ có nhiều hoạt động hợp tác đào tạo hơn trong tương lai, và với tốc độ cả hai bên thấy thoải mái.
Người bạn đặc biệt
Ông nhận xét thế nào về việc hợp tác giữa hai nước ứng phó với Covid-19?
- Đó là sự hợp tác rất hiệu quả. Tôi nghĩ Việt Nam ứng phó thuộc diện tốt nhất trên toàn thế giới. Chúng tôi tự hào là đối tác của Việt Nam trong lĩnh vực y tế trong hơn 20 năm qua, với hơn 700 triệu USD xây dựng năng lực cho hệ thống y tế Việt Nam. Chúng tôi vui mừng khi nỗ lực đó được mở rộng nhằm ngăn chặn Covid-19.
Tôi xúc động và biết ơn những hỗ trợ mà Việt Nam dành cho Hoa Kỳ. Chúng tôi có thành ngữ "Những người bạn trong lúc khó khăn sẽ là người bạn thực sự". Tôi nghĩ chúng tôi không có người bạn nào đặc biệt như Việt Nam cả. Chúng tôi nhận được hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân Việt Nam tặng hàng triệu khẩu trang và thiết bị y tế mà chúng tôi sử dụng cho các nhân viên y tế và cá nhân ở Hoa Kỳ.
Covid-19 không ảnh hưởng đến hợp tác trong các vấn đề hàng hải ở Biển Đông. Chúng tôi tiếp tục hợp tác với Việt Nam và các đối tác ASEAN thúc đẩy các lợi ích chung, nâng cao năng lực hàng hải của các quốc gia trong khu vực, điều đó sẽ tiếp diễn dù có ảnh hưởng của Covid-19.
Các cựu chiến binh đóng góp cải thiện quan hệ như thế nào?
- Hôm qua tôi có cuộc gặp Tổng Biên tập Báo Nhân Dân - ông Thuận Hữu. Khi thăm nhà truyền thống của báo, có một lúc tôi rất xúc động khi chứng kiến kỷ vật của những phóng viên Báo Nhân Dân hy sinh trong cuộc chiến với Hoa Kỳ. Trong cuộc gặp còn có mặt một cán bộ lãnh đạo Báo Nhân Dân là con trai của một nhà báo đã hy sinh trong cuộc chiến đó. Tôi bước đến và bắt tay, nói chuyện, và tôi tin ông ấy rất tự hào vì sự hy sinh của người cha cho đất nước. Dù trong lòng tôi thấy rất tiếc về quá khứ bi thương và sự hy sinh đó, nhưng tôi biết ơn khi có thể gặp lại ông ấy như người bạn và vì mối quan hệ chúng ta có hôm nay.
Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia từ việc hỗ trợ Việt Nam độc lập, mạnh mẽ, thịnh vượng - Ảnh 3.
Đại sứ Krittenbrink thăm Nghĩa trang Liệt sĩ TP.HCM hôm 21/6. Ảnh: Zingnews.
Tuần này, lần đầu tiên tôi thăm tỉnh Thanh Hóa và được đón tiếp nồng hậu. Tôi rất xúc động khi tham gia cuộc giao lưu của cựu chiến binh 2 bên tại Thanh Hóa, nơi có giao tranh ác liệt trong chiến tranh. Tôi cùng các cựu chiến binh nắm tay nhau đi ra giữa cầu Hàm Rồng. Đó là một cử chỉ biểu tượng thúc đẩy hòa giải và hàn gắn, và thúc đẩy quan hệ tiến tới.
Nhiều năm qua, chúng ta thúc đẩy hoạt động như vậy của các cựu chiến binh hai nước. Tôi đã tham gia một số hoạt động như vậy. Tôi nghĩ trải nghiệm của các cựu binh và gia đình họ đã thúc đẩy họ tham gia nhiều hoạt động trong quan hệ của chúng ta.
Một người bạn của tôi là lãnh đạo tổ chức Peace Tree ở Mỹ. Anh trai bà hy sinh trong chiến tranh. Từ đó bà thành lập tổ chức này với nhiệm vụ chuyên tháo gỡ vật liệu nổ còn lại từ chiến tranh ở Quảng Trị.
Tôi muốn nhắc lại câu nói của Tổng thống Bill Clinton khi tuyên bố bình thường hóa quan hệ năm 1995: Chúng ta không được quên quá khứ nhưng không được để quá khứ kiểm soát chúng ta. Chúng ta không thể thay đổi quá khứ nhưng có thể nỗ lực nhiều để cùng nhau thúc đẩy hợp tác và hòa giải.
"Hoa Kỳ tin vào việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông, việc tự do bay qua và di chuyển trên Biển Đông, chúng tôi phản đối các hoạt động tìm cách cưỡng ép các quốc gia khác trên Biển Đông. Chúng tôi phản đối hành động của Trung Quốc ngăn cản các quốc gia khác có hoạt động dầu khí trên Biển Đông, bao gồm cả các hoạt động từ rất lâu đời của Việt Nam trên Biển Đông.
Chúng tôi phản đối Trung Quốc ngăn cản các quốc gia khác trong ASEAN khai thác trữ lượng 2.500 tỷ USD trên Biển Đông. Chúng tôi phản đối Trung Quốc ngăn cản các hoạt động tự do hàng hải, cản trở tự do thương mại và kinh tế trên Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương.
Chúng tôi cho rằng Trung Quốc cần dừng các hoạt động mang tính khiêu khích làm ảnh hưởng sự ổn định trong khu vực.
Vài tháng qua Trung Quốc có nhiều hoạt động quấy rối tàu cá Việt Nam, bao gồm việc đâm chìm tàu cá Việt Nam, triển khai tàu khảo sát đến các khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác.
Chính sách của Hoa Kỳ được thiết kế để nhằm ủng hộ sự ổn định của các quốc gia, làm sao bảo đảm sự ổn định trong các lợi ích chung. Đó là lý do mà quân đội Hoa Kỳ có mặt trên Biển Đông thời gian qua và sẽ tiếp tục thực hiện ở bất kỳ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép".
Đại sứ Krittenbrink
Vĩnh Nguyên

Không có nhận xét nào: