Thứ Tư, 30 tháng 11, 2016

Đất nước Cuba, thời kỳ trước đế chế cai trị của Fidel Castro.



Tôi muốn cung cấp một số dữ liệu lịch sử và thống kê về sự “lạc hậu” của đất nước  Cuba trước năm 1961, khi mà Castro chấp nhận đề nghị của lãnh đạo Liên Xô  Khrushchev  (chắc hẳn bị tống tiền) và  phản bội cuộc cách mạng, bằng cách dẫn dắt cả đất nước vào con đường đen tối của Chủ nghĩa cộng sản. Phản bội, bởi vì cách mạng những năm 1953-1959 không phải là cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa cũng không chống tư bản, mà đó chỉ là một cuộc cách mạnh toàn dân nhằm chống lại  tướng Fulgencio Batista, vị tổng thống do toàn dân bầu chọn vào năm 1940, nhưng đã quyết định  duy trì quyền lực một cách bất hợp pháp thông qua một cuộc đảo chính vào năm 1952. Ngày từ những ngày đầu tiên khi  Castro lên nắm quyền, người dân Cuba đã nhận ra rằng họ lại bị lừa một lần nữa. Castro đã được đón nhận tại  Havana ngày 02 tháng 1 năm 1959 như là  một vị  anh hùng dân tộc, nhưng kể từ  ngày  3 tháng Giêng, ở đó đã bắt đầu các cuộc đàn áp (trả thù cá nhân của Castro đối với kẻ thù của mình, từ bỏ các cuộc bầu cử và cái kết mà đất nước Cuba đã biến thành trong hơn 50 năm qua. Đó là, Castro biến đất nước của mình thành những gì  mà cuộc cách mạng nổ ra nhằm chống lại chúng.
Bởi vậy. Tôi xin dẫn ra các số liệu trần trụi  về đất nước Cuba trước năm 1959 (khi đó là đất nước phát triển nhất trong hệ thống các nướcTây Ban Nha – Mỹ.  Sau Cuba,  các nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Mexico, Argentina, và nhiều khác còn phải xếp hàng khá dài) và sau đó, cùng với những số liệu – là những gì còn lại của hòn đảo.
Kể từ năm 1829 – quốc gia đầu tiên trong khối các nước Ibero-Mỹ (bao gồm cả Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha), bắt đầu đưa tàu vận tải biển vào vận hành.
1837 – Quốc gia thứ ba trên thế giới (sau Anh và Mỹ), xây dựng xong và đưa vào vận hành các tuyến  đường sắt.
1847 – Quốc gia đầu tiên ở châu Mỹ bắt đầu sử dụng  chất gây mê  ether trong phẫu thuật.
1877 – Quốc gia đầu tiên trên thế giới, trình diễn ứng dụng việc sử dụng điện trong công nghiệp.
1881 – Cuba giải quyết bệnh nhiệt đới khủng khiếp nhất vào thời điểm đó – cơn sốt vàng – và phát minh ra một loại thuốc sử dụng cho đến bây giờ. Bác sỹ  Carlos Finlay người Cuba là tác giả của phát minh này.
1889 – Cuba là nước đầu tiên trong khối Ibero-Mỹ (bao gồm cả Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha) và thứ hai ở châu Mỹ, sau Hoa Kỳ, lắp đặt đèn  chiếu sáng đường phố.
Giữa năm 1825 và cho đến khi độc lập vào năm 1898,  nguồn thu nhập từ Cuba chiếm đến 60-75% ngân khố của Tây Ban Nha. Trong chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ năm 1902, sau cuộc xâm lược của Tây Ban Nha vào  Cuba, và theo  yêu cầu của nhà cầm quyền của hòn đảo, gửi cho chính phủ Mỹ về việc bảo vệ đất nước, Tây Ban Nha đã thua trận. Hoa Kỳ theo các điều khoản của một hiệp ước hòa bình với Tây Ban Nha nhận được  khoản bồi thường từ  Tây Ban Nha hòn đảo Puerto Rico, đồng thời đền bù cho tất cả các doanh nhân Tây Ban Nha và các thương nhân, những người muốn dời bỏ Cuba và Puerto Rico (có rất  ít số người có nhu cầu này), thông qua Chính phủ Tây Ban Nha, tổng cộng 3 triệu đô la Mỹ thời đó.
Năm 1900 – ở Cuba xuất hiện những chiếc xe hơi đầu tiên trên mảnh đất  Mỹ Latinh.  Rene Mendez Capote người Cuba  trở thành nữ tài xế  đầu tiên ở Châu Mỹ và Tây Ban Nha.
1900 – kiếm sĩ Ramon Fonts, người Cuba  là người đầu tiên ở Mỹ Latin trở thành nhà vô địch Olympic.
1906 – Havana – thành phố đầu tiên trên thế giới đã thiết lập các trạm điện thoại  quay số trực tiếp (áp dụng công nghệ mới nhất trong kỹ thuật điện thoại thời đó – ND).
Năm 1907 -lần đầu tiên ở Mỹ Latinh (kể cả ởTây Ban Nha) tại Havana đã khai trương bộ phận X-quang trong  y học.
19 Tháng Năm năm 1913,  chuyến bay đầu tiên  ở Châu Mỹ Latin được thực hiện tại Cuba. Agustin Parla và Domingo Rosilo người Cuba đã trở thành những  phi công đầu tiên của Châu Mỹ la tinh. Chuyến bay kéo dài 2 giờ và 40 phút, giữa Havana và Cayo Ueso (Cayo Hueso) ở Florida của Mỹ.
Từ năm 1915 tới 1959 – đồng peso Cuba (peso Cubano) – tiền tệ duy nhất trên thế giới, mà trong vòng 44 năm ổn định so với đồng đô la Mỹ, và chỉ chênh lệnh đúng 1 cent  ($).
1918 – quốc gia đầu tiên ở châu Mỹ, cũng như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, cho phép ly hôn.
Nhà vô địch thứ ba môn  cờ vua thế giới và giữ chức vô địch duy nhất từ năm 1921-đến 1927 Jose Raul Capablanca người Cuba.
1922 – quốc gia thứ hai trên thế giới, mở đài phát thanh đầu tiên và phát sóng các buổi hòa nhạc và tin tức thường xuyên.
Phát thanh viên đầu tiên trên thế giới là nữ công dân Cuba – Esther Perea de la Torre.
Năm 1928, Cuba đã có là 68 đài phát thanh, và 43 trong số đó – ở Havana. Theo chỉ số này, Cuba đang đứng thứ 4 trên thế giới sau Hoa Kỳ, Canada và Liên bang Xô Viết và đứng vị trí số một tiên trên thế giới về số lượng các đài phát thanh tình trên đầu người  và trên một lãnh thổ nhỏ như vậy.
Cuba – quốc gia đầu tiên trên thế giới, phát hành các chương trình phát thanh dài kỳ (kịch, đọc truyện…  trên radio), mà sau này đã trở thành ông tổ của các chương trình nhiều tập trên radio và trong tương lai – các bộ phim truyền hình nhiều tập. Như vậy, Cuba được coi là cái nôi của series phim truyền hình. Tác giả của chương trình đầu tiên này  –  Felix Kaynet người Cuba (Félix Caignet)
1929 – Hãng hàng không  Cubana de Aviación đã được thiết lập, một trong những hãng hàng không thương mại đầu tiên của thế giới.
1935 – Cuba trở thành quốc gia châu Mỹ La tinh lớn nhất xuất khẩu các chương trình dài tập trên radio và vở kịch trên  radio.
1937 – Cuba là nước ở Mỹ Latinh đầu tiên thông qua một đạo luật về ngày làm việc 8 tiếng và mức lương tối thiểu.
1940 – Tổng thống đầu tiên của thế giới – một người lai da đen và da trắng (mẹ là người da đen-và cha – người lai da đen và da trắng), được đại đa số người dân Cuba bầu chọn. Lúc đó, cũng như hiện tại – phần đông dân số là dân da trắng.   Trớ trêu thay, chính ông ta đã trở thành nhà độc tài trong  tương lai – Fulgencio Batista (Fulgencio Batista y Zaldívar).
1940 – Cuba đã thông qua hiến pháp tiên tiến nhất trong hệ thống Ibero-Mỹ (bao gồm cả Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha), trong số những thành tựu của Cuba phải kể đến: lần đầu tiên ở châu Mỹ Latinh đã thiết lập quyền  bình đẳng giữa nam và nữ giới, giữa các chủng tộc, vv. Còn tại Tây Ban Nha, người phụ nữ nhận được quyền bình đẳng với nam giới chỉ trong năm 1976.
1950 – quốc gia thứ hai trên thế giới, mở một đài truyền hình và hãng phim. Cuba đã trở thành một trung tâm truyền hình ở Mỹ Latinh, và Havana đã trở thành trung tâm của các chương trình kinh doanh giải trí của Mỹ Latin (nay trung tâm này ở Miami).
1952 –  khu dân cư đầu tiên trên thế giới được xây dựng ở thủ đô Havana (tòa nhà El Focsa) bằng công nghệ bê tông.
1954 – Cuba – đất nước có những đàn bò lớn với số  lượng các con bò bình quân trên đầu người lớn nhất trên thế giới –1 con bò/ mỗi người dân. Đồng thời, Cuba – quốc gia thứ ba trên thế giới về tiêu thụ thịt tính theo bình quân đầu người (đứng sau  Argentina và Uruguay).
1955 – quốc gia thứ hai ở Mỹ Latinh (bao gồm cả Tây Ban Nha), sau Uruguay, với tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh thấp nhất (33,4 phần nghìn/ ca sinh).
1956 – Liên Hiệp Quốc đã công nhận Cuba là  nước Mỹ Latin với số lượng thấp nhất dân số mù chữ (23%, trong thời điểm đó là một con số thấp). Ở Haiti, 90% không biết chữ, Tây Ban Nha, El Salvador, Guatemala, Bolivia, Venezuela, Brazil, Peru, Cộng hòa Dominica – hơn 50%.
1957 – Liên Hiệp Quốc công nhận Cuba là đất nước có  chỉ số sức khỏe tốt nhất trên thế giới và tốt nhất ở Mỹ Latinh và Tây Ban Nha. Ở  Cuba tính trung bình cứ 957 người dân thì có một bác sỹ giỏi.
1957 – đất nước có tỷ lệ điện khí hóa cao nhất ở Mỹ Latinh với số lượng các nhà dân sử dụng điện dân dụng cao nhất (83%) và nhà ở với WC đầy đủ tiện nghi (80%). Các tỷ lệ này là cao nhất trong thế giới.
1957 – số lượng calo tiêu thụ hàng ngày của mỗi người Cuba – 2870 – tỷ lệ này ở Cuba đứng thứ hai ở LA, sau Uruguay.
1957 – Havana – thành phố thứ hai trên thế giới đã mở các rạp chiếp phim với ứng dụng 3D và rạp chiếu phim  – Multisala. Havana là thành phố có số lượng lớn nhất của các rạp chiếu phim trên thế giới – 358 – vượt cả New York, Paris, London và các thành phố khác trên thế giới.
1958 – quốc gia thứ hai trên thế giới, bắt đầu phát sóng TV màu và kinh doanh TV màu (đến nay,  nhiều ngôi nhà vẫn còn sử dụng những TV này).
1958 – Nước đứng thứ  ba ở châu Mỹ Latinh về số lượng xe oto (160.000, tức cứ 38 người Cuba thì có một ô tô). Quốc gia đứng đầu  ở LA về số lượng các thiết bị điện dân dụng dùng trong gia đình. Đứng  số một  trên thế giới về chiều dài của tuyến đường sắt  trên một cây số vuông và số lượng các máy thu phát radio trên thế giới (1 radio/2 người).
Từ năm 1950 đến năm 1958, Cuba xếp  thứ hai  / thứ ba về  thu nhập tính trên đầu người  trong các nước thuộc hệ thống  Ibero-Mỹ, cao hơn Ý và hơn 2 lần so với Tây Ban Nha. Mặc dù diện tích nhỏ và chỉ có 6,5 triệu dân, trong năm 1958, Cuba xếp hạng 29 trong số các nền kinh tế mạnh trên thế giới, vượt xa tất cả các nước Mỹ Latin, Tây Ban Nha, Ý và Bồ Đào Nha.
1958 – Theo Tổ chức Lao động quốc tế, mức lương trung bình của công nhân của Cuba – ở vị trí thứ tám trên thế giới (sau Hoa Kỳ, Canada, Thụy Điển, Thụy Sĩ, New Zealand, Đan Mạch và Na Uy), còn thu nhập của người nông dân – ở vị trí thứ bảy trên thế giới. Tỷ lệ thất nghiệp – một trong những mức thấp nhất trên thế giới – 7,07%. Tổng dân số làm việc tại Cuba năm 1958-2.204.000 người.
Bên cạnh đó, vào năm 1958, Cuba là quốc gia có hệ thống đường quốc lộ chất lượng  tốt nhất Mỹ Latinh, với số lượng lớn nhất  các siêu thị ở châu Mỹ Latinh, với những sân bay hiện đại nhất (Havana), với vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất và với nguồn ngân sách lớn nhất trên toàn châu Mỹ dành cho việc bảo tồn các di tích lịch sử và di tích kiến trúc.
Từ tất cả những điều trên cho thấy rõ ràng Cuba đã là đất nước “lạc hậu” như thế nào!
Và đây là những bức ảnh về Cuba tân tiến trong thế kỷ 21(ảnh được chụp những năm 2004-2010):
Trung tâm thủ đô Havana 2010:
Đường sắt ở Cuba (xây dựng những năm 60-70 của thế kỷ trước)
Một nhà ga xe lửa (ảnh 2010):
Một khu dân cư ở thủ đô Havana:
Một cửa hàng bán đồ điện, ở đó chỉ bán bóng đèn tiết kiệm và một số linh kiện thay thế cho TV cũ
Một cửa hàng thực phẩm:
Cửa hàng bán theo tem phiếu:
Giao thông công cộng ở Havana 2010:
Bài viết của Ghenady Grishin
nguồn 

 http://maxpark.com/user/3853558506/content/1933518

Nguyễn Hoàng Lân dịch

Ông Đinh Thế Huynh: Đang kiểm tra dấu hiệu vi phạm của ông Võ Kim Cự; Bộ Tài chính phát công văn hỏa tốc, yêu cầu khởi tố Euro Auto

Đây là thông tin được ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư, nêu tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng sáng 30/11 để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV.
Tại buổi tiếp xúc, các cử tri Huỳnh Tri Ân, Lê Du Kiếm (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) cùng nhiều cử tri khác đã đề nghị công bố rõ trách nhiệm của ông Võ Kim Cự (nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, hiện là Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam) trong vụ Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển 4 tỉnh Bắc miền Trung.
Ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư, phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng sáng 30/11 (Ảnh: HC)
Ông Đinh Thế Huynh cho hay, hiện nay Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đang tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm của ông Võ Kim Cự và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Hà Tĩnh trong việc xây dựng dự án Formosa Hà Tĩnh, đặc biệt là quá trình xây dựng, lắp đặt và quản lý hệ thống xả thải của dự án. “Đến khi kết thúc thì thường là Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ có công bố kết quả!” – ông Đinh Thế Huynh cho hay.
Trước đó, như Infonet đã đưa tin, tại cuộc tiếp xúc cử tri Đà Nẵng ngày 4/8 để báo cáo kết quả kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, ông Đinh Thế Huynh cũng nêu rõ về trường hợp ông Võ Kim Cự: “Không thể nói là ông lên báo cãi mấy câu, ông chống chế cái này, cái kia là xong việc. Cứ để kiểm tra làm rõ..."
Tại buổi tiếp xúc sáng 30/11, cử tri Huỳnh Tri Ân (phường Hòa Cường Bắc) cũng bày tỏ lo lắng về việc tỉnh Quảng Nam thống nhất chủ trương cho phép đầu tư xây dựng nhà máy thép Việt Pháp ở huyện Nam Giang, đầu nguồn sông Vu Gia, có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước cấp cho TP Đà Nẵng cũng TP Hội An, các huyện Đại Lộc, Điện Bàn... của tỉnh Quảng Nam.

Về việc này, ông Đinh Thế Huynh cho biết, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng sẽ có văn bản gửi Bộ TN-MT, Bộ Công thương nêu rõ ý kiến của nhân dân, cử tri Đà Nẵng cũng như của Đoàn đại biểu Quốc hội TP, đề nghị tăng cường việc giám sát, kiểm tra ngay từ khâu xây dựng, đặc biệt là xây dựng và lắp đặt các hệ thống xử lý nước thải và chất thải, các trạm quan trắc môi trường... của nhà máy này.
“Sản xuất thép thì phải theo công nghệ ít gây ra độc hại nhất và phải thực hiện quy trình xử lý nước thải, rác thải một cách chặt chẽ; không được xả nước thải, rác thải gây ô nhiễm môi trường. Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng sẽ có văn bản gửi các Bộ hữu quan, nói rõ ý kiến của cử tri đề nghị chỉ đạo việc xây dựng, lắp đặt các hệ thống xử lý của nhà máy thép ở thượng nguồn sông Vu Gia, nhất là hệ thống xả thải, giám sát hệ thống đó, không để gây ô nhiễm môi trường!” – ông Đinh Thế Huynh nhấn mạnh.
HẢI CHÂU

Bộ Tài chính phát công văn hỏa tốc, yêu cầu khởi tố Euro Auto

NGỌC QUANG

(GDVN) - Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan làm việc cụ thể với Viện KSND Tối cao để xem xét khởi tố vụ án đối với những sai phạm của Công ty CP Ô tô Châu Âu.
Công ty Cổ phần Ô tô Châu Âu được biết đến với tên gọi quen thuộc Euro Auto. 
Trong công văn hỏa tốc số 17041/BTC-VP ngày 30/11/2016 của Bộ Tài Chính nói rõ:
Qua công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với hoạt động nhập khẩu ô tô nguyên chiếc của Công ty cổ phần ô tô Âu Châu (Mã số thuế: 0304791427, địa chỉ số 808 đường Nguyễn Văn Linh, phường Tân Phú, Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh) đã xác định có các sai phạm.
Công ty tự ý tiêu thụ hàng hóa (ô tô nhập khẩu BMW) khi chưa được cơ quan hải quan cho thông quan trong thời gian được giao bảo quản chờ hoàn thành việc thông quan theo quy định.
Công ty cố ý không cung cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và các hồ sơ, chứng từ, tài liệu của ô tô BMW do Công ty nhập khẩu, có dấu hiệu gian lận lừa dối khách hàng.
Công ty sử dụng tài liệu giả như Hợp đồng mua bán, hóa đơn thương mại... để nhập khẩu ô tô BMW.
Căn cứ Luật Hải quan, Luật Quản lý Thuế và các văn bản pháp luật liên quan, để đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh theo tinh thần thực hiện Nghị quyết 35/NĐ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và để ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, cũng như đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Hải quan thực hiện hai việc:
Thứ nhất, tạm dừng thông quan các lô hàng nhập khẩu xe ô tô BMW (trừ đối tượng ưu đãi, miễn trừ ngoại giao).
Thứ hai, Tổng cục Hải quan làm việc cụ thể với Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao để xem xét khởi tố vụ án đối với những hành vi sai phạm của Công ty Cổ phần ô tô Châu Âu theo quy định.

Ngọc Quang

Chiều 1/12/2016 Tòa phúc thẩm Hà Nội xử vụ bà Nguyễn Thị Mùi ( Vân Đồn-Quảng Ninh) kiện TBT báo Gia đình VN về hành vi: đăng bài xâm phạm đời tư của bà...

 

Phạm Viết Đào.

( Chiều nay 1/12/2016 Cán bộ của Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tiến hành lấy lời khai và xác nhận lại một số thủ tục pháp lý giữa bà Nguyễn Thị Mùi và đại diện báo Gia đình Việt Nam để chuẩn bị mở phiên phúc thẩm...)
Phiên tòa mở ngày 14-15/9/2016 tại trụ sở Tòa án quận Cầu Giấy: vi phạm Điều 21, 44, 207 của Bộ Luật tố tụng dân sự 2004 vì không có đại diện Viện kiểm sát đồng cấp tham gia ?

Trong 2 ngày 14-15/9/2016, tại trụ sở Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy-Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm dân sự xử vụ kiện của bà Nguyễn Thị Mùi, trú quán tại Vân Đồn, Quảng Ninh, khởi kiện Tổng Biên tập báo Gia đình Việt Nam, cơ quan chủ quản: Trung ương Hội kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, địa chỉ số 2 Lê Đức Thọ Hà Nội.
TBT BÁO Gia đình Việt Nam đã cho đăng trên 5 kỳ trên báo Gia đình và Cuộc sống ( phụ bản của Báo Gia đình Việt Nam) từ số 34 ngày 14/5/2013 tới số 38 ngày 28/5/2013 loạt bài: “Sự thật chuyện tử tù phạm trọng tội hiếp dâm và giết người hàng loạt kêu oan”…
Loạt bài báo trên viết về những vụ án cướp, giết, hiếp xảy ra liên tiếp tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2007, thủ phạm theo các cơ quan pháp luật tỉnh Quảng Ninh và Tòa phúc thẩm tối cao đã tuyên là Bùi Đức Lợi, con trai của bà Nguyễn Thị Mùi. Bùi Đức Lợi đã bị tuyên án tử hình và đã thi hành án năm 2009. Báo Gia đình và cuộc sống đã tường thuật lại tỷ mỉ 4 vụ án cướp giết hiếp mà thủ phạm được cơ quan pháp luận kết án là Bùi Đức Lợi…
Về vụ án này, blog Phạm Viết Đào đã từng đăng loạt bài điều tra nhiều kỳ phản biện lại các kết luật của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tỉnh Quảng Ninh và Bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao…
Về phía gia đình bà Nguyễn Thị Mùi, sau khi Bùi Đức Lợi bị chết trong tù, cho đến nay bà vẫn chưa nhận được giấy chứng tử của con trai bà; bà Nguyễn Thị Mùi đã gửi nhiều đơn khiếu nại tới nhiều cơ quan hữu quan yêu cầu cơ quan thi hành án cấp giấy chứng tử Bùi Đức Lợi, con trai bà theo luật định.
Cho đến nay, việc các cơ quan pháp luật không cấp giấy chứng tử của Bùi Đức Lợi chứng tỏ vụ án buộc tội con trai bà phạm trọng tội cướp, giết, hiếp là thiếu căn cứ pháp lý và việc thi hành án tử hình Bùi Đức Lợi cũng đã không được thực hiện đúng quy trình luật định…
Bà Nguyễn Thì Mùi đã gửi đơn kêu oan tới nhiều cơ quan cho rằng: các cơ quan pháp luật đã gán tội cướp, giết, hiếp… của kẻ khác cho Bùi Đức Lợi; Cơ quan thi hành án đã thủ tiêu Bùi Đức Lợi vì Lợi không nhận tội để thoát tội cho các thủ phạm chính đã gây ra các trọng tội có thật xảy ra tại Quảng Ninh…
Trong khi bà Nguyễn Thị Mùi đang làm đơn và tự thân tới các cơ quan bảo vệ pháp luật kêu oan, chứng minh con trai Bùi Đức Lợi không liên quan tới các vụ án cướp, giết, hiếp đã tuyên gán cho Bùi Đức Lợi thì một số nhà báo tại báo Gia đình Việt Nam, VTC New và báo Pháp luật và thời đại ( chủ quản là Bộ Tư pháp), giống như một “bầy kền kền” xô vào rỉa rói số phận bất hạnh của người dân thấp cổ bé họng…Hai tờ báo này đã cử phóng viên viết bài nhiều kỳ có thể là để bán được báo vì các vụ án cướp giết hiếp đang chấn động tỉnh Quang Ninh; cũng có thể những loạt bài này nhằm mục tiêu bịt, che, lấn át tiếng kêu oan của bà Nguyễn Thị Mùi, một người dân thấp cổ bé họng…
Theo Luật Báo chí thì báo chí được phép đưa tin theo thông tin mà các cơ quan pháp luật đã công bố, quyết định…Thế nhưng báo Gia đình và cuộc sống phụ bản của Gia đình Việt Nam đã cử phóng viên tiếp cận gia đình bà Nguyễn Thị Mùi không nhằm mục đích tìm kiếm sự thật, bênh vực sự oan sai mà nhằm tiếp thị cho những bài báo họ đăng theo kết luận của cơ quan điều tra tỉnh Quảng Ninh và Tòa phúc thẩm tối cao…
Mặc dù bà Mùi là người dân bình thường những đã chứng minh trong nhiều lá đơn về sự vô lý và sự gán tội của cơ quan pháp luật cho con trai bà Bùi Đức Lợi.
Báo Gia đình Việt Nam đã tự tiện đăng ảnh bà Nguyễn Thị Mùi, một người dân không vi phạm pháp luật, đang gánh nỗi đau về mất con, báo còn đưa đời tư của bà Mùi, đưa ảnh thờ tự của gia đình bà lên báo để mỉa mai; đưa những thông tin không đúng như bản án tuyên về Bùi Đức Lợi là vi phạm Luật Báo chí và Luật Dân sự…
Bà Nguyễn Thị Mùi đã gửi đơn khiếu nại tới Thanh tra Bộ Thông tin-Truyền thông và Bộ Thông tin-Truyền thông đã tước giấy phép phụ bản Gia đình và Cuộc sống, xử phạt hành chính Tổng biên tập báo Gia đình Việt Nam.
Sau khi bị Thanh tra Bộ TT-TT xử phạt, đáng lẽ TBT báo Gia đình Việt Nam ngoài việc đăng cải chính xin lỗi còn phải trực tiếp gặp bà Mùi để xin lỗi, đề nghị tha thứ nhưng đã không làm.
Bà Nguyễn Thị Mùi đã gửi đơn khởi kiện tới Tòa án quận Cầu Giấy, địa bàn nơi báo Gia đình Việt Nam có trụ sở. Tại phiên xử sơ thẩm, Tòa sơ thẩm quận Cầu Giấy đã bác đơn khởi kiện của bà Mùi vì cho rằng bà khởi kiện TBT báo Gia đình Việt Nam của bà Mùi là “không đúng đối tượng nên không được xem xét”…
Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, bà Nguyễn Thị Mùi đã làm đơn kháng án gửi Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy và Tòa phúc thẩm Hà Nội yêu cầu phúc thẩm lại bản án 17/2016/DSST đã tuyên ngày 15/9/2016…
Sau đây là Đơn kháng án của bà Nguyễn Thị Mùi chứng  minh 4 điểm trái pháp luật của Bản án sơ thẩm 17/2016/DSST…
 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập-Tự do-Hạnh phúc.
Hà Nội ngày 26 tháng 9 năm 2016

ĐƠN KHÁNG ÁN
                      Kính gửi: -TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN CẦU GIẤY

Tên tôi là Nguyễn Thị Mùi; Địa chỉ nơi cư trú: Tổ 1-khu 4-thị trấn Cái Rồng-huyện Vân Đồn-Tinh Quảng Ninh; CMTND số:... do Công an Quảng Ninh cấp ngày 4/3/2003. Đt: 0946098252.
Tôi là bên nguyên của vụ kiện Tổng Biên tập Báo Gia đình Việt Nam; Địa chỉ: số 2 Lê Đức Thọ-Cầu Giấy-Hà Nội là người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật theo khoản 3 Điều 13 của Luật Báo chí 1999, đã duyệt cho đăng trên phụ bản báo Gia đình và cuộc sống 5 bài ” Sự thật chuyện tử tù phạm trọng tội hiếp dâm và giết người hàng loạt hiện về kêu oan”…
Loạt bài báo kể trên đã đưa thông tin xâm phạm đến đời tư của cá nhân tôi, đưa ảnh của tôi lên 2 kỳ báo mà không xin phép tôi; đưa hình ảnh nơi thờ tự của gia đình tôi và đưa tin sai với nội dung bản án của con trai tôi Bùi Đức Lợi.
Vụ kiện của tôi đã được Hội đồng xét xử của Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy đưa ra xét xử trong 2 ngày 14 và 15/9/2016 tại trụ sở Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy.
Sau khi nhận được phán quyết của Tòa và nhận được Bản án sơ thẩm số 17/2016/DSST ngày 15/9/2016, theo quy định pháp luật, tôi làm đơn kháng cáo Bản án sơ thẩm này vì đã xét xử và phán quyết trái pháp luật.
Tôi xin chứng minh những hành vi trái pháp luật trong phiên xét xử ngày 14-15/9/2016 và những phán quyết trái pháp luật trong Bản án sơ thẩm số 17/2016/DSST của Tòa án Quận Cầu giấy do Thẩm phán Nguyễn Thị Hồng Vân chủ tọa và ký.
1/ Vi phạm nguyên tắc, trình tự thủ tục pháp lý và quyền hạn tổ chức xét xử một vụ án dân sự được quy định trong Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2004:
-Tại phiên tòa xét xử trong 2 ngày 14-15/9/2016 đã không có sự tham dự của đại diện Viện Kiểm sát cùng cấp, điều này thể hiện ngay tại trang 1 của Bản án sơ thẩm số 17/2016 DSST.
Việc vắng mặt của đại diện Viện Kiểm sát đồng cấp đã vi phạm Điều 21 ( Kiểm sát việc tuân theo pháp luật là điều quy định Nguyên tắc xét xử cơ bản một vụ án dân sự), Điều 44 ( Nhiệm vụ quyền hạn của VKS và cơ quan tố tụng..); Điều 207 tại chương Quy định chung về phiên tòa sơ thẩm ( Sự có mặt của Kiểm sát viên quy định: Trong trường hợp không có kiểm sát viên dự khuyết thay thế thì Hội đồng xét xử tuyên bố hoãn phiên tòa và thông báo cho Viện trưởng Viện Kiếm sát cùng cấp)… của Bộ luật tố tụng Dân sự 2004…
2/ Vụ án có dấu hiệu vi phạm  Điều 16 của Bộ Luật tố tụng Dân sự về “ Đảm bảo sự vô tư của người tham gia tố tụng…”
Chiều 14/9/2016 sau khi kết thúc buổi xét xử thứ nhất, tôi và người nhà tôi gồm 3 người ra đến cửa Tòa án thì luật sư của báo Gia đình Việt Nam là ông Phạm Ngọc Minh-Luật sư Công ty TNHH Everest thẻ luật sư số 1393/LS cấp ngày 1/08/2010 đã chặn chúng tôi tại cửa tòa án quận Cầu Giấy; ông Minh đe dọa chúng tôi không được đưa ảnh ông ta lên báo và lên tiếng cảnh báo: chúng tôi sẽ bị thua và sẽ không được nhận một sự đền bù nào hết?
Tuyên bố này của Luật sư Phạm Ngọc Minh hoàn toàn trùng khớp với tuyên bố của Tòa vào buổi sáng 15/9/2016; Tại sao kết quả phán xử của vụ án này lại được LS của báo Gia đình Việt Nam biết trước khi tuyên án ? Đây là bằng chứng về sự tác động chạy án của báo Gia đình Việt Nam?
Bằng chứng LS Phạm Ngọc Minh đe dọa chúng tôi vào chiều 14/9/2016, ngoài 3 người của gia đình tôi có bảo vệ của Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy chứng kiến và nghe thấy; Vì LS Phạm Ngọc Minh to tiếng ngay tại cửa bào vệ ra vào và người nhà tôi đã cự lại ?
3/ Bản án số 17/2016/DSST đã cắt xén những cơ sở pháp lý tôi viết trong đơn và đưa ra tại tòa đế chứng minh việc vi phạm pháp luật của Tổng biên tập báo Gia đình VN; hành vi này vi phạm Điều 300 của Bộ Luật Hình sự: Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án
Tôi đã viết trong đơn và trình bày rành mạch trước tòa cụ thể, rõ ràng các điều luật có liên quan tới những hành vi vi phạm pháp luật của Tổng biên tập báo Gia đình Việt Nam, chứng minh trách nhiệm pháp lý phải bồi thường thiệt hại của TBT báo Gia đình Việt Nam đối với việc cho in loạt bài trên Gia đình Cuộc sống- phụ bản của báo Gia đình Việt Nam vì: xâm phạm đời tư và vi phạm Luật Báo chí, Luật Dân sự 2005 và Luật Hình sự 1999.
Cơ sở pháp lý để tôi kiện TBT báo Gia đình Việt Nam là căn cứ vào các quy định sau đây của pháp luật:
a/-Báo Gia đình Việt Nam tờ báo đã đăng 5 kỳ từ số 34 ngày 14/5/2013 đến số 38 ngày 28/5/2013 có 5 hành vi sau đây vi phạm Luật Báo chí, Luật Hình sự và Luật Dân sự:
b/-2 lần đưa ảnh của tôi lên các số báo 34-35; đưa chuyện đời tư của vợ chồng tôi lên báo mà không xin phép tôi là vi phạm khoản 4 Điều 10 của Luật Báo chí: Những điều không được phép thông tin trên báo; vi phạm khoản 3, khoản 4 của Điều 5: Những điều không được phép thông tin trên báo của Nghị định 51/2002/ND-C; Hành vi này còn vi phạm Điều 3: Quyền cá nhân đối với hình ảnh và Điều 38: Quyền bí mật đời tư của Bộ Luật Dân sự 2005…
c/Tổng Biên tập báo Gia đình Việt Nam đã cho đăng lên báo ảnh nơi thờ tự của gia đình tôi, dùng những lời lẽ mỉa mai, thóa mạ: “hương tàn khói lạnh”…Hành vi này là vi phạm Điều 129 của Bộ Luật hình sự 1999 quy định về quyền tự do tín ngưỡng của công dân, vi phạm đời tư của công dân.
            Những hành vi này được Điều 271 của Bộ Luật Hình sự 1999 khép vào tội danh: Tội vi phạm các quy định về xuất bản, phát hành sách báo…quy định tại khoản 1: Người nào vi phạm  các quy định về xuất bản thì sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Để điều chỉnh những vi phạm pháp luật trong quan hệ dân sự về báo chí xuất bản, Điều 28 của Luật Báo chí 1999 đã quy định cụ thể tại khoản 1 đã được chính Bản án số 17/2016/DSST trích dẫn:” Cơ quan báo chí, nhà báo, tổ chức, cá nhân thông tin gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân khác thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự…”
Tại khoản 2 của Điều 28 Luật báo chí 1999 quy định cụ thể:” Người đứng đầu cơ quan báo chí, nhà báo, người hoạt động báo chí vi phạm các quy định tại khoản 1 điều này ( Điều 28) thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà xử lý kỷ luật, thu hồi thẻ nhà báo, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.”
Để điều chỉnh quan hệ pháp luật này, Điều 307 của Bộ Luật Dân sự 2005 quy định cụ thể Trách nhiệm bồi thường thiệt hại tại khoản 3: “Người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại.”
Trong bản án số 17/2016/ DSST Thẩm phán Nguyễn Thị Hồng Vân chỉ tóm tắt sơ sài, vắn tắt về vụ án và khoản đền bù thiệt hại mà tôi yêu cầu TBT báo Gia đình Việt Nam phải đền bù là 200 triệu đồng; Bản án đã cắt xén, đưa không đầy đủ những cơ sở pháp lý mà tôi khởi kiện, chứng minh trước tòa về các hành vi sai phạm của Tổng Biên tập báo Gia đình Việt Nam.
4. Bản án số 17/2016/DSST đã phán quyết trái pháp luật, vi phạm Điều 296: Tội ra quyết định trái pháp luật
Hành vi ra quyết định trái pháp luật này thể hiện tại phần Xét thấy của Bản án số 17/2016/DSST:” Xét việc xác định đối tượng khởi kiện của bà Mùi là không chính xác bởi lẽ theo quy định tại Điều 13 Luật Báo chí sửa đổi năm 1999 chỉ xác định người đứng đầu cơ quan báo chí là người điều hành và chịu trách nhiệm trước cơ quan chủ quản và pháp luật về mọi hoạt động của cơ quan báo chí. Còn theo quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật Báo chí sửa đổi năm 1999 quy định,” Cơ quan báo chí, nhà báo thông tin gây thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự…”
“ Do vậy, việc bà Mùi cho rằng bà có tổn thất về tinh thần và vật chất do ấn phẩm của báo Gia đình Việt Nam đăng thông tin sai, nên có quyền khởi kiện theo quy định của pháp luật. Nhưng việc bà Nguyễn Thị Mùi yêu cầu cá nhân Tổng Biên tập báo Gia đình Việt Nam xin lỗi công khai và trực tiếp bồi thường là không đúng quy định của pháp luật, không xác định đúng đối tượng khởi kiện, nên không được chấp nhận. Do đối tượng khởi kiện của nguyên đơn là Tổng Biên tập là báo Gia đình Việt Nam không đúng nên các vấn đề khác có liên quan…yêu cầu bồi thường của nguyên đơn sẽ không được xem xét. Vì vậy cần bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Mùi..”

Xuất phát từ việc xét thấy sai pháp luật đã dẫn tới bản án Quyết định:” Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Mùi đối với Tổng biên tập báo Gia đình Việt Nam yêu cầu xin lỗi công khai và đòi bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại…”
Với quyết định này, Bản án số 17/2016/DSST do Thẩm phán Nguyễn Thị Hồng Vân đã vi vi phạm Luật báo chí 1999…
Bằng chứng: Việc tôi viết đơn khởi kiện và yêu câu TBT báo Gia đình Việt Nam cải chính, công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại là hoàn toàn đúng với điều 13, Điều 28 của Luật báo chí và Điều 307 của Luật Dân sự.
Điều 13 của Luật báo chí 1999 quy định:” Người đứng đầu cơ quan báo chí là Tổng Biên tập ( báo in)…lãnh đạo và quản lý  cơ quan báo chí về mọi mặt, đảm bảo thực hiện tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí và chịu trách nhiệm trước thủ trưởng cơ quan chủ quản và trước pháp luật về mọi hoạt động của cơ quan báo chí”…
Tổng biên tập báo Gia đình Việt Nam đã chính thức có công văn xin lỗi tôi về các sai phạm trên báo; Cá nhân Tổng biên tập báo Gia đình Việt Nam đã bị Thanh tra Bộ thông tin truyền thông đã ra quyết định xử phạt hành chính đã nộp phạt tại Kho bạc nhà nước; Bộ Thông tin-Truyền thông đã đình bản phụ bản Gia đình Cuộc sống của báo Gia đình Việt Nam sau khi nhận và thụ lý đơn khiếu nại của tôi.
Cán cân công lý bị ngiêng cổ...

Trong phần xét thấy và quyết định của Bản án số 17/2016/DSST Tòa đã không bác bỏ được những bằng chứng, cơ sở pháp lý về hành vi vi phạm pháp luật của Tổng Biên tập báo Gia đình Việt Nam mà chỉ bác bỏ đơn khởi kiện của tôi với lý do “ không xác định đúng đối tượng khởi kiện nên không được chấp nhận”?
Như vậy, Bản án 17/2016/DSST nhận thấy rằng tôi khởi kiện Tổng Biên tập báo Gia đình Việt Nam là không đúng đối tượng khởi kiện nên bác bỏ là một sự nhận thấy và phán xử trái Điều 13 Luật Báo chí 1999.
Do các vi phạm pháp luật trong phiên tòa, trong bản án 17/2016/DSST, tôi Nguyễn Thị Mùi làm đơn kháng cáo và yêu cầu Tòa phúc thẩm Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm để:
1/ Hủy bản án sơ thẩm số 17/2016/DSST của Tòa án Quận Cầu Giấy do trái pháp luật;
2/ Phán quyết, sửa bản án, buộc Tổng biên tập báo Gia đình Việt Nam phải bồi thường thiệt hại cho tôi 200.000.000 đồng ( Hai trăm triệu đ) theo quy định tại Điều 28 của Luật Báo chí 1999 và Điều 307 của Luật Dân sự 2005 vì Tổng Biên tập báo Gia đình Việt Nam đã:
-Có 5 hành vi thông tin trên 5 bài báo vi phạm khoản 4 Điều 10 của Luật báo chí 1999: Những điều không được phép thông tin; Vi phạm khoản 3,4 của Điều 5 Nghị định 51/2002/NĐ-CP; Vi phạm Điều 31 về Quyền của cá nhân đối với hình ảnh và Điều 38 về Quyền Bí mật đời tư của Luật Dân sự 2005; Vi phạm khoản 1 của Điều 129 của Bộ Luật Hình sự về quyền tự do tín ngưỡng.
Người làm đơn:
            Nguyễn Thị Mùi

Xung quanh vấn đề dân chủ và thực hành dân chủ đại diện trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng

29/11/2016 20:22'
Gửi bài nàyIn bài này
Cử tri dân tộc thiểu số đi bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp (Ảnh: cand.com.vn)
Dân chủ và thực hành dân chủ ở nước ta hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định “Dân là chủ”, “Dân làm chủ”, “Dân là gốc” và luôn khẳng định phải làm cho dân được hưởng quyền làm chủ trên thực tế. Để làm được điều đó, Nhà nước phải tạo mọi điều kiện (cơ chế, chính sách, pháp luật, vật chất) để nhân dân được làm chủ; mặt khác, nhân dân phải có năng lực làm chủ (về trình độ, nhận thức, bản lĩnh) để thực hành dân chủ. Có như vậy, nhân dân mới làm chủ thực sự, tránh được tình trạng dân chủ hình thức.
Đảng ta cũng nhận thức ngày càng đầy đủ hơn về tất yếu khách quan phải đẩy mạnh phát triển các hình thức và phương thức thực hành dân chủ. Để các quyền làm chủ đó được thực hành trong cuộc sống, nhất thiết phải thể chế nó trong các điều hiến định của Hiến pháp, trong các quy định của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, được thực hành bằng những chế định tương ứng của Nhà nước và các giá trị xã hội. Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm phát huy dân chủ; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của nhân dân được xác định ngày càng đầy đủ hơn. Đại hội VI của Đảng đã tạo bước ngoặt lịch sử trong việc phát huy dân chủ để tạo ra động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước. Bài học “lấy dân làm gốc” là sự thể hiện cô đọng và sâu sắc nhất tư tưởng dân chủ của Đảng. Đại hội VIII của Đảng (năm 1996), khẳng định: “Mục tiêu chủ yếu của đổi mới hệ thống chính trị là nhằm thực hiện tốt dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân. Bài học lớn là dân chủ nhất thiết phải đi đôi với kỷ luật, kỷ cương”(1). Các đại hội IX, X, XI của Đảng và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 tiếp tục khẳng định dân chủ là mục tiêu, động lực quan trọng để phát triển xã hội. “Quyền làm chủ của nhân dân được phát huy ngày càng tốt hơn trong các lĩnh vực của đời sống xã hội bằng dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp. Nhiều cấp ủy, chính quyền đã lắng nghe, tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, tôn trọng các ý kiến khác nhau”(2). Coi trọng, chăm lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện, bảo vệ và bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Nhà nước ta ký kết.
Tuy nhiên, nhận thức về xây dựng dân chủ và phát huy dân chủ trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn hạn chế. Nhận thức và nghiên cứu lý luận về bản chất của dân chủ và xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa chưa đầy đủ và hệ thống; chưa lý giải và làm sáng tỏ nhiều vấn đề do thực tiễn đặt ra; chưa đạt được kết quả có tính đột phá cho quá trình đổi mới, xây dựng và phát triển dân chủ. Trên thực tế còn có những nhận thức phiến diện, không đầy đủ, không đúng về dân chủ, chưa coi dân chủ là những giá trị to lớn; chưa nhận thức rõ và đầy đủ rằng, dân chủ là những giá trị và lợi ích cơ bản về quyền con người, quyền công dân được thể chế hóa bằng thể chế và các thiết chế nhà nước và xã hội, gắn liền với trình độ phát triển của xã hội; chưa thấy rõ đó là những giá trị và lợi ích được tạo lập trên thực tế bởi mối quan hệ bình đẳng và cộng đồng trách nhiệm giữa Nhà nước và công dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội(3). Có nơi, có lúc còn xem nhẹ việc thực hành dân chủ, coi nhẹ vai trò làm chủ của nhân dân, chưa coi trọng đúng mức các hình thức thực hành dân chủ; còn có tình trạng tách rời, thậm chí đối lập giữa dân chủ và kỷ cương pháp luật trong xây dựng và thực hành dân chủ. Quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực còn bị vi phạm. Có lúc, có nơi, việc thực hành dân chủ còn hạn chế hoặc mang tính hình thức; có tình trạng lợi dụng dân chủ để chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ, gây rối, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. 
Hiện nay, không ít nơi còn xảy ra tình trạng mất dân chủ, xa rời nguyên tắc tổ chức của Đảng. Điều này tất yếu sẽ dẫn đến sự độc đoán, chuyên quyền, bè phái, cục bộ ngành, địa phương hoặc dân chủ quá trớn dẫn đến vô nguyên tắc, vô tổ chức, vô chính phủ. Có những người lãnh đạo thiếu sâu sát thực tế, xa cách cán bộ, thiếu lắng nghe ý kiến của quần chúng và cấp dưới, đi tới những nhận định chủ quan, những chủ trương, quyết định chưa phù hợp với đòi hỏi khách quan của cuộc sống. Dân chủ có khi trở thành hình thức, hợp thức hóa cho những quyết định quan liêu, chủ quan của cá nhân người thủ trưởng. Có những cán bộ lãnh đạo nặng tính quan liêu, gia trưởng, độc đoán, đặt mình lên trên tập thể, không chịu sự kiểm soát của tổ chức. Việc bầu cử, ứng cử, đề cử các cấp ủy, chính quyền nhiều trường hợp còn mang tính dân chủ hình thức. Nhiều đảng viên và cán bộ cấp dưới không dám thẳng thắn sử dụng quyền làm chủ, sợ bị thành kiến, không được lên chức, lên lương, ảnh hưởng đến lợi ích của cá nhân mình, thậm chí có thái độ xu nịnh, cơ hội. Tình cảm đồng chí, đồng đội giữa những người cùng chung lý tưởng cách mạng bị phai nhạt; mối quan hệ đồng chí bị hành chính hóa, chỉ còn lại là quan hệ lãnh đạo và bị lãnh đạo; sự cách biệt trong mức sống, lối sống, cách nghĩ giữa người có chức có quyền và người dưới quyền ngày càng rõ nét. Ở một số hội nghị còn mang tính dân chủ hình thức, xuôi chiều, những ý kiến khác nhau không được thẳng thắn đưa ra thảo luận, tranh luận và kết luận rõ ràng. Có khi do nể nang, ngại va chạm, sợ bị thành kiến truy chụp, cũng có khi do các đại biểu không có thông tin đầy đủ, không được tạo điều kiện nghiên cứu tìm hiểu vấn đề thấu đáo. Thảo luận xuôi chiều chưa hẳn là đoàn kết nhất trí. Tôn trọng những ý kiến khác nhau, cùng thảo luận một cách dân chủ thì mới có thể tìm ra chân lý và đi tới nhất trí thật sự. Có nơi chưa tạo điều kiện đầy đủ cho các cấp ủy viên, cho đảng viên, cán bộ nắm được thông tin, được nghiên cứu thấu đáo vấn đề cho nên việc lấy ý kiến, biểu quyết nhiều khi chỉ là chiếu lệ, không chuẩn xác.
Mở rộng dân chủ nội bộ trong Đảng cầm quyền là hạt nhân, là tấm gương cho việc thực hiện dân chủ ngoài xã hội. Đương nhiên, trên nền tảng phát huy quyền làm chủ của nhân dân, mở rộng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa thì dân chủ nội bộ Đảng càng thêm sức sống, phản ánh được hoạt động thực tiễn và tập trung trí tuệ của dân tộc, nhờ đó Đảng càng được củng cố vững mạnh. Thời đại ngày nay, toàn cầu hóa và kinh tế tri thức, điều kiện tiếp cận thông tin rộng rãi và nhanh chóng, trình độ kiến thức của cán bộ, đảng viên cùng với mặt bằng dân trí của xã hội nâng cao thì nhu cầu mở rộng dân chủ ngày càng tăng.
Vấn đề dân chủ và thực hành dân chủ trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng
Đại hội XI của Đảng chỉ rõ: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của xã hội ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm … Nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện”(4). 
Kế thừa những nội dung của Đại hội XI, Đại hội XII có những điểm mới về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hành quyền làm chủ của nhân dân. 
Một là, Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh, cần thể chế hóa và nâng cao chất lượng các hình thức thực hiện dân chủ, khẳng định: “Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến… Thể chế hóa và nâng cao chất lượng các hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện”(5). Coi trọng việc thực hiện quyền con người, quyền công dân và đạo đức xã hội, Đại hội XII đặt ra yêu cầu: “Thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013; gắn quyền với trách nhiệm, nghĩa vụ, đề cao đạo đức xã hội. Tiếp tục thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; hoàn thiện hệ thống pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân”(6).
Hai là, để dân chủ xã hội chủ nghĩa thực sự thực hiện được trên thực tế thì: “Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội”(7). Đây thực sự là sự phát triển tư duy của Đảng ta một cách toàn diện về phát huy dân chủ và thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đại hội XII còn nhấn mạnh, khi xây dựng các quyết sách cần “Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện. Thực hiện xây dựng những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền làm chủ của nhân dân”(8).
Ba là, nhấn mạnh nhiệm vụ cần thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, Đại hội XII của Đảng còn khẳng định: “Để thực hiện dân chủ trong xã hội, trước hết phải bảo đảm phát huy dân chủ trong Đảng là hạt nhân để phát huy đầy đủ dân chủ trong xã hội”(9).
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và các tổ chức chính trị - xã hội, Đại hội XII nhấn mạnh: “Đẩy mạnh dân chủ hóa xã hội để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vai trò chủ động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Tổ chức thực hiện tốt Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; Quy định về việc của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Quy định về giám sát đảng viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và các quy định, quy chế khác”(10).
Thực hành dân chủ đại diện theo tinh thần Đại hội XII của Đảng
Hiện nay, Đảng, Nhà nước ta đang từng bước xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nguyên tắc quan trọng, có tính xuyên suốt trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là phải bảo đảm để phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân; nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua các cơ quan đại biểu của mình là Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Ở Việt Nam hiện nay, Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là hình thức chủ yếu của chế độ dân chủ đại diện (Điều 6 và Điều 69 Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Đó là hình thức dân chủ chung nhất, nếu xét từ góc độ cơ chế tổ chức thực hiện quyền lực của nhân dân là chế độ, mà ở đó, việc ra những quyết định chủ yếu thuộc thẩm quyền của hội nghị những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân ủy thác bằng phiếu bầu (các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân). “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước” (Điều 6). “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 69). “Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín” (Điều 7, Hiến pháp năm 2013).
Sự hiến định này cho thấy ở Việt Nam, việc thực hành dân chủ đại diện thông qua Quốc hội - cơ quan đại biểu cao nhất và Hội đồng nhân dân - cơ quan quyền lực cao nhất ở địa phương, đồng thời là cơ quan đại diện cao nhất trong bộ máy nhà nước ta. Đại diện trở thành một thuộc tính của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, xuyên suốt và chi phối vị trí, vai trò, cơ chế hoạt động, cơ cấu đại biểu, hiệu lực đại diện và thể hiện tập trung nhất qua việc thực hiện các chức năng: lập hiến, lập pháp; quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, địa phương và giám sát tối cao đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước. Quốc hội là cơ quan duy nhất do cử tri cả nước bầu ra dựa trên các nguyên tắc: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Đây là những quy định bảo đảm cho mỗi người dân tự do bầu cử, lựa chọn những người có đủ đức, đủ tài, xứng đáng làm đại diện cho ý chí của mình. Hội đồng nhân dân là do cử tri của địa phương đó bầu ra, trong phạm vi địa phương đó, đại diện cho các cử tri của địa phương bầu cử ra mình. Các đại biểu Quốc hội không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước. Bởi vậy, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân có trách nhiệm thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước, chịu sự giám sát, chịu trách nhiệm trước nhân dân, có thể bị bãi nhiệm bởi nhân dân khi không thực hiện trọng trách chính trị đã được giao phó, “Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội dồng nhân dân bị cử tri hoặc Quốc hội, Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân” (khoản 2, Điều 7 Hiến pháp năm 2013).
Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Quốc hội thực hiện tốt chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao, nhất là đối với việc quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước… Hoàn thiện cơ chế để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử, nhất là hoạt động lập pháp của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, cơ chế giám sát, đánh giá đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. tăng cường hơn nữa sự gắn kết giữa giám sát của Quốc hội với kiểm tra, giám sát của Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của nhân dân”(11).
Trong thời gian qua, vấn đề thực hành dân chủ và thực hành dân chủ đại diện còn có nhiều quan điểm chưa nhất quán, cho nên cần nghiên cứu về thực hành dân chủ đại diện, nêu cao tính đại diện của Quốc hội, Hội đồng nhân dân trên tinh thần tiếp thu những giá trị dân chủ của nhân loại, đem lại luồng sinh khí mới về dân chủ đại diện cho người dân như: nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, các ủy ban của Quốc hội; các ban của Hội đồng nhân dân; nâng cao năng lực của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tính chuyên nghiệp của bộ máy giúp việc Quốc hội, Hội đồng nhân dân...
Cần tránh tư duy “xơ cứng” về hình thức đại diện của Quốc hội, Hội đồng nhân dân như đồng nhất đại diện cơ cấu của Quốc hội, cơ cấu của Hội đồng nhân dân với cơ cấu xã hội; cách hiểu cực đoan là có bao nhiêu dân tộc, tôn giáo, thành phần... thì trong Quốc hội, Hội đồng nhân dân phải có mặt đầy đủ từng ấy dân tộc, tôn giáo, thành phần, để góp tiếng nói đại diện lợi ích trong các quyết định, chính sách của Nhà nước. Điều này sẽ mâu thuẫn với việc nâng cao chất lượng hoạt động đại diện của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, mà công việc gốc là nâng cao chất lượng hoạt động của các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, cũng không nên vì thế mà thiết kế một Quốc hội, Hội đồng nhân dân với các thành phần đại diện là tầng lớp tri thức, có trình độ học vấn cao đặc biệt là các chuyên gia về luật pháp mà xóa nhòa kết cấu giai cấp, dân tộc, tôn giáo, thành phần dân cư...
Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất (Điều 69 Hiến pháp năm 2013) nhưng không có nghĩa Quốc hội có toàn quyền, quyền lực không có giới hạn. Trên cơ sở phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, xác lập rõ hơn nữa mối quan hệ tương hỗ giữa Quốc hội với Chính phủ và các cơ quan tư pháp. Một Quốc hội mạnh là một Quốc hội có các cơ quan thường trực mạnh và các đại biểu Quốc hội đảm đương được đầy đủ vai trò đại diện cao nhất của nhân dân. Vì vậy, cần thường xuyên chăm lo kiện toàn hai trụ cột chính của Quốc hội là các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Hiến pháp năm 2013 tiếp tục kế thừa các quy định về Hội đồng nhân dân trong Hiến pháp năm 1992. Theo đó, khoản 1 Điều 113 tiếp tục quy định: “Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên”. Khoản 2 Điều 113 quy định rõ chức năng và nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân địa phương. Hội đồng nhân dân thực hiện 02 loại chức năng là “quyết định” và “giám sát”: Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; Hội đồng nhân dân giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân.
Như vậy, Hội đồng nhân dân sẽ quyết định chính sách địa phương về việc thực hiện công vụ địa phương; đồng thời giám sát việc thực hiện các chính sách này. Trong khi đó, đối với các công vụ của Trung ương giao cho chính quyền địa phương thực hiện thì Hội đồng nhân dân có trách nhiệm giám sát việc triển khai công việc này. Cách quy định như trên là phù hợp với những điểm mới trong quy định tại Điều 112 về chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương.
Trong điều kiện một Đảng cầm quyền như nước ta, việc đổi mới tư duy, nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội, Hội đồng nhân dân là nhân tố quyết định trong việc phát huy vai trò Quốc hội, Hội đồng nhân dân là cơ quan đại diện của nhân dân. Do vậy, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng với Quốc hội, Hội đồng nhân dân tập trung vào việc bảo đảm tính định hướng, tính Đảng trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân mà không làm thay công việc của Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Bảo đảm cho Quốc hội, Hội đồng nhân dân giữ vị trí, vai trò của mình trong bộ máy nhà nước, thực hiện đúng, đủ những chức năng, nhiệm vụ mà nhân dân đã tin tưởng giao phó. Có như vậy, Quốc hội, Hội đồng nhân dân mới thực sự là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân.
Nhân dân là chủ thể quyền lực nhà nước, do đó cần nâng cao nhận thức của mỗi đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, gắn trách nhiệm phục vụ, tận tụy và giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri. Quốc hội, Hội đồng nhân dân phải thực sự là thiết chế để nhân dân tiếp cận gần nhất, dễ nhất, do đó đại biểu phải lắng nghe ý kiến của nhân dân và đủ quyền năng bảo vệ những lợi ích hợp pháp chính đáng này./.
---------------------------------------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 71
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương, Hà Nội, 2016, tr.167
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Xem: “30 năm đổi mới và phát triển ở Việt Nam”, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr. 241
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011 tr. 84, 85
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương, Hà Nội, 2016, tr.169 
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII: Sđd, tr.169
(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương, Hà Nội, 2016, tr.169 
(8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương, Hà Nội, 2016, tr.169 
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII: Sđd, tr 170
(10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII: Sđd, tr 170

(11) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII: Sđd, tr.177, 178
TS. Nguyễn Thị VyTạp chí Cộng sản