Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2017

KỂ CHUYỆN TƯỞNG NIỆM LIỆT SỸ HOÀNG SA SÁNG 19-1-2017

21/01/2017

Đào Tiến Thi
21-1-2017
Tưởng niệm
Tượng đài Lý Thái Tổ ngày 19-1. Ảnh: Đào Tiến Thi
Sáng 19-1-2017, tôi ra vườn hoa Lý Thái Tổ tưởng niệm ngày Hoàng Sa – một phần xương thịt của Tổ quốc Việt Nam suốt 300 năm – đã bị mất về tay Trung Quốc (chính xác là Đảng Cộng sản Trung Quốc, chứ nhân dân Trung Quốc thì được gì đâu) cách đây 43 năm, đồng thời cũng là viếng 74 chiến sỹ Việt Nam đã ngã xuống vì Hoàng Sa trong trận huyết chiến trên biển với quân cướp nước Trung Cộng.
Đề phòng mọi bất trắc, tôi làm giấy xin nghỉ phép nửa ngày (trừ vào phép năm). Trên đường đi, tôi hỏi cậu thanh niên chở xe ôm có biết gì về sự kiện Hoàng Sa 19-1-1974 không thì cậu rất mơ hồ. Cậu bảo cháu chỉ nghe nói Hoàng Sa vốn là của Việt Nam nhưng hồi ấy trong tay “địch” chiếm giữ mà mình thì lúc ấy không đủ sức giải phóng nên nhờ Trung Quốc “giải phóng” giúp, ai ngờ Trung Quốc chiếm luôn!
h2
Người dân Hà Nội tưởng niệm các tử sĩ bỏ mạng trong trận Hoàng Sa. Ảnh: Đào Tiến Thi
Ra đến nơi đã thấy an ninh “đông như quân Nguyên”, giăng khắp bốn bề vòng trong vòng ngoài, nhiều người tay lăm lăm máy quay. Khá quen với cảnh này rồi, tôi thản nhiên đi vào sân thì bất chợt một cậu xông ra:
– Anh Thi à? Anh đi đâu đấy?
Thì ra là một chú công an A87 – người có nhiệm vụ theo dõi tôi mấy năm nay.
– Anh vào đây có việc tí.
Tôi bắt tay rồi lao đi luôn nhưng cậu ấy nắm tay kéo lại, bảo:
– Anh ra đây em nhờ cái này.
– Có việc gì, em nói luôn đi, anh đang vội!
– Anh đừng vào trong ấy!
– Anh vào tưởng niệm liệt sỹ hy sinh vì Hoàng Sa thôi mà. Xong thì anh ra gặp em cũng được chứ gì?
Thấy tôi kiên quyết, cậu bảo:
– Ừ thôi anh đi đi!   
Tôi hơi lạ là hôm nay sao lại có cả các chú A87 (Cục An ninh Văn hóa, Thông tin và Truyền thông). Trước kia họ không xuất hiện như thế này mà thường chỉ gặp trước hoặc sau sự kiện, hoặc gặp định kỳ để làm công tác tư tưởng, chứ không ra “hiện trường” để ngăn cản bằng cơ bắp.
Tôi vào sân thấy bạn bè, đồng chí của mình không ít: Cụ Tạ Trí Hải (nhạc sỹ), chị Trần Thị Thảo (nhà giáo), chị Nguyên Bình (nhà văn, cựu sỹ quan QĐ), bạn Khánh Trâm (cựu nghiên cứu viên Viện Xã hội học tại TP. Hồ Chí Minh), anh Nguyễn Đông Yên và anh Hoàng Xuân Phú (hai giáo sư toán học của Viện Toán học), anh Vinh Anh (cựu đại tá QĐ), cặp vợ chồng Thúy Hạnh (nhà hoạt động XH) – Huỳnh Ngọc Chênh (cựu PV báo Tuổi trẻ), bác Lê Hùng (cựu biên tập viên NXB Thanh niên), bạn Phương Bích (nhà hoạt động XH), bạn JB. Vinh (kỹ sư), bạn Hoàng Công Cường (kỹ sư), Lã Việt Dũng (kỹ sư),… Không thấy một số anh em khác, sau thì biết họ  không đến được vì bị công an chặn từ nhà. Có rất nhiều gương mặt mới, còn trẻ và rất hăng hái nhưng tôi không kịp làm quen. Đặc biệt thấy một chị trạc tuổi tôi mặc đồ quân nhân rất đẹp, tư thế rất nghiêm cẩn, chững chạc. Tôi đoán chị là cựu chiến binh từng đánh nhau với quân Trung Cộng xâm lược hồi 1979 – 1988. Định cuối buổi sẽ làm quen và nếu chị đồng ý thì làm cuộc phỏng vấn, nhưng tiếc về sau không thấy chị đâu.
Chúng tôi thắp hương, đặt hoa tưởng niệm, hô mấy câu khẩu hiệu biểu thị lòng biết ơn các liệt sỹ đã hy sinh oanh liệt trong trận hải chiến Hoàng Sa và mấy câu khẩu hiệu biểu thị lòng yêu nước, quyết tâm chống Trung Cộng xâm lược của nhân dân Việt Nam hôm nay. Kỹ sư Hoàng Công Cường (CLB bóng đá No-U) có mấy lời cảm ơn và tuyên bố giải tán.
Nhưng có một người đàn ông trung tuổi mà từ nãy tôi thấy rất nhiệt tình, rắn rỏi và nói năng mạch lạc, cầm micro đứng ra kêu gọi mọi người hãy biểu tình tuần hành quanh Bờ Hồ. Hỏi ra thì biết đấy là anh Vũ Quang Thuận (Võ Phù Đổng), trước cũng nghe tên anh rồi nhưng hôm nay mới biết mặt. Anh vác ra một tấm gỗ hình chữ thập rất to (nhiều người gọi là thánh giá nhưng tôi e lỡ anh dùng làm biểu tượng cho một ý nghĩa riêng của anh thì sao?). Tôi phân vân: mình ra đây để tưởng niệm các liệt sỹ và tưởng niệm ngày mất Hoàng Sa. Mục đích đã hoàn thành rồi, và vì còn nhiều công việc ở nhà nên tôi quyết định về. Vả lại, các bạn ở cơ quan báo cho tôi biết từ sáng, lãnh đạo cơ quan đang “táo tác” vì việc tôi ra đây.
Sau này tôi được biết anh Thuận và một số anh em khi tuần hành quanh Bờ Hồ bị công an bắt, bị đánh đập nữa. Anh Thuận lại bị chính một số anh em đi tưởng niệm quy kết đủ thứ. Thật là tội nghiệp cho anh. Ai cũng có quyền bày tỏ chính kiến, bày tỏ thái độ và mỗi người có cách bày tỏ riêng, miễn là không vi phạm hiến pháp, pháp luật. Cái đáng lên án và phải xử lý ở đây là hành động bắt người, đánh người của công an, nhất là thứ công an không mặc sắc phục, cứ xông vào bắt người, đánh người giữa thanh thiên bạch nhật, chẳng khác gì một đám côn đồ.
Trước lúc ra về tôi còn gặp một cảnh khá “ngoạn mục”: Một chị khoảng ngoài 40 chạy đi chạy lại gào thét chửi bới những người đi tưởng niệm. Ý chị ta là chống Trung Quốc phải “có tổ chức”, không phải ai muốn làm gì thì làm. Một bác lớn tuổi hỏi chị ta có quyền gì mà chửi họ thì bác cũng bị chửi liền. Bác ấy giận giữ, cảnh cáo nghiêm khắc, thế là chị ta càng hăng lên, xông thẳng vào bác. Các chú an ninh xúm lại quay phim. Bác lớn tuổi thấy thế rút lui (bác rút lui là khôn ngoan, vì trong tình huống này bác rất dễ bị quy là “gây rối trật tự công cộng”!). Rồi chị ta la lên: “Chính phủ nước mình hiền quá, chứ các nước khác, họ đánh cho nhừ tử”.
Ôi “nước khác” là nước nào vậy chị? Hay tìm mãi lại chỉ thấy mỗi nước Việt Nam và nước Trung Quốc “anh em”? Chính tôi đã chứng kiến ở cái nước Việt Nam ấy, nhiều người biểu tình bị đánh, bị chửi, bị bắt, một số còn bị tù, tuy không “tử” nhưng cũng khá “nhừ” đấy chị ạ. Mà nào phải xa, chính ngay sau khi chị nói được ít phút thì nhiều người đã bị bắt đưa về giam trong các đồn công an, có người mãi cho đến cuối chiều mới được thả.
Tôi vừa ra thì gặp cậu sỹ quan A87 vẫn ở đấy và mời tôi đi uống nước. Các cậu A87 mà tôi tiếp xúc nhìn chung có văn hóa, dễ chịu, khác hẳn các cậu ở A67 (Cục Bảo vệ chính trị 6, chống phản động trong nước) mà tôi cũng 2 lần được “mời”, rất là khó chịu. Cậu A87 hôm nay cũng đã từng mời tôi cà phê mấy lần, tôi yên tâm, vả lại cũng phải giữ lời hứa lúc nãy nên tôi “OK” ngay.
Tôi mở đầu luôn:
– Việc tưởng niệm sai gì mà các cậu cứ ngăn cản?
– Em có bảo sai đâu. Nhưng mọi việc với Trung Quốc ta đấu tranh bằng ngoại giao anh ạ.
– Ngoại giao thôi không đủ. Vả lại ngoại giao không có nhân dân hậu thuẫn thì ngoại giao cái gì? Bấy nhiêu năm nay ngoại giao mãi đấy, có tác dụng gì không?
Tôi bỗng thấy thương những người như cậu an ninh này. Đến giờ các cậu vẫn phải tuyên truyền như thế ai nghe? Có lẽ chính các các cậu cũng chả tin. Câu chuyện với cậu an ninh còn nhiều chuyện cũng đáng kể ra, nhưng vì nó không liên quan lắm đến buổi sáng 19-1 này nên khi nào tiện tôi sẽ kể sau.
Tôi về cơ quan, nhiều bạn tôi đang ngóng đợi. Lo lắng. Mừng rỡ. Cảm phục. Tôi nghẹn ngào xúc động trước những tấm lòng đồng cảm. Thì ra từ sáng, vì việc tôi ra vườn hoa Lý Thái Tổ mà công an liên tiếp gọi điện đến Tổng giám đốc, Tổng biên tập. Các anh ấy lại gọi xuống Giám đốc đơn vị tôi, Bí thư chi bộ của tôi, trách cứ rằng sao lại cho tôi nghỉ phép vào cái ngày “nhạy cảm”?

Thật là kỳ lạ, các ngày kỷ niệm liên quan đến chống Pháp, chống Mỹ thì nhà nước đứng ra tổ chức tưng bừng, linh đình, tốn kém quá mức cần thiết. Người Pháp, người Mỹ cũng chả bao giờ có ý kiến gì. Thậm chí như tôi biết, Chính phủ Pháp (qua Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội) còn giúp ta kỷ niệm hầu hết các phong trào chống Pháp và các anh hùng chống Pháp. Nhưng cứ cái gì liên quan đến nhà nước Trung Cộng thì bị coi là “nhạy cảm”. Kỷ niệm những ngày dân ta phải đánh nhau với chúng, hy sinh biết bao nhiêu mạng người để bảo vệ đất nước lại càng “nhạy cảm”, luôn luôn bị ngăn chặn!

Không có nhận xét nào: