Thứ Năm, 2 tháng 3, 2017

Xúc động bài phát biểu của Nhà vua Nhật Bản tại Quốc yến; Chủ tịch nước: Nhật Bản thực sự là người bạn thân thiết của Việt Nam

Thứ 5, 10:15, 02/03/2017

VOV.VN - VOV.VN trân trọng đăng toàn văn phát biểu của Nhà vua Nhật Bản tại Quốc yến do Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân chủ trì
Tối 1/3, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân đã chủ trì Quốc yến chào mừng Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu sang thăm cấp Nhà nước Việt Nam.
nha vua nhat ban phat bieu gi gay xuc dong tai quoc yen viet nam hinh 1
Nhà vua Nhật Bản có bài đáp từ sau phát biểu khai mạc Quốc yến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang (Ảnh: Quý Đoàn)
Tại đây, Nhà vua Nhật Bản đã có bài phát biểu đáp từ sau diễn văn của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. VOV.VN trân trọng đăng toàn văn phát biểu của Nhà vua Nhật Bản:
"Tôi hết sức vui mừng được thăm Việt Nam lần đầu tiên cùng với Hoàng hậu theo lời mời của Ngài Trần Đại Quang, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Tôi xin chân thành cảm ơn Ngài Chủ tịch nước đã tổ chức Quốc yến tối nay đồng thời dành cho chúng tôi những lời chào mừng nồng nhiệt nhất.
Nhân dịp này, tôi trân trọng cảm ơn sự đón tiếp chu đáo mà đất nước và nhân dân Việt Nam đã dành cho các con chúng tôi là Hoàng Thái tử, Hoàng tử Akishino và Công nương khi tới thăm Việt Nam.
Những năm gần đây, các lãnh đạo của Việt Nam, đứng đầu là các Chủ tịch nước tiền nhiệm đã sang thăm Nhật Bản và mời chúng tôi thăm chính thức Việt Nam. Trong bối cảnh đó, tôi vô cùng cảm kích vì được sang thăm Việt Nam lần này.
Giữa Việt Nam và Nhật Bản đã có rất nhiều hoạt động giao lưu từ thời xa xưa. Ngược dòng lịch sử về thế kỷ thứ 8, nhà sư Phật Triết của Lâm Ấp, nay là Miền Trung Việt Nam đã tới hiến vũ nhân lễ cúng đường Khai nhãn Đại Phật được tổ chức tại Nara, kinh đô Nhật Bản thời kỳ đó. Âm nhạc của Lâm Ấp thời đó vẫn được biểu diễn trong những nhạc khúc của nhã nhạc Nhật Bản hiện nay. Lần này, tôi được tới thăm Huế, cố đô của Việt Nam thời nhà Nguyễn, cũng là nơi Lâm Ấp một thời phồn thịnh. Chính tại nơi này, tôi rất mong sớm được thưởng thức nhã nhạc Việt Nam, một loại hình âm nhạc cùng chia sẻ nguồn gốc với nhã nhạc của Nhật Bản.
Từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 17, rất nhiều thương thuyền của Nhật Bản đã cập cảng Hội An, một thương cảng quốc tế phồn vinh ở miền Trung Việt Nam thời kỳ đó, khu phố Nhật Bản cũng dần được dựng lên tại đây.
Sau đó, do chính sách “bế quan tỏa cảng” của Nhật Bản, giao lưu giữa Việt Nam và Nhật Bản đã tạm thời bị gián đoạn. Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ 20, có thời gian phong trào “Đông du” đã đưa khoảng 200 thanh niên Việt Nam sang học tập tại Nhật Bản.
Trải qua hơn 40 năm kể từ khi hai nước Nhật Bản và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, trong những năm qua, hoạt động giao lưu giữa hai nước ngày càng được mở rộng, đến nay có khoảng 180 nghìn người Việt Nam, bao gồm cả du học sinh và tu nghiệp sinh, đang sinh sống, học tập và làm việc ở Nhật Bản. Trong số đó có khoảng 500 người Việt Nam đang thực tập tại các bệnh viện và các cơ sở phúc lợi để trở thành điều dưỡng viên, hộ lý làm việc tại Nhật Bản trong tương lai. Tôi rất mong được tới cuộc gặp với cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản và những người đang đóng góp cho hoạt động giao lưu giữa hai nước diễn ra tại Văn Miếu vào ngày mai.
Trong những năm gần đây, tôi được biết việc học tiếng Nhật ở Việt Nam đang ngày càng được quan tâm nhiều hơn, ví dụ như có trường tiểu học đã bắt đầu giảng dạy tiếng Nhật. Đồng thời cũng có rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đến hoạt động sản xuất… ở Việt Nam, đến nay số người Nhật Bản sinh sống ở Việt Nam đã lên đến khoảng 15 nghìn người. Tôi rất vui mừng nhận thấy các sự kiện giao lưu giới thiệu văn hóa Nhật Bản và Việt Nam được tổ chức ở khắp nơi hai nước đã có rất nhiều người dân đến thưởng thức âm nhạc, ẩm thực… của mỗi nước.
Trong bối cảnh giao lưu giữa nhân dân hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, đồng thời sự gần gũi về văn hóa được nâng cao như ngày nay, tôi rất mong chuyến thăm lần này của chúng tôi sẽ góp phần tăng cường hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau cũng như sự gắn bó của tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Cuối cùng, tôi xin nâng cốc chúc Ngài Chủ tịch nước và Phu nhân sức khỏe, thành công, chúc nhân dân Việt Nam hạnh phúc"./.




PV/VOV.VN

Chủ tịch nước: Nhật Bản thực sự là người bạn thân thiết của Việt Nam

THEO TTXVN

(GDVN) - Tối 1/3, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân đã chủ trì Quốc yến chào mừng Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu sang thăm cấp Nhà nước.
Phát biểu tại buổi Quốc yến chào mừng Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản tối 1/3, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định đối với Việt Nam ngày nay, Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu, lâu dài và thực sự là “người bạn thân thiết”, hợp tác vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Nhà vua Nhật Bản Akihito nâng cốc chúc mừng. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước lần đầu tiên tới Việt Nam từ ngày 28/2 - 5/3/2017.

Tối 1/3, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân đã chủ trì Quốc yến chào mừng Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu sang thăm cấp Nhà nước.

Trong diễn văn tại Quốc yến, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt chào mừng Nhà vua Akihito và Hoàng hậu lần đầu tiên thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam trong những ngày Xuân đầu năm mới;
Khẳng định chuyến thăm là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản và được nhân dân Việt Nam mong chờ từ lâu.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất trong lịch sử.
Năm 2018, Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, nhưng giữa hai nước đã có sự giao lưu từ hơn một nghìn năm trước.
Đó là các giai điệu vũ nhạc Lâm Ấp theo chân Đại sư Phật Triết đến Cố đô Nara từ thế kỷ thứ 8; những Chu Ấn thuyền của các thương gia Nhật Bản đi từ Nagasaki đến Hội An vào thế kỷ 16; cuộc hôn nhân vượt khoảng cách địa lý giữa thương gia Araki Sotaro và công nương Ngọc Hoa vào thế kỷ 17.

Mối quan hệ lâu đời giữa hai nước tiếp tục được duy trì và phát triển khi hiện nay có khoảng 170.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc tại Nhật Bản, hơn 200.000 lượt khách du lịch Việt Nam tới Nhật Bản và hơn 700.000 lượt khách du lịch Nhật Bản sang Việt Nam trong năm 2016...

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ, sự tương đồng về văn hóa cùng những mối liên hệ lịch sử, tình cảm và lợi ích giữa nhân dân hai nước là nền tảng vững chắc của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.
Ngày nay, hai nước Việt Nam và Nhật Bản không chỉ là Đối tác chiến lược sâu rộng, mà còn là những người bạn chân thành, chia ngọt sẻ bùi với nhau.
Nhân dân Việt Nam trân trọng đất nước, văn hóa và con người Nhật Bản, quan tâm, ủng hộ những nỗ lực của nhân dân Nhật Bản trong phát triển đất nước và đóng góp vào hòa bình, thịnh vượng của thế giới.
Khi Nhật Bản bị động đất, sóng thần tại vùng Đông Bắc vào tháng 3/2011, nhiều người dân Việt Nam, trong đó có cả cụ già và em nhỏ, dù chưa một lần đặt chân đến đất nước Phù Tang nhưng vẫn đồng cảm với nỗi đau và mong muốn được sẻ chia với những mất mát của người dân Nhật Bản.
Về phía mình, các bạn Nhật Bản đã sát cánh cùng chúng tôi trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước trong nhiều năm qua”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chia sẻ.

Trích dẫn câu nói nổi tiếng của Nhà vua Minh Trị - người có công lớn canh tân và đưa Nhật Bản trở thành một quốc gia hiện đại: “Việc có người bạn thân thiết luôn giúp đỡ nhau, rèn giũa hoàn thiện bản thân sẽ là sức mạnh khi ta vào đời”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, đối với Việt Nam ngày nay, Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu, lâu dài và thực sự là “người bạn thân thiết”, hợp tác vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới. 
Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ cảm ơn những tình cảm tốt đẹp, sự quan tâm sâu sắc, sự giúp đỡ to lớn và có hiệu quả mà Nhà vua, Hoàng hậu, Hoàng gia cũng như Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã dành cho đất nước và nhân dân Việt Nam.
Mùa Xuân, mùa cây cối đâm chồi, nảy lộc đang về trên mọi miền của hai nước chúng ta.
Tôi tin chắc rằng chuyến thăm Việt Nam của Nhà Vua và Hoàng hậu sẽ mang đến một mùa Xuân mới cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam- Nhật Bản”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ niềm tin.

Trong lời đáp từ, Nhà vua Akihito bày tỏ vui mừng lần đầu tiên thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam; cảm ơn tình cảm nồng nhiệt của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân dành cho Nhà vua và Hoàng hậu, cảm ơn sự đón tiếp chu đáo mà đất nước và nhân dân Việt Nam đã dành cho Hoàng Thái tử, Hoàng tử và Công nương Nhật Bản khi tới thăm Việt Nam.

Đồng tình với ý kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang về các hoạt động giao lưu giữa Việt Nam và Nhật Bản, Nhà vua Akihito chia sẻ, âm nhạc của Lâm Ấp từ thời thế kỷ thứ 8 hiện nay vẫn được biểu diễn trong những nhạc khúc của nhã nhạc Nhật Bản.
Nhà vua Akihito chia sẻ niềm vui khi tiếng Nhật đang ngày càng được quan tâm ở Việt Nam, một số trường tiểu học đã bắt đầu áp dụng chương trình dạy tiếng Nhật; nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm hơn đến cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Hiện nay có khoảng 15 nghìn người Nhật Bản sinh sống ở Việt Nam; các sự kiện giao lưu, giới thiệu văn hóa Nhật Bản và Việt Nam được hai nước tổ chức thu hút đông đảo người dân đến thưởng thức âm nhạc, ẩm thực..., sự gần gũi về văn hóa được nâng cao, giao lưu nhân dân giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu.

Nhà vua Akihito bày tỏ vui mừng được tới thăm Huế - cố đô của Việt Nam và cũng là nơi Lâm Ấp một thời phồn thịnh, được dịp thưởng thức nhã nhạc Việt Nam, một loại hình âm nhạc cùng chia sẻ nguồn gốc với nhã nhạc của Nhật Bản.
Nhà vua Akihito nhấn mạnh mong muốn chuyến thăm Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu sẽ góp phần tăng cường hơn nữa sự hiểu biết, gắn bó của tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Theo TTXVN

Không có nhận xét nào: