Thứ Hai, 2 tháng 1, 2017

Việt Nam đang dần thành ‘công xưởng của thế giới’? Bức tranh công nghiệp năm 2016; Cần 2 năm xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ của Bộ Công Thương

2017-01-02_094226
Bức tranh công nghiệp năm 2016 nổi bật lên với việc Việt Nam ngày càng củng cố là một công xưởng công nghệ của thế giới khi sản xuất được hơn 200 triệu chiếc điện thoại di động, công xưởng dệt may với hơn 3 tỷ chiếc quần áo, công xưởng đồ uống với gần 4 tỷ lít bia, hơn 1 tỷ lít sữa, và còn nhiều nữa.


Trong số các sản phẩm công nghiệp chính của Việt Nam năm 2016, nhiều sản phẩm phải tính đến đơn vị hàng tỷ.
Sản phẩm công nghiệp ghi nhận con số sản xuất lớn nhất là điện sản xuất, với sản lượng 175,5 tỷ kwh, tăng hơn 11% so với năm 2015.

Một sản phẩm khác của ngành năng lượng cũng đạt con số khổng lồ là khí đốt thiên nhiên dạng khí, với khối lượng sản xuất đạt 10,6 tỷ mét khối, gần tương đương khối lượng sản xuất của năm trước.

Tuy nhiên, trong mắt người dân thế giới, Việt Nam đang nổi lên là công xưởng của dệt may và công nghệ – những sản phẩm mang ngoại tệ về nhiều nhất cho Việt Nam.
Việt Nam sản xuất được 3,43 tỷ chiếc quần áo mặc thường trong năm 2016, tăng hơn 6% so với năm 2015. Với con số này, giả sử nếu người dân Việt Nam tiêu thụ hết, mỗi người sẽ có bình quân khoảng 37 chiếc trong năm qua.

Điện thoại di động “Made in Việt Nam” cũng chi phối thị trường trong nước và thế giới trong năm 2016 khi Việt Nam sản xuất được 200,2 triệu chiếc (giảm gần 11% so với năm trước). Nếu chia đều cho người dân Việt Nam, mỗi người cũng có dư 2 chiếc.
Trong khi sản xuất điện thoại giảm, một sản phẩm công nghệ khác là tivi lại ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong năm qua. Sản xuất tivi đạt 8,7 triệu chiếc, tăng 70% so với năm trước.

Sức tiêu thụ bia rượu lớn của người dân Việt Nam phần nào đã được thể hiện qua các con số, dù là số liệu về mặt cung. Tổng cục Thống kê cho biết Việt Nam đã sản xuất khoảng 3,8 tỷ lít bia trong năm 2016, tăng hơn 9% so với năm trước.
Cũng về đồ uống, sản xuất sữa tươi đạt 1,2 tỷ lít, tăng suýt soát 7%.

Một sản phẩm công nghiệp thường được lưu ý là “có hại cho sức khỏe” là thuốc lá tiếp tục được sản xuất với số lượng lớn trong năm qua. Số liệu cho thấy sản xuất thuốc lá điếu năm 2016 đạt 5,34 tỷ bao, tăng 3,5% so với năm 2015.

Sản xuất dầu thô – một sản phẩm từng là nguồn thu lớn của ngân sách nhà nước – tiếp tục sụt giảm do ảnh hưởng của việc giá dầu xuống thấp. Sản lượng dầu thô khai thác trong năm qua đạt 15,2 triệu tấn, giảm khoảng 10% so với năm 2015.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ chốt khác cũng ghi nhận sản lượng giảm trong năm 2016 như than đá, đường kính, vải dệt, phân NPK.
Những sản phẩm tăng trưởng mạnh nhất, ngoài tivi còn có ô tô, sắt thép, thức ăn gia súc, xi măng, sữa bột.
Hạo Nhân


Cần 2 năm xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ của Bộ Công Thương

Nhà máy đạm Ninh Bình, Ảnh: nguồn internet

   Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết trong năm 2017-2018 dự kiến sẽ giải quyết dứt điểm, triệt để các dự án nghìn tỉ thua lỗ của Bộ

Tính đến thời điểm hiện nay, ngoài 5 nhà máy, dự án thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả mà Quốc hội đã nêu lên tại Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 vừa qua là nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất và nhà máy đạm Ninh Bình.
Ban chỉ đạo của Chính phủ cũng bổ sung sơ bộ thêm 7 nhà máy, dự án khác là đạm Hà Bắc, đạm DAP 1 Lào Cai, DAP 2 Hải Phòng, Ethanol Bình Phước, Ethanol Phú Thọ, nhà máy đóng tàu Dung Quất, dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và nhà máy gang thép Lào Cai. 
Bàn về thời gian và phương hướng xử lý các dự án này, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết dự kiến trong giai đoạn 2017-2018, Bộ sẽ giải quyết dứt điểm, triệt để các dự án nghìn tỉ thua lỗ này. Bên cạnh đó sẽ tiếp tục, kiên quyết làm rõ nguyên nhân dẫn tới tình trạng thua lỗ này từ lúc phê duyệt chủ trương đầu tư đến lúc phê duyệt dự án.
"Xử lý trách nhiệm không chỉ dừng ở cá nhân, đây cũng là bài học hoàn thiện thể chế chính sách, quản trị của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước. Những vấn đề lớn liên quan đến kinh tế ngành, quản trị tài sản nhà nước, chính sách cán bộ, công tác quản lý nhà nước của các cấp", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nói thêm về các dự án thua lỗ này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết các dự án này đã diễn ra hoạt động trong một thời gian dài, trước khi giao về cho Bộ Công Thương chủ quản. Pháp lý lúc đó còn sơ sài, bộc lộ nhiều thiếu sót, cụ thể là giao trách nhiệm cho chủ đầu tư còn bộ ngành chỉ có trách nhiệm góp ý. 
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng khẳng định đã trình bày rõ ràng, rành mạch sự lãng phí của các dự án này. Từ đó xác định giải pháp thu hồi lại tài sản của nhà nước. Đồng thời đưa ra giải pháp phù hợp để dự án được tiếp tục khai thác phù hợp với xu thế chung.
Trong khi đó, tại phiên họp Chính phủ ngày 20.12 vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nêu rõ: "Tinh thần xử lý các dự án, nhà máy này phải rất quyết liệt, khẩn trương, đồng bộ, đồng lòng, hợp sức, bảo đảm tới hết năm 2017 phải có chuyển biến căn bản về kết quả xử lý, phấn đấu tới hết năm 2018 cơ bản xử lý xong các dự án, doanh nghiệp này". 
Về phương án xử lý các dự án, nhà máy, Phó Thủ tướng cho rằng song song với việc rà soát quá trình hình thành dự án, Ban chỉ đạo sẽ đánh giá tổng thể thực trạng, mức độ thiệt hại để báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các dự án, nhà máy còn năng lực sản xuất sẽ thực hiện cơ cấu lại sản xuất, nguồn nhân lực, quản trị. Dự án, nhà máy nào không còn khả năng cơ cấu lại sẽ phải xử lý theo các hướng thoái vốn, bán đấu giá, cho giải thể, phá sản... theo quy định của pháp luật.
“Nhà nước nhất quyết không dùng tiền ngân sách để bù lỗ, hỗ trợ cho các dự án này nữa”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Trao đổi với phóng viên báo Một Thế Giới, GS. TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng cho rằng không nên đổ tiền thêm vào các dự án thua lỗ, đắp chiếu này nữa. Phải xử lý nhanh gọn, dứt điểm, không để kéo dài từ năm này sang năm khác.
"Trong các dự án thua lỗ này, mỗi dự án đều ở một tình trạng khác nhau, nên sẽ có những phương hướng giải quyết khác nhau. Song, tôi cho rằng cần xem xét, đánh giá dài hạn xem dự án nào có triển vọng mang lại lợi nhuận thì bán lại cho tư nhân, còn dự án nào thua lỗ nặng mà không còn triển vọng gì nữa thì nên cho phá sản", GS Mại nhận định.

Tuyết Nhung
Xem thêm:

Không có nhận xét nào: