Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2016

Nga tiếp tục bán vũ khí tiên tiến cho Trung Quốc có thể gây căng thẳng khu vực

HỒNG THỦY

(GDVN) - Nga có thể gây lo ngại cho các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Su-35 và S-400 có thể tạo ra uy lực phòng không, không quân rất lớn ở Biển Đông.
Financial Times ngày 3/11 đưa tin, Nga đã lặng lẽ tiếp tục bán vũ khí tiên tiến cho Bắc Kinh, động thái bất chấp những lo ngại bị Trung Quốc ăn cắp công nghệ này cho thấy, các tín hiệu về địa chính trị - kinh tế đang chiếm ưu thế trong quan hệ Trung - Nga.
Tuần này, các quan chức quốc phòng Nga - Trung tham gia Triển lãm hàng không Chu Hải tiết lộ, Nga sẽ cung cấp 4 chiếc Su-35 cho Bắc Kinh trong năm nay.
Vladimir Drozhzhov, Phó Giám đốc phụ trách Hợp tác kỹ thuật quân sự Liên bang Nga cho biết: "Chúng tôi đang thực hiện các hợp đồng đã ký tháng 11 năm ngoái." Ông lưu ý, Trung Quốc đã ký một thỏa thuận đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ của Nga.
Su-35 của Nga, ảnh: FT.com.
Phi công Trung Quốc cũng đang được đào tạo tại Nga với dòng Su-35 và sẽ lái những chiếc Su-35 đầu tiên về Trung Quốc.
Thỏa thuận mua 24 chiếc Su-35 trị giá 2 tỉ USD dự kiến sẽ được hoàn thành trong 3 năm. Trung Quốc là nước chi tiêu quân sự lớn thứ hai thế giới, với ngân sách 215 tỉ USD năm ngoái, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stokholm.
Trung Quốc cũng là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ 3 thế giới từ năm 2011 đến 2015, trong khi Nga là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2.
Thỏa thuận Su-35 đạt được cùng với một thỏa thuận năm 2014 Nga đồng ý bán hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Trung Quốc. Hệ thống này có thể được bàn giao vào năm 2018.
Nhìn chung hợp đồng mua bán vũ khí giữa hai nước có trị giá khoảng 8 tỉ USD, theo ông Drozhzhov.
Vasily Kashin, một chuyên gia về ngành công nghiệp vũ khí Trung Quốc tại Moscow cho biết, quyết định bán cho Bắc Kinh 2 hệ thống vũ khí tiên tiến này cho thấy, rõ ràng Trung Quốc đã trở lại với tư cách nước nhập khẩu vũ khí hàng đầu của Nga.
Allan Behm, một nhà phân tích quốc phòng Australia bình luận: "Thực tế hiện nay, Nga có thể làm phức tạp thêm việc lập kế hoạch chiến lược của Mỹ và đồng minh, nên không có gì đáng ngạc nhiên khi Nga bán một số vũ khí tiên tiến cho Trung Quốc."
Ruslan Pukhov, Giám đốc Trung tâm phân tích Chiến lược và công nghệ Moscow cho hay, trong những năm 1990 ngành công nghiệp quốc phòng của Nga đã sống sót nhờ 2 khách hàng quan trọng, Trung Quốc và Ấn Độ.
Tuy nhiên sau đó quan hệ Moscow - Bắc Kinh trở nên căng thẳng vì hệ thống vũ khí Nga bị Bắc Kinh sao chép trái phép, biến Su-27, Su-30 thành J-11.
Năm 2004, Nga tạm dừng xuất khẩu vũ khí công nghệ cao sang Trung Quốc. Nhưng 10 năm sau, một số yếu tố địa chính trị đã thúc đẩy 2 nước tái khởi động chương trình này.
Hệ thống tên lửa S-400, ảnh: FT.com
Tống Trung Bình, một chuyên gia quân sự Trung Quốc bình luận, Bắc Kinh đã quyết định rằng vẫn phải dùng công nghệ của Nga. Vũ khí Nga cải thiện đáng kể khả năng tác chiến của quân đội Trung Quốc.
Còn ông Pukhov cho hay, sau sự kiện Crimea năm 2014, biện pháp trừng phạt từ phương Tây đã buộc Nga phải tìm đến sự hỗ trợ chiến lược từ Trung Quốc.
Các cuộc đàm phán mua bán Su-35 và S-400 giữa Nga với Trung Quốc bắt đầu từ trước 2014, nhưng vấn đề chỉ được chốt lại sau sự kiện Crimea.
Vasily Kashin tự tin rằng, Trung Quốc khó có thể ăn cắp công nghệ Su-35 và S-400.
Hiện vẫn còn một số công nghệ tiên tiến Nga sẽ không bán cho Trung Quốc, chẳng hạn công nghệ của tên lửa hành trình Iskander giúp nó bay nhanh và rất khó đánh chặn.
Moscow cũng không cung cấp cho Bắc Kinh hệ thống truyền hình vệ tinh để phát hiện những vụ phóng tên lửa đạn đạo.
Người viết cho rằng, động thái này của Nga có thể gây lo ngại cho các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Su-35 và S-400 có thể tạo ra uy lực phòng không, không quân rất lớn ở Biển Đông cũng như Hoa Đông.
Đặc biệt là hệ thống tên lửa phòng không S-400 có tầm bắn 400 km, có thể bắn trúng mục tiêu bay cao 31 km, theo nhà sản xuất S-400, hệ thống tên lửa này còn có khả năng tấn công 36 mục tiêu đồng thời, cả máy bay lẫn tên lửa liên lục địa.
Trước đó Trung Quốc đã mua được hệ thống S-300 của Nga. Đài Loan đã nằm trong tầm ngắm của S-300, nay có thêm S-400 sẽ cho phép Bắc Kinh có khả năng tấn công bất kỳ mục tiêu nào ở Đài Loan, thậm chí xa xôi hơn như New Delhi.
Tài liệu tham khảo:
Hồng Thủy

Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016

Phim Đông Dương của đạo diễn Régis Wargnier: MỘT BỘ PHIM TỐ CÁO TỘI ÁC CS XUẤT SẮC ĐANG ĐƯỢC CÔNG CHIẾU TẠI HÀ NỘI ?; Đạo diễn tiết lộ: Đoàn phim 'Đông Dương' chưa từng bị phía Việt Nam làm khó

Đôi lời phi lộ của Phạm Viết Đào: 

Trong liên hoan phim quốc tế năm nay tại Hà Nội, Ban Tổ chức đã tổ chức chiếu bộ phim Đông Dương của đạo diễn Regis Warnier...

Theo một vài nguồn tin chưa kiểm chứng: để duy trì Liên hoan phim này, Bộ Văn hóa đã phải bỏ ra khoảng 40 tỷ đồng...

Đây là bộ phim mình đã xem trong lần công chiếu đầu tiên tại Hà Nội năm 1992, lúc đó mình đang là chuyên viên theo dõi sáng tác của Vụ Điện ảnh-Bộ Văn hóa-Thông tin-Thể thao và Du lịch nên đã xem với Hội đồng duyệt phim quốc gia...

Xem xong phim này mình đã có bài bình luận gửi cho báo, lâu ngày không còn nhớ đã đăng báo nào...Trong bài bình, mình đã chứng minh: Đông Dương là một bộ phim tố cáo tội ác CS tài tình và xuất sắc...

Nội dung cốt truyện bộ phim nói về số phận cuộc đời " tự diễn biến" của cô Camille do Phạm Linh Đan đóng: từ một cô gáinhạy cảm, đầy cảm tính, sẵn sàng từ bỏ tất cả để nghe theo tiếng gọi của trái tim, của tình yêu...

Do cuộc tình đầy cảm tình giữ Camille với một viên sĩ quan Pháp nên họ đã bị chính quyền Pháp ngăn trở mặc dù họ đãcó con với nhau...

Do sự ngăn trở này mà Jean Batipste Le Guen đã tử trận còn Camille tham gia cách mạng và cô đã trưởng thành...

Đứa con của 2 người mang dòng máu Việt Pháp được người mẹ nuôi của Camille là Eliane Devries đưa về Pháp nuôi. Chiến tranh Việt-Pháp kết thúc, trong một chuyến công tác Camille được qua Paris; Eliane rất mừng đem con của Camille đến gặp mẹ nhưng Camille đã cự tuyệt không gặp đứa con khúc ruột của mình...

Vì lập trường giai cấp, vì sự trong sạch của lý lịch của một cán bộ cách mạng, Camille không thừa nhận đứa con rơi của mình đang được mà mẹ nuôi chăm sóc tốt tại Paris...

Bộ phim đang được công chiếu tại Hà Nội và để tiện theo dõi các bạn đọc thêm bài giới thiệu trên TTXVN...


Phim kinh điển “Đông Dương” phiên bản phục dựng đến Việt Nam

Nhân dịp Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2016 bộ phim kinh điển “Indochine” (“Đông Dương”) của Pháp, từng đoạt giải Oscar hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, sẽ ra mắt khán giả Việt với phiên bản phục dựng.

Một cảnh trong phim. 
Cùng bộ phim đến Việt Nam còn có đạo diễn Régis Wargnier với tư cách Chủ tịch Ban giám khảo Phim truyện dài và nữ diễn viên chính – minh tinh Catherine Deneuve. Hai nghệ sỹ có buổi ra mắt và giao lưu với khán giả tối nay 2/11 tại L’Espace Hà Nội.

Bộ phim “Đông Dương” của đạo diễn Régis Wargnier công chiếu lần đầu năm 1992 khiến cả thế giới có một cái nhìn khác về Việt Nam. Phim không chỉ dành giải Oscar, giải Quả Cầu Vàng cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, mà minh tinh Catherine Deneuve đã vinh dự nhận giải César và đề cử Oscar cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất trong phim. Năm 2015 phim “Đông Dương” được LHP Cannes chọn chiếu trong hạng mục “Cannes kinh điển”.
Sau 24 năm, bộ phim được tái hiện lại dưới định dạng phim Ultra HD 4K, hứa hẹn sẽ mang lại những trải nghiệm cao cấp và sắc nét hơn cho khán giả, để họ sẽ tiếp tục bị cuốn vào câu chuyện về tình mẫu tử giữa Éliane Devries (Catherin Deneuve) cùng cô con gái nuôi Camille và tình yêu tay ba ngang trái giữa hai mẹ con với viên sĩ quan điển trai Jean – Baptiste Le Guen. 

Lấy bối cảnh Đông Dương thập niên 1930 -1950, “Đông Dương” xoay quanh cuộc đời của hai mẹ con Eliane Devries (Catherine Deneuve) và Camille (Phạm Linh Đan).

Eliane là một phụ nữ Pháp sống ở Việt Nam, nơi cha cô có một đồn điền cao su rộng lớn. Dù có nhiều người theo đuổi nhưng Eliane vẫn ở vậy và nhận Camille, một cô gái Việt mồ côi mang dòng dõi vua chúa làm con nuôi. Hai mẹ con cùng nhau sống bình lặng tại Việt Nam cho tới khi gặp viên sĩ quan hải quân trẻ tuổi Jean-Baptiste Le Guen (do Vincent Perez thủ vai). Thật trớ trêu khi cả Eliane và Camille đều phải lòng viên sĩ quan. Nhận ra tình cảm của con gái, Eliane đã chôn vùi tình cảm của mình. Còn Camille, khi đó đã được sắp đặt hôn lễ với một thanh niên quý tộc người Việt, đã sẵn sàng từ bỏ tất cả để đi theo tiếng gọi của tình yêu.

Để ngăn cản con khỏi một cuộc hôn nhân không lối thoát, Eliane đã sắp xếp để Jean-Baptiste được điều đi tới một nơi xa gần vịnh Hạ Long. Camille đã bỏ trốn để đi tìm người tình trong mộng. Trong suốt hành trình tìm kiếm Jean-Baptiste, Camille chu du qua nhiều vùng đất, gặp gỡ những con người cô chưa từng quen biết. Tinh thần tự tôn và lòng yêu nước dần dần khiến Camille giác ngộ cách mạng.

Gặp lại người tình và cùng nhau bỏ trốn, Camille đã kịp mang trong mình dòng máu của chàng sĩ quan trẻ tuổi. Hai người bị Chính quyền thực dân Pháp săn đuổi. Sau cái chết của Jean-Baptiste, Eliane nhận nuôi em bé, còn Camille đi theo cách mạng. Bộ phim kết thúc với hình ảnh Eliane đưa cháu trai đến Hội nghị Geneve 1954 gặp mẹ Camille, lúc này đang là một thành viên của phái đoàn Việt Nam. Đó cũng là khi chiến tranh tại Đông Dương kết thúc.

Khi tham gia phim “Đông Dương” Catherine Deneuve đã là một ngôi sao màn bạc sáng chói của Điện ảnh Pháp. Bà khẳng định tên tuổi không chỉ bằng vẻ đẹp quý phái, tài năng xuất chúng, mà còn bằng vô số giải thưởng trong và ngoài nước Pháp. Deneuve còn là nhà hoạt động xã hội, đóng góp nhiều cho lĩnh vực y tế, giáo dục… tại các nước chậm phát triển. Năm 1994 bà là Phó chủ tịch Ban giám khảo Liên hoan phim Cannes danh giá.

Phạm Linh Đan sinh năm 1974 tại Sài Gòn và sang Pháp định cư năm 1975. Vai Camille trong phim là vai diễn đầu tiên khi cô mới 17 tuổi. Với vai Camille Linh Đan được đề cử giải César cho Nữ diễn viên triển vọng. Nhưng phải đến năm 2005 với vai diễn trong phim “De battre mon coeur s'est arrêté” của đạo diễn Jacques Audiard cô mới chính thức được nhận giải César cho Nữ diễn viên triển vọng. Linh Đan đã tham gia bộ phim “Chơi vơi” của đạo diễn trẻ Bùi Thạc Chuyên, kịch bản của Phan Đăng Di. Bộ phim đã vinh dự nhận giải thưởng của giới phê bình tại Liên hoan phim Venice.

Vincent Pérez chạm ngõ điện ảnh năm 1986. Sau phim “Đông Dương” anh nhận được nhiều vai diễn và đã 2 lần nhận đề cử giải César cho nam diễn viên xuất sắc trong phim. Sau này anh đã làm đạo diễn một số phim điện ảnh. Trong đó phim đầu tay đã nhận đề cử tại Liên hoan phim Cannes 1992 cho hạng mục Giải Ban giám khảo dành cho phim ngắn.

Từ ngày 4/11/2016 bộ phim “Đông Dương” phiên bản phục dựng cũng sẽ ra rạp tại Việt Nam: Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, Viện Pháp tại Hà Nội (L’Espace), BHD Vincom Nguyễn Chí Thanh, Rạp Tháng 8 (Hà Nội); BHD Icon 68, BHD Thảo Điền Q.2, Galaxy Nguyễn Du, Cinestar (TP HCM).
H. Minh (TTXVN)



Đạo diễn tiết lộ chuyện chưa kể về phim đoạt Oscar quay ở VN


 Đạo diễn Régis Wargnier tiết lộ đối tác tại Việt Nam đã giúp đỡ ông rất nhiều. Qua đó, ê-kíp bộ phim “Indochine” không bao giờ bị các chính quyền địa phương gây khó dễ.
Tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội (HANIFF) năm nay, đạo diễn Régis Wargnier là trưởng ban giám khảo hạng mục Phim dài. Đồng thời, ông cùng minh tinh Catherine Deneuve đem đến Việt Nam phiên bản phục dựng kỹ thuật số 4K của Indochine - Đông Dương (1992).
Đây là bộ phim Pháp gần nhất thắng giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc của Oscar, và có bối cảnh quay chủ yếu tại Việt Nam.
Phóng viên Zing.vn đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn phim Đông Dương.

‘Đông Dương’: Tuyệt phẩm Oscar được quay tại Việt Nam

Nước Pháp đã không biết mùi chiến thắng ở hạng mục Phim nước ngoài của Oscar kể từ “Indochine” (1992). Năm nay, phim được phục dựng với phiên bản kỹ thuật số và có mặt tại HANIFF.
'Mỗi ngày làm việc ở Việt Nam đều bất ngờ, thú vị'
- Xin chào đạo diễn Regis Wargnier, điều gì khiến ông và ê-kíp quyết định phục dựng bộ phim ‘Đông Dương’ sau 24 năm?
- Quyết định phục dựng Đông Dương thành phiên bản kỹ thuật số 4K vốn là ý tưởng của StudioCanal - đơn vị hiện nắm giữ bản quyền tác phẩm. Tôi rất vui với điều đó, bởi đây là cách mà các studio lớn trên toàn thế giới lưu giữ các tác phẩm điện ảnh kinh điển cho thế hệ khán giả về sau.
Đã 24 năm trôi qua, khó còn bản phim nhựa 35 mm nào giữ được nguyên chất lượng như ngày xưa.
- Theo ông, tại sao kể từ sau ‘Đông Dương’, vẫn chưa có một phim Pháp nào khác thắng giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc tại Oscar?
- Oscar hay bất cứ giải thưởng điện ảnh nào khác không chỉ phụ thuộc vào mỗi mình chất lượng tác phẩm. Chúng ta phải đặt giải thưởng vào bối cảnh lịch sử, bối cảnh chính trị, những câu chuyện hậu trường xảy ra xung quanh giải thưởng…
Tôi nghĩ là nước Pháp đã có nhiều lần suýt chạm đến chiến thắng trong 24 năm qua, như với Amélie (2001) hay Mustang (2014). Nhưng để giành thắng lợi, các nhà sản xuất còn phải tìm cách quảng bá phim tại Mỹ để thu hút sự chú ý. Chuyện giải thưởng thường nằm ngoài tầm với của những người làm công tác đạo diễn.
Dao dien tiet lo chuyen chua ke ve phim doat Oscar quay o VN hinh anh 1
Đạo diễn Régis Wargnier bên cạnh minh tinh Catherine Deneuve và đại sứ Pháp tại Việt Nam Bertrand Lortholary trong buổi họp báo ra mắt phiên bản 4K của Đông Dương. Ảnh: Việt Hùng.
- Đâu là điều mà đến giờ ông vẫn còn nhớ về quá trình ghi hình phim ‘Đông Dương’ tại Việt Nam?
- Mỗi ngày ghi hình Đông Dương tại đây đều có chuyện hay để kể. Nhưng tôi nhớ nhất có một hôm ở vịnh Hạ Long, đoàn phim gặp cơn mưa nhiệt đới trái mùa rất lớn. Nhiều người lập tức tìm chỗ để trú mưa, nhưng tôi bèn ra lệnh đưa Vincent Pérez và Phạm Linh Đan lên con thuyền nhỏ, đẩy họ ra giữa mặt nước.
Quang cảnh lúc ấy rất đẹp và tôi nghĩ mình không thể bỏ qua điều đó. Trong phim, cơn mưa ấy giống như đã cứu Jean-Baptiste và Camille khỏi tình cảnh khó khăn mà hai nhân vật đang phải đối mặt. Điều tôi muốn nói ở đây là mỗi ngày làm việc ở Việt Nam đều có thể mang đến những bất ngờ thú vị.
'Bị cuốn hút bởi phần trình diễn tuồng của ông Lê Tiến Thọ'
- Ông làm thế nào để tìm ra Phạm Linh Đan cho vai Camille?
- Chúng tôi đã tổ chức một cuộc tìm kiếm diễn viên trên quy mô rộng khắp tại Pháp. Vòng sơ loại thì tôi chỉ theo dõi qua các đoạn băng mà đồng nghiệp ghi lại, rồi cùng họ chọn ra 30 cô gái lọt vào vòng tiếp theo.
Lần đầu tiên gặp Phạm Linh Đan ngoài đời, tôi nhớ cô ấy mặc một chiếc váy trắng. Gương mặt của Linh Đan khiến tôi rất có cảm tình, nhưng cô ấy vẫn phải tham gia thêm nhiều vòng thử thách nữa, cho đến khi chỉ còn lại ba ứng viên. Cuối cùng, tôi chọn Linh Đan bởi tin tưởng khả năng diễn xuất và gương mặt sáng của cô ấy.
Dao dien tiet lo chuyen chua ke ve phim doat Oscar quay o VN hinh anh 2
Một cảnh quay tại Việt Nam của phim Đông Dương. Ảnh: StudioCanal.
- Ông có gặp khó khăn nào từ phía chính quyền Việt Nam khi quay ‘Đông Dương’ vào những năm đầu thập niên 1990 hay không?
- Trước khi quay phim, tôi đã tìm được đối tác từ phía Việt Nam để họ chuyên lo liệu công tác hậu cần với chính quyền các địa phương như Hạ Long, Nam Định, Huế… Đi đến đâu, tôi cũng bị đe trước rằng sẽ gặp khó khăn đấy, sẽ phải mất nhiều thủ tục đấy. Nhưng rốt cuộc, chẳng có điều gì xảy ra cả.
Tôi cho rằng chính quyền hiểu rằng bộ phim Đông Dương giống như món quà tôi muốn dành tặng mảnh đất này. Tôi sinh ra vào những năm 1940, khi cụm từ “Đông Dương” luôn gợi lên vẻ huyền bí cho nhiều người Pháp. Đam mê lịch sử và địa lý từ nhỏ đã thôi thúc tôi làm nên bộ phim.
Đến Việt Nam vào năm 1989 để khảo sát địa hình, tôi thấy đất nước các bạn hoàn toàn vắng bóng khách du lịch, dù đó là Hà Nội, TP.HCM hay những vùng biên giới. Tôi nghĩ Đông Dương đã giúp cho ngành du lịch Việt Nam phát triển và chính quyền nhìn thấy cơ hội ấy từ bộ phim ngay từ khi nó chưa hoàn thành.
Cá nhân tôi quen rất nhiều người Pháp, hay thậm chí cả cựu chiến binh Mỹ tại chiến trường Việt Nam, từng xem phim Đông Dương. Họ bảo bộ phim đã góp phần xóa tan những định kiến không hay về mảnh đất và thôi thúc họ đến đây để tìm tòi, khám phá.


 Đạo diễn Régis Wargnier hồi tưởng về các diễn viên Việt Nam trong 'Đông Dương': Sau 25 năm, nhà làm phim người Pháp vẫn nhớ rất nhiều con người Việt Nam từng giúp đỡ ông thực hiện tác phẩm điện ảnh thắng giải Oscar.
- Ông nhớ ai nhất trong số những con người Việt Nam từng tham gia phim ‘Đông Dương’?
- 9 năm trước, tôi có trở lại Việt Nam và gặp Lê Tiến Thọ, một trong những diễn viên Việt Nam tham gia phim Đông Dương. Khi đó, ông ấy đã là Thứ trưởng Bộ VHTTDL. Còn lần đầu chúng tôi gặp nhau, Lê Tiến Thọ là một nghệ sĩ tuồng và tôi hoàn toàn bị cuốn hút bởi màn trình diễn của ông ấy.
Như Quỳnh là một diễn viên có thực lực tại Việt Nam. Bà ấy rất tử tế khi chấp nhận một vai nhỏ trong bộ phim của tôi. Có một chuyện mà tôi vẫn nhớ mãi về Như Quỳnh.
Ngày mà bà ấy đã diễn xong vai của mình, tôi bèn gửi lời cảm ơn và chào tạm biệt. Nhưng sáng hôm sau, Như Quỳnh cùng một vài người khác vẫn quay lại. Họ muốn giúp đỡ ê-kíp hóa trang, phục trang…, tức từ diễn viên trở thành nhân viên hậu trường.
Đoàn phim Đông Dương của tôi trở thành một tập thể độc đáo chính vì những con người Việt Nam ấy.


 NSƯT Tất Bình kể chuyện đoàn phim 'Đông Dương' tại Việt Nam: NSƯT Tất Bình từng sắm một vai nhỏ trong bộ phim thắng giải Oscar của điện ảnh Pháp, và từng giúp đỡ rất nhiều cho ê-kíp làm phim có cơ hội làm việc tại Việt Nam.
'Hãy cho tôi một kịch bản hay, tôi sẽ trở lại Việt Nam làm phim'
- Sau thành công của ‘Đông Dương’ và giải thưởng Oscar, tại sao ông không tới Hollywood làm việc như nhiều đạo diễn khác?
- Tại Mỹ, cơ hội để những đạo diễn như tôi sáng tạo nghệ thuật là không nhiều, và bản thân tôi cũng không cảm thấy hứng thú lắm với hàng loạt kịch bản mà họ từng đề nghị mình thực hiện. Ngành công nghiệp điện ảnh Hollywood giống như một cỗ máy, và người đạo diễn nhiều khi chỉ là một mắt xích nhỏ.
Làm phim tại đó chưa chắc đã được lựa chọn diễn viên theo ý muốn, chỉnh sửa hoặc sáng tạo kịch bản theo cảm quan cá nhân. Như thế, người đạo diễn sẽ chỉ giống như những “kẻ đánh thuê”, và tôi hoàn toàn không thích thú gì điều đó.
- Sau 25 năm, ông thấy Việt Nam thay đổi như thế nào?
- Thế giới đã thay đổi rất nhiều trong 25 năm qua, và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Giờ là thời đại của Internet, tôi có thể thường xuyên cập nhật thông tin về đất nước và con người các bạn. Tại Pháp, tôi cũng được gặp nhiều người Việt Nam hơn, hay thậm chí xem một số phim của nền điện ảnh các bạn.
Tôi tin rằng Pháp và Việt Nam giờ rất gần gũi, và giờ nếu muốn làm phim tại đây cũng chẳng gặp phải khó khăn gì quá lớn. Hãy cho tôi một kịch bản hay, chắc chắn tôi sẽ quay lại Việt Nam để làm phim.
- Xin cảm ơn ông.
Tuấn Lương - Hoàng Hiệ

Kiểm chứng một số “nhận diện”, “nguyên nhân” của Nghị quyết TW 4 khóa 12 với thực tiễn đất nước…( Bài 1)

Phạm Viết Đào.

Một trong 4 nguyên tắc của Lý luận nhận thức của chủ nghĩa Mác Lê nin đã xác định:

“Cơ sở chủ yếu và trực tiếp nhất của nhận thức là thực tiễn. Thực tiễn còn là mục đích của nhân thức, là tiêu chuẩn để kiểm tra chân lý của nhận thức.”
(https://voer.edu.vn/m/ly-luan-nhan-thuc/eea81801)
Căn cứ vào nguyên lý này, chúng ta cùng soi vào thực tiễn nền kinh tế-xã hội Việt Nam hiện nay hiện đang đặt dưới quyền lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng CS Việt Nam để đánh giá, kiểm chứng những kết quả và hậu quả cũng như trách nhiệm của Đảng như Điều 4 Hiến pháp 2013 đã quy định trước hiện tình đất nước:
1.    Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
2.    Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.

MỘT VÀI THÔNG TIN ĐÁNG CHÚ Ý VỀ TÌNH HÌNH QUẢN LÝ KINH TẾ-XÃ HỘI VÀ NỢ CÔNG

Điều mà dư luận xã hội hiện đang hết sứ lo lắng, quan tâm đó là vấn đề nhà nước đã sử dụng một nguồn ngân sách lớn, đầu tư không hiệu quả, thất thoát dẫn tới nợ công cao, đất nước đứng trước nguy cơ vỡ nợ; môi trường chạm ngưỡng ô nhiệm cao như lời BT Bộ Tài Nguyên Môi trường; Môi trường xã hội thì rối loạn…
Chính kinh tế, làm ăn không hiệu quả, điều hành kinh tế vĩ mô có vấn đề chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đất nước tới bờ vực thảm họa; xô đẩy đất nước, con người và các quan hệ kinh tế-xã hộ chuyến hóa sang chiều hướng xấu…
Xin nêu một vài thông tin về công nợ của Chính phủ:

“-Nợ công lên tới 86 tỉ USD: Mỗi người dân Việt Nam phải gánh khoản nợ gần 29 triệu đồng tính đến hết năm 2014…

Trong một báo cáo mới đây của Bộ Tài chính trước Quốc hội, mức nợ công tính tới cuối năm 2015 đang chiếm 61,3 % GDP. Nợ công Việt Nam gia tăng mạnh qua các năm, chủ yếu do nợ trong nước. Hiện mỗi người dân Việt Nam đang phải gánh khoản nợ khoảng gần 29 triệu đồng. 

-“Tốc độ tăng nợ công gấp 3 lần tăng trưởng GDP

 Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, tổng nợ công năm 2015 là 2,68 triệu tỷ đồng, gấp 14,8 lần so với năm 2001.
Giải trình trước Quốc hội ngày 1/11, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2001, nợ công mới chỉ chiếm 36,5% GDP; năm 2005 là 40,8%; năm 2010 là 50% và năm 2015 đã lên 62,2% GDP.
Về quy mô, năm 2015, tổng nợ công khoảng 2,68 triệu tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm 2010, gấp 7,6 lần năm 2005 và gấp 14,8 lần so với năm 2001. Tốc độ tăng nợ công của giai đoạn 2011-2015 là 18,5% mỗi năm, gấp khoảng 3 lần so với tốc độ tăng trưởng kinh tế cùng kỳ.
(http://news.zing.vn/toc-do-tang-no-cong-gap-3-lan-tang-truong-gdp-post694368.html)

Những khoản nợ công này liên quan mật thiết tới sự thất thoái tại các dự án đầu tư điển hình sau đây:
-“Báo cáo của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng nêu tên nhiều dự án thua lỗ, “đắp chiếu” như: Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình do Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình (Tập đoàn Hoá chất) đầu tư với số vốn 12.000 tỷ đồng nhưng qua 4 năm hoạt động, mỗi năm đã lỗ khoảng 2.000 tỷ đồng.
-Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ của Công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư 7.000 tỷ đồng nhưng đã phải tạm ngừng hoạt động.
-Dự án nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất là một trong ba nhà máy ethanol trọng điểm quốc gia với số vốn đầu tư lên đến hơn 2.200 tỷ đồng đã dừng hoạt động. Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 trên 8.000 tỷ đồng vẫn chưa hoạt động sau 10 năm triển khai.
-Nhà máy bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An do Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải (Tracodi - tên giao dịch ở thời điểm đó là Công ty Đầu tư Phát triển Giao thông vận tải thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6) đầu tư với số vốn 3.000 tỷ đồng sau 10 năm phải bỏ hoang vì không thể sản xuất được do công nghệ không phù hợp.
-Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (tổng vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng, do Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên làm chủ đầu tư;

-Liên quan đến việc thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng (giai đoạn 2011- 2013) tại Tổng Cty CP Xây lắp Dầu khí (PVC), tìm hiểu của PV được biết, năm 2011 PVC được giao làm Tổng thầu EPC với gói thầu lên tới trên 34 nghìn tỷ đồng, năm 2015 - 2016 được giao 2 gói thầu trị giá hơn 3.000 tỷ đồng.

Được chỉ định nhiều gói thầu lớn
Theo tìm hiểu của PV, Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 (ở Thái Thuỵ, Thái Bình) do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) làm chủ đầu tư, và PVC (thành viên của tập đoàn) làm Tổng thầu EPC. Dự án khởi công năm 2011, công suất thiết kế 1.200MW, tổng mức đầu tư 34.295 tỷ đồng (tương đương 1,7 ty USD), dự kiến hoàn thiện năm 2015.
Tiếp đó, tại Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 (ở huyện Châu Thành, Hậu Giang) được khởi công ngày 16/5/2015, do PVN làm chủ đầu tư, TCty Lắp máy VN (Lilama) làm Tổng thầu EPC, PVC cũng nhận được 2 gói thầu trị giá hơn 3.000 tỷ đồng theo cơ chế “chỉ định thầu”.
Ngày 22/7, một lãnh đạo Lilama cho biết thêm, gói thầu Xử lý nền được ký kết giữa Lilama và PVC ngày 29/5/2015, trị giá 571 tỷ đồng. Gói thầu Xây dựng được ký kết giữa Lilama với PVC ngày 5/4/2015, trị giá 2,555 tỷ đồng. Vị lãnh đạo này cho rằng, nếu được quyết sẽ thực hiện cơ chế đấu thầu, chứ không chỉ định thầu như hiện nay.

Những dữ liệu kể trên được đúc kết trong các điều sau đây của Nghị quyết TW 4 khóa 12:
6) Quyết định hoặc tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên...; đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả; mua sắm, sử dụng tài sản công vượt quy định; chi tiêu công quỹ tùy tiện, vô nguyên tắc. Sử dụng lãng phí nguồn nhân lực, phí phạm thời gian lao động. 
7) Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực. 
8) Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi. 

( Mục 2- Biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống ; II- NHẬN DIỆN NHỮNG BIỂU HIỆN SUY THOÁI VỀ TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ, ĐẠO ĐỨC, LỐI SỐNG, "TỰ DIỄN BIẾN", "TỰ CHUYỂN HÓA" )

Những thất này liên quan tới Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng, Vũ Đình Duy và rất nhiều quan chức của Đảng, do Đảng cử ra đảm nhận là chủ dự án, chủ đầu tư…
Trước thực trạng của nền kinh tế xã hội Nghị quyết TW 4 khóa 12 đã đánh giá như thế nào:
“Đảng ta xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ và vị thế như ngày nay. Đó là kết quả sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có sự hy sinh quên mình và đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Chúng ta có quyền tự hào về bản chất tốt đẹp, truyền thống anh hùng và lịch sử vẻ vang của Đảng ta - Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đại biểu của dân tộc Việt Nam anh hùng. “
Tuy nhiên, công tác xây dựng Đảng còn không ít hạn chế, khuyết điểm. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, giảng dạy và học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa đáp ứng yêu cầu…
Nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; việc đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị còn bị động, thiếu sắc bén và hiệu quả chưa cao…”
( Phần tình hình )
Tình hình trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. 
1)    Nguyên nhân khách quan: 

Tác động từ khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội trên thế giới sau sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu; từ mặt trái của kinh tế thị trường, những hoạt động lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ thông tin, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. 
Những khó khăn, thách thức của các nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh quốc tế hiện nay; nhiều vấn đề mới, phức tạp phát sinh từ thực tiễn nhưng chưa được lý giải và xử lý kịp thời, hiệu quả. 
Các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh thực hiện chiến lược "diễn biến hoà bình", lợi dụng các vấn đề "dân chủ", "nhân quyền", dân tộc, tôn giáo và những yếu kém, sơ hở, mất cảnh giác của ta để xuyên tạc, bóp méo tình hình; cổ súy cho lối sống hưởng thụ, thực dụng, ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa;
Đồng thời, cấu kết với các phần tử cơ hội và bất mãn chính trị hoạt động ráo riết, chống phá cách mạng ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn. 
( Phần nguyên nhân khách quan )
MỘT VÀI CÂU HỎI ĐẶT RA:
Phần tình hình đã phân tích đúng, trúng với những diễn biến của thực tiễn hay thực tiễn một đằng nhưng lại nhận đinh một nẻo?
Liệu tình hình thất thoát ngân sách hàng ngàn tỷ đồng do đầu tư vào các dự án không hiệu quả là thực tế; Liệu thực tế này có trùng khớp, liên quan tới tình hình giảng dạy và “học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa đáp ứng yêu cầu…” không như NQTW 4 đánh giá?
Việc thất thoát hàng ngàn tỷ dẫn tới nợ công chạm trần liệu có do các thể lực thù địch như phần nguyên nhân khách quan nêu ?
Liệu sự sụp đổ cúa các nước Đông Âu có liên quan gì tới Khu gang thép Thái Nguyên, đến nhà máy đạm Ninh Bình và nhiều dự án khác đầu tư hang ngàn tỷ không hiệu quả’ Đến sự thua lỗ hang ngàn tỷ ở EVN mặc dù kinh doanh độc quyền, một mình một chợ ?
Quy trách nhiệm thất thoát hàng ngàn tỷ dẫn tới nợ công cao là do: “Các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh thực hiện chiến lược "diễn biến hoà bình", lợi dụng các vấn đề "dân chủ", "nhân quyền", dân tộc, tôn giáo và những yếu kém, sơ hở, mất cảnh giác của ta để xuyên tạc, bóp méo tình hình; cổ súy cho lối sống hưởng thụ, thực dụng, ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa” liệu đã biện chứng khách quan chưa; Có đúng sát thực tiễn ?

P.V.Đ.
( Còn nữa…)

Bài 2 sẽ kiểm chứng tình hình kinh tế-xã hội của đất nước với Phần nguyên nhân chủ quan )