Thứ Năm, 2 tháng 3, 2017

Nhà báo Trung Quốc lý giải tại sao người Việt yêu mến Nhật Bản hơn

HỒNG THỦY

(GDVN) - Sự tồn tại của nhân tố Trung Quốc vừa đóng vai trò thúc đẩy quan hệ Việt - Nhật phát triển gần gũi, đồng thời cũng tạo ra giới hạn cho quan hệ này.
Thời báo Hoa Hạ (chinatimes.cc), một tờ báo có tiếng trong làng báo chí Trung Quốc, số lượng phát hành đứng đầu trong các báo chuyên về tài chính - kinh tế Trung Quốc ngày 1/3 đăng bài viết của nhà báo Triệu Linh Mẫn với tựa đề:
"Quan hệ Nhật - Việt 'phi điển hình' sau chuyến thăm Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản".
Thông điệp chính từ bài viết của bà Triệu Linh Mẫn được Thời báo Hoa Hạ trích dẫn (chapeau hay sa-pô) viết:
"Tháng 4/2015, Trung tâm Nghiên cứu Pew, Hoa Kỳ công bố kết quả một cuộc điều tra cho thấy, có tới 82% người Việt Nam được hỏi có tình cảm tốt đẹp với Nhật Bản.
Con số này cao hơn rất nhiều số người có thiện cảm với Trung Quốc 'vừa là đồng chí, vừa là anh em', nhưng có tranh chấp chủ quyền, với tỉ lệ chỉ đạt 19%".
Nhận thấy bài viết này thể hiện góc nhìn của một nhà báo, nhà quan sát có tiếng tăm trong làng báo Trung Quốc về quan hệ Việt - Nhật, Việt - Trung cũng như vấn đề Biển Đông, xin dịch lại dưới đây và đưa ra mấy lời nhận xét, ngõ hầu giúp bạn đọc có thêm thông tin tham khảo.
Hoạt động thăm viếng cấp cao Việt Nam - Nhật Bản diễn ra liên tục
Ngày 28/2 Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu bắt đầu thăm chính thức Việt Nam cùng Thái Lan 7 ngày 6 đêm (thực tế Nhà vua và Hoàng hậu thăm chính thức Việt Nam 6 ngày, trên đường về qua Thái Lan viếng cố Quốc vương mới băng hà).
Đây là lần đầu tiên Nhà vua Nhật Bản thăm chính thức thăm Việt Nam.
Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu thăm chính thức Việt Nam, ảnh: Thời báo Hoa Hạ (chinatimes.cc).
Lịch trình cụ thể bao gồm các cuộc hội kiến với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, gặp mặt một số quả phụ và hậu duệ binh lính Nhật trong chiến tranh.
Trên đường trở về Nhật Bản, Nhà vua và Hoàng hậu sẽ qua Bangkok viếng cố Quốc vương Bhumibol Adulyadej mới băng hà, và hội kiến với tân Quốc vương Vajiralongkorn.
Trước đó hơn một tháng, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa mới thăm chính thức Việt Nam. Trong chuyến thăm này, ông Shinzo Abe cam kết sẽ cung cấp vốn vay phát triển và 6 tàu tuần tra cho Việt Nam, tiếp tục giúp Việt Nam tăng cường năng lực "bảo đảm an ninh trên biển".
Trong chuyến thăm này, ông Shinzo Abe liên tục nhắc đến Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi đó đã tỏ ý trách móc cách làm này của Nhật Bản là "động cơ không trong sáng, thiếu lành mạnh".
Trên thực tế kể từ khi ông Shinzo Abe trở lại ghế Thủ tướng Nhật Bản lần thứ 2 vào năm 2012, hoạt động thăm viếng lẫn nhau giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Nhật Bản vô cùng mật thiết.
Tháng 1/2013 Thủ tướng Shinzo Abe chọn Việt Nam làm quốc gia đầu tiên ông đi thăm.
Tháng 3/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Nhật Bản, quan hệ song phương được nâng cấp thành đối tác chiến lược rộng rãi, cùng nỗ lực vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á.
Tháng 7/2015 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Nhật Bản; tháng 8 cùng năm Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Nhật Bản; tháng 9 cùng năm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Nhật Bản.
Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản trong chuyến thăm của Tổng bí thư tiếp tục nhấn mạnh, hai bên nỗ lực xây dựng quan hệ đối tác chiến lược rộng rãi, cùng nỗ lực vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á.
Tần suất thăm viếng lẫn nhau dày đặc của lãnh đạo cấp cao hai nước cho thấy, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã phát triển đến mức độ chưa từng có. Sở dĩ như vậy là vì mấy nguyên nhân chủ yếu dưới đây.
Đầu tiên, Nhật Bản và Việt Nam không có những vấn đề lịch sử dây dưa kéo dài.
Những năm gần đây, quan hệ Nhật - Trung, Nhật - Hàn ngày càng xấu đi, nguyên nhân căn bản là vì những vấn đề lịch sử xâm lược trong Chiến tranh Thế giới II.
Trung Quốc và Hàn Quốc nhận thấy, thái độ nhận tội của Nhật bản không thành khẩn. Trong khi giữa Việt Nam và Nhật Bản không có vấn đề này.
Trong Chiến tranh Thế giới II, mặc dù Nhật Bản cũng đã từng xâm lược các nước Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, cũng gây ra những tổn thất về sinh mạng và tài sản, nhưng những quốc gia trong khu vực cơ bản không thù địch Nhật Bản.
Với các vấn đề lịch sử, họ cho rằng chuyện gì đã qua hãy để nó qua đi. 
Trên thực tế, nhà lập quốc Singapore Lý Quang Diệu hay tướng Aung San, cha đẻ của bà Aung San Suu Kyi, được người dân Myanmar tôn làm Quốc phụ trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng đều đã từng hợp tác với Nhật.
Nhưng không vì thế mà người dân hai nước cho rằng "đạo đức của họ có vấn đề", chứ đừng nói tới chuyện họ có thể bị ám toán sau những chuyện này.
Đó là vì thời gian Nhật Bản thống trị các nước này tương đối ngắn, chỉ khoảng 3 năm, tội ác gây ra cũng có hạn.

Tại sao Trung Quốc không kỷ niệm 20 năm ngày giỗ của Đặng Tiểu Bình?

Hơn nữa, các nước này đã trải qua một thời gian dài bị thực dân phương Tây đô hộ, cướp bóc, trong khi Nhật Bản biết cân đối giữa khai thác tài nguyên và phát triển kinh tế ở thuộc địa.
Chính vì thế trong thời gian Chiến tranh Thế giới II, kinh tế thực dân ở các nước Đông Nam Á cũng có những phát triển nhất định.
Hai là, các quốc gia Đông Nam Á phần lớn khi đó đều là thuộc địa của thực dân phương Tây. Tầng lớp tinh hoa trong xã hội phổ biến ác cảm, căm thù chủ nghĩa thực dân phương Tây.
Sự xuất hiện của quân Nhật được các tầng lớp tinh hoa này tận dụng để chống lại thực dân phương Tây.
Sau khi Chiến tranh Thế giới II kết thúc vào tháng 3/1945, Nhật Bản thay thế thực dân Pháp cai trị Đông Dương và tuyên bố Việt Nam, Lào, Campuchia độc lập.
Tất nhiên "độc lập" ấy chỉ là giả hiệu, nhưng quả thực Nhật Bản cũng đã mở rộng phạm vi tham gia chính trị cho tầng lớp tinh hoa bản địa.
Bởi vậy, so với tội ác gây ra với Trung Quốc và Hàn Quốc, hành động xâm lược của Nhật Bản với Đông Nam Á trong đó có Việt Nam là có kiểm soát, có tiết chế. Đồng thời khách quan mà nói, Nhật cũng đã làm được một số việc tốt.
Đây là lý do chủ yếu giải thích tại sao người dân khu vực này không ghét Nhật Bản. 
Tháng 4/2015, Trung tâm Nghiên cứu Pew, Hoa Kỳ công bố kết quả một cuộc điều tra cho thấy, có tới 82% người Việt Nam được hỏi có tình cảm tốt đẹp với Nhật Bản.
Con số này cao hơn rất nhiều số người có thiện cảm với Trung Quốc 'vừa là đồng chí, vừa là anh em', nhưng có tranh chấp chủ quyền, với tỉ lệ chỉ đạt 19%".
Hợp tác cùng có lợi về kinh tế thương mại, lãnh hải
Trong quan hệ kinh tế thương mại, tính tương trợ bổ sung cho nhau giữa Việt Nam và Nhật Bản rất mạnh. 
Việt Nam xem Nhật Bản là đối tác hợp tác kinh tế thương mại có giá trị nhất. Hiện nay, Nhật Bản là nước đầu tư viện trợ lớn thứ 2, đối tác du lịch lớn thứ 3, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.
Năm 1992, Nhật Bản bắt đầu cấp vốn vay phát triển ODA cho Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam là nước nhận được ODA lớn nhất từ Nhật Bản, chiếm tới 30% tổng số vốn ODA Việt Nam nhận được.
Theo số liệu từ phía Việt Nam, trong 20 năm qua, Nhật Bản đã cam kết cung cấp cho Việt Nam tới 90 tỉ USD vốn ODA dưới nhiều hình thức, hợp đồng ký kết thực tế đạt được 73,68 tỉ USD, bình quân mỗi năm 3,5 tỉ USD.
Đại đa số các công trình hạ tầng trọng điểm của Việt Nam do Nhật Bản xây dựng.
Năm 2014, hai tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước đạt 27,6 tỉ USD, trong đó Việt Nam xuất sang Nhật Bản hàng hóa tổng trị giá 14,7 tỉ USD, tổng trị giá nhập khẩu từ Nhật Bản 12,9 tỉ USD.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - Ảnh: VGP/Quang Hiếu.
Về mặt chủ quyền lãnh hải, Việt Nam và Nhật Bản không có mâu thuẫn hay xung đột, trong khi đều có tranh chấp với Trung Quốc (Bắc Kinh nhảy vào tranh chấp).
Có thể nói sự thực thi chiến lược xoay trục sang châu Á dưới thời Barack Obama hay những căng thẳng gia tăng trên Biển Đông vài năm gần đây là một chất xúc tác quan trọng làm quan hệ Nhật - Việt phát triển nóng.
Giữa Việt Nam và Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, Việt Nam cũng có những tâm tình không thể nói trong một thời gian dài bị Trung Quốc đô hộ suốt thời phong kiến.
Từ khi ông Shinzo Abe trở lại chính trường, vì thái độ "ỡm ờ" với lịch sử nên quan hệ với Trung Quốc ngày càng căng thẳng, lại thêm việc cố ý làm con tốt cho Hoa Kỳ, thay Mỹ bao vây Trung Quốc.
Cứ như thế, hai bên (Việt Nam, Nhật Bản) phố hợp nhịp nhàng, bên này hô hào bên kia hưởng ứng, không nói thành lời mà ngày càng gần gũi.
Năm 2012 Ngoại trưởng Nhật Bản thăm Việt Nam, phía Việt Nam đã đề nghị Nhật Bản giúp mình huấn luyện lực lượng Cảnh sát biển, tăng cường năng lực bảo đảm phòng thủ ven bờ.
Năm 2013 khi Thủ tướng Shinzo Abe thăm Việt nam, ông công khai kêu gọi Việt Nam - Nhật Bản cùng hợp tác, đối phó với các hành động ngày càng leo thang của Trung Quốc trong khu vực.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng khi đó kêu gọi tăng cường hợp tác với các nước trên Biển Đông, bao gồm Nhật Bản. 
Tại Đối thoại An ninh Shangri-la năm 2014, ông Shinzo Abe tuyên bố, Nhật Bản ủng hộ Việt Nam giải quyết vấn đè Biển Đông thông qua đối thoại, đồng thời cam kết cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam.
Đương nhiên, sự tồn tại của nhân tố Trung Quốc vừa đóng vai trò thúc đẩy quan hệ Việt - Nhật phát triển gần gũi, đồng thời cũng tạo ra giới hạn cho quan hệ này.
Trong quan hệ với Nhật Bản, Việt Nam chủ yếu quan tâm đến việc, một mặt cần phải có Nhật Bản để làm đối trọng trong quan hệ với Trung Quốc, mặt khác vẫn phải dựa vào Trung Quốc về chính trị, kinh tế.
Do đó, Việt Nam vừa phải thúc đẩy quan hệ Việt - Nhật phát triển để cân bằng với Trung Quốc, mặt khác phải giữ cho mọi thứ không đi quá đà.
Nhật Bản cũng như vậy, vừa muốn lôi kéo Việt Nam, thúc đẩy quan hệ Việt - Nhật phát triển, nhưng vẫn tự biết rằng, so với quan hệ Việt - Nhật, quan hệ Trung - Nhật quan trọng hơn.
Cái nhìn thiên lệch do chính trị hóa các vấn đề lịch sử, pháp lý
Cá nhân người viết cho rằng, những đánh giá, nhìn nhận của nhà báo Triệu Linh Mẫn trong bài viết này cũng phản ánh nhận thức phổ biến của giới nghiên cứu, quan sát Trung Quốc đương đại.

“Gác lại quá khứ chứ không phải khép lại quá khứ”!

Góc nhìn của họ bị hạn chế và chi phối không nhỏ bởi "nhãn quan chính trị", "lập trường chính trị" của giai cấp lãnh đạo đương thời, nên ở mức độ nhất định, khó thấy được bản chất vấn đề.
Người viết không bàn tới chuyện tại sao người Việt Nam cũng như Đông Nam Á không thù hận Nhật Bản, cũng như luận giải của tác giả Triệu Linh Mẫn về điều này.
Chỉ xin lưu ý rằng, đổ lỗi và một chiều không phải là cách tiếp cận các vấn đề lịch sử một cách khoa học, khách quan và cầu thị. 
Tác giả Triệu Linh Mẫn cho rằng, xã hội Trung Quốc hay Hàn Quốc thù hận Nhật Bản vì Tokyo "chưa chân thành nhận tội", hay những gì chủ nghĩa quân phiệt Nhật gây ra cho Đông Nam Á và Việt Nam "nhẹ hơn, ít hơn" so với Trung Quốc, Hàn Quốc (bán đảo Triều Tiên).
Có lẽ là do bà thường xuyên được tiếp xúc (hoặc bị tuyên truyền, giáo dục bởi) các tài liệu tuyên truyền chống Nhật trên báo chí, truyền hình, điện ảnh chiếu ra rả trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc từ năm này qua năm khác, từ tháng này qua tháng khác.
Không biết vì lý do gì, nhưng tình cảm và tâm lý chống Nhật Bản đã được chính quyền Trung Quốc sử dụng cho các mục đích chính trị. Điển hình là những vụ biểu tình chống Nhật trên khắp Trung Quốc năm 2009, đập phá bất cứ thứ gì liên quan đến Nhật Bản.
Hàn Quốc - Nhật Bản cũng có tranh chấp lãnh thổ, cũng có những vấn đề do lịch sử để lại, nhưng người dân xứ sở kim chi không có những hành động quá khích, đập phá bất cứ thứ gì liên quan đến Nhật Bản như thế.
Đã là chiến tranh, thì chỉ có máu và nước mắt, hận thù là điều khó tránh.
Nhưng trong quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc láng giềng, thời gian chiến tranh có lẽ chỉ chiếm 5%, 95% còn lại là chung sống hòa bình. Liệu hòa bình có thể đơm hoa nếu như thù hận vẫn ngày ngày được tưới tẩm bằng những tác phẩm tuyên truyền có chủ đích?
Khi đòi một dân tộc khác phải "chân thành nhận tội" vì những gì cha ông họ gây ra cho mình trong một cuộc chiến xâm lược, liệu có khi nào bà Triệu Linh Mẫn và các học giả Trung Quốc có nhìn lại cách hành xử của cha ông mình với các nước nhỏ ngày trước, cũng như các hành vi bành trướng hiện nay mà Trung Quốc theo đuổi trên Biển Đông?
Bà Triệu Linh Mẫn nhận định rằng Việt Nam phát triển quan hệ với Nhật Bản để cân bằng với Trung Quốc, vậy có bao giờ bà tự hỏi mình bằng cách đặt ngược vấn đề, tại sao Việt Nam phải làm như vậy?
Ở đời không có lửa làm sao có khói.
Tham vọng bành trướng và hành động leo thang bất chấp luật pháp quốc tế cũng như công luận mà Trung Quốc theo đuổi trên Biển Đông buộc các nước nhỏ phải hợp tác bảo vệ cho được hòa bình, ổn định và trật tự khu vực dựa trên luật lệ.
Bà Triệu Linh Mẫn, ảnh: Sohu.com.
Nhân loại mỗi ngày một văn minh, hợp tác cùng phát triển hòa bình, thịnh vượng, phồn vinh còn chưa làm hết, hơi đâu các nước nhỏ đi làm chuyện "bao đồng", mua dây buộc mình như người ta vẫn tuyên truyền: theo Mỹ chống Trung Quốc.
Chỉ vì ai đó muốn ăn trên ngồi chốc thiên hạ, muốn biến Biển Đông - tuyến hàng hải huyết mạch quốc tế thành ao nhà, muốn biến lãnh thổ hợp pháp của nước khác thành của mình thì toan tính ấy, hành động ấy không thể không chống lại.
Chữ "lãnh hải" hay "tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông" mà tác giả Triệu Linh Mẫn sử dụng trong bài viết cũng phản ánh nhận thức rất hạn chế về luật pháp quốc tế của bản thân bà và giới truyền thông Trung Quốc.
"Lãnh hải" là một khái niệm pháp lý được Công ước Liên Hợp Quốc 1982 quy định cụ thể, và Việt Nam, Nhật Bản không thể có tranh chấp, cũng không thể có "tương đồng, bổ khuyết cho nhau", đơn giản vì khoảng cách địa lý xa xôi.
"Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông" là cách đánh đồng tất cả những tranh chấp Trung Quốc cố tình tạo ra, trong đó có vấn đề ứng dụng giải thích UNCLOS 1982.
Điển hình là đường lưỡi bò hay cái gọi là "quyền lịch sử" mà Phán quyết Trọng tài 12/7/2016 do Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 đã bác bỏ.
Hay ví dụ như vụ Trung Quốc cắm giàn khoan 981 bất hợp pháp vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp và không có tranh chấp của Việt Nam với âm mưu tạo ra tranh chấp năm 2014.
Đó là những "tranh chấp" do Trung Quốc cố tình gây ra ở những khu vực không có tranh chấp, và đó là việc ứng dụng và giải thích UNCLOS 1982 chứ không phải "tranh chấp chủ quyền".
Còn hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - Nhật Bản sở dĩ phát triển mạnh và đóng vai trò to lớn trong quan hệ song phương, không chỉ đơn giản là vì Nhật Bản là nước cho vay ODA lớn nhất của Việt Nam.
Đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc khá "rủng rỉnh" tiền mặt sau mấy chục năm bán hàng giá rẻ trên toàn cầu, và đang cổ súy cho ý tưởng "một vành đai, một con đường" với nhiều dự án, siêu dự án xây dựng cơ sở hạ tầng chào hàng với các nước.
Nhưng rất nhiều nước vẫn khát vốn mà không mấy mặn mà với nguồn vốn từ Trung Quốc, bởi lẽ nước này muốn xuất khẩu các công nghệ / doanh nghiệp lạc hậu gây ô nhiễm ra ngoài lãnh thổ thông qua các nguồn vốn giá rẻ đi kèm điều kiện sử dụng công nghệ / nhà thầu / lao động phổ thông của họ.
Trong khi đó, từ lâu không riêng gì Việt Nam, mà dư luận khu vực, thế giới đều đánh giá cao công nghệ và chất lượng sản phẩm Nhật Bản. Điều đó đã làm lên thương hiệu và uy tín cho đất nước Mặt Trời mọc.
Người viết nhận thấy, những bình luận của nhà báo Triệu Linh Mẫn rõ ràng lời lẽ ôn hòa hơn, ít màu sắc cảm xúc, tuyên truyền như vẫn thấy trên một số phương tiện truyền thông và học giả Trung Quốc trước đây.
Nhưng có lẽ tàn dư của tư tưởng cá lớn nuốt cá bé, thói quen chính trị hóa các vấn đề lịch sử và pháp lý dường như vẫn ăn sâu vào tiềm thức, chi phối tư duy và suy nghĩ của không ít học giả Trung Quốc hiện đại, dẫn đến những quan điểm, nhận thức không đúng với thực tế.
Tài liệu tham khảo:
Hồng Thủy

Xúc động bài phát biểu của Nhà vua Nhật Bản tại Quốc yến; Chủ tịch nước: Nhật Bản thực sự là người bạn thân thiết của Việt Nam

Thứ 5, 10:15, 02/03/2017

VOV.VN - VOV.VN trân trọng đăng toàn văn phát biểu của Nhà vua Nhật Bản tại Quốc yến do Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân chủ trì
Tối 1/3, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân đã chủ trì Quốc yến chào mừng Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu sang thăm cấp Nhà nước Việt Nam.
nha vua nhat ban phat bieu gi gay xuc dong tai quoc yen viet nam hinh 1
Nhà vua Nhật Bản có bài đáp từ sau phát biểu khai mạc Quốc yến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang (Ảnh: Quý Đoàn)
Tại đây, Nhà vua Nhật Bản đã có bài phát biểu đáp từ sau diễn văn của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. VOV.VN trân trọng đăng toàn văn phát biểu của Nhà vua Nhật Bản:
"Tôi hết sức vui mừng được thăm Việt Nam lần đầu tiên cùng với Hoàng hậu theo lời mời của Ngài Trần Đại Quang, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Tôi xin chân thành cảm ơn Ngài Chủ tịch nước đã tổ chức Quốc yến tối nay đồng thời dành cho chúng tôi những lời chào mừng nồng nhiệt nhất.
Nhân dịp này, tôi trân trọng cảm ơn sự đón tiếp chu đáo mà đất nước và nhân dân Việt Nam đã dành cho các con chúng tôi là Hoàng Thái tử, Hoàng tử Akishino và Công nương khi tới thăm Việt Nam.
Những năm gần đây, các lãnh đạo của Việt Nam, đứng đầu là các Chủ tịch nước tiền nhiệm đã sang thăm Nhật Bản và mời chúng tôi thăm chính thức Việt Nam. Trong bối cảnh đó, tôi vô cùng cảm kích vì được sang thăm Việt Nam lần này.
Giữa Việt Nam và Nhật Bản đã có rất nhiều hoạt động giao lưu từ thời xa xưa. Ngược dòng lịch sử về thế kỷ thứ 8, nhà sư Phật Triết của Lâm Ấp, nay là Miền Trung Việt Nam đã tới hiến vũ nhân lễ cúng đường Khai nhãn Đại Phật được tổ chức tại Nara, kinh đô Nhật Bản thời kỳ đó. Âm nhạc của Lâm Ấp thời đó vẫn được biểu diễn trong những nhạc khúc của nhã nhạc Nhật Bản hiện nay. Lần này, tôi được tới thăm Huế, cố đô của Việt Nam thời nhà Nguyễn, cũng là nơi Lâm Ấp một thời phồn thịnh. Chính tại nơi này, tôi rất mong sớm được thưởng thức nhã nhạc Việt Nam, một loại hình âm nhạc cùng chia sẻ nguồn gốc với nhã nhạc của Nhật Bản.
Từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 17, rất nhiều thương thuyền của Nhật Bản đã cập cảng Hội An, một thương cảng quốc tế phồn vinh ở miền Trung Việt Nam thời kỳ đó, khu phố Nhật Bản cũng dần được dựng lên tại đây.
Sau đó, do chính sách “bế quan tỏa cảng” của Nhật Bản, giao lưu giữa Việt Nam và Nhật Bản đã tạm thời bị gián đoạn. Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ 20, có thời gian phong trào “Đông du” đã đưa khoảng 200 thanh niên Việt Nam sang học tập tại Nhật Bản.
Trải qua hơn 40 năm kể từ khi hai nước Nhật Bản và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, trong những năm qua, hoạt động giao lưu giữa hai nước ngày càng được mở rộng, đến nay có khoảng 180 nghìn người Việt Nam, bao gồm cả du học sinh và tu nghiệp sinh, đang sinh sống, học tập và làm việc ở Nhật Bản. Trong số đó có khoảng 500 người Việt Nam đang thực tập tại các bệnh viện và các cơ sở phúc lợi để trở thành điều dưỡng viên, hộ lý làm việc tại Nhật Bản trong tương lai. Tôi rất mong được tới cuộc gặp với cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản và những người đang đóng góp cho hoạt động giao lưu giữa hai nước diễn ra tại Văn Miếu vào ngày mai.
Trong những năm gần đây, tôi được biết việc học tiếng Nhật ở Việt Nam đang ngày càng được quan tâm nhiều hơn, ví dụ như có trường tiểu học đã bắt đầu giảng dạy tiếng Nhật. Đồng thời cũng có rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đến hoạt động sản xuất… ở Việt Nam, đến nay số người Nhật Bản sinh sống ở Việt Nam đã lên đến khoảng 15 nghìn người. Tôi rất vui mừng nhận thấy các sự kiện giao lưu giới thiệu văn hóa Nhật Bản và Việt Nam được tổ chức ở khắp nơi hai nước đã có rất nhiều người dân đến thưởng thức âm nhạc, ẩm thực… của mỗi nước.
Trong bối cảnh giao lưu giữa nhân dân hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, đồng thời sự gần gũi về văn hóa được nâng cao như ngày nay, tôi rất mong chuyến thăm lần này của chúng tôi sẽ góp phần tăng cường hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau cũng như sự gắn bó của tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Cuối cùng, tôi xin nâng cốc chúc Ngài Chủ tịch nước và Phu nhân sức khỏe, thành công, chúc nhân dân Việt Nam hạnh phúc"./.




PV/VOV.VN

Chủ tịch nước: Nhật Bản thực sự là người bạn thân thiết của Việt Nam

THEO TTXVN

(GDVN) - Tối 1/3, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân đã chủ trì Quốc yến chào mừng Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu sang thăm cấp Nhà nước.
Phát biểu tại buổi Quốc yến chào mừng Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản tối 1/3, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định đối với Việt Nam ngày nay, Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu, lâu dài và thực sự là “người bạn thân thiết”, hợp tác vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Nhà vua Nhật Bản Akihito nâng cốc chúc mừng. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước lần đầu tiên tới Việt Nam từ ngày 28/2 - 5/3/2017.

Tối 1/3, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân đã chủ trì Quốc yến chào mừng Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu sang thăm cấp Nhà nước.

Trong diễn văn tại Quốc yến, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt chào mừng Nhà vua Akihito và Hoàng hậu lần đầu tiên thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam trong những ngày Xuân đầu năm mới;
Khẳng định chuyến thăm là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản và được nhân dân Việt Nam mong chờ từ lâu.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất trong lịch sử.
Năm 2018, Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, nhưng giữa hai nước đã có sự giao lưu từ hơn một nghìn năm trước.
Đó là các giai điệu vũ nhạc Lâm Ấp theo chân Đại sư Phật Triết đến Cố đô Nara từ thế kỷ thứ 8; những Chu Ấn thuyền của các thương gia Nhật Bản đi từ Nagasaki đến Hội An vào thế kỷ 16; cuộc hôn nhân vượt khoảng cách địa lý giữa thương gia Araki Sotaro và công nương Ngọc Hoa vào thế kỷ 17.

Mối quan hệ lâu đời giữa hai nước tiếp tục được duy trì và phát triển khi hiện nay có khoảng 170.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc tại Nhật Bản, hơn 200.000 lượt khách du lịch Việt Nam tới Nhật Bản và hơn 700.000 lượt khách du lịch Nhật Bản sang Việt Nam trong năm 2016...

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ, sự tương đồng về văn hóa cùng những mối liên hệ lịch sử, tình cảm và lợi ích giữa nhân dân hai nước là nền tảng vững chắc của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.
Ngày nay, hai nước Việt Nam và Nhật Bản không chỉ là Đối tác chiến lược sâu rộng, mà còn là những người bạn chân thành, chia ngọt sẻ bùi với nhau.
Nhân dân Việt Nam trân trọng đất nước, văn hóa và con người Nhật Bản, quan tâm, ủng hộ những nỗ lực của nhân dân Nhật Bản trong phát triển đất nước và đóng góp vào hòa bình, thịnh vượng của thế giới.
Khi Nhật Bản bị động đất, sóng thần tại vùng Đông Bắc vào tháng 3/2011, nhiều người dân Việt Nam, trong đó có cả cụ già và em nhỏ, dù chưa một lần đặt chân đến đất nước Phù Tang nhưng vẫn đồng cảm với nỗi đau và mong muốn được sẻ chia với những mất mát của người dân Nhật Bản.
Về phía mình, các bạn Nhật Bản đã sát cánh cùng chúng tôi trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước trong nhiều năm qua”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chia sẻ.

Trích dẫn câu nói nổi tiếng của Nhà vua Minh Trị - người có công lớn canh tân và đưa Nhật Bản trở thành một quốc gia hiện đại: “Việc có người bạn thân thiết luôn giúp đỡ nhau, rèn giũa hoàn thiện bản thân sẽ là sức mạnh khi ta vào đời”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, đối với Việt Nam ngày nay, Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu, lâu dài và thực sự là “người bạn thân thiết”, hợp tác vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới. 
Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ cảm ơn những tình cảm tốt đẹp, sự quan tâm sâu sắc, sự giúp đỡ to lớn và có hiệu quả mà Nhà vua, Hoàng hậu, Hoàng gia cũng như Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã dành cho đất nước và nhân dân Việt Nam.
Mùa Xuân, mùa cây cối đâm chồi, nảy lộc đang về trên mọi miền của hai nước chúng ta.
Tôi tin chắc rằng chuyến thăm Việt Nam của Nhà Vua và Hoàng hậu sẽ mang đến một mùa Xuân mới cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam- Nhật Bản”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ niềm tin.

Trong lời đáp từ, Nhà vua Akihito bày tỏ vui mừng lần đầu tiên thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam; cảm ơn tình cảm nồng nhiệt của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân dành cho Nhà vua và Hoàng hậu, cảm ơn sự đón tiếp chu đáo mà đất nước và nhân dân Việt Nam đã dành cho Hoàng Thái tử, Hoàng tử và Công nương Nhật Bản khi tới thăm Việt Nam.

Đồng tình với ý kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang về các hoạt động giao lưu giữa Việt Nam và Nhật Bản, Nhà vua Akihito chia sẻ, âm nhạc của Lâm Ấp từ thời thế kỷ thứ 8 hiện nay vẫn được biểu diễn trong những nhạc khúc của nhã nhạc Nhật Bản.
Nhà vua Akihito chia sẻ niềm vui khi tiếng Nhật đang ngày càng được quan tâm ở Việt Nam, một số trường tiểu học đã bắt đầu áp dụng chương trình dạy tiếng Nhật; nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm hơn đến cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Hiện nay có khoảng 15 nghìn người Nhật Bản sinh sống ở Việt Nam; các sự kiện giao lưu, giới thiệu văn hóa Nhật Bản và Việt Nam được hai nước tổ chức thu hút đông đảo người dân đến thưởng thức âm nhạc, ẩm thực..., sự gần gũi về văn hóa được nâng cao, giao lưu nhân dân giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu.

Nhà vua Akihito bày tỏ vui mừng được tới thăm Huế - cố đô của Việt Nam và cũng là nơi Lâm Ấp một thời phồn thịnh, được dịp thưởng thức nhã nhạc Việt Nam, một loại hình âm nhạc cùng chia sẻ nguồn gốc với nhã nhạc của Nhật Bản.
Nhà vua Akihito nhấn mạnh mong muốn chuyến thăm Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu sẽ góp phần tăng cường hơn nữa sự hiểu biết, gắn bó của tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Theo TTXVN

Trung Quốc ngừng thu mua, heo chết đầy đường ở Bình Ðịnh; “Thủ phủ” heo điêu đứng vì thương lái Trung Quốc “bỏ bom”

Minh Huynh đã thêm 3 ảnh mới.
12 phút
Thương lái Trung Quốc dở trò gây khó trong việc thu mua heo đã khiến nhiều người ở “thủ phủ heo miền Trung” huyện Hoài Ân phải bán tháo cắt lỗ, thậm chí có người còn bỏ phế cho heo chết.
Theo báo Người Lao Ðộng ngày 1 Tháng Ba, huyện Hoài Ân “thủ phủ heo” của miền Trung với đàn heo hiện lên đến 280,000 con, đang lao đao do giá heo giảm mạnh, người chăn nuôi ở đây có nguy cơ vỡ nợ.
Cụ thể, khoảng 1 tháng qua, giá heo hơi được thương lái thu mua chỉ ở mức 20,000-32.000 đồng/kg tùy hạng, giảm hơn 10,000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. “Nếu tính hết tất cả các loại chi phí, một con heo giống nuôi đến lúc xuất chuồng, người nuôi phải đầu tư đến 35,000 đồng/kg. Trong khi đó hiện tại thương lái chỉ thu mua khoảng 30,000 đồng/kg thì không lỗ mới là lạ,” bà Lê Thị Ngọc Tuyến, ngụ xã Ân Nghĩa, chủ vựa heo hơn 300 con, tính toán.
Giá heo xuống thấp kỷ lục đã khiến nhiều người dân Hoài Ân lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. “Chỉ riêng thức ăn, năm ngoái tôi đầu tư nuôi đàn heo thịt 200 con đã tốn 500 triệu đồng. Vậy mà lúc bán cả đàn cũng chưa đủ tiền đã mua thức ăn, đó là chưa nói các khoản lỗ khác hàng trăm triệu đồng, từ tiền thuê nhân công chăm sóc đến thuốc men, đầu tư chuồng trại…,” ông Nguyễn Văn Hùng, chủ trang trại heo ở xã Ân Ðức, than thở.
Nói với phóng viên báo Người Lao Ðộng, ông Lê Hồng Chiêm, trưởng Phòng Môi Trường huyện Hoài Ân cho biết, ngoài những hộ nuôi số lượng lớn đã bán tháo để cắt lỗ, không ít người nuôi nhỏ lẻ ở huyện Hoài Ân đã bỏ lơ đàn heo của mình khiến nhiều con chết, xác bốc mùi hôi thối vứt rải rác khắp nơi gây ô nhiễm trầm trọng. Bởi trước đây, heo chết còn có người mua với giá 100,000-200,000 đồng/con, nay thì không ai mua nên họ bỏ.
Không riêng gì người nuôi, nhiều thương lái chuyên thu mua heo xuất sang Trung Quốc cũng trắng tay vì thua lỗ nặng. Ông Nguyễn Anh Kiệt, ngụ thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân cho biết, giữa Tháng Hai vừa qua, ông xuất một chuyến heo sang Trung Quốc qua cửa khẩu Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Tuy nhiên, do phía Trung Quốc gây khó khăn nên heo nằm cửa khẩu chờ lâu dẫn đến chết hàng loạt.
“Chuyến buôn heo đầu năm tôi bị lỗ hơn 500 triệu đồng. Trước khi xuất chuyến hàng này, tôi đã làm việc với thương lái Trung Quốc, họ thống nhất giá cả nên tôi mới xúc tiến thu mua. Thế nhưng, khi heo đến cửa khẩu, họ bất ngờ chê ỏng chê eo, đè giá xuống,” ông Kiệt tức giận nói. (Tr.N)
ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Bình luận


“Thủ phủ” heo điêu đứng vì thương lái Trung Quốc “bỏ bom”

TP - “Vương quốc” heo ở Đồng Nai dẫn đầu cả nước với tổng đàn trên 2 triệu con. Thế nhưng, nông dân đang sống dở, chết dở vì thương lái Trung Quốc ngưng mua, giá heo rớt thê thảm.
“Thủ phủ” heo điêu đứng vì thương lái Trung Quốc “bỏ bom”Người nuôi heo đang méo mặt vì giá heo giảm mạnh. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Nguy cơ nợ chồng nợ
Bà Nguyễn Thị Loan, chủ  một trại heo ở xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom lo lắng: “Trước tết, chạy ngược chạy xuôi tôi mới bán được đàn heo hơn 100 con  (hơn 10 tấn) với giá 26.000 đồng/kg, lỗ trên 1 triệu đồng/con. Tháng này cũng phải xuất đàn 100 con tiếp, nếu giá không lên, tui sợ phải ôm nợ. Nhưng giá nào cũng phải bán, chứ để lại, tiền thức ăn tốn kém. Đó là chưa kể heo trên 1,2 tạ/con thành heo mỡ càng thêm khó bán”. Lâm vào tình cảnh tương tự, ông Nguyễn Hữu Kha như ngồi trên đống lửa khi gọi mãi thương lái mới tìm đến và trả 26.000 đồng/kg.
Biết giá quá thấp nhưng không bán cho họ thì biết bán cho ai bởi khắp vùng ai cũng bán với giá đó”- ông Kha thở dài. Vay mượn ngân hàng, tiền dành dụm được gần một tỷ đồng ông Kha đổ hết vào trại heo. Giờ gia đình ông đứng trước nguy cơ bị nợ chồng nợ.
Ông Sáu Em có trại nuôi lên đến 6.000 con, đợt này mất cả chục tỷ đồng vì heo rớt giá. Mỗi con heo giống ở trại này được mua vào 2 triệu đồng, nhưng theo ông Em khi xuất bán không đầy 3 triệu. Ông Nguyễn Văn Diệp - thương lái ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai cho biết, trước đây, mỗi ngày mua hàng trăm con heo cho các đầu nậu đưa ra biên giới phía Bắc, tiền luôn được ứng trước cho các chủ trại. Theo ông, cùng thời điểm này vào năm trước, người chăn nuôi lãi từ 1 triệu đồng - 1,5 triệu đồng/con.
“Nhưng từ cuối năm 2016 đến nay, đầu nậu ngưng mua, thương lái trong vùng chỉ mua cầm chừng cung cấp đủ nguồn thịt cho các lò mổ trong vùng. Hộ chăn nuôi đang lỗ trên 1 triệu đồng/con heo xuất chuồng”- ông Diệp nói.
Đại lý thức ăn chăn nuôi khó thu hồi vốn
Hoài Ân (Bình Định) được xem là vựa heo lớn nhất miền Trung với đàn heo 280 nghìn con, nhưng giờ đây câu chuyện về heo chết, heo rớt giá đang khiến người nuôi lao đao.
Anh Trần Văn Vân (43 tuổi, ở thôn Gia Trị, xã Ân Đức) thất thần nhìn chuồng heo trống trơn. Anh cho biết đàn heo 300 con chết dần, số còn lại khoảng 100 con thì bán lỗ bán tháo để trả nợ. Tiền nợ cám của đại lý đã hơn 1 tỷ đồng. Mấy năm trước sau khi bán thì ngoài thanh toán tiền cám, trừ tiền giống cũng cho thu về cả trăm triệu, ai ngờ năm nay họa liên tiếp, giá heo rớt thê thảm.
Giá heo hiện nay mà thương lái thu mua 28.000 - 32.000 đồng/kg, giảm khoảng 10.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Đối với heo ít nạc, giá còn giảm thêm khoảng 2.000 - 4.000/kg.
Chị Lê Thị Ngọc Tuyến bần thần vì giá heo rớt thê thảm, món nợ cả tỷ đồng không có khả năng trả.
Sở hữu đàn heo lớn nhất xã Ân Nghĩa, chị Lê Thị Ngọc Tuyến (thôn Phú Ninh) đang mất ăn mất ngủ vì giá heo rớt mạnh, nếu bán phải chấp nhận thua lỗ nặng trong khi số tiền nợ mua cám heo đã lên đến tiền tỷ. “Trước tết thì heo chết, giờ thì giá rớt, không biết xoay cách nào cho hết lỗ” - chị Tuyến thở dài.
Câu chuyện heo rớt giá còn ảnh hưởng đến các đại lý thức ăn chăn nuôi. Ở đây, các đại lý thường cho các hộ nuôi mua nợ, đến khi xuất chuồng sẽ thanh toán. Nhưng tình trạng heo chết, giá heo rớt khiến cho các chủ đại lý cũng như ngồi trên lửa vì không thể thu lại được khoản nợ như thời hạn. 
Anh Phan Trung Khánh – chủ một đại lý thức ăn chăn nuôi ở thôn Gia Trị, xã Ân Đức, cho biết đang đau đầu với khoản nợ 4 tỷ đồng của các hộ nuôi và chưa biết lấy đâu ra vốn để quay vòng. Lâu nay vẫn cho người dân mua nợ đến khi xuất chuồng thì trả nhưng năm nay thì hộ nào cũng lỗ không có tiền trả nợ. Muốn các con nợ có tiền trả nợ cho anh thì phải đầu tư tiếp cho họ tiếp tục nuôi heo. Nếu lứa heo tới họ trúng thì may ra mình đòi được nợ, nếu họ tiếp tục thua lỗ thì số nợ của mình sẽ chồng thêm cao. Hầu hết các đại lý thức ăn chăn nuôi trên địa bàn huyện đang lâm cảnh tiến thoái lưỡng nan.
“Hiện toàn tỉnh còn tồn khoảng 400.000 con heo có trọng lượng từ 70kg trở lên. Trong khi đó, trung bình mỗi ngày nhu cầu tiêu thụ tại Đồng Nai và xuất đi TPHCM chỉ trên 5.000 con”. 
Ông Huỳnh Thành Vinh - Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai 
Theo các hộ dân ở đây, giá heo thường do các thương lái quyết định. Đến thời gian heo xuất chuồng thường bị thương lái ép giá xuống. Trong khi đó theo tìm hiểu, heo sau khi mua từ các hộ dân thì được xuất bán sang thị trường Trung Quốc. Một thương lái nhiều năm trong nghề cho hay, chính họ cũng thường xuyên bị các “bạn hàng” nước bạn lật lọng, o ép, làm ăn với các thương lái Trung Quốc rủi ro cao. Đợt tháng 2 vừa rồi xuất một chuyến heo sang Trung Quốc qua cửa khẩu Trùng Khánh, nhưng sau đó bị phía bạn hàng gây khó dễ, heo phải nằm chờ lâu nên dẫn đến chết hàng loạt, lỗ hơn 500 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân cho biết, tổng đàn heo toàn huyện khoảng 280.000 con. Hiện nay huyện khuyến cáo người dân không nên tăng đàn mà khuyến khích nuôi heo chất lượng cao, đặc biệt chú trọng công tác tiêm phòng tránh rủi ro lớn.
Thương lái Trung Quốc ngưng mua
Nói về nguyên nhân khủng hoảng thừa heo trên địa bàn Đồng Nai hiện nay, ông Trần Văn Quang - Chi  cục trưởng Chăn nuôi - Thú  y Đồng Nai cho biết, nguyên nhân có lượng heo tồn lớn như vậy là do tình trạng tăng đàn quá nhanh. Trong khoảng 3 năm nay giá heo ổn định, người chăn nuôi có lãi nên tiếp tục tăng đàn và đầu tư mới. Năm 2015, tổng đàn heo của Đồng Nai là 1,7 triệu con thì năm 2016 đột biến tăng lên hơn 2 triệu con. Từ tháng 12/2016 đến nay, phía Trung Quốc ngưng nhập heo từ Việt Nam, trong khi tiêu thụ trong nước chỉ có hạn nên mới xảy ra tình trạng thừa như vậy. 
“Ngành quản lý chăn nuôi, Hiệp hội chăn nuôi đã có nhiều khuyến cáo với người chăn nuôi cẩn trọng với việc đầu tư khi tỷ trọng cung vượt cầu quá xa, nguồn thịt xuất khẩu không chủ động được, nhưng cảnh báo không hiệu quả”- ông Quang nói.
Ông Tăng Kim Đoán - Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết: “Giá heo sụt giảm là do tỷ lệ tăng đàn quá nhanh nhưng không chủ động được thị trường. Hiện nay lượng heo trên địa bàn tỉnh chỉ tiêu thụ hết 60% ở thị trường trong nước, phần còn lại phải phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Trung Quốc ngưng mua, ngay lập tức lượng heo tồn đọng sẽ rất lớn”- ông Đoán cho hay.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nguy cơ phá sản vì giá heo hơi đang ở mức thấp kỷ lục suốt 10 năm qua. Hiệp hội chỉ còn cách gửi văn bản kêu gọi các công ty kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi chia sẻ khó khăn với nông dân bằng cách không tăng giá bán cho đến khi giá heo hơi ổn định trở lại.
Mạnh Thắng - Uyên Phương - Tố Anh

Những đồn đoán xung quanh chuyện đóng cửa nhà tướng niệm Mao ở Thiên An Môn

Nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông “tạm dừng mở cửa” trong 6 tháng, nảy sinh nhiều đồn đoán

Mới đây truyền thông Trung Quốc đưa tin, Bắc Kinh quyết định từ ngày 1/3/2017, nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông ở quảng trường Thiên An Môn sẽ tạm dừng mở cửa, thời gian là nửa năm. Sau khi tin này được đưa ra, đã nảy sinh nhiều đồn đoán trong dư luận.

đóng của, nhà tưởng niệm, Mao Trạch Đông,
Nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông, nơi đặt di thể cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông. (Ảnh: NTDTV)
Bắc Kinh quyết định, từ ngày 1/3 năm nay, nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông ở quảng trường Thiên An Môn sẽ “tiến thành thi công”, bởi vậy tạm dừng mở cửa đón khách tham quan, thời gian là nửa năm.
Trung Quốc trong thời khắc nhạy cảm của kỳ họp “lưỡng hội” (tên gọi tắt của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị nhân dân Trung Quốc) sắp tới, lại đóng cửa Nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông tới nửa năm, là một sự việc hiếm thấy, khó tránh việc giới bên ngoài đồn đoán. Trước đây có tin tức cho rằng, trong cục chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã có nhiều số phiếu thông qua, đưa nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông dời khỏi Bắc Kinh.
Tin tức từ tờ Nhật báo Bắc Kinh hôm 26/2 cho biết, nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông từ 1/3/2017 đến 31/8/2017 sẽ tiến hành thi công. Trong thời gian thi công thì nhà tưởng niệm sẽ tạm dừng mở cửa đón khách tham quan.
Theo bài báo, Nhà tưởng niệm Mao hằng năm đều tiến hành kiểm tra và bảo dưỡng, thời gian khoảng 10 ngày. Kể từ năm 2009, thời gian bảo trì thông thường là từ ngày 1-20/3. Năm nay do phải “thi công” nên thời gian sẽ kéo dài đến… nửa năm.
Nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông được xây dựng hồi tháng 5/1977, khi đó dư luận trong và ngoài nước Trung Quốc vẫn có những tranh luận trái chiều, thậm chí trong nội bộ ĐCSTQ việc dỡ bỏ hay di chuyển nhà tưởng niệm Mao, cũng liên tục tranh luận hơn 10 năm nay.
Trước đó, tạp chí “Tranh Minh” của Hồng Kông cho biết, trước khi diễn ra “lưỡng hội” năm 2016, nhiều đại biểu đã tham gia ký tên chung vào dự thảo đề án đề nghị di dời nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông. Mấy tháng sau, Cục chính trị Trung Quốc tiến hành biểu quyết về dự thảo này, thì trong 25 lá phiếu của ủy viên Cục chính trị, có 23 phiếu tán thành, chỉ có 2 phiếu trắng, không một ai phản đối. Dự thảo nghị quyết đã được thông qua với số phiếu áp đảo bất ngờ.
Bài báo chỉ ra, ông Vương Kỳ Sơn khi giải thích về đề án này đã bày tỏ, nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông từ khi quyết định khởi công xây dựng cho đến lúc xác lập địa điểm, hoàn toàn là việc sai lầm, là sai lầm to lớn “đi ngược lại với chặng đường phát triển tiến bộ của xã hội”.
Ông Vương Kỳ Sơn đồng thời còn đưa ra 6 sai lầm và khuyết điểm nghiêm trọng trong quyết định xây dựng nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông, trong đó bao gồm việc đi ngược hoàn toàn với nghị quyết có liên quan đến phương diện sau khi người lãnh đạo qua đời.
Bài báo nói rõ, sau khi kiến nghị di dời nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông được thông qua, ông Tập Cận Bình đã có bài phát biểu trước hội nghị. Ông Tập nói, vấn đề liên quan đến nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông sớm muộn cũng cần phải giải quyết, không thể lấy bất cứ lý do không bình thường hoặc không hợp pháp nào để tiếp tục để tồn đọng mà không xử lý.
Bài báo chỉ ra rằng, nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông chiếm diện dích 57.000 m2, tổng diện tích xây dựng là 28.000 m2. Còn về chi phí xây dựng nhà tưởng niệm và chi phí bảo tồn di thể, đối với giới bên ngoài vẫn luôn là bí ẩn.
Ngoài ra giới nhân sĩ dịch lý cho rằng, xét theo góc độ phong thủy, vị trí nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông đã phá hủy bố cục phong thủy quảng trường Thiên An Môn nói riêng và cả Bắc Kinh nói chung. Nhà tưởng niệm nói cho cùng là một nhà xác lớn, hơn nữa còn có “bia tưởng niệm” như thanh kiếm cao lớn cắm xuống phía trước, chắc chắn sẽ khiến cho thủ đô Bắc Kinh và các vùng trọng địa lân cận dày đặc âm khí.
Theo NTDTV

VIỆT NAM “CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG” TRONG VỤ TRỢ GIÚP PHÁP LÝ ĐOÀN THỊ HƯƠNG …; THEO LUẬT PHÁP MALAIXIA, LUẬT SƯ VIỆT NAM KHÔNG ĐƯỢC PHÉP THAM GIA TRANH TỤNG, BẢO VỆ ĐOÀN THỊ HƯƠNG TẠI TÒA

Phạm Viết Đào.





Đoàn Thị Hương từng dự thi "Việt Nam Ai.. Rồ..." của VTV3









Người Việt có câu thành ngữ “ Chạy trời không khỏi nắng” để ám chỉ những kẻ luôn có lối sống len lỏi, chui rúc, đu dây, cơ hội, “ tránh kiếm lẩn đao” cốt để cầu lợi cho mình… dù tài giỏi đến đâu thì rồi cuối cùng cũng sẽ lộ chân tướng, con người thật trước ánh sánh công lý, trời đất…
Vụ Đoàn Thị Hương mang hộ chiếu Việt Nam được xác nhận có nguyên quán ở Nam Định là một tình huống pháp lý trớ trêu, hy hữu đẩy nhà cầm quyền Việt Nam vào tình thế không thể lẩn tránh búa ríu dư luận; ánh sáng công lý tại phiên tòa này…
Lúc đầu, theo tuyên bố của người phát ngôn Bộ ngoại giao, có vẻ Việt Nam phủi tay muốn đấy Đoàn Thị Hương sang cho phía các cơ quan tư pháp Malaixia và cô này phải tự chịu lấy trách nhiệm về những hành vi gây án…
Thế những trước búa rìu dư luận trong và ngoài nước và thông lệ quốc tế, nhà nước Việt Nam không thể thoái thác trách nhiệm trước mọi hành vi của công dân nước mình không chỉ trong mà kể cả khi họ gây án ở ngoài lãnh thổ.
Theo một vài thông tin nhỏ giọt trong vài hôm nay thì có vẻ nhà nước Việt Nam đã phát tín hiệu sẽ vào cuộc để trợ giúp pháp lý Đoàn Thị Hương theo thông lệ, chuẩn mực của thế giới văn minh hiện nay…
Nhà nước phải vào cuộc, phải bỏ tiền ra thuê luật sư chắc chắn một khoản không nhỏ để làm cái nghĩa vụ với công dân nước mình là Đoàn Thị Hương vì gia đình Đoàn Thị Hương vào diện nghèo.
Bởi nhà nước không chỉ buộc người dân phải có các nghĩa vụ bắt buộc với nhà nước mà cũng phải có nghĩa vụ theo chiều ngược lại: Phải có trách nhiệm bảo vệ công dân cho dù họ có các hành vi không được pháp luật thừa nhận; lệch chuẩn hành vi pháp lý…
Trong vụ Đoàn Thị Hương gây án ở Malaixia, một tình huống pháp lý trớ trêu đó là: Phải trợ giúp pháp lý như thế nào, kiểu gì với tư cách trợ giúp từ phương diện nhà nước, luật sư nhà nước thuê, cử chứ không chối tội theo lối trẻ con như Đoàn Thị Hương từng khai với cảnh sát Malaixia: rằng vô tình tham gia vào một trò chơi truyền hình chứ không cố ý mưu sát ông Kim Jong Nam…
Hành vi chối tội này chỉ có thể đánh lừa trẻ con, bởi chắc chắc cơ quan cảnh sát Malaixia đã thu thập đủ chứng cứ, không khó khăn gì trong việc chứng minh hành vi cố ý mưu sát, giết thuê của 2 sát thủ Đoàn Thị Hương và 1 của Indonezia…
“ Nghĩ mình phương diện quốc gia”…nhân dân trông đợi và thế giới trông vào thì hành vị trợ giúp pháp lý của các luật sư do nhà nước Việt Nam cử ra: không thể dùng tiền để chạy án, đút lót cho quan tòa Mã Lai; không thể cãi cù nhầy, trẻ con như cách chối tội của Đoàn Thị Hương ?
Vậy thì trợ giúp cách gì đây để không hổ danh trước việc đem cái chuông tư pháp Việt Nam XHCN dân chủ gấp vạn lần nền tư pháp nước khác; đem ra đấm tại pháp đình Malaixia, nơi đang đổ dồn hàng trăm triệu cặp mắt của thế giới ?
Nếu người được nhà nước cử ra, thuê tiền sang tận Mã Lai trợ giúp cho Đoàn Thị Hương mà lại “ăn không nên đọi, nói không nên lời”, “ ú ớ Việt gian”, càng không thể “ ngậm miệng ăn tiền” như ở các phiên tóa trong nước với nhau thì thà ngồi nhà, viện một lý do đau bụng đau bạo gì đó chớ đừng có sang mà làm nhục quốc thể, làm nhục một quốc gia gần 100 triệu dân mà trình độ tư pháp lại quá ư tậm tịt, ú ớ…
Muốn trợ giúp pháp lý, tránh cho Đoàn Thị Hương phạm tội cố ý mưu sát, chủ mưu thì cách duy nhất sự trợ giúp pháp lý phải chỉ cho ra được, chứng minh cho bằng được: đích danh kẻ nào đã bỏ tiền ra thuê Đoàn Thị Hương, huấn luyện cho Đoàn Thị Hương, khống chế Đoàn Thị Hương, buộc Đoàn Thị Hương gây án theo kịch bản của Tổng đạo diễn-kẻ chủ mưu trong việc hạ độc Kim Jong Nam…
Muốn trợ giúp được việc này, và chỉ bằng cách này mới cứu được, giảm tội cho Đoàn Thị Hương thì ngoài các tài liệu, chứng cứ dựa vào các cơ quan điều tra Mã Lai ra các cơ quan chức năng Việt Nam trong đó có cơ quan an ninh, đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam phải vào cuộc giống như “ 5 anh em trên một chiếc xe tăng”- tứ của một bài thơ của Hữu Thỉnh…Tóm lại nói theo cách nói của các bác quan chức to đầu hay hô: cả hệ thống chính trị nên vào cuộc để cứu giúp Đoàn Thị Hương khỏi tội danh khủng bố, mưu sát...
Mặc dù không phải là luật sư, không có trong tay một mẩu tài liệu, dữ liệu nào nhưng người viết bài này cũng mang máng nhận ra kẻ chủ mưu, tổng đạo diễn vụ mưu sát này không phải là 2 cô gái Việt và Indo; Hai người này chắc chẳng có thù oán, tư thù, tranh chấp gì với Kim Jong Nam cũng như tư thù gì với đất nước Bắc Triều Tiên hay gia tộc Kim Nhật Thành cả…
Vậy thì họ sở dĩ dám làm cái việc tày đình này, cái việc mà ở quê một kẻ như Đoàn Thị Hương không dám hạ thủ một con gà như lời người thân của Hương thổ lộ với báo chí; Thế mà Đoàn Thị Hương lại dám hạ độc 1 con người như Kim Jong Nam tại sân bay quốc tế có đầy đủ hệ thống giám sát an ninh ?
Đây không phải là một vụ án hình sự thông thường, sự thanh toán người của nhau của các băng nhóm tội phạm mà đây là hành vi thanh toán người của nhau của những băng đảng chính trị lớn, tầm quốc gia…Và như vậy, kẻ đứng đầu băng nhóm phải ở cương vị đứng đầu quốc gia…
Vậy các nhà trợ giúp pháp lý do nhà nước Việt Nam thuê và cử ra có dám đứng ra tại pháp đình Mã Lai để mà tố cáo, chứng minh kẻ chủ mưu đang ở Bắc Kinh hay ở Bình Nhưỡng; Chính họ mới là thủ phạm, mới là kẻ xứng đáng nhận trọng tội treo cổ…Còn Đoàn Thị Hương công dân nước mình chỉ là thân phận con tôm con tép, công cụ trong tay kẻ khác?
Muốn bảo vệ, muốn trợ giúp pháp lý đắc lực đúng nghĩa, hiệu quả cho Đoàn Thị Hương thì người được nhà nước Việt Nam thuê phải nhân danh nghề luật sư, nghề bảo vệ pháp lý lớn tiếng tố cáo trước tòa: cái đồng chí gì đó, hiện đang là “bạn vàng” của các đồng chí lãnh đạo tối cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Chính họ mới là kẻ chủ mưu, kẻ đứng ra tổ chức vụ hạ độc ông Kim Jong Nam vì động cơ tranh gianh quyền lực chính trị ?
Người trợ giúp pháp lý cho Đoàn Thị Hương do nhà nước Việt Nam thuê liệu có dám làm cái việc đó tại phiên tòa tranh tụng sắp tới để nhằm giảm nhẹ tội cho công dân nước mình không ?
Nếu không minh bạch được điều này, nếu không làm được như vậy coi chừng Việt Nam sẽ bị thế giới xếp vào diện có các phần tử khủng bố nảy nòi thì nguy hại vô cùng ?!

P.V.Đ.

Đoàn Thị Hương có thể phải qua 5 phiên tòa

02/03/2017 13:58 GMT+7
TTO - TS. Đinh Thế Hưng - Trưởng Phòng Pháp luật Hình sự Viện nhà nước và pháp luật - Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết như trên.
Đoàn Thị Hương có thể phải qua 5 phiên tòa
Cảnh sát dẫn giải Đoàn Thị Hương (giữa) sau phiên công bố cáo trạng tại Malaysia - Ảnh: Reuters
Theo TS. Đinh Thế Hưng, căn cứ quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự Malaysia thì phiên tòa diễn ra ngày 1-3 vừa qua là phiên tòa sơ bộ (pretrial), mục đích thông báo cho Đoàn Thị Hương và người bào chữa biết bị cáo bị buộc tội gì để chuẩn bị bào chữa.
Qua nhiều lần xét xử mới có phán quyết sau cùng
Nếu bị cáo nhận tội thì sẽ được áp dụng nguyên tắc thỏa thuận nhận tội giữa bị cáo và bên công tố. Khi bị cáo nhận tội thì phiên xét xử sẽ diễn ra sau đó mà phía công tố không cần phải điều tra thêm. Sau phiên tòa sơ bộ, phía công tố và luật sư bào chữa cho bị cáo tiếp tục củng cố chứng cứ.
Nếu bị cáo không nhận tội, sẽ có phiên tòa chứng cứ tiếp theo. Phiên tòa này được mở để xem xét tính hợp pháp của các chứng cứ do công tố và luật sư cung cấp.
Tòa sẽ xem xét xem chứng cứ bên buộc tội thế nào, bị cáo có bị cảnh sát ép cung không? Luật sư của bị cáo đưa ra chứng cứ gỡ tội ra sao, triệu tập ai làm chứng, các nhân chứng sẽ tuyên thệ khai trung thực…
Phiên tòa thứ 3 là phiên xét xử chính thức có bồi thẩm (preliminary hearing). Lúc này các bên sẽ chính thức tranh tụng với nhau về quan điểm buộc tội, gỡ tội. Phán quyết về tội danh và hình phạt của bị cáo sẽ dựa trên kết quả tranh tụng của hai bên.
Sau phiên tòa bồi thẩm thì bị cáo có quyền kháng cáo lên tòa phúc thẩm (Cour d’appel)  giống như tố tụng hình sự ở Việt Nam.
Sau phiên tòa phúc thẩm, nếu thấy có sai sót, oan sai thì bản án sơ thẩm, phúc thẩm sẽ bị phá án. Thời hạn xem xét giữa các phiên tòa có thể rất dài.
Theo TS Đinh Thế Hưng, mô hình tố tụng của Malaysia là mô hình tranh tụng triệt để của hệ thống pháp luật Anh- Mỹ (common- law), vì vậy luật sư có vai trò cực kỳ lớn.
“Vai trò của luật sư và bên công tố là ngang nhau, hai bên có quyền đưa ra các chứng cứ, quan điểm để tòa xem xét. Đây cũng là mô hình Việt Nam đang tiếp thu điểm tích cực của nó nhằm bảo vệ quyền con người” - Ông Hưng cho biết.
Luật sư Việt Nam không được tranh tụng tại tòa án Malaysia
Luật sư Bùi Đình Ứng - Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết ngoài luật sư do Malaysia chỉ định thì Đoàn Thị Hương sẽ có thêm luật sư bào chữa nếu Đại sứ quán Việt Nam hoặc gia đình Hương thuê luật sư ở Malaysia.
Theo ông Bùi Đình Ứng, theo quy định của Malaysia, nếu luật sư Việt Nam có yêu cầu tham gia tố tụng hình sự và tranh tụng tại tòa án để bảo vệ cho Đoàn Thị Hương cũng không được chấp thuận
“Tuy không thể tranh tụng tại tòa nhưng luật sư Việt Nam có thể hỗ trợ tư vấn pháp luật cho Đoàn Thị Hương và gia đình. Đồng thời bằng trình độ, kinh nghiệm của mình, các luật sư có thể trao đổi với luật sư của Malaysia nhằm có phương án bảo vệ cho Hương một cách tốt nhất” - Ông Bùi Đình Ứng cho biết.
Theo TS.Đinh Thế Hưng, luật sư Việt Nam nếu muốn tham gia tư vấn, bảo vệ cho bị cáo Đoàn Thị Hương thì phải tuân thủ quy định pháp luật của Malaysia. 
Như Tuổi Trẻ đã thông tin, Đoàn Thị Hương bị bắt giữ cùng nghi phạm Siti Aisyah (quốc tịch Indonesia) vì bị tình nghi có liên quan đến cái chết của người đàn ông Triều Tiên được cho là ông Kim Jong Nam - anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Trong phiên tòa ngày 1-3, Đoàn Thị Hương bị cơ quan kiểm sát của Malaysia cáo buộc tội giết người với hình phạt cao nhất có thể là từ hình.
Tại phiên tòa này, Đoàn Thị Hương không thừa nhận cáo buộc và nói mình vô tội.
TÂM LỤA

Đoàn Thị Hương Được Trả 5 triệu USD Để Lấy Mạng Lãnh Đạo Bắc Hàn Việt Nam Có vai Trò Gì ?