Thứ Ba, 31 tháng 1, 2017

Chấn hưng đạo đức xã hội: Bắt đầu từ con người hay thể chế?

29/01/2017 - 07:13 AM

Cuộc tọa đàm Mùa Xuân do Tạp chí Người Đô Thị tổ chức năm nay có sự góp mặt của TS. Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Ban tuyên giáo Trung ương; ông Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp; nhà báo Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam; nguyên Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ; nhà giáo - TS. Bùi Trân Phượng - Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen; ông Lương Văn Lý - chuyên gia công pháp quốc tế, Công ty Luật Phước và các cộng sự; ông Võ Trí Hảo - tiến sĩ luật học, PGS. Khoa Luật Đại học Kinh tế TP.HCM; NSƯT Thành Hội - Giám đốc Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh.
Khách mời đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau nên quan điểm đa chiều, có khi đối nghịch nhưng về tổng thể, mọi người đều thừa nhận đạo đức xã hội lâm nguy.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan là khách mời đến sớm nhất dù ở xa nhất. Mượn lời một biên tập viên trên sóng truyền hình quốc gia, ông cho rằng tử tế không phải là câu chuyện của riêng ai. Quan chức bớt tham nhũng, xã hội có thêm nhiều trường học, bệnh viện. Doanh nhân bớt hàng gian hàng giả, cạnh tranh sòng phẳng để đôi bên cùng thắng. Nông dân không sản xuất nông sản bẩn, chôn đồng loại và chôn chính mình. Người lãnh đạo cao nhất Đồng Tháp chia sẻ mong muốn thúc đẩy hệ thống công chức dưới quyền hành xử tử tế, dù thừa nhận mục tiêu này không dễ thực hiện. Nguyên nhân “có lẽ bắt nguồn từ sai lầm nào đó, sai sót nào đó trong hệ thống”. Thêm nữa, đánh giá, xếp loại công chức chủ yếu dựa trên thang đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ, trong khi tử tế khó thể lượng hóa. Nhắc lại câu nói của nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi, luật sư Martin Luther King rằng “Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt”, ông Hoan nhận xét sự tử tế đang đơn độc.
Khi tử tế cô đơn
Những hành vi tử tế ít có không gian sinh tồn là một thực tế. Thời mới về nước làm việc trong hệ thống công quyền, ông Lương Văn Lý (nguyên Phó giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM), từng chủ động khước từ danh hiệu Lao động tiên tiến trong một đợt bình bầu cuối năm do tự nhận thức chưa xứng đáng. Thay vì được khen trung thực, ông bị tổ chức phê bình làm ảnh hưởng đến danh hiệu thi đua của tập thể. Nghệ sĩ Thành Hội, Giám đốc Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh thuật lại tình huống một người đàn ông rớt bọc tiền trên đường. Có người nhào lại lấy chân chặn lên mớ tiền xổ tung tóe, can ngăn đám đông xúm vào hôi của. Kết cục, nạn nhân vẫn mất tiền, còn người nghĩa hiệp xém bị đập hội đồng. Bản thân ông Hội cũng từng gặp rắc rối vì hành vi tử tế. Chứng kiến một vụ tai nạn giao thông trong lần lái xe từ Sài Gòn ra Nha Trang, ông xốc nạn nhân lên xe, chạy thẳng đến bệnh viện. Ông cùng chiếc xe vung vãi máu me bị công an giữ lại thẩm vấn! Những mẩu chuyện thực tế cho thấy hai khía cạnh. Một là người tử tế trong xã hội vẫn còn. Và hai là môi trường không thuận lợi để hành vi tử tế bộc lộ.
Đụng đến luật pháp, TS. Võ Trí Hảo nhập cuộc với góc nhìn bao quát. Ngược về thời bao cấp, ông Hảo bình luận luật pháp lúc đó khá sơ sài; tuy nhiên, xã hội trật tự vì có những sợi dây như hội đoàn giằng
 
Lê Minh Hoan:“Người ta nói bao cấp kinh tế xóa được nhưng bao cấp trong tư duy chưa xóa được. Hãy để xã hội vận động và tự họ điều chỉnh, nếu xâm phạm đến lợi ích của cộng đồng và xã hội, đã có pháp luật” 
giữ thiết chế xã hội. Mở cửa, kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế là một loại dung môi khiến những sợi dây này bị hòa tan. Thiết chế cũ đổ vỡ, thiết chế mới chưa kịp hình thành là nguyên nhân chủ yếu khiến đạo đức xã hội đảo lộn. Theo ông Hảo, pháp luật Việt Nam không hỗ trợ tốt kinh tế thị trường, tác động tiêu cực đến không gian sinh tồn của sự tử tế. Cụ thể, pháp luật thời gian dài dè dặt thừa nhận nguồn luật gồm tập quán pháp và án lệ. Nguyên nhân từ đâu? Lịch sử để lại vai trò độc tôn của các văn bản quy phạm pháp luật trong suốt đêm trường trước Đổi mới. Lùi xa hơn nữa là cơn ác mộng cải cách ruộng đất. Cái gọi là “đấu tranh giai cấp” khuyến khích công chúng ác cảm với tập quán, kể cả tập quán tốt đẹp, chúng mặc nhiên bị xem như di sản của chế độ phong kiến và thuộc địa, cần phải dọn sạch. Năm 2014, Việt Nam bắt đầu thừa nhận án mẫu nhưng quá trình hình thành án lệ vẫn còn rất dài. Pháp luật Việt Nam cũng chưa hỗ trợ tốt cho niềm tin, mà biểu hiện rõ nhất là cơ chế giải quyết tranh chấp hợp đồng trong tố tụng dân sự. Pháp luật tố tụng dân sự trong một thời gian rất dài từng yêu cầu hòa giải bắt buộc, dẫn đến bị bên gian manh lạm dụng tìm cách kéo dài thời gian tố tụng - vô hình trung khuyến khích rủi ro đạo đức (moral hazard). Biết chắc sẽ thua kiện vì chây ỳ trả nợ nhưng những người không tử tế sẵn sàng vi phạm hợp đồng bởi khả năng bị trừng phạt không tương xứng với lợi ích từ việc chiếm dụng trái phép tài sản của đối tác. Ngay khi thắng kiện, người ngay vẫn tiếp tục mệt mỏi vì quá trình thi hành án. Kết quả khảo sát của VCCI và Bộ Tư pháp phối hợp thực hiện cung cấp những con số thống kê dễ làm thui chột niềm tin vào công lý. Nếu giải quyết tranh chấp tại tòa Việt Nam thành công khoảng 60% thì phương án thuê xã hội đen có xác suất thành công lên đến 80%! Thời gian qua tòa tốn hai năm, còn xã hội đen chỉ cần ba tháng. Tỷ lệ thi hành án qua tòa ước tính đạt 50% vì bị tẩu tán tài sản, trong khi thuê xã hội đen lên đến 90%. Vai trò hệ thống tòa trong việc bảo vệ người ngay thiếu hiệu quả, không hỗ trợ cơ chế hợp đồng, khiến cho tình trạng chụp giựt có đất sống. Luật pháp đi sau cuộc sống. Ở nhiều nước, tòa được quyền giải thích văn bản quy phạm pháp luật; trường hợp luật chưa quy định, các thẩm phán bằng lương tri sẽ đưa ra những giải pháp công lý bù đắp. “Ở ta, trước 2016, nếu chưa có luật thành văn tương ứng, tòa hoặc xử thua, hoặc khước từ thụ lý” - ông Hảo ví dụ về sự thiếu hụt công lý.
Những tiếng kêu thảng thốt
Là một chuyên gia luật, ông Hảo còn là giảng viên đại học. Khép lại “góc nhìn rất nhỏ về vai trò bảo vệ sự tử tế của luật pháp và tòa án”, ông Hảo chuyển sang giáo dục với hai trục trặc là mục tiêu giáo dục và triết lý giáo dục: “Một thời gian rất dài người ta nhấn mạnh thống trị giai cấp trên ba phương diện chính trị, kinh tế và tư tưởng”. Không loại trừ tình trạng tử tế trở thành ưu tiên thứ hai ở các cơ sở giáo dục
 
 Võ Trí Hảo: “Thể chế gồm hai vòng tròn: thể chế phi chính thức (gia đình, tộc họ, hội quán, tôn giáo...) và chính thức là nhà nước và pháp luật. Hai vòng tròn này tương tác, kết hợp, chuyển hóa qua lại, quyết định một xã hội trật tự hay không”
từ cấp mầm non đến bậc đại học. Nhìn ra thế giới, trường đại học được thiết kế theo chiều kim đồng hồ. Nhận tín hiệu từ thị trường lao động, phụ huynh gõ cửa trường đại học đặt hàng. Nếu chưa có chương trình đào tạo, nhà trường linh hoạt như nhà hàng, thiết kế ngay “thực đơn” mới. Lúc này mới cần đến vai trò giám sát của Nhà nước, kiểm tra “thực đơn” có vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật hay không. Ta thì sao? Nhận chỉ thị giáo dục Việt Nam cần đào tạo 20 ngàn tiến sĩ, Bộ Giáo dục - Đào tạo triệu các hiệu trưởng lại quán triệt tinh thần. Trên cơ sở đó, các trường lên chương trình rồi tuyển sinh. Đào tạo theo ý chí của Nhà nước thay vì thị trường khiến sinh viên Việt Nam tốt nghiệp nhiều và thất nghiệp nhiều. Bộ trưởng Giáo dục vô can. Không kiếm được việc làm sau khi ra trường, sinh viên và gia đình gánh chịu. Thế nhưng, phụ huynh và sinh viên lại không có tiếng nói quyết định về chương trình đào tạo. Khi dạy theo mệnh lệnh từ cấp trên, không xuất phát từ nhu cầu thị trường, người thầy khó có thể đòi hỏi sự tôn trọng từ sinh viên. Ngày xưa, thấy ai hay chữ trong vùng, bố mẹ làm mâm xôi con gà, cho con xin đến làm lễ bái sư. Nên tôn sư trọng đạo là tự nguyện. “Tôi cho rằng xã hội Việt Nam vẫn tôn sư trọng đạo, có điều là sư nào: sư thật hay sư giả? Vô trường học, hiệu trưởng ấn ông thầy vào lớp, bảo học trò rằng đấy là sư, phải gọi là sư. Chắc gì học trò đã bái”, ông Hảo chua chát.
Khi hiện tại tầm thường, tương lai mù mịt, người ta dễ có xu hướng ngoái lại vàng son quá vãng là nhận định của NSND Doãn Hoàng Giang. Không thể phủ nhận tinh thần tự trị xuyên suốt giáo dục miền Nam trước 1975. Từng có nhiều năm hoạt động chính trị trong lòng Sài Gòn nhưng ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, nguyên Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ rành mạch về quan điểm với góc nhìn không định kiến. Triết lý giáo dục thời đó rõ ràng, tóm gọn trong ba từ. Hướng tới nhân bản nên giáo dục công dân để học trò tốt lên thực sự. Dân tộc nên môn lịch sử được đề cao, bài học không đi vào chi tiết thương vong, số lượng khí giới khí tài mà khắc họa những nhân vật anh hùng, hun đúc lòng yêu nước. Sau cùng là khai phóng, tự do học thuật, tự do tiếp thu tinh hoa nhân loại. 
Đụng đến giáo dục, chủ tọa hướng về TS. Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen. Ngôi trường đại học này hằng năm đều có thói quen đặt chủ đề cho năm sau vào cuối khóa. “Sống tử tế - học đàng hoàng” ra đời cách nay sáu năm, từ sự tổng kết những mong muốn bình thường của các thầy cô vào một thời điểm chuẩn bị bắt đầu năm học mới, Ban giám hiệu chỉ thêm “kết nối năm châu” vì đó là chủ trương xuyên suốt của trường. “Nói kiểu Nam bộ là cái đáng lẽ ra phải vậy mà không làm như vậy thì gọi là không tử tế chớ gì” - bà Phượng mở lời. Bà đồng tình với quan điểm của ông Lê Minh Hoan, tử tế là trách nhiệm của mọi người. Bà cũng đồng tình với ông Lê Hoàng rằng cần tiếp cận đa chiều. Bên cạnh việc thấy cho hết những thách thức từ thiết chế xã hội, thể chế chính trị để giữ được sự tử tế, bà cho rằng xã hội hiện đại phức hợp hơn, nhiều yếu tố đan xen hơn cách nay mấy trăm năm. Xã hội xưa không phức hợp như bây giờ nên người ta đặt ra chuẩn mực, và làm không trúng thì thường coi là lệch chuẩn. Thời nay còn nói về sự lệch chuẩn là tư duy cũ, ràng buộc bởi những chuẩn mực cứng kiểu sống như thế nào mới được gọi là quân tử và hành xử phi quân tử ắt là tiểu nhân. Xác quyết niềm tin sâu sắc vào con người cá nhân tự do, bà cho rằng cần gia tăng quyền tự do của con người, đề cao trình độ hiểu biết, suy nghĩ độc lập, tư duy phản biện của mỗi cá nhân. Khi nào từng cá thể hiểu rằng quyền và trách nhiệm của mình là suy nghĩ trước những bất cập trong cuộc sống, lấy một chọn lựa nào đó hoặc nhiều chọn lựa nào đó và luôn chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình, lúc đó may ra sự tử tế mới khá lên được.
 
Thành Hội: “Tôi nghĩ sống tử tế không khó. Cái gì không muốn người khác làm cho mình thì đừng làm cho người khác” 
Tinh thần tự do được bà Phượng theo đuổi trong môi trường giáo dục hướng đến việc tạo lập cho người học cảm nhận họ là cá thể tự do, được quyền phát triển và sẵn sàng chịu trách nhiệm. Theo bà, cái rất thiếu ở xã hội chúng ta là nhận thức rằng xã hội chỉ tử tế hơn khi có nhiều con người tử tế. Con người chỉ tử tế được khi họ tự do và chịu trách nhiệm về bản thân. Không chịu trách nhiệm về bản thân thì làm sao có trách nhiệm với xã hội? Tử tế gắn với nhiều giá trị khác, chẳng hạn công bằng, trung thực, tôn trọng người khác… Đó là những giá trị phổ quát của bất kỳ xã hội nào. Nhưng chọn lựa và thực hiện giá trị, phải là chủ thể cá nhân tự giác.
Ngồi kế bà Phượng là nghệ sĩ Thành Hội, Giám đốc Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh. Ông cũng có 10 năm dạy học, đảm nhiệm vị trí Trưởng khoa Sân khấu Cao đẳng Nghệ thuật TP.HCM. Giọng biểu cảm, ông Hội phản biện bà Phượng bằng trải nghiệm cá nhân. Theo ông, không thể có học trò tự do khi các đề văn đều có đáp án. Việc kiên trì đề nghị bỏ đáp án kỳ thi đầu vào khiến ông trở thành cái gai trong hội đồng chấm thi. Sinh viên đi học nói theo người ta. Làm việc thì đón ý thủ trưởng. Rành rọt kể lại những câu chuyện trong môn công dân giáo dục gieo vào lòng mình sự tử tế hơn 40 năm trước, ông Hội tỏ ra bất bình về việc người ta đưa nghị quyết vào chương trình giáo dục công dân. Ông than phiền về sự xuống cấp của môi trường giáo dục. Người thầy không còn là thành phần ưu tú của xã hội. Có thời “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”.
“Nhìn lui” miền Nam thời kỳ trước, ông Lý nhận thấy báo chí đầu thập niên 1970 thường sử dụng từ “băng hoại” khi đề cập đến vấn đề đạo đức. Miền Bắc sau 1975, thang giá tr
 
 Lê Hoàng: “Chúng ta lo lắng vì cái ác, cái không tử tế nổi cộm, không đơn lẻ mà có tính xu thế. Tuy nhiên, hiện thực xã hội cần được tiếp cận đa chiều. Câu chuyện bốn cô giáo mầm non ngâm mình trong nước lạnh, xả thân cứu 13 học trò trong lũ dữ tại Phú Yên làm rung động trái tim cộng đồng. Sự tử tế vẫn hiện hữu ngay cả trong lằn ranh sinh tử. Những hành vi tử tế nên được cổ vũ kịp thời và xác đáng”
ị đạo đức vẫn tồn tại, trong đó có quan hệ thầy - trò. Tiếc rằng thể chế chính trị không chú trọng gìn giữ, phát triển. Dường như người ta còn muốn phá nó, thay thế giáo dục đạo đức bằng giáo dục ý thức hệ. Ưu tiên giáo dục chính trị khiến nhiều giá trị bị xóa sổ. Khi đất nước mở cửa, kinh tế thị trường được thiết lập trên khoảng trống hoàn toàn về đạo đức. Đồng tiền thể hiện sức mạnh với xã hội, cộng sinh cùng quyền lực. Nhìn tới, ông Lý cho rằng gia đình không còn là nơi gieo mầm tử tế. Phần lớn ông cha bà mẹ đã bị băng hoại đạo đức thấm sâu. Chấn hưng đạo đức phải bắt đầu từ lối thoát duy nhất là giáo dục. Trách nhiệm của nhà trường nặng nề hơn, giáo dục tử tế từ bậc mầm non. Nhớ lại thời gian công tác tại Sở Ngoại vụ TP.HCM, ông Lý kể về một số đồng nghiệp quay lại nhiệm sở sau khi hết thời hạn công tác tại đại sứ quán. Con cái họ rất ngoan, ăn xong trái chuối, tự giác đi kiếm sọt rác bỏ vỏ. “Một thời gian sau, vẫn là những đứa trẻ đó, cũng ăn trái chuối nhưng phần vỏ quăng ra sân” - ông Lý ngao ngán.
Không đồng tình với quan điểm phó thác sứ mạng giáo dục đạo đức cho nhà trường, theo ông Lê Hoàng, người thầy chịu trách nhiệm trước lớp mấy chục học sinh không có mối quan hệ ruột thịt nhưng ông bố bà mẹ, ông bà nội ngoại ràng buộc bởi quan hệ huyết thống. Thêm nữa, quá trình phát triển nhân cách hình thành từ tuổi thơ. Dùng hình ảnh hình chóp nón, ông Hoàng so sánh. Ở những quốc gia văn minh, trẻ em thả ra ngoài xã hội cũng không hư nhờ thiết chế xã hội hoàn chỉnh. Còn ở ta là cái chóp nón ngược. Buông ra là hư liền. Bên cạnh nếp nhà, hành vi con người còn bị chi phối bởi nếp tộc. Văn hóa dòng họ là một hình thái của thể chế phi chính thức.
Trả lại Caesar những gì của Caesar
Thành tựu 30 năm Đổi mới là hành trình gập ghềnh phá vỡ tư duy kinh tế bao cấp. Tuy nhiên, nhiều mặt của đời sống vẫn chưa thoát khỏi tư tưởng bao cấp. Bằng chứng là rất nhiều hội hoạt động không hiệu quả. Điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh chung là Hiệp hội In Việt Nam. Hội viên bầu chủ tịch hội là ông Nguyễn Văn Dòng, nguyên Giám đốc Nhà in Trần Phú. Vận hành vì quyền lực thiết thực của thành viên, hội góp phần phát triển nghề nghiệp, năng lực ngành in, đồng thời giám sát, tham gia tích cực giải quyết xung đột của hội viên. Từ trường hợp cụ thể này, ông Hoàng cho rằng Nhà nước không nên ôm đồm, trả lại không gian cho những tổ chức xã hội nghề nghiệp quyền tự quyết.
Giáo dục phải hướng đến việc tạo lập cho người học cảm nhận họ là cá thể tự do, được quyền phát triển và sẵn sàng chịu trách nhiệm. Con người chỉ tử tế được khi tự do và chịu trách nhiệm về bản thân. Ảnh: Hà Thành
Buông chiếc ipad, ông Lê Minh Hoan giãi bày rằng vừa tranh thủ trả lời email mấy bác nông dân dưới Đồng Tháp về việc khai trương hội quán thứ 9. Ý tưởng hình thành hội quán nảy sinh trong dịp tiếp xúc cử tri. Bác nông dân xin... bản kế hoạch phát triển xóm ổng bởi xã làm trật lất. Nguyện vọng nghe có vẻ khôi hài khiến mệnh quan đầu tỉnh suy nghĩ. Đúng là chuyện xóm làng là chuyện của dân. Đâu ai hiểu dân bằng dân. “Đáng ra phải ủng hộ chứ tại sao lại để dân phải xin mình”, ông Hoan nhắm một số người dân, khuyến khích rủ thêm người sinh hoạt, từ chuyện tình làng nghĩa xóm, học hành, trật tự trị an, cho đến sản xuất đàng hoàng, không lạm dụng thuốc trừ sâu, hóa chất Trung Quốc... Phía chính quyền ủng hộ mặt bằng, máy tính, máy chiếu… Việc một ông bí thư tỉnh ủy tài trợ nông dân lập hội quán ban đầu cũng không tránh khỏi ý kiến này nọ. Nói vô rằng chữ “hội quán” không thuần Việt. Nói ra rằng đã có những tổ chức chính trị xã hội như nông dân, phụ nữ, đoàn thành niên... Xác nhận cũng phải mời người này người kia đích thân xuống hội quán nghe dân sinh hoạt, ông Hoan khẳng định những dè chừng ở đâu đó chủ yếu do vấn đề tâm lý. Về phương diện lý luận, ông Hoan mượn lời phát biểu của cố Tổng bí thư Trường Chinh tại Hội nghị Mặt trận Tổ quốc. Ông Trường Chinh nói rằng người dân làm chủ nhưng thực chất không đúng như vậy. Người dân có quyền và năng lực tham gia những hoạt động chính sách ở cấp vĩ mô chứ không phải tất cả chính sách đều do một người hay một nhóm người thực hiện.
Chờ đợi Nhà nước hay nhu cầu tự thân?
Đạo đức xã hội đã lâm nguy chưa? Hỏi cũng là tự trả lời. Tuy nhiên, mỗi khách mời có lựa chọn khác nhau. Tỏ ra không trông chờ vào sự chuyển động từ Nhà nước, ông Hội đề nghị tự cứu mình trước. Bắt đầu từ giềng mối gia đình đến quan hệ chòm xóm. Ông Thành Hội đề nghị truyền thông cùng lên tiếng, thức tỉnh cộng đồng về sự tuột dốc của đạo đức, cùng chung tay xây dựng lại xã hội.
Đồng tình với ông Hội nhưng theo ông Lương Văn Lý, vẫn cần sự tham gia chủ động từ Nhà nước. Bảo lưu quan điểm về vai trò giáo dục đạo đức của nhà trường, ông Lý lập luận chính sách do Nhà nước xây dựng và thực hiện. Soi rọi hệ thống công chức qua lăng kính pháp luật, ông Lý cho rằng luật cần minh bạch cụ thể, ngăn ngừa công chức lợi dụng việc giải thích luật, nhũng nhiễu dân. Cùng một bộ luật nhưng có khi sở ban ngành diễn giải khác nhau, lãng phí nguồn lực xã hội.
Chưa hoàn toàn được thuyết phục bởi giải pháp của ông Lý, bà Bùi Trân Phượng xác quyết cần ưu tiên đặt niềm tin vào con người cá nhân. Bà Phượng cho biết bắt đầu có những gia đình trẻ khước từ hệ t
 
 Bùi Trân Phượng: “Con người không phải cục đất sét nên ở bất kỳ tuổi nào, xuất thân từ môi trường nào, gia đình lương thiện hay bất lương thì khi được thức tỉnh bởi những giá trị, con người vẫn có thể thay đổi theo hướng tốt đẹp. Cái xấu lan ra được thì cái tốt cũng lan tỏa được”
hống trường công lẫn tư, tự tập hợp nhau lại rồi giáo dục con cái. Giáo dục nhà trường cũng không phải là phương thức duy nhất quyết định hành vi tử tế của con người. Con người có thể có đạo đức từ môi trường gia đình, làng xã, tộc họ... Trong hệ thống Nhà nước, nếu có những người tử tế thì chúng ta trân trọng họ, ủng hộ họ, chung sức góp phần làm tiếng nói của họ vang xa để làm giảm bớt mất lòng tin vào Nhà nước. Bởi lẽ, mất lòng tin khiến người ta không nuôi dưỡng điều tốt đẹp trong cá nhân mình. Ai đó nói tử tế là nhu cầu tự thân. Bà Phượng cho rằng con người phải tin rằng họ có thể sống tử tế ngay cả khi môi trường không tử tế. Xoay chiếc ly sứ, bà nói con người không phải là cục đất sét, vào tay người thợ lành nghề trở thành cái ly tốt, còn trúng thợ vụng thành ra vô dụng. Nhắc lại câu chuyện để sinh viên trường Hoa Sen làm diễn giả tranh luận câu hỏi “Nếu từ nhỏ không thấy rằng trung thực là điều bắt buộc phải làm ở trên đời thì đến năm 18-20 tuổi tôi còn suy nghĩ lại và thay đổi được không?”, bà Phượng cho biết có nhiều câu trả lời khác nhau.Có người nói được. Người nói khó. Người nói không. Thu hoạch thực nghiệm là các bạn sinh viên bắt đầu suy nghĩ, tự vấn và không mất lòng tin vào con người. Vì không phải cục đất sét nên theo bà Phượng, ở bất kỳ tuổi nào, xuất thân từ môi trường nào, gia đình lương thiện hay bất lương thì khi được thức tỉnh bởi những giá trị, con người vẫn có thể thay đổi theo hướng tốt đẹp. Cái xấu lan ra được thì cái tốt cũng lan tỏa được.
 
Lương Văn Lý: “Gia đình không còn là nơi gieo mầm tử tế. Phần lớn ông cha bà mẹ đã bị băng hoại đạo đức thấm sâu. Chấn hưng đạo đức phải bắt đầu từ lối thoát duy nhất là giáo dục. Trách nhiệm của nhà trường nặng nề hơn, giáo dục tử tế từ bậc mầm non” 
Cuộc tranh luận vẫn chưa ngã ngũ. Chủ tọa xin phép đọc một phần trong bài phát biểu của TS. Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương (xem trang kế) để các khách mời có thể tranh luận, phản biện. Ông Hoàng là khách mời đầu tiên sốt sắng nhận lời tham dự tọa đàm của Người Đô Thị. Tuy nhiên, chuyến công tác đột xuất về miền Trung trong thảm họa thiên tai và nhân tai, làm hàng chục người chết khiến ông lỗi hẹn. Chủ tọa dứt lời, TS. Võ Trí Hảo lên tiếng. Theo ông Hảo, cần phân biệt rạch ròi ba nhân tố: con người tử tế, hành vi tử tế và thể chế tử tế. Con người tốt cũng có lúc sai lầm, cần bị phê phán; kẻ cướp cũng có lúc làm điều thiện và cũng cần được biểu dương hành vi tốt. Xác nhận quan điểm của các khách mời đều đúng, ông Hảo phân tích một xã hội có trật tự tốt là do thể chế tốt gồm hai thành tố tổ chức và quy tắc. Tổ chức thiết lập và thực thi quy tắc. Thể chế tập hợp hai nhóm phi chính thức (gia đình, tộc họ, hội quán, tôn giáo…) và chính thức là Nhà nước và pháp luật. Hai vòng tròn này tương tác, kết hợp, chuyển hóa qua lại, quyết định xã hội trật tự hay không. Thế nên chỉ xoáy vào một vòng tròn là hỏng. Những quy tắc đạo đức tốt được pháp luật ghi nhận trở thành thể chế chính thức. Ngược lại, pháp luật không tốt, xã hội không chấp nhận, thì cũng chết yểu. Bằng chứng Bộ luật Hình sự sửa đổi đã không áp dụng quy định phạt tù hành vi không tố giác tội phạm giữa những người có quan hệ thân thuộc. Trước đó, dù Bộ luật Hình sự 1985 tuy có quy định nhưng người ta không thể tố cáo người ruột thịt của mình. Nghĩa là thể chế phi chính thức tốt đã vô hiệu hóa, giảm bớt tác hại của thể chế chính thức bất hợp lý. Giữa hai loại thể chế này, ông Hảo nhấn mạnh vai trò vô cùng quan trọng của thể chế chính thức, vì ông Hảo lập luận: “Tất cả thể chế phi chính thức không bỏ tù được người phạm tội”. Về hiệu lực, thể chế chính thức vô cùng mạnh. Nói về tương tác, không phải lúc nào thể chế chính thức và phi chính thức cũng tương tác nghịch chiều. Chẳng hạn, tỷ lệ ly hôn trong cộng đồng Thiên Chúa giáo thấp vì lời thề chung thủy trước Chúa tác động thuận chiều với luật Hôn nhân gia đình. Hiểu được mối quan hệ tương tác là cơ sở để tác động vào hệ thống tổng thể các thể chế trong một quốc gia, cộng đồng; phải tác động đa điểm đồng thời nhưng cần lưu ý rằng nguồn lực hữu hạn, nên lựa chọn điểm tác động phù hợp với vị trí, năng lực của mình và hiệu quả chỉ đạt được khi tương tác thuận chiều với Nhà nước. “Không nên quá trông đợi Nhà nước mà chúng ta phải gây áp lực với Nhà nước”, ông Hảo khuyến nghị. Lý do là chúng ta lấy lại quyền lực vốn của chúng ta đã trót trao quá nhiều cho Nhà nước. Dẫn lời J. Madison: nếu mọi công dân đều là thiên thần thì không cần đến vai trò của Nhà nước. Ngược lại, nếu công chức là thiên thần, chúng ta không cần giám sát họ. Tiếc thay, xã hội chúng ta quản lý con người bởi con người. Mà con người là sai lầm. Vậy xây dựng con người hay xây dựng thể chế?
Mỗi người, hãy tự tìm câu trả lời.

Thượng Tùng - Ảnh Quý Hòa

Không có nhận xét nào: