Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

17 lời khuyên của thiền sư số một Nhật Bản, điều thứ 5 có lẽ ai cũng phải giật mình; Dạy trẻ 7 thói quen tốt này, còn hơn cho chúng cả núi vàng núi bạc

17 lời khuyên của thiền sư số một Nhật Bản, điều thứ 5 có lẽ ai cũng phải giật mình

Kodo Sawaki (1880-1965) hay “Kodo-Kẻ không nhà”, là một trong những vị thiền sư phái Tào Động (Nhật Bản) có ảnh hưởng nhất của thế kỷ XX. Là trẻ mồ côi, 16 tuổi xuất gia, sau bị gọi nhập ngũ, chiến tranh kết thúc Sawaki quay về tiếp tục tu học thiền. Kodo Sawaki lập hạnh không trụ mà đi khắp nơi để dạy thiền.

Thiền sư Sawaki luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc hành thiền hơn là học kinh sách hay tham công án. Một số lời khuyên dạy của Kodo Sawaki được môn sinh tập hợp thành “Gửi bạn”, xin chia sẻ đến bạn đọc suy ngẫm.
1. Gửi người bắt đầu biết suy ngẫm về cuộc đời
Ở một số nơi tại Mãn Châu, các cỗ xe thường do các chú chó to lớn kéo. Bác xà ích treo một miếng thịt trước mũi chó, và chú chó chạy như điên theo miếng thịt. Nhưng dĩ nhiên là chú không bao giờ với tới. Chú chỉ được vứt cho miếng thịt khi cỗ xe đã về tới đích. Rồi chỉ trong một cái ngốn, chú nuốt chửng miếng thịt xuống cổ họng.
Người đi làm với đồng lương cũng y hệt như thế. Từ đầu tháng cho đến cuối tháng, họ cũng chạy theo đồng lương treo trước mũi. Một khi đã lãnh lương, họ cũng ngốn nó, và lại sẵn sàng chạy tiếp theo kỳ lương tới. Không ai có thể thấy xa hơn đầu mũi của mình.
Câu hỏi là: Tại sao bạn phải khốn khổ như thế?
Nếu không cẩn thận, bạn sẽ phí hết cuộc đời mình không làm gì ngoài việc chờ đợi những hy vọng tầm thường nhất của mình có thể thành tựu.
2. Gửi người không thể nào dừng lo lắng người khác nghĩ về mình như thế nào
Bạn không thể nào đổi bất cứ thứ gì với người khác. Mỗi và mọi người phải sống cuộc đời riêng của mình.
Đừng phí thời gian suy xét xem ai là người tài giỏi nhất.
Mắt không nói, “Chúng tôi thấp hơn, nhưng thấy nhiều hơn”. Chân mày không trả lời, “Đúng, chúng tôi không thấy gì, nhưng chúng tôi ở cao hơn”.
Mũi không thể thay mắt, và miệng không thể thay cho tai.
Mọi thứ đều có nhiệm vụ riêng của mình, mà không gì trong vũ trụ có thể thay thế.
3. Gửi người đã hoàn toàn mệt mỏi trong việc đấu tranh với người phối ngẫu
Vấn đề không phải ai là người đúng. Đơn giản là các bạn nhìn sự việc theo quan niệm khác nhau. Khi bạn bắt đầu nói “Tôi”, mọi thứ theo sau đều là ảo tưởng.
Hãy thôi cố gắng làm một người đặc biệt - hãy cứ là chính mình. Hãy kiềm chế. Ngồi xuống!
4. Gửi người nghĩ làm giống người khác là có lợi
Bạn luôn bám theo người khác. Nếu họ ăn khoai chiên, bạn cũng đòi ăn khoai chiên. Nếu ai đó ăn kẹo, bạn cũng muốn ngậm kẹo. Nếu ai đó thổi còi, bạn cũng kêu đòi: “Mẹ ơi, mua cho con cái còi”. Và điều đó không chỉ xảy ra đối với con trẻ.
Khi mùa xuân tới, bạn quay cuồng theo mùa xuân. Khi thu đến, bạn chạy theo mùa thu. Ai cũng chờ đợi thứ gì đó để chạy đuổi theo. Có người còn kiếm sống được nhờ sự chạy đuổi theo đó - họ làm nghề quảng cáo.
Với từng cá nhân, chúng ta còn chịu đựng nổi, nhưng khi họ lập thành nhóm, họ bắt đầu trở nên quái dị. Họ bị rơi vào sự ngu ngốc của nhóm, của bầy đàn.
Khi sống trong sự ngu ngốc của nhóm, chúng ta lẫn lộn giữa sự cuồng điên và kinh nghiệm thực sự. Nên điều quan trọng là bạn phải rõ ràng về bản thân, và thức tỉnh khỏi cơn điên đó. Thiền có nghĩa là rời bỏ bầy đàn và tự đi trên đôi chân của mình.
5. Gửi người mà suốt đời chỉ biết có tiền và tiền
Hạnh phúc và bất hạnh của con người không chỉ tùy thuộc vào tiền. Nếu con số trong tài khoản tín dụng của bạn là thước đo lường hạnh phúc, thì sự việc sẽ đơn giản xiết bao. Tuy nhiên thực sự nó không phải như thế.
Đừng quá tiêu cực khi bạn bắt đầu nói là bạn cần tiền để sống. Trong thế giới này, bạn có thể hoàn toàn sống tốt mà không cần đến sổ tiết kiệm.
Một số người nghĩ rằng họ quan trọng bởi vì họ có tiền. Người khác thì cho mình quan trọng vì đã đạt được giác ngộ (satori). Nhưng cho dầu bạn thổi phồng tấm da thịt này bao nhiêu, bạn cũng không thể biến mình thành gì cả - ngoài việc trở thành ma.
Những gì không thuộc về bạn chiếm đầy vũ trụ. Khi nào những suy tưởng của cá nhân bạn chấm dứt, thì Phật pháp có mặt.
6. Gửi người thích có nhiều tiền, tình yêu, chức vị và danh vọng
Si mê có nghĩa là chỉ biết chăm lo cho bản thân mình. Còn kẻ trí nói, “Dầu có gì xảy ra, tôi vẫn là tôi”.
Một lần tôi viếng thăm một mỏ than. Có lúc khi đang đi xuống, tôi có cảm giác như thình lình chúng tôi lại trở lên cao. Cũng giống như thế, khi suy nghiệm về cuộc đời mình, hình như chúng ta luôn sai lầm khi lầm tưởng rằng những con số luôn thay đổi là tổng số.
Thua là định. Thắng là ảo tưởng.
Không thèm muốn bất cứ thứ gì là món quà lớn nhất mà bạn có thể ban tặng cho vũ trụ.
7. Gửi người muốn thấy kẻ thù bị điêu đứng
Chúng ta thường nghĩ không biết ở đây ai thực sự là kẻ hay hơn. Nhưng chẳng phải là tất cả chúng ta đều tượng hình từ cùng nắm đất đó sao?
Mọi người cần ngồi chôn chặt xuống chỗ không có tốt hơn hay xấu hơn.
Suốt đời bạn đã là kẻ điên rồ khi nghĩ rằng thực sự có “tôi” và “người khác”. Bạn làm đủ trò để nổi bật trong đám đông, nhưng trong thực tế thì không có “bạn” hay “người khác”.
Phật pháp có nghĩa là liền một mảnh. Vậy thì đường biên nào chạy giữa bạn và tôi? Dần dần tất cả chúng ta đều hành xử như thể có đường biên chia tách bạn và thù. Chúng ta đã quen quá với cách suy nghĩ đó, ta tin rằng đường biên đó thực sự hiện hữu.
Nghèo hay giàu, quan trọng hay không quan trọng - không có gì hiện hữu. Chúng chỉ là ánh sáng lấp lánh trên các làn sóng.
8. Gửi người đang đau khổ vì bị lường gạt
Tất cả chúng sanh đều lầm lạc: xem là hạnh phúc cái đưa đến bất hạnh, và than khóc vì một bất hạnh hoàn toàn không phải là bất hạnh. Tất cả chúng ta đều biết là một đứa trẻ đang khóc có thể biến nước mắt thành tiếng cười khi bạn cho nó cái bánh. Cái mà những kẻ phàm phu như chúng ta gọi là hạnh phúc cũng không hơn thế bao nhiêu. Đôi lúc bạn cần tát vào mặt mình để tự hỏi một cách nghiêm túc: Những điều bạn được hay mất có thực sự đáng được bạn reo hò hay than khóc như thế không?
Sớm muộn gì mọi người cũng bắt đầu chỉ nghĩ cho riêng mình. Bạn nói, “Tốt quá!”. Nhưng cái gì tốt? Nó chỉ tốt cho bản thân bạn, thế thôi.
Người có nhiều ham muốn rất dễ bị lường gạt. Ngay cả những kẻ lừa phỉnh đại tài nhất cũng không mong được gì từ người không có lòng tham muốn.
Phật giáo có nghĩa là vô ngã, không có gì để đạt được.
9. Gửi người lận đận trên đường công danh
Khi đã chết và bạn nhìn lại cuộc đời mình, bạn sẽ thấy những thứ này không đáng chi.
May mắn hay rủi ro, tốt hay xấu - không phải tất cả đều như bạn nhìn thấy. Cũng không phải giống như bạn nghĩ đâu. Bạn cần phải vượt lên trên may mắn hay bất hạnh, tốt hay xấu.
Đau khổ không là gì hơn là cái khổ ta tự tạo ra cho bản thân.
10. Gửi người luôn than thở rằng mình không có thời gian
Mọi người đều than phiền là họ quá bận rộn đến không có thời gian. Nhưng tại sao họ lại bận rộn đến thế? Chính là ảo vọng khiến họ bận rộn. Người hành thiền luôn có thời gian. Khi bạn hành thiền, bạn có nhiều thời gian hơn bất cứ ai ở trên thế gian này.
Nếu không cẩn thận, bạn đang làm ầm ĩ cái việc kiếm sống của mình. Bạn luôn bận rộn, nhưng tại sao? Chỉ là để kiếm miếng ăn. Đàn gà cũng tíu tít khi mổ thức ăn. Nhưng tại sao? Chỉ để bị người ta ăn thịt.
Người ta có thể tạo ra bao nhiêu ảo vọng trong một cuộc đời? Khó thể tính toán. Ngày này qua ngày khác, lúc nào cũng “Tôi muốn cái này, tôi muốn cái kia...”. Chỉ dạo một vòng trong công viên cũng đã có bao vọng tưởng hiện ra trong đầu. Vậy đó là ý nghĩa của ‘bận rộn”, “Tôi muốn được bên em, tôi muốn về nhà, tôi muốn gặp em...”.
Con người luôn thở không ra hơi vì chạy quá nhanh theo ảo vọng của họ.
11. Gửi người đang mong muốn có một cuộc sống hạnh phúc hơn
Hãy tịnh lắng và mọi thứ rồi sẽ tốt thôi. Ta chỉ cần một sự gián đoạn ngắn. Làm Phật có nghĩa là một sự gián đoạn ngắn từ làm chúng sanh. Làm Phật không có nghĩa là phải đi từ chúng sanh lên.
“Loài nào đứng trên mặt đất mà không đi tới cũng chẳng đi lui?”. Kyuho trả lời, “Là con cừu đá với con cọp đá: trước sau gì chúng cũng mệt mỏi khi phải kình chống nhau”. Con cừu đá không nhúc nhích. Con cọp đá cũng không nhảy chồm lên vì đói. Điểm mấu chốt là đó - hãy đối mặt với sự việc vượt lên cả suy tư.
Chúng ta được gì khi thực sự nắm bắt sự vật như chúng đang là? Vượt trên sự suy tư. Vượt lên trên suy tư không cho phép nó tự suy tư. Dầu bạn có nghĩ thế hay không: sự vật cũng đơn giản như chúng là.
“Tất cả mọi pháp đều trống không” có nghĩa là không có gì để chúng ta can dự vào, vì không có gì thực sự xảy ra.
Chưa từng có gì xảy ra, bất chấp những gì như đang xảy ra - đó là trạng thái tự nhiên. Ảo tưởng là đánh mất trạng thái tự nhiên này. Thông thường chúng ta không nhận ra được trạng thái tự nhiên này. Chúng ta che giấu nó với một điều gì khác, nên nó không còn tự nhiên nữa.
Phật pháp có nghĩa là trạng thái tự nhiên này. Thực hành theo Phật có nghĩa là hoàn toàn sống trong giây phút hiện tại này - là cả cuộc sống của ta - ngay đây và bây giờ.
12. Gửi người muốn học Phật pháp để hoàn thiện bản thân
“Lý thuyết rỗng tuếch” là cách ta gọi những kẻ sính dùng thuật ngữ. Kiểu đó thì không ích lợi gì. Hãy đắm cả hồn và xác vào đó!
Bạn phải hoàn toàn chết để có thể quán tưởng về Phật pháp. Chỉ tự hành xác và chết nửa vời thì không đủ.
13. Gửi người cho rằng Phật giáo không có nghĩa lý gì đối với họ
Khi nói về Phật, bạn đang nghĩ đến một điều gì xa vời, không liên quan đến bạn, đó là lý do tại sao bạn chỉ chạy loanh quanh trong vòng tròn.
Chúng sanh và Phật đều có cùng hình tướng. Tỉnh giác và si mê cũng có cùng hình tướng. Khi ta thực hành theo Phật pháp, chúng ta là Phật. Hay đúng hơn, chính vì ta đã là Phật nên ta có thể thực hành theo Phật pháp.
Bạn nghĩ rằng Phật giáo thì hơi khác với mọi thứ. Nhưng không phải như thế chút nào: Phật giáo chính là mỗi và tất cả mọi thứ.
14. Gửi người không biết việc hành thiền của mình có ích lợi gì không
Thiền có ích gì? Hoàn toàn không! Nhưng cái “chẳng ích lợi gì” này phải thấm vào xương thịt bạn cho đến khi bạn thực sự thực hành cái “chẳng ích lợi gì”. Chỉ đến khi đó, thì việc hành thiền của bạn mới thực sự chẳng ích lợi gì.
Bạn nói rằng bạn muốn trở thành người tốt hơn bằng cách hành thiền. Nhưng thiền không phải là về việc học làm thế nào để thành một con người. Thiền là dừng lại việc làm người.
Bạn nói, “Khi thiền, tôi bị ảo tưởng!”. Điên rồ! Sự thật là chỉ khi hành thiền bạn mới ý thức đến các ảo tưởng của mình. Khi bạn quay cuồng với ảo tưởng của mình, bạn đâu hề để ý tới chúng. Lúc bạn hành thiền, một con muỗi chích, bạn cũng biết ngay. Nhưng khi bạn đang quay cuồng, thì con vắt có cắn, bạn cũng không hề hay.
Đừng càu nhàu. Đừng có trao tráo mắt nhìn khoảng không. Chỉ ngồi!
15. Gửi người với tâm bấn loạn đang cố hết sức để được tâm an
Tâm bạn không an vì bạn đang chạy đuổi theo lý tưởng của một tâm hoàn toàn thanh tịnh. Đó là đi thụt lùi. Hãy theo dõi tâm trong từng giây phút, dầu nó có loạn động đến thế nào. Ta chỉ có thể đạt được tâm an lạc rộng lớn khi thực hành với tâm loạn động này.
Khi sân cuối cùng được chấp nhận là tâm sân, thì tâm sẽ an lạc.
16. Gửi người cho rằng mình đạt được trạng thái tâm tốt đẹp hơn nhờ thiền định
Khi nào bạn còn cho rằng thiền là việc tốt, thì có điều gì đó không bình thường. Hoàn toàn không có gì đặc biệt về thiền không vết nhơ. Không cần phải hàm ân về điều đó. Đừng làm ô uế việc hành thiền của bạn bằng cách nói là bạn đã tiến bộ, cảm thấy tốt hơn, hay trở nên tự tin hơn trong việc hành thiền.
Chúng ta chỉ nói, “Mọi việc tốt đẹp!” khi chúng xảy ra theo ý ta.
Lý ra chúng ta phải để dòng nước của trạng thái ban đầu của ta như nó là. Nhưng thay vào đó, ta cứ liên tục vọc tay vào đó để xem nước lạnh hay ấm. Đó là lý do nó bị vẩn đục.
Thiền không phải là máy đo khi nhiệt độ từ từ tăng lên: “Thêm chút nữa…, đúng rồi! Giờ tôi đã đạt được giác ngộ!”. Thiền không bao giờ trở thành một điều gì đó đặc biệt, dầu bạn có thực hành nó trong bao lâu. Nếu nó trở thành đặc biệt, chắc chắn là bạn đã lơi lỏng chỗ nào rồi.
17. Gửi người kỳ vọng một cách sống tuyệt đối
Phật pháp là gì? Đó là để mọi khía cạnh trong đời sống hàng ngày của bạn đều nương tựa theo Phật.
Cốt lõi của tất cả mọi hành động là đi đến chỗ tận cùng. Nếu tâm bạn vắng mặt dù chỉ một giây, bạn không khác gì cái xác chết. Thực hành là luôn tự hỏi mình “Ngay bây giờ tôi có thể làm gì theo như Phật?”.
Đạt được đích chỉ một lần thôi chưa đủ. Điểm tối đa của năm ngoái chẳng ích lợi gì. Bạn cần phải đạt được đích ngay bây giờ.
Theo Diệu Liên Lý Thu Linh
Đại đoàn kết


thoiquen

Dạy trẻ 7 thói quen tốt này, còn hơn cho chúng cả núi vàng núi bạc

Lúc nhỏ từng nghe một câu chuyện như sau: Có ba người cha thường xuyên đến chùa cầu nguyện cho con trai, ngày tháng lâu dài làm cảm động Bồ Tát. Có một ngày họ được Bồ Tát mời đi cùng một lúc, cho phép họ mỗi người chọn một món trong vô số báu vật, mang về tặng cho con trai.
Người cha thứ nhất chọn một cái chén bạc có đính đá quý,
Người cha thứ hai chọn một chiếc xe ngựa phủ toàn vàng ròng,
Người cha thứ ba chọn một cung tên làm bằng sắt.
Người con trai có được chén bạc ngày ngày đắm chìm ăm uống,
Người con trai có được xe ngựa vàng thích đi khoe khoang khắp phố,
Người con trai có được cung tên suốt ngày săn bắn trong núi.
Nhiều năm sau, ba người cha qua đời.
cung
Đây chính là 3 món đồ vật mà 3 người cha chọn lấy cho con mình.
Người con trai thích ăn uống thì miệng ăn núi lở, tháo đá quý đính trên chén xuống đem bán, cuối cùng không thể dùng bưng chén đi xin ăn.
Người con trai thích khoe khoang mỗi ngày đều cậy vàng trên xe ngựa, đem đổi lấy lương thực sống vất vả qua ngày.
Người con trai biết săn bắn luyện được công phu săn bắn giỏi, thường xuyên vác con mồi trở về, cả nhà có cái ăn cái mặc.
Ngụ ý của câu chuyện nhân gian này tuy đơn giản mà sâu sắc: Làm cha mẹ, nếu như chúng ta để lại cho con cái chỉ có một số tài sản có tính tiêu hao, thì không thể bền vững, chỉ có để lại cho con cái một số tài sản có tính sinh sản, tính sáng tạo, mới thực sự là có trách nhiệm với chúng.
Vậy cho đến ngày nay, cái gì là món quà mà chúng ta có thể ban tặng cho con cái, có thể bảo vệ hạnh phúc sức khỏe cả đời của chúng?
Món quà thứ nhất: Làm việc có kế hoạch.Làm việc có kế hoạch mới có thể giành được sự tín nhiệm, không đến nổi phải mất gà mới lo làm chuồng.
Có một số học sinh mỗi lần sắp đến ngày thi đều rối rắm hỗn loạn, lúc làm bài tập lo nghĩ phân vân, buổi sáng thức dậy đi học thường không tìm thấy tất, tiền tiêu vặt chưa tiêu đến cuối tháng đã không còn đồng nào…
Khi con cái có tật xấu trong phương diện này, cha mẹ nhất định phải dạy cho chúng biết tính quan trọng của kế hoạch.
Đừng ngại để con bạn trước lúc đi ngủ chuẩn bị lịch trình của ngày hôm sau, cho con bạn chép vào giấy ghi việc (giấy note) để dễ thực hiện. Nuôi dưỡng được thói quen tốt này, con bạn chắc chắn được nhận lợi ích cả đời!
Món quà thứ hai: Nói đạo lý, tốt với người khác.
Mọi người đều bằng lòng đối diện với một khuôn mặt tươi cười.
Người luôn mỉm cười với người khác, đều là chân thành tốt bụng, khoan dung độ lượng, họ đi đến đâu cũng đều được chào đón.
Ba mẹ nên dạy con cái nói chuyện lễ phép, ví dụ như trong những câu nói sinh hoạt thường ngày hay nói: “Xin chào”, “cám ơn”, “xin lỗi”, khi thỉnh cầu người khác giúp đỡ phải dùng mẫu câu: “Bạn làm ơn giúp tôi… được không?”, ngày thường thường quan tâm đến người khác…
Lâu ngày rồi, đứa con sẽ thu hoạch được tài sản cuộc đời còn có ý nghĩa hơn là sự lễ phép.
le-phep-voi-nguoi-lon
Có một câu chuyện như sau: Có một đứa trẻ mỗi ngày đi học, đều chủ động chào hỏi ông lão gác cổng. Những đứa trẻ khác không có hành vi như vậy, điều này làm ông lão có ấn tượng sâu sắc với cậu bé. Có một hôm tiếng chuông vào lớp vang lên, ông lão không đợi được cậu bé đó, tự nhiên thấy có chút lo lắng. Chính ngay lúc ông lão đi ra ngoài đầu đường nhìn ngó, đúng lúc nhìn thấy một người đàn ông đang lôi kéo giằng co cậu bé đó, muốn kéo cậu ấy vào trong xe ô tô. Ông lão vội vàng xông tới đó, chế ngự hành vi của kẻ xấu đó, giải cứu được cậu bé. Có thể tưởng tượng được, chính vì hành vi lễ phép của đứa bé ngày thường đối với ông lão, mới giữ được mạng sống của nó.
Món quà thứ ba: Chuyện của mình thì mình tự làm.
Rất nhiều cha mẹ sợ nếu giao việc cho con làm, con mình sẽ làm hỏng, nhưng có ai lần đầu tiên làm việc gì mà không mơ mơ màng màng chứ?
Cho chúng thêm một số cơ hội làm thử, rồi từ từ, bạn sẽ phát hiện khả năng của con bạn vượt quá tưởng tượng của bạn. Xin để con nuôi dưỡng thói quen tốt “chuyện của mình thì mình tự làm”.
Trước khi con cái học được cách tự xử lý, điều cha mẹ phải làm là buông tay.
Đặc biệt là sau khi con bạn vào tiểu học rồi, vấn đề thức dậy, xếp chăn, dọn dẹp phòng ngủ, sắp xếp cặp sách v..v.. những chuyện này không cần làm hết cho con nữa.
Ba mẹ có thể tổ chức một “nghi thức nhỏ” cho con, để chúc mừng sự trưởng thành của con, sau đó nhắc nhở con là: “Bây giờ con đã vào tiểu học, đã là một người lớn nhỏ tuổi, sau này chuyện của con thì phải tự mình làm, ba mẹ tin chắc con có thể làm tốt”.
Student in Line --- Image by © Randy Faris/Corbis
Món quà thứ tư: Không được lấy đồ của người khác.
Giúp con thiết lập ý thức về vật quyền, phân rõ ranh giới giữa mình và người khác. Nói với con: “Đồ của mình có thể tự mình chi phối, nhưng đồ của người khác thì không được lấy. Nếu như muốn lấy đồ của người khác, nhất định phải trưng cầu sự đồng ý của người khác, không được lén lúc lấy đi, cũng không được cướp trắng trợn.”
Có một số đứa trẻ sẽ lén lúc lấy tiền của người lớn đi mua đồ ăn, nhìn thấy đồ chơi của bạn học khác, có thể đứa trẻ sẽ “thuận tay” mang về nhà.
Đây chính là do đứa trẻ không có ý thức về vật quyền gây ra, ba mẹ phải gánh vác trách nhiệm thay con mình.
Khi đứa trẻ thích lấy đồ của người khác, đừng dễ dàng nhận định đứa trẻ là kẻ trộm, trước tiên xin hãy giúp nó phân biệt rõ ràng: Vật là của cá nhân hay là của công cộng. Đối với vật của cá nhân, không được tùy tiện chạm vào, đối với vật công cộng, lấy ở đâu thì đều phải bỏ lại ở đó, người nào lấy trước thì người đó dùng trước, người đến sau phải biết chờ đợi.
(Vật quyền: Đây là một thuật ngữ pháp luật được hình thành từ rất lâu trên các nước thế giới, nhưng vẫn còn mới lạ với Việt Nam, mỗi nước có mỗi quy định pháp luật về vật quyền khác nhau. Khái niệm tổng quát thì vật quyền tức là người sở hữu vật có quyền trực tiếp chi phối cụ thể đối với vật sở hữu đó, và có quyền hưởng thụ hoặc hưởng lợi độc quyền từ vật đó.)
Món quà thứ năm: Tuân thủ thời gian.
Sắp xếp sinh hoạt một cách hợp lý, nghỉ ngơi đúng quy luật có thể tăng cường tính thứ tự cho đứa con, xây dựng quan niệm thời gian, nâng cao hiệu suất làm việc.
dung-gio-bamboo
Nhưng để con học được cách đúng giờ, không phải là một chuyện dễ dàng.
Trong lúc cha mẹ lấy mình làm gương ra, còn có thể thử giao quyền chủ động vào trong tay con: “10 phút sau tắt tivi đi làm bài tập”, “ngủ thêm 20 phút nữa là phải thức dậy rồi”.
Dần dần, đứa con sẽ không vì lười biếng mà bịa ra mọi cái cớ nữa.
Món quà thứ sáu: Giữ gìn một trái tim khiêm tốn.
Học cách phát hiện ra ưu điểm của người khác, học hỏi từ họ. Nói với con bạn: “Mỗi người đều có điểm tỏa sáng của riêng mình, chúng ta phải từ trong điểm tỏa sáng của người khác mà suy nghĩ, xem bản thân có phải cũng làm được như vậy không?”  Lúc này, giữ gìn một trái tim khiêm tốn là vô cùng cần thiết.
Từng có một cậu bé không dám giơ tay lên trả lời câu hỏi, nhưng bàn cùng bạn lại dũng cảm phát ngôn, đồng thời nhận được lời khen của thầy giáo.
be2
Cậu bé nghe lời mẹ mình đi thỉnh giáo “bí quyết” của bạn cùng bàn, bạn cùng bàn hào phóng nói với cậu bé: “Dù sao có nói sai cũng không sao mà, thầy giáo sẽ không trách chúng ta đâu”. Chính là câu nói này đã mở được lòng cậu bé, rồi từ từ, cậu bé này cũng chủ động trả lời câu hỏi như bạn cùng bạn, cũng chính nhờ sự cố gắng này, thành tích của cậu bé được nâng cao, tính cách cũng càng lúc càng cởi mở hơn.
Món quà thứ bảy: Tự kiểm điểm bản thân trong lỗi lầm.
Đứa con trong cuộc sống làm sai chuyện, trong học tập làm đáp sai đề là chuyện thường gặp, làm sao để không có lần sau nữa? điều này cần đứa con có thể tự kiểm điểm bản thân trong lỗi lầm, từ đó hoàn toàn thay đổi tốt hơn.
Khi đứa con làm sai chuyện, xin cha mẹ đừng có chỉ lo trách mắng con, hãy thử hỏi ngược lại như sau: “Con có biết mình sai ở đâu không hả?”, đợi con trả lời xong, nghiêm túc hứa hẹn với con: “Vậy lần sau chúng ta nhớ kỹ bài học này, không được tái phạm nữa được không?”. Đối với việc học tập cũng vậy, đứa trẻ biết tự kiểm điểm có thể kịp thời tổng kết, tìm ra lỗi để sửa lại, giảm bớt xác suất phạm lỗi lần nữa. Nhìn theo hướng lâu dài, điều này có thể “chắp vá” lỗ hỏng kiến thức, mang đến nền tãng vững chắc có khoa học cho đứa con.
Là bậc cha mẹ, chúng ta cần phải ghi nhớ: Thay vì để lại vô số tài sản cho con, chi bằng giúp con hình hành thói quen tốt từ lúc nhỏ. Có thêm một thói quen tốt, con sẽ có thêm một phần tự tin, có thêm một thói quen tốt, con sẽ có thêm một chút cơ hội thành công, có thêm một thói quen tốt, con sẽ có thêm một khả năng hưởng thụ cuộc đời tốt đẹp.
Châu Yến biên dích
Xem thêm:

Không có nhận xét nào: