Thứ Hai, 23 tháng 1, 2017

Gặp lại thủ lĩnh sinh viên Sài Gòn trước 1975- Huỳnh Tấn Mẫm

Thứ Sáu, 29/07/2011, 10:20 [GMT+7]

Chào anh Huỳnh Tấn Mẫm! Hân hạnh được gặp lại anh. Bây giờ vào tuổi 70 nhưng trông anh vẫn vui vẻ và nhanh nhẹn như xưa. Xin anh chia sẻ đôi nét về hoạt động của anh trong các phong trào sinh viên học sinh yêu nước trước năm 1975 tại Sài Gòn và sự lan tỏa của nó đến các đô thị miền Nam?

Như anh đã biết, các cao trào sinh viên học sinh đấu tranh vì dân sinh và hòa bình ở miền Nam Việt Nam là cuộc đấu tranh bằng máu và nước mắt đầy gian khổ và khốc liệt vô cùng. Những phong trào ấy góp phần quan trọng vào cuộc đánh đuổi ngoại xâm và thống nhất Tổ quốc.


Sinh viên-học sinh bị cảnh sát ngăn chặn tại một số khu vực bằng hàng rào dây thép gai. Ảnh tư liệu
Sinh viên-học sinh bị cảnh sát ngụy quyền ngăn chặn tại một số khu vực bằng hàng rào dây thép gai. Ảnh tư liệu
Các cao trào đấu tranh là quá trình đánh địch trong lòng địch. Do vậy chúng ta phải thuyết phục và khéo léo dựa vào dân, ẩn hiện trong dân. Chúng ta không quên ơn những người từng giúp đỡ, che chở chúng ta trong suốt chặng đường gian khổ ấy.

Làm sao nhớ hết những gì mình đã làm và những đầy đọa của chính quyền Sài Gòn trước đây đối với lực lượng học sinh, sinh viên yêu nước, trong đó có bản thân tôi.

Tôi sinh năm 1942 tại ấp Tân Sơn thuộc xã Tân Sơn Hòa, tỉnh Gia Định (bên trong Sân bay Tân Sơn Nhất ngày nay). Sau này Pháp giải tỏa mở rộng sân bay, gia đình tôi phải dọn về ấp Tân Trụ, xã Tân Sơn Nhì nay là phường 15, quận Tân Bình. Gia đình tôi có 6 anh em, tôi là con trai áp út. Cha tôi vì không biết chữ nên chạy xe thảo mộ (xe ngựa) vào đường cấm bị bọn lính đánh đến chết. Má tôi góa bụa từ tuổi 33, ở vậy nuôi con. Gia đình quá nghèo, má tôi phải làm nghề bốc mộ nuôi con. Tôi vừa đi học vừa phụ giúp má. Tôi gốc họ Trần. Ông nội tôi là Trần Văn Khá, hồi đó làm Chủ tịch xã Tân Sơn Hòa nhưng bí mật tham gia Việt Minh, tổ chức góp vũ khí giúp Việt Minh. Khi phát hiện được việc làm của ông tôi, giặc Pháp đánh chết ông tại trụ sở xã Tân Sơn Hòa nay là Trường Ngô Sĩ Liên. Ba tôi là Trần Văn Đặng. Vì sợ bọn chúng theo dõi nên má tôi đã đổi họ Huỳnh của má cho một nửa số anh em tôi. Do vậy, tôi có tên là Huỳnh Tấn Mẫm từ đó. Tên khó gọi, do vậy nhiều lần thầy giáo dạy chữ Hán ở Trường Pétrus Ký bắt đổi tên nhưng má tôi không chịu vì đó là tên ba tôi đặt. Nhà nghèo không có tiền đi học, tôi được thầy Đội Chiêu thương nên dạy không lấy tiền. Năm ấy tôi đậu vào đệ thất (lớp 6) tại Trường Pétrus Ký với tỷ số 200/5.000 thí sinh. Thầy và má tôi mừng lắm. Gia đình chỉ có một mình tôi đi học, còn các anh chị đều làm thuê kiếm sống. Những năm trung học tại Trường Pétrus Ký, tôi luôn học giỏi và được học bổng, cũng đỡ phần cho má tôi.

Nhớ năm lên 7 tuổi, tôi được các anh, các chú cách mạng tin tưởng giao làm giao liên xã. Học trong trường, tôi được tổ chức giao nhiệm vụ rải truyền đơn. Nhiều lần tôi bị bắt hụt. Ngày còn học tiểu học ở trường thầy Chiêu, thầy có lập đoàn kịch cải lương, tôi được chọn đóng vai chính trong các vở: "Hận nước thù nhà”, “Cờ lau tập trận”, “Thần Kim Quy”, “Quang Trung đại phá quân Thanh”. Tôi đóng các vai chính đạt yêu cầu và có giọng hát cải lương hay, người dân xóm làng đều tưởng tôi lớn lên sẽ là kép chính của Sài Gòn.

Năm 1958, đang học đệ ngũ, tôi được kết nạp vào tổ chức bí mật do anh Nguyễn Văn Chí (Sáu Chí) lãnh đạo. Năm 1975, anh Sáu Chí là Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh. Tổ hoạt động gồm 3 người tại Trường Pétrus Ký: Tôi- Huỳnh Tấn Mẫm, anh Nguyễn Văn Lang và anh Lâm Xuân Lộc. Sau này, anh Lộc bị địch bắt, tra tấn rất dã man; anh Lang bị lộ, thoát ly vào chiến khu, chỉ còn lại mình tôi hoạt động. Trường Pétrus Ký nổi tiếng vì các phong trào đấu tranh cách mạng, như anh Trần Văn Ơn, đội quyết tử Lê Quang Vịnh, Lê Hồng Tư... nên bọn cảnh sát luôn nhòm ngó.

Sau 7 năm học tại Trường Pétrus Ký, tôi đã thi đậu tú tài toàn phần, thi đỗ vào Trường Y khoa và Dược khoa. Sau tôi chọn học y khoa (1963).

Những người bạn thân ngày ấy có anh Nguyễn Hữu Anh- Tiến sĩ Toán, từng du học tại Mỹ; và các anh Nguyễn Hữu Anh, Ngô Vĩnh Long và Nguyễn Thái Bình đều đấu tranh chống Mỹ tại miền Nam. Năm 1972, anh Anh bị địch truy bắt phải trốn sang Canada; còn anh Bình bị trục xuất về nước và bị bắn chết tại Sân bay Tân Sơn Nhất. Từ thời Ngô Đình Diệm qua Nguyễn Văn Thiệu, tôi đã bị bắt hơn 11 lần và chúng tra tấn rất dã man. Có lần tôi bị bắt cùng với các anh chị: Nguyễn Tần Á, Tôn Nữ Quỳnh Trân, Hồng Khắc Kim Mai và bác sĩ Phạm Đình Vỵ. Chúng đưa tôi qua giam tại an ninh quân đội và tra tấn dã man. Một thời gian không khai thác được gì, trước áp lực đấu tranh của quần chúng bên ngoài, chúng đã thả tôi và số anh em khác ra. Ngày 3-2-1966 tôi được kết nạp vào Đảng tại nhà chị Hai Kiều.

Học y khoa năm thứ 4 thì tôi bị bắt trong một cuộc biểu tình nên không được dự thi học kỳ I lên năm thứ 5. Ở kỳ II, tôi đạt điểm cao nhưng không được cấp học bổng nữa. Tôi phải đi dạy kèm để chuẩn bị cho niên học 1969-1970.

Năm 1968, tôi được bầu làm Phó Chủ tịch Ngoại vụ Ban Đại diện sinh viên Y khoa Sài Gòn. Ngày 2-8-1969, liên danh của tôi đã thắng cử Ban Chấp hành Tổng Hội sinh viên Sài Gòn. Sinh viên Nguyễn Văn Quý được bầu làm Chủ tịch Tổng Hội sinh viên Sài Gòn và tôi Phó Chủ tịch Nội vụ Tổng hội. Hai tháng sau, sinh viên Nguyễn Văn Quý tốt nghiệp ra trường, tôi lên thay quyền Chủ tịch Tổng Hội sinh viên Sài Gòn. Phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” ra đời cùng với đoàn văn nghệ sinh viên- học sinh, qua các thời kỳ đoàn trưởng như: Bác sĩ Trương Thìn (1965), Tôn Thất Lập (1969), Trần Xuân Tiến (1973). Trong lúc đó Mỹ- Thiệu tài trợ kinh phí cho các đoàn văn nghệ tuyên truyền chống cộng như: Nguồn Sống, Tiên Rồng, Du Ca của Phạm Duy và Nguyễn Đức Quang nhưng không thu hút được quần chúng bằng đoàn văn nghệ sinh viên- học sinh chúng tôi.

Sinh viên-học sinh bị cảnh sát đàn áp và bắt đi. Ảnh tư liệu

Sinh viên- học sinh bị cảnh sát ngụy quyền đàn áp và bắt đi. Ảnh tư liệu
Phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” đã được nhiều nhạc sĩ tham gia như: Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Trương Quốc Khánh, Trương Thìn, Miên Đức Thắng, Nguyễn Văn Sanh, Nguyễn Phú Yên, La Hữu Vang, Nguyễn Xuân Tân, Nguyễn Tuấn Kiệt, Nguyễn Nam, Trần Xuân Tiến, Phạm Trọng Cầu, Phạm Thế Mỹ, Trịnh Công Sơn với nhiều ca sĩ sinh viên được nhiều người ưa thích như: Thanh Tuyền, Phương Bích, Phan Hữu Lương, Thủy Liên, Kim Phượng, Mỹ Thành, Mỹ Chinh, Phùng Thị Thương…

Tháng 3-1970, tôi đang họp tại Đại học xá Minh Mạng, bỗng có tiếng loa từ phòng quản đốc gọi tôi vào phòng trực có người gặp. Tôi vừa ra đến nơi thì có một tên cảnh sát chìm đập vào gáy tôi ngất xỉu rồi cùng một người khác đưa lên xe Honda chở tôi chạy một đoạn rồi tống lên taxi đưa về Nha Cảnh sát Đô thành.

Chúng bịt mắt tôi lại rồi đánh tứ trụ. Chúng còn cho tôi nhìn thấy cảnh tra tấn dã man một số người khác để tôi sợ hãi. Tôi đã vượt qua bao nhiêu lần bị chúng châm điện chết đi sống lại.

Ngày 20-4-1970, chúng đưa tôi và 21 anh chị em sinh viên khác ra Tòa án Quân sự Mặt trận để xử. Sau ba lần xử, chúng không kết tội được gì vì có luật sư biện hộ và phong trào quần chúng đấu tranh. Chúng đã thả nhiều anh chị em ra. Tôi được phóng thích khi ông Dương Văn Minh lên làm Tổng thống.

Sau năm 1975, anh tiếp tục học tập và công tác như thế nào?

Sau năm 1975, tôi được về Trường Đại học Y khoa để học tiếp năm cuối. Khi học xong phần lý thuyết và đi thực tập thì tôi được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cử đi dự Festival Thanh niên thế giới tại Cu Ba năm 1976. Khi trở về, tôi nhận được tin tân hiệu trưởng không cho tôi thi tốt nghiệp. Ông đã nói với tôi: “Chính trị và chuyên môn là khác nhau, cậu nên theo con đường chính trị. Cậu đừng lấy danh hiệu bác sĩ đi làm chính trị. Nếu biết từ đầu, tôi bắt cậu học lại năm thứ nhất”. Bộ trưởng Y tế Vũ Văn Cẩn vào Sài Gòn công tác, tôi đã được giới thiệu gặp và trình bày. Sau nhiều lần được Bộ trưởng thuyết phục, ông hiệu trưởng xem lại học lực của tôi trước 1975 rồi nói Bộ trưởng ra quyết định để cho tôi thi tốt nghiệp vào năm 1980.

Năm 1976, tôi là Ủy viên Ban Chấp hành Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP. Hồ Chí Minh và được bầu vào Quốc hội khóa VI. Tôi được Thành đoàn và Trung ương Đoàn cử đi nhiều nước trên thế giới để cảm ơn sự ủng hộ của thanh niên và nhân dân các nước đối với công cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Sau năm 1980, tôi được cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội. Năm 1984 về nước, tôi tiếp tục công tác ở Trung ương Đoàn với chức danh Trưởng ban Mặt trận Thanh niên, Phó Tổng Thư ký Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Lúc này, anh Nguyễn Minh Triết là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, anh Lê Quang Vịnh là Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Tôi có đọc tờ báo Thanh Niên do Bác Hồ làm chủ bút thời trước cách mạng nên tôi trao đổi với anh Vịnh ra tờ báo Thanh Niên là diễn đàn của thanh niên như ngày hôm nay.

Tôi có mời anh Nguyễn Công Khế là bạn tù tại Chí Hòa với tôi về công tác ở Báo. Tôi là Tổng Biên tập đầu tiên (1986).

Năm 1990, tôi về công tác tại Hội Chữ thập đỏ TP. Hồ Chí Minh. Hội đồng ý cho tôi mở phòng mạch khám miễn phí cho dân nghèo, nhất là các bà mẹ neo đơn. Tôi vận động các doanh nghiệp ủng hộ tiền để mua thuốc cấp phát cho bệnh nhân. Đến năm 1994, tình hình khan hiếm máu dự trữ tại các bệnh viện thực sự báo động, tôi đã cùng Hội Chữ thập đỏ tổ chức vận động hiến máu nhân đạo và đã thành công cho đến hôm nay.

Anh đã nhập cuộc vào công tác từ thiện bao giờ?

Năm 2004 tôi nghỉ hưu, về tham gia Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo thành phố Hồ Chí Minh do ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp- Anh hùng Lao động làm Chủ tịch. Anh Nghiệp muốn tôi đứng ra lập Chi hội Thiện Tâm. Đến 2005, Chi hội Thiện Tâm có 25 thành viên. Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo giao cho Chi hội Thiện Tâm nhiệm vụ vận động tài trợ mổ tim, hiến giác mạc, khám bệnh miễn phí, vận động hiến máu tình nguyện. Đến nay đã có trên 1.000 ca mổ tim cho bệnh nhân là trẻ em nghèo đã thành công.

Hiện nay tôi đã mở Trường Giáo dục chuyên biệt Khai Trí tại số 214/25F Điện Biên Phủ thuộc phường 17, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh để dạy trẻ em bị bệnh tự kỷ, giúp những em này trở lại hòa nhập với gia đình và cuộc sống. Tôi có một phòng mạch tư, làm được bao nhiêu tiền cũng dành dụm bổ sung vào cho trường này. Hiện nay tôi không có phút nghỉ ngơi và thấy lòng mình nhẹ nhàng lắm. Qua anh cho tôi gửi lời thăm hỏi đến các anh chị em sinh viên phong trào trước đây. Tôi còn nặng lòng với họ, vì họ đã giúp đỡ tôi đứng vững trong thời bão lửa đã qua.

Xin cảm ơn anh Huỳnh Tấn Mẫm đã giành thời gian cho Báo Gia Lai. Chúc anh luôn luôn có sức khỏe để thực hiện ước mơ của mình!

 

Không có nhận xét nào: