HỒNG THỦY
(GDVN) - Nga có thể gây lo ngại cho các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Su-35 và S-400 có thể tạo ra uy lực phòng không, không quân rất lớn ở Biển Đông.
Trung - Mỹ cạnh tranh, Rodrigo Duterte đắc lợiTrung Quốc sẽ thiên về sử dụng vũ lực bảo vệ cái gọi là "lợi ích cốt lõi"?Mỹ thay Đại sứ tại Philippines, Ngoại trưởng Kerry muốn gặp ông Duterte lần chót
Financial Times ngày 3/11 đưa tin, Nga đã lặng lẽ tiếp tục bán vũ khí tiên tiến cho Bắc Kinh, động thái bất chấp những lo ngại bị Trung Quốc ăn cắp công nghệ này cho thấy, các tín hiệu về địa chính trị - kinh tế đang chiếm ưu thế trong quan hệ Trung - Nga.
Tuần này, các quan chức quốc phòng Nga - Trung tham gia Triển lãm hàng không Chu Hải tiết lộ, Nga sẽ cung cấp 4 chiếc Su-35 cho Bắc Kinh trong năm nay.
Vladimir Drozhzhov, Phó Giám đốc phụ trách Hợp tác kỹ thuật quân sự Liên bang Nga cho biết: "Chúng tôi đang thực hiện các hợp đồng đã ký tháng 11 năm ngoái." Ông lưu ý, Trung Quốc đã ký một thỏa thuận đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ của Nga.
Su-35 của Nga, ảnh: FT.com. |
Phi công Trung Quốc cũng đang được đào tạo tại Nga với dòng Su-35 và sẽ lái những chiếc Su-35 đầu tiên về Trung Quốc.
Thỏa thuận mua 24 chiếc Su-35 trị giá 2 tỉ USD dự kiến sẽ được hoàn thành trong 3 năm. Trung Quốc là nước chi tiêu quân sự lớn thứ hai thế giới, với ngân sách 215 tỉ USD năm ngoái, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stokholm.
Trung Quốc cũng là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ 3 thế giới từ năm 2011 đến 2015, trong khi Nga là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2.
Thỏa thuận Su-35 đạt được cùng với một thỏa thuận năm 2014 Nga đồng ý bán hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Trung Quốc. Hệ thống này có thể được bàn giao vào năm 2018.
Nhìn chung hợp đồng mua bán vũ khí giữa hai nước có trị giá khoảng 8 tỉ USD, theo ông Drozhzhov.
Vasily Kashin, một chuyên gia về ngành công nghiệp vũ khí Trung Quốc tại Moscow cho biết, quyết định bán cho Bắc Kinh 2 hệ thống vũ khí tiên tiến này cho thấy, rõ ràng Trung Quốc đã trở lại với tư cách nước nhập khẩu vũ khí hàng đầu của Nga.
Allan Behm, một nhà phân tích quốc phòng Australia bình luận: "Thực tế hiện nay, Nga có thể làm phức tạp thêm việc lập kế hoạch chiến lược của Mỹ và đồng minh, nên không có gì đáng ngạc nhiên khi Nga bán một số vũ khí tiên tiến cho Trung Quốc."
Ruslan Pukhov, Giám đốc Trung tâm phân tích Chiến lược và công nghệ Moscow cho hay, trong những năm 1990 ngành công nghiệp quốc phòng của Nga đã sống sót nhờ 2 khách hàng quan trọng, Trung Quốc và Ấn Độ.
Tuy nhiên sau đó quan hệ Moscow - Bắc Kinh trở nên căng thẳng vì hệ thống vũ khí Nga bị Bắc Kinh sao chép trái phép, biến Su-27, Su-30 thành J-11.
Năm 2004, Nga tạm dừng xuất khẩu vũ khí công nghệ cao sang Trung Quốc. Nhưng 10 năm sau, một số yếu tố địa chính trị đã thúc đẩy 2 nước tái khởi động chương trình này.
Hệ thống tên lửa S-400, ảnh: FT.com |
Tống Trung Bình, một chuyên gia quân sự Trung Quốc bình luận, Bắc Kinh đã quyết định rằng vẫn phải dùng công nghệ của Nga. Vũ khí Nga cải thiện đáng kể khả năng tác chiến của quân đội Trung Quốc.
Còn ông Pukhov cho hay, sau sự kiện Crimea năm 2014, biện pháp trừng phạt từ phương Tây đã buộc Nga phải tìm đến sự hỗ trợ chiến lược từ Trung Quốc.
Các cuộc đàm phán mua bán Su-35 và S-400 giữa Nga với Trung Quốc bắt đầu từ trước 2014, nhưng vấn đề chỉ được chốt lại sau sự kiện Crimea.
Vasily Kashin tự tin rằng, Trung Quốc khó có thể ăn cắp công nghệ Su-35 và S-400.
Hiện vẫn còn một số công nghệ tiên tiến Nga sẽ không bán cho Trung Quốc, chẳng hạn công nghệ của tên lửa hành trình Iskander giúp nó bay nhanh và rất khó đánh chặn.
Moscow cũng không cung cấp cho Bắc Kinh hệ thống truyền hình vệ tinh để phát hiện những vụ phóng tên lửa đạn đạo.
Người viết cho rằng, động thái này của Nga có thể gây lo ngại cho các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Su-35 và S-400 có thể tạo ra uy lực phòng không, không quân rất lớn ở Biển Đông cũng như Hoa Đông.
Đặc biệt là hệ thống tên lửa phòng không S-400 có tầm bắn 400 km, có thể bắn trúng mục tiêu bay cao 31 km, theo nhà sản xuất S-400, hệ thống tên lửa này còn có khả năng tấn công 36 mục tiêu đồng thời, cả máy bay lẫn tên lửa liên lục địa.
Trước đó Trung Quốc đã mua được hệ thống S-300 của Nga. Đài Loan đã nằm trong tầm ngắm của S-300, nay có thêm S-400 sẽ cho phép Bắc Kinh có khả năng tấn công bất kỳ mục tiêu nào ở Đài Loan, thậm chí xa xôi hơn như New Delhi.
Tài liệu tham khảo:
Hồng Thủy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét