Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

TẾT TRONG TÙ ( Phần 2)

Phạm Viết Đào.
Trích  tự truyện: “Vòng kim cô”… vô hình…)

Bài liên quan:


Vào tù mình mới ngộ ra được nhiều thuật ngữ, khái niệm pháp lý: Có những người tù bị án phạt bởi hành vi của anh ta gây ra hậu quả xấu, thiệt hại cho xã hội và có những người tù bị xử phạt vì tính chất nghiêm trọng hành vi, tuy hành vi đó chưa gây ra hậu quả gì nhưng người ta cần răn đe, cần ngăn cấm loại hành vi này nên người ta xử phạt nặng: tù nhầm hơn bỏ sót…
Sau này, mình chứng kiến vụ một cậu bé lớp 12 ở cùng buồng giam với mình, quê ở Chương Mỹ, chỉ vì mượn xe đạp điện của chị họ đem đi cắm, chiếc xe đạp điện trị giá 6 triệu, cậu cắm được 2 triệu. Chị họ làm đơn tố cáo với công an, mặc dù bố mẹ cậu ta đã đem tiền chuộc cái xe đạp điện ấy về, coi như hậu quả đã được khắc phục, người chị họ đã xin rút đơn, xin miễn tố, bãi nãi, nhưng cậu vẫn bị kết an 9 tháng tù về “ hành vi” chiếm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản người khác.
Một cậu làm phiên dịch cho một công ty du lịch; đi chơi với người yêu, mượn của bạn ở cùng phòng trọ chiếc máy ảnh lúc cậu này không có nhà; Khi cậu bạn về thấy không còn máy ảnh gọi điện hỏi: Cậu trả lời đùa là không cầm, cậu này liền đi báo công an, chiếc máy ảnh trị giá 2,6 triệu đồng.
Khi cậu này về trả lại máy ảnh cho bạn cùng phòng, coi như không hề có chuyện trộm cắp; Thế nhưng vụ việc khi đã vào tay công an này rồi thì phải thụ lý và phải ra toà. Kết cục cậu phải chịu mức án 9 tháng tù, bị xử về hành vi lạm dụng tín nhiệm…
Còn cậu bạn hiện tại ở cùng buồng với mình đã 3 lần ra toà nhưng hắn không nhận tội, hắn thuê tới 4 luật sư để cãi, chứng minh hắn không phạm tội làm hồ sơ giả; hắn cãi có lý, luật sư đưa ra bằng chứng hiển nhiên nên Thẩm phán phải hoãn phiên xử, trả hồ sơ cho cơ quan điều tra, yêu cầu cơ quan điều tra điều tra bổ sung…
Hắn cho biết do hắn không nhận tội và hắn cũng không chịu chạy tiền các cơ quan pháp luật; luật sư của hắn cũng chống án quyết liệt nên hắn cứ phải nằm tại tạm giam vào thời điểm mình đến đã gần 3 năm.
Hắn cho biết: Có thời gian gần năm trời hắn nằm trong buồng giam mà không ai vào hỏi hắn một câu…Chống cơ quan pháp luật quyết liệt thì nằm đấy. Tù là thế đấy!
Đối với tù, giai đoạn tạm giam là giai đoạn khủng khiếp nhất, cực hình nhất vì phải ngồi bó gối trong buồng quanh năm suốt tháng. Do vậy mà mỗi lần tù được đi cung thì giống như ngoài xã hội được đi du lịch, được đi phép, được đi nghỉ mát; bởi vì đó là cơ hội được ra ngoài hít thở một ít không khí xã hội.
Còn nếu không đi cung thì chỉ còn việc nằm, ngồi chết dí trong buồng giam khoảng 7 m2, thường nhốt 5-6 tù nhân, mọi sinh hoạt từ ăn ngủ, tắm giặt, vệ sinh nặng, nhẹ đều tại chỗ trong cái buồng giam lở loét và u ám vì ẩm mốc.
Mỗi khi có cơ hội ra khỏi buồn giam, đươc gặp người này, người khác, được thay đổi không khí, được nhìn trời, nhìn đất, nhìn cây cỏ được thấy mặt đàn bà thì thằng tù giống như chim sổ lồng. Mùa hè hầu như hết thảy tù nam chỉ mặc mỗi cái quần đùi còn nữ thì mặc bikini…
Tù thường chỉ có 2 lý do, cơ hội để được ra khỏi buồng giam: Đi cung, hoặc gặp người nhà.Tù chưa xử, chưa thành án chưa được ra gặp người nhà. Tù hình sự, án nhẹ khi có kết luận điều tra rồi có thể được bố trí cho người nhà vào trực tiếp thăm gặp nhưng phải có “cơ chế…với quản giáo.
Mới vào, mình không hiểu “cơ chế” là gì, những tù ở lâu giải thích: muốn gặp người nhà, muốn gọi điện cho người nhà nhắn gửi cho thuốc men, tiếp tế thức ăn, đồ ăn xã hội những thứ thiết yếu mà tù khao khát thì phải thiếp lập “cơ chế” với quản giáo chứ không phải nhờ vả suông; trong tù: thị trường thấm vào từng chân tơ kẽ tóc. Ở tù mình mấy thấm cái thuật ngữ “ cơ chế “ được tù nhân sử dụng khá là nhuần nhuyễn, hiệu quả. hiệu lực và sát sườn như thế nào....
Kết luận điều tra của mình được xếp khoản 1, với loại tội danh như 258 thì mức phạt từ 6 tháng tới 36 tháng, tù gọi khung này là 6-36, lúc đầu mình không hiểu gì. Trong phần cuối bản kết luận điều tra, cơ quan điều tra đề nghị giảm nhẹ hình phạt do thái độ thành khẩn của bị can…
Một hôm mình nghĩ ra cách: đề nghị với quản giáo cho mình đi khám trạm xá, sau 3 tháng bụng mình bắt đầu có biểu hiện đau lâm râm về đêm. Mình muốn nhân cơ hội xuống trạm xá của trại, để “bí mật” tỷ tê, thương lượng kín với quản giáo dàn xếp cho mình một cái “cơ chế” để có thể thông tin, nhắn vợ gửi cho ít thuốc, một số đồ dùng thiết yếu bởi cứ ngày 2 bữa cơm tù, canh trại thì gay quá. Mình không dám đặt vấn đề với quản giáo ngay tại buồng giam, mình sợ quản giáo không dám công khai chuyện của mình trước mặt tù nhân khác vì ngay từ đầu mình thấy quản giáo đã có cách ứng xử với mình khác với tù tạm giam khác.
Vào được hơn 3 tháng, nhất là sau khi nhận cái quyết định gia hạn tạm giam thứ 2 thêm 2 tháng, mình bắt đầu suy sụp về mặt tinh thần, suy sụp về sức khoẻ. Bụng mình bắt đầu nảy sinh vấn đề: không ăn được mỡ, ăn thịt mỡ vào là đau, không ăn được bánh chưng là thứ có chất gạo có thể mua được trong ở căngtin nhà tù và nhiều loại thức ăn. Sau này ra tù mình mới phát hiện sở dĩ đại tràng phản ứng là do ăn mì tôm; mỗi ngày trung bình ăn tới 2-3 gói mỳ tôm, loại này nó phá đường tiêu hóa ghê gớm…
Mình ở với cậu bạn tù cùng buồng có tài chế biến món mỳ tôm khá ngon. Để có được một bát mỳ tôm thơm phức, điếc mũi đòi hỏi phải có dấm tỏi, phải có tý chanh  ớt thì mới dậy mùi. Những thứ đó trong tù đều liệt vào hàng quốc cấm. Thế mà phòng mình ở lại có đủ do tài chế biến, xoay xở của cậu bạn tù này.
Để có dấm, đến bữa ăn trừ lại một ít cơm nguội; Trong tù riêng phần cơm thì không bao giờ thiếu; muốn lấy bao nhiêu cũng có…chỉ cần thiết lập “ cơ chế” với tự giác. Tự giác là loại tù chịu mức án nhẹ dưới năm 5 được giữ lại để hàng ngày làm nhiệm vụ đưa cơm tận buồng giam cho tù.
Muốn có dấm chỉ lấy ít cơm nguội, trộn với đường, cho vào trong cái âu, đậy nắp không quá kín để hở không khí vào và 3 ngày sau số gạo này sẽ lên men. Lấy nước đổ vào là thành dấm. Loại dấm này rất an toàn, rất thơm.
Công thức và cách làm giấm đơn giản như vậy nhưng khi ra tù sau này, về nhà mình làm thử nhưng không thành…Phải trộn tỷ lệ đường như thế nào ấy, phải đậy âu cơm trộn đường như thể nào ấy để lượng không khi vừa đủ lên mẹn gạo. Cái này là bí quyết mà mình không học được từ tay bạn tù cùng phòng.
Trong tù cậu bạn tù còn có cách giữ chanh và ớt tươi thơm lâu. Chanh đường thì có thể mua ở căngtin của trại. Để giữ được chanh và ớt bạn tù của mình cắt ớt nhỏ cho vào lọ; sau đấy vắt nước chanh vào lọ ớt sẽ được một thứ dấm chanh ớt siêu đẳng. Một bát mỳ tôm có thêm dấm tỏi, ít ớt ngâm nước chanh cốt thì dậy mùi phải biết, không kém hơn ngoài xã hội, ngon đứt lưỡi.
Các vị sẽ hỏi: thế trong tù lấy dao ở đâu để cắt thức ăn ? Đơn giản ! Dao là miếng nhựa lấy từ cái xô nhựa đập vỡ ra, đem mài vào tường cho mỏng, sắc như dao; những lọai dao này quản giáo không cấm…
Còn để cắt thịt, “ xe râu” tù dung một loại dao chuyên dụng: đó là chỉ khâu; Mình nhìn thấy cậu bạn cùng phòng dung loại dao này xắt chóng vánh một con gà luộc. Còn xe râu là dung 2 sợi chỉ xoắn vào nhau để nhổ râu. Những tù lâu năm đều thông thạo kỹ thuật “ xe râu” chứ trong tù ai cho mang dao cạo râu vào mà cao râu. Xe râu trở thành một công việc giải trí, giết thời gian trong tù; Mới bước vào phòng giam lần đầu, mình thấy mấy cậu não cũng nhẵn thin như công công. Thì ra tù xe râu cho nhau bằng chỉ. Thấy mình râu ria xồm xoàm, mấy tù đề nghị để họ xe cho. Nhưng chỉ xe được một góc môi trên. Mình đã tứa nước mắt ra vì đau, không chịu nổi, đành thôi.
Bộ phận tiêu hóa của mình bị viêm vì ăn phải quá nhiều những bát mỳ tôm lọa hải hạng được chế biến cầu kỳ của tay bạn tù cùng phòng. Trong tù, có rất nhiều loại mỳ tôm được bày bán nhưng tù thích nhất loại mỳ tôm Hảo Hảo vì sợi nó mềm, dai và còn chất mỳ…



( Còn nữa…)

Không có nhận xét nào: