Chỉ mới ngồi ghế thủ tướng Việt Nam được 9 tháng, dường như ông Nguyễn Xuân Phúc đã phải đối mặt với một âm mưu sâu rộng nhằm hạ bệ ông, hoặc ít nhất cũng làm cho uy tín và đặc biệt là quyền lực lãnh đạo của ông bị giảm sút mạnh.
‘Thù ngoài giặc trong’
Những dấu hiệu bất lợi cho ông Phúc đã bắt đầu xuất hiện từ cuối năm 2016 và kéo dài sang đầu năm 2017. Nhưng thật trớ trêu, lần này không chỉ mạng xã hội “tham chiến” mà còn có thêm cả một “mặt trận” mới: những tờ báo vẫn được xem là tràn đầy “tính đảng”.
Việc có đến 11 tờ báo đăng tin nhưng tự ý sửa lời của Thủ tướng Phúc - từ “công trình 50 tầng” thành “công trình cao tầng” của khu chung cư Giảng Võ của đại gia Phạm Nhật Vượng - được xem là một hiện tượng hết sức đặc biệt và lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử đảng CSVN. Không những thế, từ tháng 12 năm ngoái cho tới tận bây giờ các tờ báo này đều không bị Ban Tuyên giáo trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông khiển trách, mặc dù ngay trước đó người được dư luận xem là “Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Trương Minh Tuấn” đã ra lệnh thi hành kỷ luật khá nặng đối với năm chục tờ báo nhà nước đăng tải thông tin về nước mắm truyền thống bị nhiễm chất độc arsen.
Trong bối cảnh các nhóm lợi ích và nhóm quyền lực chính trị ngày càng phát triển và tranh chấp với nhau, dư luận đã đặt câu hỏi: Ai và nhóm quyền lực nào đã đứng sau lưng 11 tờ báo nhà nước sửa lời Thủ tướng Phúc, đặc biệt là trang báo điện tử có lượng truy cập lớn là Vietnamnet - với quan điểm của trang báo này như “sửa lời thủ tướng cho toàn diện” - khiến những tờ báo này không e ngại quyền uy của thủ tướng?
Không ít dư luận cho rằng những nhân vật “chống lưng” cho 11 tờ báo vừa nêu, đặc biệt là cho Vietnamnet, phải thuộc loại “tầm cỡ” - không chỉ là cỡ làng nhàng như ủy viên Trung ương đảng, mà có thể là ủy viên Bộ Chính trị hoặc còn “cao” hơn nữa…
Một hiện tượng khác rất đáng chú ý là sau vụ 11 tờ báo nhà nước công nhiên sửa lời ông Phúc, một blogger có lượng truy cập lớn ở Đức đã phổ biến một số bài viết trên blog của mình, công kích trực tiếp một nhóm lợi ích mới nổi lên được cho là thuộc gia đình Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Trước đó, vào tháng 11 năm 2016, đã xuất hiện vài bài viết trên mạng xã hội công kích ông Nguyễn Xuân Phúc, từ thời ông còn là chủ tịch Quảng Nam cho đến khi làm phó thủ tướng và nay là thủ tướng, như thể báo hiệu một chiến dịch tấn công ông Phúc đã bắt đầu và sẽ kéo dài.
Đáng chú ý, một số tin tức dùng để công kích ông Phúc không chỉ mô tả các sự kiện mà còn trích thuật cả lời thoại, cho thấy tác giả của những bài viết này có thể đã sử dụng những nguồn tin từ nội bộ đảng.
Còn những bài viết trên mạng xã hội gần đây không chỉ nhắc lại quá khứ của ông Phúc, mà còn đề cập đến những vấn đề hiện tại với nhiều thông tin có vẻ rất chi tiết với rất nhiều dấu hiệu cho thấy những thông tin này được một cơ quan nào đó trong nội bộ chính quyền cung cấp.
Một hiện tượng khác đáng chú ý là sau vụ 11 tờ báo nhà nước sửa lời ông Phúc và những bài viết của một blogger công kích gia đình ông Phúc, một nhóm dư luận viên đã lập tức phản ứng để bảo vệ Thủ tướng Phúc. Một chi tiết đáng quan tâm là nhóm dư luận viên này còn nói úp mở rằng vào tháng 7/2016 đã có một blogger Việt Nam từng có tiền án đi Mỹ và “móc nối” với blogger ở Đức đang công kích ông Phúc. Tin tức này, nếu đúng, có nguồn từ đâu nếu không phải từ công an?
Nhóm dư luận viên vừa kể còn mang hình ảnh và ảnh hưởng lớn của trang mạng Chân Dung Quyền Lực trước đây để so sánh với mức độ “độc hại” của blogger ở Đức…
Cần nhắc lại, Chân Dung Quyền Lực là trang mạng nặc danh đã làm chấn động dư luận không chỉ trong chính trường mà còn cả gần như toàn bộ xã hội Việt Nam vào thời gian cuối năm 2014 - đầu năm 2015, với vụ “Nguyễn Bá Thanh bị đầu độc”, và sau đó công kích nhiều ủy viên Bộ Chính trị, trong đó đặc biệt tấn công Thủ tướng Phúc. Nhưng sau chiến dịch tổng công kích ấy, Chân Dung Quyền Lực đột nhiên biến mất mà không để lại bất kỳ dấu tích nào từ đó đến nay.
Cái gì cũng có giá của nó
Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, có thể rút ra một kết luận chắc như đinh đóng cột rằng một chiến dịch công kích các quan chức cao cấp trên mạng xã hội rất thường diễn ra trước khi nổ ra một biến động lớn trong đảng.
Cuối năm 2012, mạng xã hội sôi động trước khi xảy ra biến động tại Hội nghị Trung ương 6 với ý đồ của hai ông Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang muốn thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Tấn Dũng. Cuối năm 2014, Chân Dung Quyền Lực xuất hiện trước Hội nghị Trung ương 10 về việc thăm dò uy tín các ủy viên Bộ Chính trị cho chức vụ tổng bí thư với kết quả cuối cùng bất ngờ hết sức thuận lợi cho ông Nguyễn Tấn Dũng. Cuối năm 2015, dư luận bùng nổ trên một số trang mạng xã hội về “đời tư” của một số ủy viên Bộ Chính trị trước Đại hội XII của đảng cầm quyền để rốt cuộc Thủ tướng Dũng phải từ giả chính trường. Cứ theo logic lịch sử đó và với một số bài công kích Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từ giữa tháng 11/2016 cho đến nay - cùng bóng ma của Chân Dung Quyền Lực đang tái xuất hiện ở đâu đó - người ta có thể cảm thấy sẽ diễn ra một biến động nào đó đủ lớn trong đảng trong thời gian tới.
Thị trường và chính trường Việt Nam cũng bởi thế lại đang lên cơn sốt. Cuộc xung đột quyền lực giữa các nhóm chính trị cũng đang bước ra khỏi bóng tối, lộ liễu hơn và quyết liệt hơn. Còn cuộc tranh giành tiền bạc giữa các nhóm lợi ích, được dự đoán sẽ xảy ra, nay đang xảy ra với quy mô và mức độ ngày một ghê gớm theo kiểu “ăn thua đủ”.
Những vụ việc vừa nêu lại xảy đến trong bối cảnh Tổng Bí thư Trọng đột ngột đi Trung Quốc và vừa kết thúc cuộc gặp Tập Cận Bình, khiến dư luận xã hội phải đăt ra những câu hỏi về mục đích không công bố của chuyến công du này.
Năm 2017: xáo trộn và bất định…
Gương mặt tươi rói của ông Nguyễn Xuân Phúc khi nhận bó hoa chuyển giao quyền lực từ tay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào đầu năm 2016, nay đã chuyển sang vẻ âu lo mệt mỏi. Quá nhiều di họa từ đời thủ tướng trước để lại, cùng nạn “dậu đổ bìm leo” của những viên quan lại cát cứ các bộ ngành và địa phương, nạn “chọc ngoáy” chính trị bất kỳ lúc nào Thủ tướng Phúc “sa cơ”…
Chưa bao giờ người ta phải chứng kiến một triều đại thủ tướng khốn khó như lúc này. Nếu đời trước “ăn nhiều làm ít” thì đời nay - khi tài nguyên, viện trợ và ngân sách đều khốn quẫn - hẳn phải là “ăn ít làm nhiều”.
Thế nên không quá khó hiểu khi chỉ đến gần đây Thủ tướng Phúc mới “ngộ” ra, để bắt đầu “mở miệng”, chẳng hạn như những phát ngôn “nếu tính đủ thì nợ công đã vượt trần”, nhưng đặc biệt hơn cả là cụm từ “sụp đổ tài khóa quốc gia”…
Không ít người chép miệng “khổ thế thì nghỉ quách mà hưởng thụ có sướng hơn không”. Nhưng lại có người lại bảo “làm thủ tướng thích thế thì tội gì nghỉ”.
Dù nói đi hay nói lại, cái gì cũng có giá của nó…
* Blog của nhà báo Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét