Thứ Hai, 2 tháng 1, 2017

ĐẠO DIỄN ĐIỆN ẢNH ANDREI WAJDA (6-3-1926-9-10-2016): NHÀ SÁNG LẬP "TRƯỜNG PHÁI PHIM BA LAN"...

Phạm Viết Đào.

( Rút từ trong tập: Đạo diễn điện ảnh thế giới-Viện Nghệ thuật và Lưu trữ Điện ảnh Việt Nam xuất bản 1995; nhân 100 năm điện ảnh Thế giới…)
Kết quả hình ảnh cho Andrei Wajda
Một số phim đáng chú ý của Andrei Wajda:
1955: Thế hệ
1956: Tôi đi đến mặt trời
1957: Cống ngầm Giải Fipressi LHPQT Cannes 1957
1958: Tro tàn và kim cương
1959: Lotna
1960: Pháp sư vô tội
1961: Xamson
1965: Tro tàn
1969: Tất cả để bán
1970: Quang cảnh sau trận đánh
1973: Đám cưới
1975: Đất hứa-Giải chính LHPQT Maxcova 1975
1976: Người bằng đá cẩm thạch
1978: Không gây tê
1979: Nhạc trưởng
1981: Người thép-Cành cọ Vàng LFPQT Cannes 1981
1983: Danton

Andrei WaJda là đạo diễn điện ảnh góp phần sáng lập nên Trường phái phim Ba lan.
Ông làm cho người xem ngạc nhiên bởi sự hoạt động điện ảnh - sân khấu và truyền hình liên tục đề cấp tới những vấn đề của cuộc sống. Theo ông “chỉ bằng cách đó mới phát triển được tài năng và duy trí sự tiếp xúc với công chúng”…Cho đến thời điểm 1983 ông đã đạo diễn 30 bộ phim truyện, vở sân khấu và truyền hình.
Wajda không chỉ làm phim ở Ba Lan mà còn hợp tác làm phim với Nam Tư, Anh, CHLB Đức, Pháp…; ông đã dựng nhiều vở sân khấu cho các nhà hát ở Liên Xô, Mỹ, Thụy Sĩ…Tuy vậy, “ tổ quốc nghệ thuật” của ông vẫn là đất nước Bal an.
Wajda từng nói:” Tôi không thể làm gì khác là làm phim cho người xem Ba Lan, kể cả khi tôi làm phim ở nước ngoài. Tôi luôn tìm cách trình bày những vấn đề của đất nước Ba Lan, những vấn đề thực ra dễ hiểu nhưng đáng tiếc lại bị lịch sử làm cho nó rối rắm”…
Andrei Wajda sinh năm 1926 tại một thị trấn nhỏ vùng đông bắc Ba Lan: Suvuki. Bố ông là một sĩ quan còn mẹ ông là một nhà giáo. Năm Wajda 13 tuổi thì đất nước Ba Lan của ông bị phát xit Đức chiếm đóng; ông làm liên lạc cho lực lượng kháng chiến.
Những năm tháng đó đã để lại những dấu ấn đạm nét trong nhiều tác phẩm điện ảnh của ông sau này. Sau chiến tranh, Wajda theo học Học viện Mỹ thuật Krakov với mong muốn trở thành họa sĩ; song ông đã bỏ dở và chuyển sang học Trường đại học điện ảnh Lodz. Có lẽ vì thế mà người ta thấy ảnh hưởng rất mạnh hội họa trong các tác phẩm điện ảnh của ông.
Thế giới quan nghệ thuật của Waida là thế giới quan nghệ thuật phức tạp và sống động. Ông được coi là người đầy cá tính và không chịu bó mình trong khuôn khổ. Những tác phẩm của ông thường buộc người xem suy nghĩ một cách nghiêm túc về thời đại mà họ đang sống.
Trong những sang tác trong nhiều giai đoạn khác nhau của cuộc đời ông, người ta thấy ông chịu ảnh hưởng không chỉ bới trào lưu lãng mạn của văn học Ba Lan của thế kỷ trước; Waida còn chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Tân hiện thực và chủ nghĩa ấn tượng trong hội họa. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: Nghệ thuật tạo hình trong phim của ông chịu ảnh hưởng của trường phái tạo hình baroc…
Qua phim của ông, người xem thấy rõ tính khuynh hướng, đặc biệt là tính công dân hiện lên khá sắc nét. Nhiều phim của Wajda nhận giải Oscar (Mỹ), Cành cọ vàng ( Pháp) và nhiều giải thưởng tại các LHPQT uy tín khác như Gấu vàng ( Tây Berlin), LHPQT Maxcova…
Nghệ thuật điện ảnh của Wajda là thứ nghệ thuật đặt vấn đề và nêu vấn đề. Qua phim của ông người xem thấy sự tương phản nghiệt ngã giữa cái thiện và cái ác; cái chết và sự sống, cái đẹp và sự xấu xa…
Trong phim của Wajda những cặp phạm trù đó không bao giờ chịu chung sống ổn thỏa với nhau, mặc dù trong cuộc sống những thái cực đó nhiều khi lại chịu dung hòa với nhau.
Cả với công chúng, Wajda cùng không chịu dung hòa. Đối với nhóm công chúng này phim ông giống như một thứ men say kích thích nhưng với nhóm công chúng khác thì ông lại để lại dư vị “cay chát” rất khó nuốt. Vì thế phim của Wajda thường để lại những cuộc tranh luận, thậm chí bị phê phán nhất là ở một số phim bị coi là “ phi XHCN”…
Là một người sớm tham gia chống chủ nghĩa phát xít, nhưng trong phim của ông có những phim ông tỏ ra hằn học với chủ nghĩa xã hội ở Ba Lan. Với bản tính hay châm chọc, đôi khi phim của ông làm cho người xem “ cay cú” bởi những câu chuyện, vấn đề do ông đặt ra. Người xem thường trách ông luôn tìm cơ hội bắt họ nhớ lại những sai lầm của quá khứ, là điều mà ít ai muốn thừa nhận chúng..
Sử dụng quyền của một nghệ sĩ, có lúc ông đã bóp méo, phóng đại, thậm chí “ xuyên tạc” những sự thật lịch sử. Vì thế nên một số nhà phê bình đã mệnh danh ông là kẻ “ hư vô dân tộc”, là người không yêu nước…
Tác phẩm đầu tay của Wajda là bộ phim Thế hệ, làm năm 1955, tuy chưa kiến giải được nguồn gốc của chủ nghĩa phát xit một cách thấu đáo nhưng tên tuổi của Wajda đã được chú ý ở Ba Lan.
Dựa theo cuốn tiểu thuyết của Bgdan Cresko, bộ phim kể lại một câu chuyện bi thảm của nhóm thanh niên trẻ của tổ chức cánh tả thời tạm chiếm. Bộ phim gợi lại cho người xem những kỷ niệm chua cay của những con người sống thời kỳ đó.
Kết quả hình ảnh cho andrzej wajda ashes and diamonds
Hai bộ phim tiếp theo Cống ngầm ( 1957), Tro tàn và kim cương ( 1958) đã đưa Wajda lên hàng những nhà điện ảnh tầm cỡ của thế giới.. Cống ngầm được sáng tác dưới ánh sáng của chủ nghĩa hiện thực, phản ánh cuộc chiến đấu anh hùng, sự chịu đựng hy sinh của các chiến sĩ du kích Ba Lan dưới lòng đất, trong hệ thống cống ngầm.
Cống ngầm, ngoài tài năng tuyệt vời của một đạo diễn điện ảnh, cần phải ghi công cho nhà quay phim. Cống ngầm được xem là một trong những bộ phim hay nhất của điện ảnh Ba Lan và thế giới. Bộ phim được nhiều trường điện ảnh của nhiều nước đưa vào chương trình giảng dạy. Sau Cống ngầm, Tro tàn và kim cương được quay sau đó đã gây chấn động dư luận, liên tiếp giành được 3 giải thưởng quốc tế lớn.
Bộ phim đã thể hiện cái nhìn mang tính dự đoán về chủ nghĩa phát xit mới. Bên cạnh chủ nghĩa hiện thực, Tro tàn và kim cương đã thể hiện dấu ấn của chủ nghĩa ấn tượng trong tư duy nghệ thuật rộng lớn vủa Wajda. Cùng với 2 bộ phim này, tại Ba Lan bắt đầu xuất hiện thuật ngữ Trường phái phim Ba Lan.
Đó là trường phái tập hợp quanh nó những nghệ sĩ tài năng. Chúng ta có thể nhắc tới các tên tuổi như Andrei Muncơ, Cadimagio Cuxơ, Egi Stephan Stanvinxki ( biên kịch, đạo diễn và là nhà văn, nhiều tác phẩm của ông đã dịch sang tiếng Việt),Tadeus Convitaki, Leon Cutscopxki, Egi Cavalerovich, Eva và Trexlap Petenxki…
Tư tưởng nổi bật của Trường phái phim Ba Lan là: Con người ta chỉ có thể bảo vệ được nhân phẩm của mình khi anh ta dám anh dũng đấu tranh với số phận, cho dù hoàn cảnh có bi thảm đến đâu. Con người không còn là con người nếu anh ta khuất phục trước những đòn giáng của số phận, hoàn cảnh!
Với sự kiên trì đáng khâm phục, Wajda luôn khai thác truyền thống văn hóa Ba Lan, đối vói ông đó là nguồn cảm hứng không cạn. Ông là người biết tận hưởng những giá trị tổng hợp để đưa vào các tác phẩm của mình; ông không ngừng hiện đại hóa nghề nghiệp dựa vào thành tựu điện ảnh thế giới. Những bộ phim của ông thường dựa vào các tác phẩm văn học đó là: Cống ngầm, Tro tàn và kim cương, Tro tàn, Lodna, Đám cưới, Đất hứa, Người thép, Người bằng đá cẩm thạch
Chịu ơn nền văn học Ba Lan nhưng Wajda lại không trung thành một cách mù quáng. Ông biết rút ra những vấn đề ông cho là cốt lõi. Hai bộ phim Không gây tê ( 1978) và Nhạc trưởng ( 1979) là hai trong số những bộ phim đặc sắc.
Bộ phim Không gây tê nói về sự suy sụp và băng hoại của các giá trị tinh thần, đạo đức lúc này lúc kia, nơi nọ, nơi kia trong xã hội Ba Lan đương đại.
Jerdu nhân vật chính của phim là một nhà báo tầm cơ quốc tế nhưng lại cảm thấy cô đơn, bị vô hiệu hóa tại quê hương ông nơi hàng ngày ông làm việc. Ở đó sự ganh ghét, đối kỵ trở thành một lực lượng đáng sợ. Càng hết lòng với công việc, càng hết lòng yêu thương vợ con, anh ta càng bị ngược đãi, hắt hủi…
Phải chăng đo là do số phận ? Không ! Đó là do sự suy sụp, sự băng hoại, sự đảo lộn của các giá trị tinh thần, đạo đức trong xã hội Ba Lan đương đại. Cái chết thê thảm của Jerdu, tự cho nổ bếp gaz đã cho thấy sự chịu đựng quá tải của những bức xúc nội tâm…
Nhạc trưởng là một tác phẩm độc đáo của Wajda, phim kể về 2 vị nhạc trưởng: một đầy tài năng, đầy uy tín nhưng đang kề miệng lỗ; còn vị kia trẻ trung, sung sức mới vào nghề. Âm nhạc trong phim không dừng lại ở ngôn ngữ điện ảnh mà là thực thể của chủ đề…
Số phận của Bản Giao hưởng Định Mệnh của Beethoven hoàn toàn tùy thuộc vào phong cách chỉ huy của 2 vị nhạc trưởng: Nhạc trưởng già với vẻ uy nghiêm nhưng đầy tôn trọng quyền tự do sáng tạo của từng nhạc công, ông nâng đỡ lắng nghe và chăm sóc từng người một; Nhạc trưởng trẻ thì không chỉ huy mà mà đang tấn công dàn nhạc, tấn công vào từng nhạc công, áp đặt từng ngón đàn của từng người. Dưới cái gậy chỉ huy của vị nhạc trưởng trẻ, các nhạc công dưới quyền không phải là những nhạc công ham mê sáng tạo mà là những kẻ cứng đầu bất trị, không chịu áp đặt cái gậy chỉ huy…Những nhạc công đó xứng đáng được đối xử bằng những hành vi thô bạo, hung đồ, hành chính…
Thô bạo và cục súc là biểu hiện của kẻ nghèo nàn về trí tuệ, yếu đuối về mặt tinh thần. Nhạc trưởng già là người được khẳng định. Lúc chỉ huy dàn nhạc cũng như lúc cô quạnh một mình ông luôn tỏi ra tỉnh táo, thăng bằng. Ngược lại nhạc trưởng trẻ luôn trút những tham vọng không thành đạt lên đầu những nhạc công dưới quyền…
Nhạc trưởng trẻ luôn tỏ ra ghen tức với vị nhạc trưởng già, anh ta luôn tìm cơ hội hạ uy tín của vị nhạc trưởng già. Qua phim Nhạc trưởng, Wajda đã thể hiện sự xung đột về tính cách, nhân cách giữa 2 vị nhạc trưởng: Một con người dùng dàn nhạc để ngoi lên những nấc thang danh vọng ( nhạc trưởng trẻ); Còn vị nhạc trưởng già là người coi âm nhạc là much đích để hiến dâng tâm trí…
“ Tôi làm phim vì con người, cho dù người đó có xấu xa bẩn thỉu đến đâu, trong anh ta vẫn còn chút ít tính người”…Đó là lời tâm sự của Wajda với đạo diễn điện ảnh Xô Viết Trukhơrai.
Đó cũng là tuyên ngôn nghệ thuật của ông, một đạo diễn điện anh Ba Lan, một con người kết tinh bởi nền văn hóa Ba Lan !
P.V.Đ.



Không có nhận xét nào: