Thứ Năm, 2 tháng 3, 2017

Nhà báo Trung Quốc lý giải tại sao người Việt yêu mến Nhật Bản hơn

HỒNG THỦY

(GDVN) - Sự tồn tại của nhân tố Trung Quốc vừa đóng vai trò thúc đẩy quan hệ Việt - Nhật phát triển gần gũi, đồng thời cũng tạo ra giới hạn cho quan hệ này.
Thời báo Hoa Hạ (chinatimes.cc), một tờ báo có tiếng trong làng báo chí Trung Quốc, số lượng phát hành đứng đầu trong các báo chuyên về tài chính - kinh tế Trung Quốc ngày 1/3 đăng bài viết của nhà báo Triệu Linh Mẫn với tựa đề:
"Quan hệ Nhật - Việt 'phi điển hình' sau chuyến thăm Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản".
Thông điệp chính từ bài viết của bà Triệu Linh Mẫn được Thời báo Hoa Hạ trích dẫn (chapeau hay sa-pô) viết:
"Tháng 4/2015, Trung tâm Nghiên cứu Pew, Hoa Kỳ công bố kết quả một cuộc điều tra cho thấy, có tới 82% người Việt Nam được hỏi có tình cảm tốt đẹp với Nhật Bản.
Con số này cao hơn rất nhiều số người có thiện cảm với Trung Quốc 'vừa là đồng chí, vừa là anh em', nhưng có tranh chấp chủ quyền, với tỉ lệ chỉ đạt 19%".
Nhận thấy bài viết này thể hiện góc nhìn của một nhà báo, nhà quan sát có tiếng tăm trong làng báo Trung Quốc về quan hệ Việt - Nhật, Việt - Trung cũng như vấn đề Biển Đông, xin dịch lại dưới đây và đưa ra mấy lời nhận xét, ngõ hầu giúp bạn đọc có thêm thông tin tham khảo.
Hoạt động thăm viếng cấp cao Việt Nam - Nhật Bản diễn ra liên tục
Ngày 28/2 Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu bắt đầu thăm chính thức Việt Nam cùng Thái Lan 7 ngày 6 đêm (thực tế Nhà vua và Hoàng hậu thăm chính thức Việt Nam 6 ngày, trên đường về qua Thái Lan viếng cố Quốc vương mới băng hà).
Đây là lần đầu tiên Nhà vua Nhật Bản thăm chính thức thăm Việt Nam.
Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu thăm chính thức Việt Nam, ảnh: Thời báo Hoa Hạ (chinatimes.cc).
Lịch trình cụ thể bao gồm các cuộc hội kiến với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, gặp mặt một số quả phụ và hậu duệ binh lính Nhật trong chiến tranh.
Trên đường trở về Nhật Bản, Nhà vua và Hoàng hậu sẽ qua Bangkok viếng cố Quốc vương Bhumibol Adulyadej mới băng hà, và hội kiến với tân Quốc vương Vajiralongkorn.
Trước đó hơn một tháng, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa mới thăm chính thức Việt Nam. Trong chuyến thăm này, ông Shinzo Abe cam kết sẽ cung cấp vốn vay phát triển và 6 tàu tuần tra cho Việt Nam, tiếp tục giúp Việt Nam tăng cường năng lực "bảo đảm an ninh trên biển".
Trong chuyến thăm này, ông Shinzo Abe liên tục nhắc đến Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi đó đã tỏ ý trách móc cách làm này của Nhật Bản là "động cơ không trong sáng, thiếu lành mạnh".
Trên thực tế kể từ khi ông Shinzo Abe trở lại ghế Thủ tướng Nhật Bản lần thứ 2 vào năm 2012, hoạt động thăm viếng lẫn nhau giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Nhật Bản vô cùng mật thiết.
Tháng 1/2013 Thủ tướng Shinzo Abe chọn Việt Nam làm quốc gia đầu tiên ông đi thăm.
Tháng 3/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Nhật Bản, quan hệ song phương được nâng cấp thành đối tác chiến lược rộng rãi, cùng nỗ lực vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á.
Tháng 7/2015 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Nhật Bản; tháng 8 cùng năm Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Nhật Bản; tháng 9 cùng năm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Nhật Bản.
Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản trong chuyến thăm của Tổng bí thư tiếp tục nhấn mạnh, hai bên nỗ lực xây dựng quan hệ đối tác chiến lược rộng rãi, cùng nỗ lực vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á.
Tần suất thăm viếng lẫn nhau dày đặc của lãnh đạo cấp cao hai nước cho thấy, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã phát triển đến mức độ chưa từng có. Sở dĩ như vậy là vì mấy nguyên nhân chủ yếu dưới đây.
Đầu tiên, Nhật Bản và Việt Nam không có những vấn đề lịch sử dây dưa kéo dài.
Những năm gần đây, quan hệ Nhật - Trung, Nhật - Hàn ngày càng xấu đi, nguyên nhân căn bản là vì những vấn đề lịch sử xâm lược trong Chiến tranh Thế giới II.
Trung Quốc và Hàn Quốc nhận thấy, thái độ nhận tội của Nhật bản không thành khẩn. Trong khi giữa Việt Nam và Nhật Bản không có vấn đề này.
Trong Chiến tranh Thế giới II, mặc dù Nhật Bản cũng đã từng xâm lược các nước Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, cũng gây ra những tổn thất về sinh mạng và tài sản, nhưng những quốc gia trong khu vực cơ bản không thù địch Nhật Bản.
Với các vấn đề lịch sử, họ cho rằng chuyện gì đã qua hãy để nó qua đi. 
Trên thực tế, nhà lập quốc Singapore Lý Quang Diệu hay tướng Aung San, cha đẻ của bà Aung San Suu Kyi, được người dân Myanmar tôn làm Quốc phụ trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng đều đã từng hợp tác với Nhật.
Nhưng không vì thế mà người dân hai nước cho rằng "đạo đức của họ có vấn đề", chứ đừng nói tới chuyện họ có thể bị ám toán sau những chuyện này.
Đó là vì thời gian Nhật Bản thống trị các nước này tương đối ngắn, chỉ khoảng 3 năm, tội ác gây ra cũng có hạn.

Tại sao Trung Quốc không kỷ niệm 20 năm ngày giỗ của Đặng Tiểu Bình?

Hơn nữa, các nước này đã trải qua một thời gian dài bị thực dân phương Tây đô hộ, cướp bóc, trong khi Nhật Bản biết cân đối giữa khai thác tài nguyên và phát triển kinh tế ở thuộc địa.
Chính vì thế trong thời gian Chiến tranh Thế giới II, kinh tế thực dân ở các nước Đông Nam Á cũng có những phát triển nhất định.
Hai là, các quốc gia Đông Nam Á phần lớn khi đó đều là thuộc địa của thực dân phương Tây. Tầng lớp tinh hoa trong xã hội phổ biến ác cảm, căm thù chủ nghĩa thực dân phương Tây.
Sự xuất hiện của quân Nhật được các tầng lớp tinh hoa này tận dụng để chống lại thực dân phương Tây.
Sau khi Chiến tranh Thế giới II kết thúc vào tháng 3/1945, Nhật Bản thay thế thực dân Pháp cai trị Đông Dương và tuyên bố Việt Nam, Lào, Campuchia độc lập.
Tất nhiên "độc lập" ấy chỉ là giả hiệu, nhưng quả thực Nhật Bản cũng đã mở rộng phạm vi tham gia chính trị cho tầng lớp tinh hoa bản địa.
Bởi vậy, so với tội ác gây ra với Trung Quốc và Hàn Quốc, hành động xâm lược của Nhật Bản với Đông Nam Á trong đó có Việt Nam là có kiểm soát, có tiết chế. Đồng thời khách quan mà nói, Nhật cũng đã làm được một số việc tốt.
Đây là lý do chủ yếu giải thích tại sao người dân khu vực này không ghét Nhật Bản. 
Tháng 4/2015, Trung tâm Nghiên cứu Pew, Hoa Kỳ công bố kết quả một cuộc điều tra cho thấy, có tới 82% người Việt Nam được hỏi có tình cảm tốt đẹp với Nhật Bản.
Con số này cao hơn rất nhiều số người có thiện cảm với Trung Quốc 'vừa là đồng chí, vừa là anh em', nhưng có tranh chấp chủ quyền, với tỉ lệ chỉ đạt 19%".
Hợp tác cùng có lợi về kinh tế thương mại, lãnh hải
Trong quan hệ kinh tế thương mại, tính tương trợ bổ sung cho nhau giữa Việt Nam và Nhật Bản rất mạnh. 
Việt Nam xem Nhật Bản là đối tác hợp tác kinh tế thương mại có giá trị nhất. Hiện nay, Nhật Bản là nước đầu tư viện trợ lớn thứ 2, đối tác du lịch lớn thứ 3, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.
Năm 1992, Nhật Bản bắt đầu cấp vốn vay phát triển ODA cho Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam là nước nhận được ODA lớn nhất từ Nhật Bản, chiếm tới 30% tổng số vốn ODA Việt Nam nhận được.
Theo số liệu từ phía Việt Nam, trong 20 năm qua, Nhật Bản đã cam kết cung cấp cho Việt Nam tới 90 tỉ USD vốn ODA dưới nhiều hình thức, hợp đồng ký kết thực tế đạt được 73,68 tỉ USD, bình quân mỗi năm 3,5 tỉ USD.
Đại đa số các công trình hạ tầng trọng điểm của Việt Nam do Nhật Bản xây dựng.
Năm 2014, hai tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước đạt 27,6 tỉ USD, trong đó Việt Nam xuất sang Nhật Bản hàng hóa tổng trị giá 14,7 tỉ USD, tổng trị giá nhập khẩu từ Nhật Bản 12,9 tỉ USD.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - Ảnh: VGP/Quang Hiếu.
Về mặt chủ quyền lãnh hải, Việt Nam và Nhật Bản không có mâu thuẫn hay xung đột, trong khi đều có tranh chấp với Trung Quốc (Bắc Kinh nhảy vào tranh chấp).
Có thể nói sự thực thi chiến lược xoay trục sang châu Á dưới thời Barack Obama hay những căng thẳng gia tăng trên Biển Đông vài năm gần đây là một chất xúc tác quan trọng làm quan hệ Nhật - Việt phát triển nóng.
Giữa Việt Nam và Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, Việt Nam cũng có những tâm tình không thể nói trong một thời gian dài bị Trung Quốc đô hộ suốt thời phong kiến.
Từ khi ông Shinzo Abe trở lại chính trường, vì thái độ "ỡm ờ" với lịch sử nên quan hệ với Trung Quốc ngày càng căng thẳng, lại thêm việc cố ý làm con tốt cho Hoa Kỳ, thay Mỹ bao vây Trung Quốc.
Cứ như thế, hai bên (Việt Nam, Nhật Bản) phố hợp nhịp nhàng, bên này hô hào bên kia hưởng ứng, không nói thành lời mà ngày càng gần gũi.
Năm 2012 Ngoại trưởng Nhật Bản thăm Việt Nam, phía Việt Nam đã đề nghị Nhật Bản giúp mình huấn luyện lực lượng Cảnh sát biển, tăng cường năng lực bảo đảm phòng thủ ven bờ.
Năm 2013 khi Thủ tướng Shinzo Abe thăm Việt nam, ông công khai kêu gọi Việt Nam - Nhật Bản cùng hợp tác, đối phó với các hành động ngày càng leo thang của Trung Quốc trong khu vực.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng khi đó kêu gọi tăng cường hợp tác với các nước trên Biển Đông, bao gồm Nhật Bản. 
Tại Đối thoại An ninh Shangri-la năm 2014, ông Shinzo Abe tuyên bố, Nhật Bản ủng hộ Việt Nam giải quyết vấn đè Biển Đông thông qua đối thoại, đồng thời cam kết cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam.
Đương nhiên, sự tồn tại của nhân tố Trung Quốc vừa đóng vai trò thúc đẩy quan hệ Việt - Nhật phát triển gần gũi, đồng thời cũng tạo ra giới hạn cho quan hệ này.
Trong quan hệ với Nhật Bản, Việt Nam chủ yếu quan tâm đến việc, một mặt cần phải có Nhật Bản để làm đối trọng trong quan hệ với Trung Quốc, mặt khác vẫn phải dựa vào Trung Quốc về chính trị, kinh tế.
Do đó, Việt Nam vừa phải thúc đẩy quan hệ Việt - Nhật phát triển để cân bằng với Trung Quốc, mặt khác phải giữ cho mọi thứ không đi quá đà.
Nhật Bản cũng như vậy, vừa muốn lôi kéo Việt Nam, thúc đẩy quan hệ Việt - Nhật phát triển, nhưng vẫn tự biết rằng, so với quan hệ Việt - Nhật, quan hệ Trung - Nhật quan trọng hơn.
Cái nhìn thiên lệch do chính trị hóa các vấn đề lịch sử, pháp lý
Cá nhân người viết cho rằng, những đánh giá, nhìn nhận của nhà báo Triệu Linh Mẫn trong bài viết này cũng phản ánh nhận thức phổ biến của giới nghiên cứu, quan sát Trung Quốc đương đại.

“Gác lại quá khứ chứ không phải khép lại quá khứ”!

Góc nhìn của họ bị hạn chế và chi phối không nhỏ bởi "nhãn quan chính trị", "lập trường chính trị" của giai cấp lãnh đạo đương thời, nên ở mức độ nhất định, khó thấy được bản chất vấn đề.
Người viết không bàn tới chuyện tại sao người Việt Nam cũng như Đông Nam Á không thù hận Nhật Bản, cũng như luận giải của tác giả Triệu Linh Mẫn về điều này.
Chỉ xin lưu ý rằng, đổ lỗi và một chiều không phải là cách tiếp cận các vấn đề lịch sử một cách khoa học, khách quan và cầu thị. 
Tác giả Triệu Linh Mẫn cho rằng, xã hội Trung Quốc hay Hàn Quốc thù hận Nhật Bản vì Tokyo "chưa chân thành nhận tội", hay những gì chủ nghĩa quân phiệt Nhật gây ra cho Đông Nam Á và Việt Nam "nhẹ hơn, ít hơn" so với Trung Quốc, Hàn Quốc (bán đảo Triều Tiên).
Có lẽ là do bà thường xuyên được tiếp xúc (hoặc bị tuyên truyền, giáo dục bởi) các tài liệu tuyên truyền chống Nhật trên báo chí, truyền hình, điện ảnh chiếu ra rả trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc từ năm này qua năm khác, từ tháng này qua tháng khác.
Không biết vì lý do gì, nhưng tình cảm và tâm lý chống Nhật Bản đã được chính quyền Trung Quốc sử dụng cho các mục đích chính trị. Điển hình là những vụ biểu tình chống Nhật trên khắp Trung Quốc năm 2009, đập phá bất cứ thứ gì liên quan đến Nhật Bản.
Hàn Quốc - Nhật Bản cũng có tranh chấp lãnh thổ, cũng có những vấn đề do lịch sử để lại, nhưng người dân xứ sở kim chi không có những hành động quá khích, đập phá bất cứ thứ gì liên quan đến Nhật Bản như thế.
Đã là chiến tranh, thì chỉ có máu và nước mắt, hận thù là điều khó tránh.
Nhưng trong quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc láng giềng, thời gian chiến tranh có lẽ chỉ chiếm 5%, 95% còn lại là chung sống hòa bình. Liệu hòa bình có thể đơm hoa nếu như thù hận vẫn ngày ngày được tưới tẩm bằng những tác phẩm tuyên truyền có chủ đích?
Khi đòi một dân tộc khác phải "chân thành nhận tội" vì những gì cha ông họ gây ra cho mình trong một cuộc chiến xâm lược, liệu có khi nào bà Triệu Linh Mẫn và các học giả Trung Quốc có nhìn lại cách hành xử của cha ông mình với các nước nhỏ ngày trước, cũng như các hành vi bành trướng hiện nay mà Trung Quốc theo đuổi trên Biển Đông?
Bà Triệu Linh Mẫn nhận định rằng Việt Nam phát triển quan hệ với Nhật Bản để cân bằng với Trung Quốc, vậy có bao giờ bà tự hỏi mình bằng cách đặt ngược vấn đề, tại sao Việt Nam phải làm như vậy?
Ở đời không có lửa làm sao có khói.
Tham vọng bành trướng và hành động leo thang bất chấp luật pháp quốc tế cũng như công luận mà Trung Quốc theo đuổi trên Biển Đông buộc các nước nhỏ phải hợp tác bảo vệ cho được hòa bình, ổn định và trật tự khu vực dựa trên luật lệ.
Bà Triệu Linh Mẫn, ảnh: Sohu.com.
Nhân loại mỗi ngày một văn minh, hợp tác cùng phát triển hòa bình, thịnh vượng, phồn vinh còn chưa làm hết, hơi đâu các nước nhỏ đi làm chuyện "bao đồng", mua dây buộc mình như người ta vẫn tuyên truyền: theo Mỹ chống Trung Quốc.
Chỉ vì ai đó muốn ăn trên ngồi chốc thiên hạ, muốn biến Biển Đông - tuyến hàng hải huyết mạch quốc tế thành ao nhà, muốn biến lãnh thổ hợp pháp của nước khác thành của mình thì toan tính ấy, hành động ấy không thể không chống lại.
Chữ "lãnh hải" hay "tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông" mà tác giả Triệu Linh Mẫn sử dụng trong bài viết cũng phản ánh nhận thức rất hạn chế về luật pháp quốc tế của bản thân bà và giới truyền thông Trung Quốc.
"Lãnh hải" là một khái niệm pháp lý được Công ước Liên Hợp Quốc 1982 quy định cụ thể, và Việt Nam, Nhật Bản không thể có tranh chấp, cũng không thể có "tương đồng, bổ khuyết cho nhau", đơn giản vì khoảng cách địa lý xa xôi.
"Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông" là cách đánh đồng tất cả những tranh chấp Trung Quốc cố tình tạo ra, trong đó có vấn đề ứng dụng giải thích UNCLOS 1982.
Điển hình là đường lưỡi bò hay cái gọi là "quyền lịch sử" mà Phán quyết Trọng tài 12/7/2016 do Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 đã bác bỏ.
Hay ví dụ như vụ Trung Quốc cắm giàn khoan 981 bất hợp pháp vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp và không có tranh chấp của Việt Nam với âm mưu tạo ra tranh chấp năm 2014.
Đó là những "tranh chấp" do Trung Quốc cố tình gây ra ở những khu vực không có tranh chấp, và đó là việc ứng dụng và giải thích UNCLOS 1982 chứ không phải "tranh chấp chủ quyền".
Còn hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - Nhật Bản sở dĩ phát triển mạnh và đóng vai trò to lớn trong quan hệ song phương, không chỉ đơn giản là vì Nhật Bản là nước cho vay ODA lớn nhất của Việt Nam.
Đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc khá "rủng rỉnh" tiền mặt sau mấy chục năm bán hàng giá rẻ trên toàn cầu, và đang cổ súy cho ý tưởng "một vành đai, một con đường" với nhiều dự án, siêu dự án xây dựng cơ sở hạ tầng chào hàng với các nước.
Nhưng rất nhiều nước vẫn khát vốn mà không mấy mặn mà với nguồn vốn từ Trung Quốc, bởi lẽ nước này muốn xuất khẩu các công nghệ / doanh nghiệp lạc hậu gây ô nhiễm ra ngoài lãnh thổ thông qua các nguồn vốn giá rẻ đi kèm điều kiện sử dụng công nghệ / nhà thầu / lao động phổ thông của họ.
Trong khi đó, từ lâu không riêng gì Việt Nam, mà dư luận khu vực, thế giới đều đánh giá cao công nghệ và chất lượng sản phẩm Nhật Bản. Điều đó đã làm lên thương hiệu và uy tín cho đất nước Mặt Trời mọc.
Người viết nhận thấy, những bình luận của nhà báo Triệu Linh Mẫn rõ ràng lời lẽ ôn hòa hơn, ít màu sắc cảm xúc, tuyên truyền như vẫn thấy trên một số phương tiện truyền thông và học giả Trung Quốc trước đây.
Nhưng có lẽ tàn dư của tư tưởng cá lớn nuốt cá bé, thói quen chính trị hóa các vấn đề lịch sử và pháp lý dường như vẫn ăn sâu vào tiềm thức, chi phối tư duy và suy nghĩ của không ít học giả Trung Quốc hiện đại, dẫn đến những quan điểm, nhận thức không đúng với thực tế.
Tài liệu tham khảo:
Hồng Thủy

Không có nhận xét nào: