Thứ Ba, 31 tháng 1, 2017

Thủ tướng có hỏi tôi: Bác có ủng hộ không?

NGỌC QUANG

(GDVN) - Trong thâm tâm tôi, trước sau như một, lúc nào cũng ủng hộ Đảng, Nhà nước xây dựng bộ máy trong sạch vững mạnh.
Chia sẻ với độc giả Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam những ngày đầu Xuân Đinh Dậu, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu IV đánh giá rất cao những nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ trong năm vừa qua. Đó là tiền đề quan trọng để thực hiện một cuộc cải cách sâu rộng trong năm 2017.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước chia sẻ, vào giữa tháng 1/2017, ông có dịp gặp, đối thoại trực tiếp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một sự kiện diễn ra tại Hà Nội.
Tướng Thước chia sẻ: “Lúc ấy có rất đông người, tôi nói rằng hôm nay gặp Thủ tướng tôi muốn nói về quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, quyết tâm thực hiện Nghị quyết Đại hộ Đảng 12.
Thủ tướng có hỏi tôi: Bác có ủng hộ không? Tôi trả lời rằng, tôi hoàn toàn ủng hộ Thủ tướng quyết tâm xây dựng chính phủ liêm chính, trong sạch, các cấp các ngành, các địa phương cũng phải như vậy.
Trong thâm tâm tôi trước sau như một lúc nào cũng ủng hộ Đảng, Nhà nước xây dựng bộ máy trong sạch vững mạnh.
Thủ tướng có hỏi ý kiến của bác thế nào? Tôi nói, tuyên bố là thể hiện quyết tâm chính trị rất cao rồi. Bây giờ để hiện thực hóa những tuyên bố ấy, trước mắt cần phải cải cách mạnh mẽ hai vấn đề là bộ máy cán bộ và thủ tục hành chính.
Muốn xây dựng được một nhà nước kiến tạo, đổi mới, thông minh thì phải có những người cán bộ giỏi, có tâm với nhân dân, với đất nước.
Vì vậy sau những tuyên bố mạnh mẽ ấy rồi thì tôi mong Thủ tướng tập chung giải quyết công tác cán bộ, giải quyết vấn đề thủ tục hành chính. Đón nhận những ý kiến ấy, Thủ tướng rất đồng tình và cho biết Chính phủ đang hết sức nỗ lực để đời sống của nhân dân ngày càng tốt hơn”.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: “Chúng tôi sẵn sàng ủng hộ và luôn bên cạnh Thủ tướng”. ảnh: Ngọc Quang.
Hai vấn đề mà Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nêu ra cũng đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải kiên quyết thực hiện.
Cụ thể là yêu cầu mỗi năm các bộ, ngành phải giảm được 1,5% số biên chế cơ quan nhà nước; mỗi năm giảm 10% các thủ tục hành chính… đó là những dấu hiệu cho thấy Chính phủ quyết tâm sớm hoàn thành mục tiêu “liêm chính – kiến tạo – hành động”.
Tướng Thước bày tỏ: “Tôi thực sự ấn tượng với những phát ngôn chân thành của Thủ tướng. Thủ tướng đã chỉ rõ ra rằng người dân và doanh nghiệp còn rất khổ cực khi tiếp xúc với cơ quan nhà nước.
Thủ tướng quyết tâm rồi, bây giờ Thủ tướng hãy tiếp tục giơ cao ngọn cờ, chúng tôi sẵn sàng ủng hộ và luôn ở bên cạnh Thủ tướng, vì nhân dân phục vụ”.
Theo quan điểm của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, cần phải kiên quyết soát xét lại toàn bộ hệ thống công tác tổ chức cán bộ, xem lại quy trình đề bạt, đánh giá, sử dụng cán bộ như thế nào mà lại xảy ra chuyện bổ nhiệm những người không xứng đáng?
“Bác Hồ đã dạy rằng: Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó/ Có tài mà không có đức là người vô dụng.
Cũng vì có những loại cán bộ đạo đức yếu kém, nhưng lại giỏi luồn lách, nhăm nhăm tạo phe cánh, lợi ích nhóm cho nên mới gây ra thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng cho nhà nước.
Hàng chục dự án thua lỗ nghiêm trọng, nhìn thấy rõ là nguy cơ mất vốn của nhà nước.
Những khoản tiền lớn ấy cứ hao hụt dần nên mới khiến ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn. Chính phủ chịu nhiều áp lực thì nhân dân cũng phải gánh vác thêm, chịu thêm nhiều sức ép cùng Chính phủ. Vậy thì những kẻ gian tham như vậy phải xử lý thế nào?
Dứt khoát phải xử lý nhanh, xử lý dứt điểm đến nơi đến chốn thì mới tạo dựng được niềm tin với nhân dân. Nói quyết liệt rồi nhưng hành động cũng phải quyết liệt. Như vậy thì đất nước mới hùng mạnh được.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đánh giá, năm 2016, đất nước đã ghi nhận những nỗ lực từ Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ 12.
“Có rất nhiều vấn đề được đặt ra tại đại hội, nhưng điều mà nhân dân quan tâm lớn nhất chính là công tác cán bộ còn nhiều tồn tại đã được Đảng ta thẳng thắn thừa nhận, chỉ rõ những khuyết điểm, tồn tại. 
Những thành tựu đã đạt được có dấu ấn rất lớn của những cán bộ giỏi, nhưng bên cạnh đó rất tiếc là còn đó nạn tham nhũng, nhiều dự án bị thua lỗ cũng vì sự tham lam của cán bộ. 
Vì vậy, nhân dân chờ đợi Đảng, Chính phủ phải quyết tâm hành động mạnh mẽ, xử lý dứt điểm những kẻ phá hoại nỗ lực của toàn dân”, Tướng Thước .
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ rõ, bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
Nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Nổi lên một số vấn đề cấp bách sau đây:
Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...
Nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách" trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức, do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm.
Do vậy, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm; tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân. 
Cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân.
Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở một số nơi chưa đến nơi đến chốn, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, nói không đi đôi với làm, hoặc làm chiếu lệ.
Đề cập tới vấn đề này, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước bình luận: “Dù các đồng chí lãnh đạo cấp cao có quyết tâm, có liêm chính, hết lòng vì dân, nhưng bên dưới cán bộ ở các ngành, các cấp, các địa phương vẫn cứ tìm cách gian dối thì dân còn khổ. Nói như một Đại biểu Quốc hội thì vẫn còn những loại cán bộ tìm cách xin đểu dân, xin đểu doanh nghiệp”.
Quá nhiều dự án thua lỗ, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng khiến kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn. ảnh: Báo Đấu thầu.
“Khó vạn lần dân liệu cũng xong”
Nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Khó trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước bày tỏ lo lắng, nếu như công tác cán bộ không được thực hiện triệt để, vẫn còn có sự nể nang, dung túng… thì suy cho cùng mọi khổ cực vẫn là do dân gánh chịu.

Tướng Thước: “Nhiều người vào Đảng là để lợi dụng, leo cao”

Các văn kiện của Đảng cũng đã chỉ ra rằng, chính sự sơ hở, buông lỏng, thậm chí tiêu cực đã tạo ra “lỗ kim” cho những “con lạc đà” cơ hội, trục lợi, tham vọng địa vị... “lọt” qua, làm xói mòn lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Cũng vì kỷ cương không nghiêm cho nên mới dẫn tới tình trạng “hoàng hôn nhiệm kỳ”, tranh thủ thay đổi nhân sự hay xây sửa, mua sắm tài sản công... hòng kiếm trác vài khoản trước ngày hạ cánh.
“Có nhiều kẻ liều lĩnh, bất chấp dư luận, bất chấp luật pháp và cũng đạp lên cả danh dự, nhân phẩm của chính mình. Thế nên biện pháp hữu hiệu nhất lúc này không còn là giáo dục nữa mà phải quy trách nhiệm, xử lý nhanh và nghiêm khắc, không chỉ cách chức mà còn phải xử lý trách nhiệm hình sự với những kẻ có 'máu tham nhũng'.
Không thể nào chấp nhận được khi mà mỗi năm Hà Nội chi tới 700 tỷ đồng chỉ để cắt tỉa cỏ, chăm sóc cây cảnh trong khi vẫn còn hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo chưa biết đến bao giờ mới thoát khỏi khó khăn.
Đường nước sông Đà vỡ đến bao nhiêu lần rồi? Chẳng lẽ những điều đó chỉ nêu ra cho dân biết rồi để đó? Liệu rằng có xử lý gì tới trách nhiệm của cán bộ?
Xã hội lâu nay đã tồn tại quá nhiều những bất công, tiêu cực, vì thế tôi mong rằng hơn lúc nào hết các cơ quan thực thi công vụ phải lấy lợi ích của nhân dân, của quốc gia làm trọng.
Nếu không xử lý được cán bộ vướng vào sai phạm thì niềm tin trong nhân dân tiếp tục suy giảm, gây mất đoàn kết, đó là mầm mống gây ảnh hưởng xấu tới an ninh chung của đất nước”, Tướng Thước nêu vấn đề.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đồng thời đặt ra một vấn đề lớn khác đang là nỗ lo tiềm ẩn của dân tộc, đó là sự phai nhạt lý tưởng, dẫn tới tự chuyển hóa, tự diễn biến.
Hội nghị Trung ương 4 đã chỉ ra sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, ham quyền lực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân.
Ông nói: “Ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã xác định đúng đắn đường lối cách mạng, tất cả vì quyền lợi của nhân dân chứ không có mục đích nào khác. Chính vì thế mà nhân dân tin Đảng.
Nhưng điều đáng tiếc là trong khó khăn thì cán bộ đồng lòng, còn khi kinh tế tốt lên thì đạo đức của nhiều cán bộ lại bị bào mòn bằng lối hành xử gian dối, nhũng nhiễu, khiến niền tin của dân bị suy giảm.
Tôi mong rằng, trong năm mới Chính phủ sẽ cho thấy thêm những hành động mới, quyết liệt hơn, dứt khoát hơn; tiếp tục tinh thần cầu thị, trọng dân, hành xử minh bạch để được dân tin yêu, quý trọng, cùng góp sức đưa đất nước vượt qua khó khăn”.
Ngọc Quang

Không có nhận xét nào: