4 weeks trước 30,023 lượt xem
Ngày 27/10, sau khi bế mạc Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khóa 18, ông Tập Cận Bình chính thức xác lập địa vị “hạt nhân”. Có nhận định, thực tế địa vị hạt nhân của ông Giang Trạch Dân trước đây chưa được thông qua và trao quyền trong nội bộ ĐCSTQ. Trong thời gian chưa tới 4 năm, nhưng ngay khi “hạt nhân Giang” vẫn còn sống đã bị “hạt nhân Tập” thay thế, giới truyền thông độc lập nhận định đây là hệ quả của quá trình giằng co quyết liệt giữa hai phe.
Cải tổ hệ thống Cảnh sát vũ trang
Ngày 25/8/2016, ông Thượng tướng Vương Kiến Bình (Wang Jianping), Tư lệnh Cảnh sát vũ trang kiêm Phó Tham mưu trưởng Ban Tham mưu Quân ủy Trung Quốc, bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Quân đội Trung Quốc bắt ngay trong lúc đang đi thị sát ở Tứ Xuyên. Ngay sau đó, ông Ngưu Chí Trung (Niu Zhizhong), Phó Tư lệnh Bộ đội Cảnh sát vũ trang và Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng đã bị khai trừ khỏi Đảng (xuất hiện lần đầu trong Báo cáo của Hội nghị toàn thể TW6). Trong tiếp sóng của Truyền hình Trung ương Trung Quốc về hội nghị đã khuyết ghế của ông Vương Kiến Bình, gián tiếp cho thấy Vương đã “ngã ngựa”.
Theo thông tin do trang Thế giới Không quân (Airforceworld) của Trung Quốc đưa tin ngày 21/10, ba tướng lĩnh cấp cao khác của hệ thống Cảnh sát vũ trang cũng đã bị bắt gồm 2 viên Phó Tư lệnh là Đới Túc Quân (Dai Suqun) và Phan Xương Kiệt (Pan Changjie), cùng Phó Chính ủy Diêu Lập Công (Yao Ligong). Cả ba người này có thời gian hàng chục năm làm việc trong hệ thống Cảnh sát vũ trang, được thăng chức trong nhiệm kỳ của Tư lệnh Vương Kiến Bình.
Như vậy, trong thời gian ông Tập Cận Bình cầm quyền chưa tới 4 năm, gần như toàn bộ lãnh đạo cấp cao nhất của hệ thống Cảnh sát vũ trang đã bị “thanh lý”.
Hệ thống Bộ đội Cảnh sát vũ trang trên danh nghĩa chịu quản lý hai tầng của cả Quân ủy Trung ương và Chính phủ, nhưng thực tế quyền khống chế lại thuộc Bộ Công an, nghĩa là từng nằm trong tay của ông Chu Vĩnh Khang, vì thế mà giới quan sát độc lập gọi đây là “Trung ương thứ hai”, từng một thời làm cho mệnh lệnh của các cựu lãnh đạo Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo khó ra ngoài Trung Nam Hải.
Sau khi ông Giang Trạch Dân lên cầm quyền, vì mục đích thâu tóm quyền lực đã nâng cấp vị thế của Tổng cục Cảnh sát vũ trang và trao quân hàm Thượng tướng cho chức quan đứng đầu hệ thống này, khiến tư lệnh của hệ thống này ngang với tư lệnh của 7 Đại quân khu. Trong tay ông Giang, bộ máy này đã trở thành thế lực chủ yếu giúp ông trong quá trình thực hiện các kế hoạch quyền lực.
Giới truyền thông độc lập cũng cho rằng, hệ thống Cảnh sát vũ trang bị nghi ngờ nhiều lần tham gia vào chính biến. Trong sự kiện Vương Lập Quân bỏ chạy vào Lãnh sự quán Mỹ năm 2012, Bạc Hy Lai từng dùng lực lượng này bao vây Lãnh sự quán Mỹ. Đây cũng là lực lượng được Chu Vĩnh Khang dùng trong chính biến ngày 19/3/2012.
Như vậy, Cảnh sát vũ trang trở thành mối đe dọa hàng đầu đối với quyền lực của ông Tập Cận Bình. Ông Lưu Nguyên (Liuyuan), người từng là quan chức cấp cao của Cảnh sát vũ trang, đã nhiều lần lên tiếng “Cảnh sát vũ trang đã không còn nằm trong kiểm soát của đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Sau khi lên cầm quyền, ông Tập đã 7 lần thay nhân sự chủ quản các trung đoàn địa phương và tổng bộ Cảnh sát vũ trang, các trung đoàn Cảnh sát vũ trang thuộc các khu hành chính cấp tỉnh đều có biến động về chức vụ chủ chốt, trong số 8 quan chức chủ chốt thuộc các ban chỉ huy thủy điện, lâm nghiệp, giao thông, vàng, thì thay mới 7 người. Trong đó, Bộ đội Cảnh sát vũ trang Bắc Kinh và Tân Cương là mục tiêu quan trọng nhất của ông Tập. Tư lệnh ở Tân Cương được đưa lên từ tham mưu trưởng, còn Chính ủy từ trung đoàn Sơn Đông chuyển về. Tư lệnh mới của Cảnh sát vũ trang Bắc Kinh là ông Thiếu tướng Lý Chí Cương (Ly Zhigang), từ Phó Tư lệnh Trung đoàn Vân Nam chuyển về làm Phó Tư lệnh Trung đoàn Cảnh sát vũ trang Bắc Kinh (vào năm 2013 sau khi ông Tập Cận Bình vừa lên nắm quyền), vào tháng 7/2014 lại được thăng hàm Thiếu tướng.
Trước sau hội nghị Bắc Đới Hà năm nay, từ 31/7 – 2/8, chỉ trong 4 ngày đã có thay đổi nhân sự đối với 12 quan chức chủ chốt thuộc 11 trung đoàn Cảnh sát vũ trang các tỉnh thành, trong 11 người được lên tướng thì 3/4 số người lên từ hàm Đại tá, quá nửa số người là Chính ủy; trong 4 thiếu tướng thì 3 người từ cấp phó quân lên cấp chính quân.
Thay mới 56 tướng kể từ sau Đại hội 18
Vào dịp kỷ niệm 89 năm xây dựng quân đội, một người có tiếng trong ngành truyền thông ở Bắc Kinh đã thống kê số quan chức quân đội bị xử lý kể từ sau Đại hội 18, đã chỉ ra:
“Trong 8 năm chiến tranh kháng Nhật chỉ có một tướng hy sinh là Tả Quyền (Quan Zuo), thế mà chỉ vài năm từ sau Đại hội 18 đã ‘rớt đài’ 56 vị”.
Vào tháng Năm năm nay, truyền thông Hồng Kông đưa tin, quân đội Trung Quốc mở đợt thanh trừng chống tham những lần thứ hai nhắm vào phe cánh phái Giang. Số tướng bị liệt vào danh sách đen có tới hơn 200 người, gồm cả những quan to như Liêu Tích Long (Liao Xilong), Lý Kế Nại (Li Jinai), và cựu Thư ký trưởng của ông Giang Trạch Dân là Cổ Đình An (Gu Tingan).
Sau đó vài tháng, ngày 5/8, tờ South China Morning Post tiết lộ, ông Thượng tướng Lý Kế Nại (Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị) và Thượng tướng Liêu Tích Long (Tổng Cục trưởng Tổng cục Hậu cần) đã bị bắt ngay tại Hội nghi Cán bộ hưu trí cấp cao vào hồi tháng Bảy.
Theo Báo cáo được Đại hội đại biểu Nhân dân toàn Trung Quốc thông qua ngày 2/7, ông Trương Minh (Zhang Ming), cựu Tham mưu trưởng Quân khu Tế Nam đã bị “ngã ngựa” vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.
Ngày 15/10, một quan chức giấu tên trong hệ thống quân đội Trung Quốc tiết lộ, trong khoảng một tuần qua đã có khoảng 37 tướng bị “thanh lý”, những người này đều là thân tín một thời của ông Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng.
Ông Minh Cư Chính (Ming Juzheng), giáo sư khoa Chính trị Đài Loan và là chuyên gia về vấn đề Trung Quốc cho biết, dù ông Tập Cận Bình không thể thay đổi toàn bộ nhân sự, nhưng những tướng lĩnh phái Giang lên chức nhanh bất thường là đối tượng bị xử lý, còn những người từng bị đè nén thời Giang – Từ – Quách trở thành đối tượng được đề bạt thăng tiến. Có thể thấy như, 11 tướng của Tổng bộ Lục quân toàn những người không được thăng tiến gì trong thời kỳ trước khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền.
Hay đầu năm nay, ông Tần Thiên (Qin Tian), con thứ của cố Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Tần Cơ Vĩ (Qin Jiwei) được thăng chức Tham mưu trưởng Bộ đội Cảnh sát vũ trang. Anh của ông Tần Thiên là Tần Vệ Giang (Qin Weijiang) hiện là Phó Tư lệnh Quân khu Bắc Kinh, được trao hàm Trung tướng ngay thời điểm chuyển giao quyền lực cho ông Tập. Trước sự kiện Thiên An Môn năm 1989, ông Tần Cơ Vĩ từng theo ông Triệu Tử Dương chống lại lệnh giới nghiêm, vì thế mà trong thời gian dài sau này, gia tộc họ Tần đã bị thế lực phái Giang chèn ép không tiến lên được.
Trước thềm Hội nghị toàn thể Trung ương lần 6 cũng đã có đợt điều chỉnh mạnh mẽ bộ máy nhân sự cấp cao Trung Quốc. Nhìn toàn cục, trong năm nay Quân ủy Trung ương đã đề bạt thêm cả trăm tướng: cuối tháng Bảy vừa qua đã thăng chức hai Thượng tướng là Chính ủy Chu Phúc Hy (Zhu Fuxi) của chiến khu phía tây, Phó Tham mưu trưởng Kỷ Hiểu Quang (Yi Xiaoguang) của Ban Tham mưu Liên hợp Quân ủy; trước thềm Đại hội 18 có ít nhất 16 người thuộc các hệ thống Lục quân, Hải quân và Cảnh sát vũ trang được thăng hàm Trung tướng, 50 người từ Đại tá lên Thiếu tướng; vào tháng Năm vừa qua đã có ít nhất 43 người thăng hàm Thiếu tướng thuộc các hệ thống Hải quân, Không quân và Hỏa tiễn.
Vì sao hành động mạnh vào năm thứ ba sau khi nắm quyền lực?
Kể từ cuối năm 2014 đến nay, trong biến động nhân sự cấp cao của quân đội Trung Quốc, ngoài Quân ủy Trung ương ra thì việc cải tổ nhân sự hầu như liên quan đến tất cả các hệ thống gồm 4 Tổng bộ và 7 Đại quân khu cùng quân khu các tỉnh.
Chuyên gia về quân sự Trung Quốc Lâm Trường Thịnh (Lin Changsheng), nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu Clermont (Mỹ) nhận định, trong hai năm đầu nắm quyền, ông Tập chưa thực sự đẩy mạnh thay đổi nhân sự trong quân đội, nhưng đến năm thứ ba đã ra tay mạnh mẽ. Ông Lâm Trường Thịnh nói: “Cho dù ông Tập Cận Bình từng sống trong quân đội nhưng suy cho cùng ông ấy không thuần túy là con người của quân đội mà vốn xuất thân từ giới văn nhân trí thức. Vì thế trước đó ông ta không có nhiều thế lực trong quân đội, thiếu am hiểu về hệ thống tướng lĩnh khổng lồ trong bộ máy này. Nhưng sau hai năm cầm quyền lực đã tinh tường ngõ ngách, thời cơ hành động đã chín mùi…”.
Dựng lại bộ khung hệ thống
Như vậy, quá trình ông Tập đẩy mạnh thanh trừng và kiểm soát hệ thống quân đội cùng thực hiện tinh giảm biên chế 300 ngàn quân thuộc các bộ phận không tham gia chiến đấu, có thể xem là đợt cải tổ quân đội Trung Quốc toàn diện nhất kể năm 1949 đến nay.
Nhiều nhận định chỉ ra, hoạt động cải cách quân đội của ông chịu áp lực rất lớn, đặc biệt là trở ngại từ hệ thống Lục quân. Vì sau khi cải cách thì địa vị của Hải quân và những quân chủng khác được nâng lên. Nhưng cải cách đã thay đổi cơ cấu chỉ huy của quân đội, sau khi thế lực chống đối bị thanh trừng thì quyền chỉ huy tối cao thuộc về ông Tập Cận Bình.
Trước đây, các binh chủng như Lục quân, Hải quân, Không quân và Quân Hỏa tiễn nằm trong quản lý của Tổng cục Tham mưu, hiện nay do Quân ủy Trung ương trực tiếp phụ trách, mọi quyền lực tập trung về ông Tập Cận Bình.
Tờ Tuần báo Thời Đại có nhận định cho rằng, từ thời Mao Trạch Đông đến nay, Lục quân luôn là lực lượng trung tâm của quân đội Trung Quốc, nhưng hiện nay thì Hải quân và Không quân được nâng lên ngang hàng, đưa vào Ban Chỉ huy Liên hợp, đây là hoạt động cải tổ mang tính lịch sử.
Kết cấu cơ bản của quân đội Trung Quốc cũng thay đổi, 7 Đại quân khu thành 5 Đại chiến khu, các chiến khu do Quân ủy Trung ương phụ trách; sứ mệnh của quân đội từ chỗ hoạt động mang tính khu vực được phát triển mang tính toàn cầu.
Vào năm ngoái, quân đội Trung Quốc chủ yếu nằm trong quản lý của 4 hệ thống lớn: Tổng cục Chính trị, Hậu cần, Tham mưu, Trang bị. Hiện nay Quân ủy Trung ương bố trí thêm 11 bộ phận, làm loãng quyền lực của 4 tổng cục.
Đại duyệt binh là bước ngoặt giành quân quyền
Có nhận định, ngày 3/9/2015 là bước ngoặt trong cuộc chiến giành quân quyền của ông Tập Cận Bình. Đây là dịp chính quyền Bắc Kinh tổ chức lễ duyệt binh kỷ niệm tròn 70 năm kháng chiến thắng lợi. Trong nghi thức duyệt binh, theo thông lệ có sự xuất hiện của các Ủy viên Thường vụ Trung ương đã nghỉ hưu tại quảng trường Thiên An Môn, gồm ông Hồ Cẩm Đào, Giang Trạch Dân, được Đài truyền hình Trung ương phát sóng trực tiếp.
Nhưng giới truyền thông độc lập phân tích rằng, cho dù ông Giang Trạch Dân xuất hiện nhưng không có nghĩa là ông này được an toàn. Họ đưa những dẫn chứng: vào ngày 20/1/2014, ông Từ Tài Hậu cũng xuất hiện cùng ông Tập Cận Bình trong buổi gặp mặt các quan chức hưu trí, nhưng ngày 15/3 cùng năm đã bị điều tra; ngày 16/2/2015, ông Quách Bá Hùng cùng một số sĩ quan hưu trí khác được ông Tập Cận Bình thăm hỏi, nhưng ngày 9/4 họ Quách bị điều tra.
Sau khi lên cầm quyền, ông Tập Cận Bình đã tập trung thời gian hơn hai năm triển khai kế hoạch “đả hổ” nhắm vào thế lực phái Giang. Sau khi ông Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng “ngã ngựa” thì hàng loạt quan tướng phái Giang cũng nối gót đi theo, thế lực phái Giang mất điểm tựa trong quân đội; ông Chu Vĩnh Khang bị xử tù vô thời hạn khiến thế lực hệ thống Chính pháp phái Giang bị gãy gánh, làm phái Giang bị mất “cán dao”; thế lực phái Giang tại các địa phương trên toàn quốc liên tục bị bao vây; các Ủy viên Thường vụ Trung ương phái Giang như Trương Đức Giang, Lưu Vân Sơn, Trương Cao Lệ thường xuyên bị giới truyền thông phanh phui những phi vụ bê bối, luôn trong trạng thái bị gọt giũa quyền lực…
Có thể nói, phái Giang đã sụp đổ!
>> Mời xem tiếp Phần 3
Mộc Vệ (T/H)
Xem thêm: