Cách đây 12 năm, khi Giáo sư Võ Tòng Xuân đưa ra đề xuất gộp Tết Nguyên Đán với Tết Tây, dư luận đã tranh luận sôi nổi mà ai cũng có những lý lẽ thuyết phục của riêng mình.
Từ đó, cứ mỗi lần Tết sắp đến, người ta lại quay trở lại với chủ đề này. Thế nhưng, có một lý do, vượt ra ngoài những lợi ích về kinh tế, năng suất lao động hay thói quen, tình cảm đối với hương vị cổ truyền, Tết Nguyên Đán còn có một ý nghĩa lớn hơn nữa, mà chúng ta đã đang dần quên đi.
Khi Đất Trời sang chu kỳ mới, vạn vật, cỏ cây đều đón Tết, cớ sao lòng người lại muốn chệch đi?
Nguyên chữ “Tết” chính là đọc lái đi của “Tiết”. Trong nền văn minh lúa nước từ thời Hùng Vương xưa kia, vì đời sống quay quanh việc canh tác nông nghiệp, nên đã “phân chia” thời gian trong một năm thành 24 tiết khác nhau, giữa mỗi tiết lại có một thời khắc gọi là “giao thời”.
Tiết xuân chính là khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng mới, nên đó là tiết quan trọng nhất trong năm. Sau này được gọi là Tết Nguyên Đán, Tết chính là Tiết, Nguyên là sự khởi đầu mới và Đán là buổi sớm.
Trong “Thuyết văn giải tự” ý nghĩa của từ “năm” là “ngũ cốc đại thục” (ngũ cốc chín). Cổ nhân sau khi được mùa phải cảm tạ Thần linh bảo hộ, do đó sẽ tiến hành nghi lễ quan trọng là thờ phụng và cảm tạ Thần linh, đồng thời cầu xin năm sau mưa thuận gió hòa.
Mâm cúng Thiên Địa cảm tạ Đất Trời. (Ảnh: Pinterest)