Thứ Ba, 5 tháng 9, 2017

Xử lý nghiêm vụ VN Pharma; Tổng Bí thư không có chỉ đạo cụ thể vụ VN Pharma; Đại án Oceanbank: Nóng lời khai chi tiền 'khủng' cho từng cá nhân

PLO  8 đăng lại 105 liên quan

VKSND Cấp cao tại TP.HCM xem xét để làm rõ các vấn đề tố tụng liên quan.
Xu ly nghiem vu VN Pharma - Anh 1
Tối 4-9, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, cho biết: Quan điểm chung của Tổng Bí thư từ trước đến nay là xử lý nghiêm các vụ việc, những vấn đề dư luận bức xúc.
Xử lý đúng pháp luật, đúng người, đúng tội
Theo ông Nên, trong vụ việc cấp phép cho VN Pharma nhập thuốc H-Capita, Chính phủ đã vào cuộc quyết liệt, giao Thanh tra Chính phủ vào cuộc rồi. Còn việc nào thuộc thẩm quyền của các cơ quan tố tụng thì các cơ quan này xem xét, xử lý đúng theo quy định pháp luật, công tâm, khách quan, đúng người, đúng tội.
“Có xử lý nghiêm minh các vụ việc còn gây bức xúc nhân dân mới đem lại niềm tin vào sự quyết liệt của Đảng, Chính phủ trong xử lý các vụ việc vi phạm” - ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Tối cùng ngày, một lãnh đạo VKSND Tối cao cho biết vụ việc đang được VKSND Cấp cao tại TP.HCM xem xét để làm rõ các vấn đề tố tụng liên quan. Theo vị này, việc xử lý thế nào thì cơ quan tố tụng sẽ tiếp tục xem xét.
Trong một diễn biến khác, theo thông tin chúng tôi nắm được, dự kiến trong tuần này, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ sẽ công bố quyết định thanh tra Bộ Y tế về việc cấp phép nhập khẩu thuốc ở Bộ Y tế từ những lùm xùm trong vụ VN Pharma.
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, trên số báo ngày 4-9, ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, sau những phân tích kỹ lưỡng đã đưa ra nhận định rất cụ thể rằng: “Nói ngắn gọn H-Capita là thuốc giả”.
Để rộng đường dư luận trong vấn đề này, trong ngày 4-9 cũng như suốt nhiều ngày qua, PV đã nhiều lần liên hệ với Thứ trưởng Trương Quốc Cường kiêm Cục trưởng Cục Quản lý dược Bộ Y tế để chất vấn các thông tin liên quan, đồng thời làm rõ trách nhiệm của Cục Quản lý dược trong việc thẩm định, cấp giấy phép cho VN Pharma nhập lô thuốc ung thư giả H-Capita. Tuy nhiên, mọi liên hệ đến các số điện thoại của ông Cường đều bất thành.
Xu ly nghiem vu VN Pharma - Anh 2
Xu ly nghiem vu VN Pharma - Anh 3
Việc xử bị cáo Nguyễn Minh Hùng và các đồng phạm về tội buôn lậu trong vụ VN Pharma nhập thuốc H-Capita đang gây ra dư luận nhiều chiều suốt thời gian qua. Ảnh: NĐ
Cần đặt đúng bản chất vụ án
Cũng trong ngày, trao đổi thêm với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Hùng tiếp tục có những mổ xẻ sâu hơn về các vấn đề liên quan để củng cố thêm nhận định về bản chất của lô thuốc này.
Ông Hùng phân tích: Về chất lượng, công dụng, vào tháng 4-2015, sau khi vụ án được khởi tố điều tra, hội đồng giám định Bộ Y tế tiến hành giám định lô thuốc trên và kết luận lô thuốc H-Capita 500 mg cablet do Công ty VN Pharma nhập khẩu là thuốc kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người.
Còn theo Nghị định 185/2013 của Chính phủ (về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng), các “đặc tính” của hàng giả, được chia làm ba loại:
Thứ nhất, hàng giả về nội dung: Đây là hàng giả về chất lượng hoặc công dụng. Đây là loại hàng hóa không có giá trị sử dụng hoặc có giá trị sử dụng không đúng bản chất tự nhiên như tên gọi và công dụng của loại hàng hóa đó.
Thứ hai, hàng giả về hình thức: Đây là hàng giả về nhãn hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, nguồn gốc, xuất xứ… Đây là loại hàng hóa mang nhãn hiệu, kiểu dáng… của cơ sở sản xuất khác nhưng có giá trị sử dụng.
Thứ ba, hàng giả về nội dung và hình thức: Đây là loại hàng hóa vừa mang nhãn hiệu, kiểu dáng… của cơ sở sản xuất khác vừa không có giá trị sử dụng mà nó mang tên.
Từ những điểm tựa trên, ông Trần Hùng cho rằng: “Như vậy trường hợp lô thuốc H-Capita của VN Pharma là buôn bán hàng giả. Cụ thể ở đây là thuốc chữa ung thư nhưng không có khả năng sử dụng để chữa bệnh cho người, lừa người bệnh là giả về chất lượng hoặc công dụng”.
Đồng thời, ông Hùng cũng cho rằng VN Pharma mạo về nguồn gốc, xuất xứ, giả nguồn gốc, kiểu dáng công nghiệp. “Như vậy là giả cả về hình thức và nội dung. Do đó hành vi của VN Pharma là dấu hiệu cấu thành của tội phạm “sản xuất, buôn bán hàng giả”” - ông Hùng nêu quan điểm.
Trên tinh thần đó, ông Hùng kiến nghị: “Để lập lại trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế, nhất là thuốc, bởi thuốc giả ảnh hưởng đến tính mạng con người, tôi đề nghị các cơ quan tố tụng TAND Tối cao, VKSND Tối cao xem xét đúng bản chất vụ án, bởi đây là tội buôn bán hàng giả”.
Ông Hùng cho rằng buôn bán thuốc giả là tội ác. Mà đã là tội ác thì phải bị trừng phạt đúng với hành vi mà những kẻ phạm tội gây ra. “Có như vậy những công ty ngấm ngầm kinh doanh kiểu như VN Pharma mới không dám tái diễn hành vi này” - ông Trần Hùng nói.
Chính phủ “cương quyết kiểm tra sự thật”
Trước đó Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cũng đã đề nghị Thủ tướng, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình làm rõ trách nhiệm, xử lý các cá nhân sai phạm ở Cục Quản lý dược Bộ Y tế liên quan đến việc cấp phép cho VN Pharma nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita trên.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 ngày 30-8 với sự tham gia của TAND Tối cao, VKSND Tối cao…, vụ việc liên quan đến Công ty VN Pharma đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề cập trong phát biểu của mình.
Theo Phó Thủ tướng, mặc dù vụ việc đang được các cơ quan bảo vệ pháp luật thụ lý giải quyết nhưng dư luận xã hội đặc biệt quan tâm và nhiều ý kiến rất bức xúc ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với cả hệ thống y tế. Vì vậy, vụ việc cần được chỉ đạo xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật để làm rõ mọi góc khuất.
Phó Thủ tướng nói: “Tôi đã chỉ đạo Văn phòng Chính phủ có văn bản yêu cầu Bộ báo cáo về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ (về việc Công ty VN Pharma nhập khẩu thuốc điều trị ung thư không đúng quy định - PV). Hôm nay tôi đã nhận được báo cáo. Nội dung cơ bản như thông cáo báo chí của Bộ. Tôi đã có ý kiến: Cần thanh tra việc cấp phép nhập khẩu, cấp đăng ký thuốc của Bộ Y tế. Mặt khác, đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ các vấn đề dư luận quan tâm. Tinh thần là phải hết sức nghiêm minh và công khai”.
Kết luận về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc cấp phép của Bộ Y tế. Thủ tướng nhấn mạnh việc thanh tra phải rất nghiêm túc vì điều này có liên quan đến sức khỏe của nhân dân.
Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 30-8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay với chủ trương này, quan điểm của Thủ tướng là rất cương quyết kiểm tra sự thật, không loại trừ bất cứ trường hợp nào như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói là không có vùng cấm.
NGUYỄN ĐỨC

Đại án Oceanbank: Nóng lời khai chi tiền 'khủng' cho từng cá nhân


 - Tại tòa, các bị cáo khai rõ đưa từng cá nhân số tiền bao nhiêu, tỷ lệ giữa TGĐ và kế toán trưởng như thế nào...


Sáng 5/9, phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm và đồng phạm tiếp tục với phần xét hỏi.
Theo cáo trạng, Nguyễn Minh Thu (nguyên TGĐ Oceanbank) đã trực tiếp phê duyệt, nhận và chi lãi ngoài 125,6 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn và không kỳ hạn cho các khách hàng thuộc nhóm dầu khí.
Đại án Oceanbank, Nguyễn Xuân Sơn, Hà Văn Thắm, Ngân hàng Đại Dương, PVN
Ảnh: Minh Quang
Trong đó, bị cáo Thu trực tiếp nhận và chi 57,817 tỷ đồng cho Tổng công ty Dầu VN (PVOIL), công ty lọc hóa dầu Bỉm Sơn (BSR) và liên doanh dầu khí Vietsopetro (VSP).
Trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Thu khai rõ đã từng trao đổi với kế toán trưởng của VSP về chính sách chăm sóc khách hàng và nói rõ tỷ lệ đưa tiền theo phần trăm giữa TGĐ VSP và kế toán trưởng là theo tỷ lệ 70-50 trên tổng số tiền mà Hà Văn Thắm duyệt chi chăm sóc khách hàng VSP.
"Thực tế, kế toán trưởng đề nghị tỷ lệ như thế nào thì bị cáo làm như vậy", lời khai chị báo Thu.
Vẫn theo lời khai của bị cáo Thu, mỗi năm bị cáo này đến VSP "chăm sóc" chừng 4 lần và đưa số tiền lãi ngoài cho TGĐ và kế toán trưởng của VSP tổng cộng 22,7 tỷ có lẻ. Trong đó, kế toán trưởng nhận 15-17 tỷ đồng, còn lại là TGĐ nhận.
Được đối chất tại tòa, ông Võ Quang Huy, kế toán trưởng VSP cho hay, từ sau khi Oceanbank thành lập, VSP có gửi 100 triệu USD và 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên ông Huy không nhận được tiền chi lãi ngoài.
Đại án Oceanbank, Nguyễn Xuân Sơn, Hà Văn Thắm, Ngân hàng Đại Dương, PVN
Ông Võ Quang Huy trả lời thẩm vấn tại tòa
Trả lời câu hỏi của HĐXX: "Một số bị cáo khai đã chi khoản tiền lãi ngoài cho VSP, cụ thể là chi cho ông, ông thấy sao?", ông Huy đáp: "Thực tế tôi không nhận được số tiền này".
Tại tòa, ông Nguyễn Hữu Tuyến (nguyên TGĐ VSP thời kỳ 2009-2013) cũng cho rằng ông không nhận bất cứ lợi ích gì từ Oceanbank.
Ông Từ Đại Nghĩa, TGĐ VSP từ năm 2013 đến nay cũng khai: "Tôi không nhận được bất cứ khoản chi nào".
Trước lời khai của kế toán trưởng và TGĐ VSP các thời kỳ, khi được hỏi, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên TGĐ Oceanbank) cho hay: "Trong quá trình bị cáo làm TGĐ Oceanbank, bị cáo có đến gặp anh Huy và anh Tuyến trao quà của anh Thắm. Khi đến gặp có giám đốc chi nhánh Oceanbank đi cùng.
"Bị cáo tặng quà các dịp trong 2 năm, chừng 8-10 lần. Khi đó anh Tuyến làm TGĐ. Bị cáo tặng 10.000-20.000 USD hoặc 200-300 triệu đồng trở lên", Nguyễn Xuân Sơn khai.Trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Nguyễn Thị Kiều Liên (nguyên giám đốc Oceanbank, chi nhánh Vũng Tàu) cho hay, bị cáo đã chi hơn 1,4 tỷ đồng tiền chăm sóc khách hàng, gửi trực tiếp cho anh Võ Quang Huy, đưa tiền mặt.
Nghe bị cáo Liên khai vậy, ông Huy đứng dậy trình bày: "Không hiểu sao các bị cáo lại khai như vậy, thực tế tôi không nhận được khoản chi lãi ngoài".

Trách nhiệm của Trưởng ban Kiểm soát Oceanbank
Được triệu tập đến tòa, trước câu hỏi của HĐXX: "Ông đã thực hiện hết chức năng kiểm soát của mình chưa?", ông Bùi Văn Hải, Trưởng ban Kiểm soát Oceanbank cho biết: "Trong quá trình chỉ đạo công tác kiểm toán, thực hiện quy định, quy chế nội bộ, tôi chưa thấy vi phạm nghiêm trọng. Có những bộ hồ sơ chung chung, tôi không thấy hết được những bản chất đằng sau đó".
HĐXX tiếp tục đặt câu hỏi: "Ông không thấy hết hay không thực hiện hết chức trách của mình?", ông Hải đáp: "Tôi bị hạn chế nhiều thông tin thực tế đang hoạt động, nên với chức trách của mình, tôi chỉ phát hiện ra cái gì thì ghi vào báo cáo kiểm toán. Có những điều tôi không biết".
Đại án Oceanbank, Nguyễn Xuân Sơn, Hà Văn Thắm, Ngân hàng Đại Dương, PVN
Ông Bùi Văn Hải trả lời thẩm vấn tại tòa
Trước lời khai của ông Hải, bị cáo Hà Văn Thắm cho rằng: Ban Kiểm soát có thể coi là cấp trên của HĐQT, có quyền tham gia cuộc họp HĐQT, được quyền yêu cầu đưa các sổ sách để kiểm tra.
Các báo cáo và khoản chi lãi suất ngoài đều nêu trong các báo cáo kiểm toán và đương nhiên Ban Kiểm soát nhận được. "Bị cáo có nhận được một số cảnh báo từ Ban Kiểm soát, nhưng không nhận được cảnh báo về việc chi lãi ngoài", Hà Văn Thắm khai.
Trả lời thẩm vấn về việc liệu ông Hải có biết được việc chi lãi ngoài của Oceanbank, bị cáo Minh Thu cho hay: "Cá nhân bị cáo cảm nhận thì anh Hải có biết việc chi lãi ngoài, vì việc này thể hiện trên toàn hệ thống".
Cùng câu hỏi như đối với bị cáo Thu, bị cáo Nguyễn Thị Nga (nguyên kế toán trưởng Oceanbank) cho hay, chị thường xuyên gửi báo cáo chỗ ông Hải, và Ban Kiểm soát.
"Việc chi lãi ngoài Ban Kiểm soát không những biết mà biết rất rõ vì mọi thứ đều có trên báo cáo hết. Dù có kém đến đâu thì đều biết, bản thân anh Hải có vợ là PGĐ chi nhánh Hà Nội, nơi trực tiếp nhận tiền chi lãi ngoài, không thể nói là không biết được", lời bị cáo Nga.
Đại án Oceanbank: Nhiều đơn vị trả lại 'lộc' nhận từ Hà Văn Thắm

Đại án Oceanbank: Nhiều đơn vị trả lại 'lộc' nhận từ Hà Văn Thắm

19 tổ chức kinh tế khẳng định có nhận tiền lãi ngoài của Oceanbank và nộp lại số tiền lãi ngoài đã nhận cho cơ quan điều tra. 
Đại án Oceanbank: Nguyễn Xuân Sơn chi 69 tỷ cho những ai?

Đại án Oceanbank: Nguyễn Xuân Sơn chi 69 tỷ cho những ai?

Phiên xét hỏi ngày 30/8, HĐXX xoay quanh những câu hỏi để làm rõ số tiền 69 tỷ đồng Nguyễn Xuân Sơn đã chi cho những ai.
Đối chất nảy lửa chuyện nhận 'lộc' từ Hà Văn Thắm

Đối chất nảy lửa chuyện nhận 'lộc' từ Hà Văn Thắm

Đối chất tại tòa diễn ra gay gắt giữa một bên là các cán bộ Oceanbank nói đã chi lãi ngoài, còn khách hàng khăng khăng không nhận "lộc".
Vì sao Hà Văn Thắm tin tưởng đưa Nguyễn Xuân Sơn hàng trăm tỷ?

Vì sao Hà Văn Thắm tin tưởng đưa Nguyễn Xuân Sơn hàng trăm tỷ?

Theo lời khai của Hà Văn Thắm tại tòa, đưa cho Nguyễn Xuân Sơn hàng trăm tỷ đồng, anh ta có cách để khiến bị cáo Sơn không "màng" đến số tiền này.
Vụ Oceanbank: Thư ký của Hà Văn Thắm nức nở 'do thần kinh yếu'

Vụ Oceanbank: Thư ký của Hà Văn Thắm nức nở 'do thần kinh yếu'

Trả lời thẩm vấn, nữ diễn viên Hoàng Thị Hồng Tứ, nguyên Chủ tịch HĐQT công ty BSC nức nở cho hay, do thần kinh yếu nên dễ bị xúc động.
T.Nhung

Tổng Bí thư không có chỉ đạo cụ thể vụ VN Pharma

Bảo An | 
Tổng Bí thư không có chỉ đạo cụ thể vụ VN Pharma

Theo Chánh Văn phòng T.Ư Đảng Nguyễn Văn Nên, Tổng Bí thư chỉ đạo chung chứ không nói cụ thể vụ VN Pharma.

Sáng 5/9, một số báo đưa tin về việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo xử lý nghiêm vụVN Pharma, tuy nhiên, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư T.Ư Đảng, Chánh Văn phòng T.Ư Đảng cho biết liên quan đến vụ việc cụ thể của VN Pharma, Tổng bí thư không có chỉ đạo gì.
"Khi anh em báo chí hỏi, tôi chỉ nói tinh thần chỉ đạo chung của Tổng bí thư trong chống tham nhũng, tiêu cực các vụ việc nói chung, tức là có vụ việc gì thì làm cho rõ ràng đến nơi, đến chốn cho minh bạch. Tinh thần này là chỉ đạo chung chứ không nói cụ thể vụ VN Pharma", ông Nên khẳng định.
Theo Chánh Văn phòng T.Ư Đảng, hiện nay tất cả những vụ việc tham nhũng, tiêu cực đều thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống tham nhũng theo kế hoạch. Còn những vụ việc phát sinh thì làm đúng theo chức năng, thẩm quyền, các nơi phải vào cuộc theo chức trách, nhiệm vụ được giao.
Còn riêng vụ VN Pharma, ông Nên cho biết, Chính phủ, Thủ tướng đã và đang chỉ đạo Chính phủ vào cuộc, thanh tra làm rõ tất cả những vấn đề liên quan.
“Thứ nhất là theo thẩm quyền thì vụ việc này chức năng của nhà nước làm. Thứ hai là nội dung này phần nào liên quan đến cơ quan điều tra thì họ mở rộng điều tra, cái gì cần thanh tra thêm thì Chính phủ đang chỉ đạo Thanh tra Chính phủ làm rõ. Những việc này là bình thường chứ bên Đảng không có chỉ đạo gì”, ông Nên phân tích.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 ngày 30/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, mặc dù vụ việc đang được các cơ quan bảo vệ pháp luật thụ lý giải quyết nhưng dư luận xã hội đặc biệt quan tâm và nhiều ý kiến rất bức xúc ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với cả hệ thống y tế. Vì vậy, vụ việc cần được chỉ đạo xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật để làm rõ mọi góc khuất.
Lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo cần thanh tra việc cấp phép nhập khẩu, cấp đăng ký thuốc của Bộ Y tế và đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ các vấn đề dư luận quan tâm với tinh thần là phải hết sức nghiêm minh và công khai.
Ngay sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra nghiêm túc việc cấp phép của Bộ Y tế vì điều này có liên quan đến sức khỏe của nhân dân.
theo Báo giao thông

Vườn nho rừng của lão nông hút hàng ngàn người đến xem mỗi ngày

09:36 AM - 05/09/2017 Thanh Niên Online

Vườn nho rừng độc đáo tại Tây Ninh đang thu hút khách khắp nơi đến chiêm ngưỡng /// ẢNH: GIANG PHƯƠNG
Vườn nho rừng độc đáo rộng 0,8 ha của ông Nguyễn Văn Thông (ngụ ấp Phước Tân 2, xã Phan, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) đang thu hút hàng ngàn lượt khách khắp nơi tìm đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.
 
Ông Nguyễn Văn Thông, chủ vườn nho này cho biết, hiện khu vườn gia đình ông mỗi ngày thu hút 1.000 - 3.000 người, có hôm lên đến 5.000 người đến tham quan.
Bởi, ông Thông có cách làm khá lạ là mở cửa tự do cho khách đến tham quan, chụp ảnh miễn phí; được giữ xe miễn phí; dùng sản phẩm (mật nho và rượu vang nho rừng) miễn phí. Ai mua sản phẩm thì gia đình ông có thêm thu nhập, không mua cũng chẳng nhân viên nào ép.
Vườn nho rừng của lão nông hút hàng ngàn người đến xem mỗi ngày - ảnh 3
Chủ vườn nho rừng - ông Nguyễn Văn Thông (ngụ ấp Phước Tân 2, xã Phan, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) kiểm tra chùm nho chín đen mộngẢNH: GIANG PHƯƠNG
Kể về quá trình đưa cây nho rừng về nhà trồng, ông Thông cho biết, hơn 5 năm trước, có dịp đi vào rừng, thấy cây nho dại trái nặng trĩu, chín rụng đầy gốc mà thấy tiếc lắm. Ông nghĩ đến câu chuyện từ rất xa xưa, ông bà đã biết lấy trái nho dại về ngâm rượu để uống giảm nhức mỏi, tăng cường sức đề kháng, công dụng như vậy sao chẳng thấy ai trồng để bảo quản giống cây này. Nghĩ đến đó, ông quyết tìm kiếm khắp nơi được gần 1.000 gốc. Về nhà, ông đốn toàn bộ khu đất trồng cây cao su thay thế bằng nho dại.
Những năm đầu, nho gần như chết sạch do cách chăm sóc nho dại hoàn toàn khác với cách chăm cây nho thông thường. Không từ bỏ, ông tiếp tục mày mò nghiên cứu lại cách trồng để thuần hóa giống nho dại này. Những năm tiếp sau đó, gốc nho dần bén rễ, cành lá tươi tốt bám lên giàn. Đến năm thứ 4, nhìn vườn nho trổ bông chi chít, cả nhà háo hức chờ đợi ngày thu hoạch.
Vườn nho rừng của lão nông hút hàng ngàn người đến xem mỗi ngày - ảnh 4
Khi những trái nho ban đầu xuất hiện cũng là lúc vợ chồng ông Thông lo lắng vì không biết sẽ làm gì đối với khu vườn nho dại ẢNH: GIANG PHƯƠNG
Thế nhưng, đến lúc này, vợ chồng ông Thông lại rầu rĩ đến mất ngủ vì không biết thu hoạch xuống sẽ làm gì với số nho này. Lúc này, ông Thông lại vác ba lô đi gõ cửa doanh nghiệp từ Nam chí Bắc để xin được học nghề chế biến nho nhưng chẳng ai chịu nhận.
Trở về nhà, ông lân la dò hỏi, tìm hiểu trên mạng internet và thử chế biến rượu vang và mật từ trái nho rừng bằng cách của mình. Ông Thông kể: "Tôi làm đến chục mẻ nho đầu đều phải đổ bỏ, tốn chi phí gần 100 triệu đồng, chưa kể phải bỏ luôn những máy móc mua về chẳng làm được. Cho đến mẻ nho thứ 12, 13 mới thấy ổn".
Vườn nho rừng của lão nông hút hàng ngàn người đến xem mỗi ngày - ảnh 6
Khách tham quan dùng thử miễn phí các sản phẩm nho rừng do ông Thông tự mày mò, nghiên cứu làm raẢNH: GIANG PHƯƠNG
Có được món rượu vang và mật nho, ông bày ra uống thử cùng gia đình. Thấy ngon, gia đình ông lại mang đi mời dòng họ, bà con thưởng thức. Thấy ai cũng tấm tắc khen, vợ chồng ông Thông như mở cờ trong bụng. Đến lúc này, ông Thông lại đôn đáo chạy khắp nơi xin làm thủ tục thành lập công ty tại nhà với tên gọi Công ty TNHH MTV Sản xuất rượu vang Vang Cy đồng thời đăng ký Cục Sở hữu trí tuệ nhãn hiệu Vang Cy sản xuất tại Tây Ninh, là loại rượu vang trái nho rừng và mật trái nho rừng.
Vườn nho rừng của lão nông hút hàng ngàn người đến xem mỗi ngày - ảnh 7
Một nữ sinh lớp 12 đến tham quan vườn nho sau giờ họcẢNH: GIANG PHƯƠNG
Vườn nho rừng của lão nông hút hàng ngàn người đến xem mỗi ngày - ảnh 8
Hai bạn sinh viên Hồ Thị Xuân Ken và Nguyễn Ngọc Trung từ TP.HCM về xem bằng được vườn nho dại độc đáo nàyẢNH: GIANG PHƯƠNG
Lúc đầu, ông không dám cho người dân vào trong vườn nho mà chỉ cho đứng bên ngoài nhìn vào vì sợ sẽ làm chết cây, hư trái. Nhưng càng về sau, lượng người tìm đến càng đông, ai cũng xin được chụp ảnh bên trong khu vườn. Chiều theo ý khách, ông Thông cho khách bước vào vườn khoảng 2-3 m tham quan. Nhưng lượng người đến tăng lên bất ngờ, ai cũng muốn 1 lần bước vào sâu bên trong để chụp ảnh. Sau nhiều đêm suy nghĩ lời đề nghị đó, vợ chồng ông Thông quyết định mở cửa tham quan miễn phí toàn bộ vườn nho. Chính nhờ điều này mà cuộc sống gia đình ông Thông thay đổi, sản phẩm mật nho và rượu vang nho rừng của ông bắt đầu thu hút du khách.
Giang Phương

RFI: Góp phần giải mã vụ Bắc Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 6; Hạt nhân Bắc Triều Tiên : Ổn định của châu Á bị đe dọa


Trọng Thành


mediaMột vụ thử bom nguyên tửẢnh : pixabay
Hôm qua, Chủ nhật, 03/09/2017, Bắc Triều Tiên thử bom nguyên tử lần thứ sáu, với độ công phá chưa từng thấy. Việc chính quyền Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công bom H., tức bom nhiệt hạch - mà nhiều thông số cho thấy đây là sự thực - buộc cộng đồng quốc tế phải xem xét nghiêm túc các lời đe dọa. Báo Libération, ngày 04/09, đặt ra sáu câu hỏi để giải mã các thách thức Bắc Triều Tiên.







Câu hỏi thứ nhất : Thực chất của mối đe dọa là gì ? Theo các chuyên gia, chỉ cần so sánh tần số các vụ thử là có thể thấy nguy cơ ngày càng lớn.
Kể từ đầu năm đến nay, chế độ Bình Nhưỡng đã 17 lần bắn thử hỏa tiễn tầm trung và tầm xa, và bây giờ là vụ thử hạt nhân lần thứ sáu. Năm ngoái, cũng tương tự, hơn 20 vụ thử hỏa tiễn và hai vụ thử bom.
Chương trình hạt nhân tăng tốc, sẽ còn « những bất ngờ »
Chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên, được khởi sự ngay từ cuối những năm 1950, nhưng đang được tiến hành gấp rút dưới thời Kim Jong Un. Lãnh đạo trẻ này, ngay khi lên nắm quyền năm 2011, đã tuyên bố đẩy nhanh các vụ thử. Thực tế đã diễn ra đúng như vậy.
Nhớ lại lời hứa hẹn của Kim Jong Un hồi đầu năm, là Bắc Triều Tiên đang ở giai đoạn trước khi bắn thử một hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa (ICBM). Lúc đó, tổng thống Mỹ vừa đắc cử Donald Trump tung ra một thông điệp trên Twitter : « Điều đó sẽ không xảy ra » (xem thêm :Diễn viên hài mở triển lãm ‘‘Thư viện twitter’’ của tổng thống Trump).
Tuy nhiên, trong tháng Bảy vừa qua, lãnh đạo đời thứ ba nhà Kim đã cho bắn thử hai hỏa tiễn, có tầm xa gần 10.000 km, có thể tấn công một phần lãnh thổ Hoa Kỳ. Và cách đây ít hôm, lần đầu tiên kể từ năm 2009, Bình Nhưỡng bắn một tên lửa vượt qua không phận Nhật Bản, như để chứng minh là quốc gia này hoàn toàn có khả năng sử dụng tên lửa ở góc bắn thấp, một khi chiến tranh nổ ra.
Nhà nghiên cứu Young Keun Chang, chuyên gia không gian Đại học Korea Aerospace, Seoul, ngạc nhiên về tốc độ phát triển của chương trình hạt nhân quân sự Bắc Triều Tiên. Sau một loạt thất bại năm 2016, Bình Nhưỡng đã hoàn thiện được các động cơ tên lửa, đưa vào sử dụng hệ thống nhiên liệu rắn, và phát triển các bệ phóng di động. Theo chuyên gia Boris Toucas viện tư vấn Mỹ CSIS (Center for Strategic and International Studies), rất có thể sẽ còn có « những điều gây bất ngờ khác ».
Dù sao, trong hiện tại, theo chuyên gia Hàn Quốc, Bình Nhưỡng chưa làm chủ được giai đoạn hỏa tiễn quay trở lại bầu khí quyển trong môi trường hàng ngàn độ C và công nghệ thu nhỏ đầu đạt hạt nhân.
Bom H. dễ thu nhỏ hơn bom nguyên tử thông thường
Sức công phá của trái bom nhiệt hạch vừa được thử hôm qua là vấn đề thứ hai được đặt ra. Rất có thể đây là vụ thử bom H. lần thứ nhất, bởi chưa có bằng chứng nào khẳng định vụ thử hồi tháng Giêng năm ngoái là bom nhiệt hạch.
Tổ chức NORSA của Na Uy, nêu khả năng vụ thử vừa qua tương đương 120 kilotonne (tức 120 nghìn tấn thuốc nổ TNT), gấp 8 lần so với quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima năm 1945. Sức công phá của bom nhiệt hạch khủng khiếp hơn nhiều. Trái bom nhiệt hạch đầu tiên của Pháp ước tính 26.000 kilotonne.
Điều đáng sợ là, về lý thuyết, bom nhiệt hạch có sức công phá mạnh hơn, do chiếm ít thể tích hơn, có thể dễ dàng được thu nhỏ hơn.
Mục tiêu và cách hành xử của Kim Jong Un ?
Libération đặt câu hỏi : Đằng sau nỗ lực nhanh chóng hoàn thiện vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên là gì ?
Tờ báo nhấn mạnh đến quan điểm của lãnh đạo Bắc Triều Tiên, dùng vũ khí này như một «phương tiện tốt nhất » để bảo vệ sự sống còn của chế độ độc tài. Kim Jong Un không tin tưởng vào phương Tây, và đã có dịp rút ra được các bài học từ sự sụp đổ của các chế độ độc tài Kadhafi ở Libya và Saddam Hussein, ở Irak.
Theo chuyên gia Hajime Izumi, thuộc một trung tâm nghiên cứu về Triều Tiên, Đại học Shizuoka, Nhật Bản, với « thành công » của vụ thử này, kể từ giờ trở đi chế độ Bắc Triều Tiên có thể sẵn sàng thương lượng trên thế mạnh. Tham vọng của lãnh đạo Bình Nhưỡng là, nếu không chính thức được thừa nhận là một cường quốc nguyên tử, ít nhất cũng đạt được một thỏa thuận hòa bình (với Hoa Kỳ - người viết).
Chuyên gia Boris Toucas của CSIS dự đoán Kim Jong Un sẽ còn cho bắn thêm một hỏa tiễn nữa, sát gần lãnh thổ của một quốc gia khác để thách thức Washington và Tokyo, buộc Mỹ Nhật phải bắn chặn, và nhân đó mà lên án đối phương leo thang căng thẳng. Tuy nhiên, chuyên gia viện tư vấn Mỹ cũng lưu ý là « cho đến nay, chưa bao giờ Kim Jong Un » có những hành xử « vượt qua lằn ranh đỏ ».
Đảo lộn thế cân bằng khu vực ?
Một câu hỏi khác cũng được đặt ra là : Liệu vụ thử bom hạt nhân hôm qua có làm « đảo lộn thế cân bằng vốn đã mong manh của khu vực » ? Libération trả lời là có.
Chuyên gia Pháp Valérie Niquet giải thích : Hành động này là « một tín hiệu trực tiếp gửi đến toàn khu vực, cho thấy Hoa Kỳ bất lực ». Hàng loạt trừng phạt và áp lực tỏ ra không còn hiệu quả, Washington ngày càng khó khăn trong việc đảm nhiệm vị trí của một người bảo đảm an ninh toàn cầu, trước một « Trung Quốc bá quyền » và « nước Nga không nhân nhượng ».
Trong lúc tổng thống Mỹ Donald Trump ngày càng lộ rõ thế yếu, với hàng loạt « thông điệp huênh hoang » trên Twitter, và « chính sách xoay như chong chóng », thì chính quyền Hàn Quốc « gần như » bị hạ nhục. Các đề nghị đối thoại của tổng thống Moon Jae In « không nhận được bất cứ hồi đáp nào » từ Bình Nhưỡng.
Tại Hàn Quốc và Nhật Bản, người ta ngày càng nói nhiều hơn đến việc tự trang bị vũ khí hạt nhân để tự vệ.
Tình hình có tệ hơn ?
Libération nhắc lại những thời điểm chiến tranh tưởng như cận kề mà bán đảo Triều Tiên từng trải qua gần đây. Ví dụ như năm 2010, từng được coi là « năm nguy hiểm nhất trên bán đảo Triều Tiên kể từ Chiến tranh Triều Tiên », kết thúc năm 1953. Mở đầu với vụ tàu chiến Cheonan bị bắn chìm, rất có thể do tàu ngầm Bắc Triều Tiên.
Năm 1994, tổng thống Mỹ Clinton từng định không kích địa điểm hạt nhân Yongbyon của chế độ Bình Nhưỡng, nơi làm giàu nhiên liệu Uranium. Năm 1968, một đội biệt kích Bắc Triều Tiên mưu sát tổng thống Park Chung Hee…
Chiến tranh rốt cuộc đã không xảy ra. Tuy nhiên, sức mạnh quân sự của Bắc Triều Tiên hiện giờ là rất khác.
Vai trò bí ẩn của Bắc Kinh
Libération kết thúc bài phân tích với nhận định về vai trò của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên nói chung.
Chính quyền Kim Jong Un chọn ngày thử bom đúng vào hôm khai mạc thượng đỉnh khối BRICS, do Trung Quốc chủ trì. Hội nghị của các cường quốc kinh tế đang trỗi dậy chiếm tới 40% GDP toàn cầu, lẽ ra là một dịp để tăng thêm gấp bội vầng hào quang cho ông Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Kim Jong Un « phá hoại » một sự kiện quan trọng của Trung Quốc. Hồi tháng 2/2013, tức một tháng trước khi Tập Cận Bình chính thức nhậm chức chủ tịch nước, Bắc Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ ba, vào đúng dịp Tết nguyên đán. Vào thời điểm đó, cho dù toàn khu vực biên giới rung chuyển, Bắc Kinh cũng chỉ phản ứng một cách chiếu lệ.
Trên thực tế, đồng minh số một của chế độ độc tài Bắc Triều Tiên đang ở trong một thế ứng xử nước đôi. Không đứng hoàn toàn về phía người anh em cứng đầu, nhưng Bắc Kinh cũng không thực sự chủ trương các biện pháp khiến Bắc Triều Tiên phải khuất phục.
Tình trạng bất ổn gia tăng ở phía bên kia biên giới đông bắc, có nguy cơ vượt tầm kiểm soát, đang buộc Bắc Kinh phải thay đổi thái độ. Hồi tháng 2, Trung Quốc đình chỉ nhập than, và đầu tháng 8, thông qua loạt trừng phạt mới. Nhưng nhìn chung, nhiều chuyên gia phỏng đoán dường như Trung Quốc đã « mất các kênh » gây ảnh hưởng đến Bình Nhưỡng.

Hạt nhân Bắc Triều Tiên : Ổn định của châu Á bị đe dọa

mediaMột màn hình trên đường phố Tokyo, thông tin về vụ thử hạt nhân Bắc Triều Tiên, ngày 03/09/2017.REUTERS/Toru Hanai
Bất chấp quốc tế liên tiếp gia tăng trừng phạt và Mỹ răn đe, Bắc Triều Tiên lại thêm một lần nữa làm cho cả thể giới náo động với thông báo, hôm Chủ nhật (03/09), thử bom hạt nhân lần thứ 6. Đó là một quả bom H có sức công phá lớn nhất từ trước tới nay, mạnh gấp 6 lần quả bom hạt nhân đã hủy diệt thành phố Hiroshima của Nhật Bản . Các báo Pháp ra hôm nay đều bị sốc mạnh với hành động khiêu khích nguy hiểm của đất nước bị cô lập nhất thế giới.
Trước hết đến với bài bình luận trên nhật báo Les Echos của tác giả Dominique Moisi, giáo sư đại học Anh King’s College. Bài viết mang tựa đề : « Sự ổn định của châu Á bị đe dọa ».
Bài viết khẳng định trong vòng hơn ba chục năm qua, châu Á là một lục địa sống trong hòa bình. Nhưng điều đó giờ đây không còn nữa bởi hành động khiêu khích của Kim Jong Un và tính khó lường của Donald Trump. Trước thực tế đó, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc bị bắt buộc phải đồng thuận với nhau.
« Vụ nổ thử quả bom H của Bắc Triều Triều Tiên hôm 03/09 không chỉ làm đất nước này rung chuyển mà còn làm sự ổn định của châu Á, xa hơn là sự ổn định của cả hệ thống quốc tế trở nên bất ổn ».
thực theo tác giả, trong vòng hơn ba chục năm, châu Á đã là lục địa của hy vọng, vì châu Á là vùng đất của tăng trưởng, của hòa bình. « Một trong những lý do chính cho sự ổn định của châu Á trong giai đoạn vừa rồi đó chính là sự hiện diện mang tính ổn định của Hoa Kỳ. Có thể bằng các cuộc phiêu lưu quân sự, Mỹ đã góp phần tạo ra sự hỗn loạn ở Trung Đông. Nhưng ở châu Á thì ngược lại, với vai trò của một nhân tố cân bằng, Mỹ vẫn thường thực hiện vai trò đối trọng một cách khôn khéo ».
Bài viết đặt vấn đề : « Cuộc leo thang của Bình Nhưỡng, phần nào trùng hợp với thời điểm Donald Trump lên nắm quyền ở Washington, liệu có phá vỡ sự ổn định vốn có của châu Á hay không ? ».
Đi vào phân tích những tác nhân chính của sự ổn định châu Á, tác giả nhận thấy, dù vẫn luôn là đồng minh được Mỹ bảo vệ, nhưng Nhật Bản giờ đây thấy lo ngại về tính khó lường của tổng thống Mỹ. Nếu như Nhật Bản bất an vì Donald Trump, Trung Quốc ngược lại đang đắc lợi bởi một tổng thống Mỹ « thiếu kinh nghiệm ». Bắc Kinh thấy trước mặt họ bây giờ chỉ là một người có duy nhất một trò cân não, nắn gân người khác.
Theo tác giả, mối ngờ vực ngày càng tăng về khả năng của Washington có thể sẽ dẫn đến việc ba tác nhân chủ chốt khu vực, trong khủng hoảng Bắc Triều Tiên là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ xích lại lập trường gần nhau hơn. Để họ có thể trực tiếp giải quyết khủng hoảng mà không sợ những hậu quả có thể từ những phát biểu quá trớn của chủ nhân Nhà Trắng và không cần tính đến những giải pháp được thương lượng hay áp đặt từ bên ngoài châu lục.
Tuy nhiên vẫn theo tác giả bài viết, đến lúc này thì trường hợp này chưa xảy ra. Vì không một nước nào, có thể ngoại trừ Nhật, chấp nhận ưu tiên tuyệt đối giải quyết khủng hoảng Bắc Triều Tiên.
Bài viết kết luận : Châu Á sẽ vẫn là lục địa hòa bình và tăng trưởng nếu Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đồng thuận. Nếu không, Bắc Triều Tiên ở châu Á thế kỷ 21 có nguy cơ trở thành lò lửa chiến tranh như trường hợp Serbia của châu Âu trong thế kỷ 20.
Vụ thử hạt nhân « điên rồ »
Tiếp tục với sự kiện Bắc Triều Tiên thử bom hạt nhân. Không khí lo ngại có thể cảm nhận thấy trên các trang báo Pháp, với các bài nhận định, bình luận, mổ xẻ hành động của Bình Nhưỡng.
Trang nhất nhật báo Le Figaro chạy hàng tựa nhận định « Sóng sốc toàn thế giới sau vụ thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên ». Trang nhất Libération đăng kín tấm ảnh lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đang duyệt binh với hàng tựa : « Kim Jong Un, quả bom nổ chậm ». Les Echos chạy tựa « Bắc Triều Tiên : cuộc leo thang hạt nhân điên rồ ».
Sau những hàng tựa đầy lo ngại như vậy là rất nhiều câu hỏi được đặt ra là quốc tế làm gì sau vụ thử hạt nhân hôm qua của Bắc Triều Tiên ? Thế giới sẽ ra khi chế độ Bình Nhưỡng có trong tay bom H cực mạnh ?
Xã luận của Le Figaro nhận định : « Vấn đề là với Bắc Triều Tiên người ta không biết phải làm gì. Việc đất nước này bị cô lập gần như hoàn toàn khiến chúng ta không biết nhiều điều... Câu hỏi lớn là liệu Kim Jong Un có phải là một kẻ điên. »
Không chỉ có một mình Kim Jong Un điên khùng, Libération nhận xét, lãnh đạo Bắc Triều Tiên đang « chơi trò khùng ». Đối mặt với ông ta có một đối tác xứng tầm đó là tổng thống Hoa Kỳ Danald Trump. Thế giới đang lo ngại không biết ông Trump sẽ phản ứng ra sao. Tổng thống Mỹ, bất tài đến thô thiển luôn có những phán xét cay độc, giờ đang ở cùng vị thế với Kim. Libération nhận thấy tổng thống Mỹ cũng là một kẻ khùng không ai có thể an tâm được và tờ báo đặt câu hỏi « điều gì sẽ xảy ra khi có hai kẻ điên trong một phòng ? hay đó là hai kẻ giả điên ?»
Chỉ còn lại đối thoại với Bình Nhưỡng
Vẫn trong bối cảnh thời sự Bắc Triều Tiên, nhật báo Libération có bài phỏng vấn Joel S. Wit, chuyên gia Bắc Triều Tiên, là người sáng trang web địa chính trị 38 North.org ( Bắc vĩ tuyến 38) chuyên theo dõi các vấn đề về bán đảo Triều Tiên.
Theo chuyên gia Joel S. Wit, chính sách của Mỹ cũng như của cộng đồng quốc tế đối với Bắc Triều Tiên đến giờ là bế tắc. Washington phải khai mở các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng, đó là cách để thoát ra khỏi ngõ cụt hiện nay.
Trả lời câu hỏi vậy liệu Bắc Triều Tiên có sẵn sàng đàm phán ? Chuyên gia Wit cho rằng, Bắc Triều Tiên muốn nói chuyện từ nhiều tháng nay, nhưng Mỹ đã không đánh giá mong muốn đó một cách nghiêm túc, mất nhiều thời gian đặt ra rào cản bằng những điều kiện tiên quyết.
Trong một câu hỏi khác : Điều gì có thể ngăn Kim trong cuộc chạy đua bom hạt nhân ? Chuyên gia về Bắc Triều Tiên nhận định, « vấn đề đặt ra là người ta không biết liệu Kim Jong Un sẽ dừng lại không và điều có thể ngăn ông ta lại. Cách duy nhất để biết là trực tiếp nói chuyện với ông ta. Có điều là chúng ta vẫn cứ vờ như đã biết rồi. Ở Washington cần phải có phẩm chất của thủ lĩnh, từ tổng thống cũng như từ ê-kíp của ông, để xử lý hồ sơ nóng bỏng này. Đáng tiếc là trường hợp hiện nay không phải như vậy ».
Kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng không cần đến tổng thống Trump
Nhìn qua nước Mỹ dưới chính quyền Donald Trump. Le Figaro nhận định về kinh tế Mỹ hiện nay : « Nước Mỹ vẫn khỏe mà không cần Trump ».
Theo tờ báo, từ khi ông Donald Trump lên nắm quyền, chưa có một cải cách lớn nào về kinh tế được khởi động, nhưng kinh tế Mỹ vẫn phục hồi và tiếp tục vững chắc. Hơn một triệu việc làm đã được tạo thêm từ tháng Giêng năm nay kéo tỷ lệ thất nghiệp xuống thấp chưa từng có (4,4%), tiêu thụ tăng đều đặn 3,3%, đầu tư tăng tới 8,8% so với cùng kỳ năm trước…. Đó là bức tranh đang rất sáng của kinh tế Mỹ từ đầu năm.
Trong một số những phát biểu trên twitter cũng như những bài diễn văn gần đấy, ông Dnald Trump đã tự nhận mình là tác giả của tăng tốc kinh tế Mỹ. Le Figaro cho rằng, nếu rơi vào những người tiền nhiệm của ông Trump, thì họ cũng làm như vậy. Tuy nhiên rõ ràng là ông Doanald Trump chẳng làm gì nhiều cho kinh tế Mỹ từ khi lên nắm quyền đến giờ. Theo le Figaro, tin vui của nền kinh tế Mỹ này chủ yếu do các biện pháp chỉ đạo của Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (Fed).
Trong khi đó nhật báo kinh tế Les Echos khẳng định « chính sách kinh tế của Donald Trump đang ở điểm chết ». Theo tờ báo, Donald Trump chẳng những không có vai trò gì lớn trong sự phục hồi kinh tế Mỹ hiện nay, mà còn có thể chặn lại đà tăng trưởng này với việc chậm trễ ra cải cách thuế hay việc thắt chặt chính sách nhập cư.
Phần Lan đối mặt với chiến tranh tuyên truyền của Nga
Trở lại với châu Âu, trang Địa Chính Trị của nhật báo Le Monde có bài viết mang tựa đề : Phần Lan, ở nơi tiền đồn đối mặt với Nga. Le Monde cho thấy, Phần Lan có 1.340 km đường biên giới chung với nước Nga. Đất nước Bắc Âu nhỏ bé này đang phải đối phó với chiến dịch tuyên truyền, bóp méo thông tin nhằm làm mất ổn định, đến từ người láng giềng bên sườn đông.
Năm nay Phần Lan kỷ niệm 100 năm giành độc lập, một nền độc lập được đánh dấu bằng hai cuộc chiến tranh với nước Nga trong lịch sử. Đã từ lâu Phần Lan vẫn cảnh giác với nước Nga, cũng như những thông tin đến từ người láng giềng không đáng tin cậy này.
----
Tin bài liên quan :

Bắc Việt Nam cũng có phong trào phản chiến!

Posted on  by The Observer

Print Friendly, PDF & Email
Nguồn: Lien-Hang Nguyen, “North Vietnam had an antiwar movement, too”, The New York Times, 25/08/2017.
Biên dịch: Vũ Đức Liêm
Khi nghĩ về các sự kiện tiêu biểu của phong trào phản chiến năm 1967, chúng ta nhớ về bài diễn thuyết lên án chiến tranh đầy sức mạnh của Mục sư, TS. Martin Luther King Jr. vào ngày 4 tháng 4, sự kiện hàng ngàn người trả lại thẻ đăng ký quân dịch trong tuần lễ đấu tranh “Ngừng quân dịch” (Stop the Draft), và cuộc diễu hành đến Lầu Năm Góc với số lượng kỷ lục người tuần hành tại thủ đô Washington.
Năm đó cũng chứng kiến làn sóng biểu tình toàn cầu lên án chiến tranh, như các cuộc biểu tình tại các thủ đô Châu Âu; và Tòa án Tội ác Chiến tranh Quốc tế thông qua tuyên cáo lên án sự can dự của Mỹ ở Đông Nam Á. Các bản tin về cuộc chiến cũng bắt đầu thay đổi, bao gồm lời kêu gọi đầu tiên từ tờ New York Times về việc tạm dừng ném bom và khởi xướng các cuộc hòa đàm.
Không nổi tiếng bằng, nhưng không kém phần quan trọng là “phong trào” phản chiến ở Bắc Việt Nam. Không hẳn là một phong trào mà là một tập hợp không thống nhất các tiếng nói đa dạng, nó tập hợp rộng rãi nhiều thành phần xã hội Bắc Việt Nam, từ trong chính quyền cũng như công chúng nói chung.
Một vài trong số này chưa bao giờ muốn tiến hành chiến tranh giải phóng miền Nam ngay từ đầu, thay vào đó tìm cách xây dựng miền Bắc và thống nhất đất nước thông qua con đường chính trị. Được đào tạo ở Liên Xô, một vài cá nhân trong số này thậm chí nắm giữ vị trí quan trọng trong Đảng Cộng sản Việt Nam. Vào năm 1967, các cán bộ này kêu gọi chính quyền bắt đầu đàm phán và chấm dứt cuộc chiến tranh thảm khốc. Khi một trong số các đảng viên như thế trình bày quan điểm chính trị của mình trong bài viết “Về chủ nghĩa giáo điều ở Việt Nam”, ông trở thành kẻ thù số một của chính quyền.
Các Đảng viên không phải là những người duy nhất thể hiện thái độ chỉ trích đối với cuộc chiến. Các họa sĩ và nhà văn cũng đã trong một thời gian dài sử dụng tài năng của mình để đưa ra các thông điệp chính trị, đặt mình vào sự kiểm soát ngặt nghèo của an ninh văn hóa. Các học thuyết chủ nghĩa xã hội hiện thực, thống trị ở miền Bắc Việt Nam tương tự như ở Đông Âu, yêu cầu tất cả các loại hình nghệ thuật phải ngợi ca chính sách của Đảng. Khi các đạo diễn phim, nhà văn hay nhà thơ mô tả sự thảm khốc của chiến tranh hay các trận đánh với các sắc thái thực tế, thứ nghệ thuật của họ trở nên mang tính “phá hoại” trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc vẫn đang cam go. Khi Vũ Thư Hiên, một nhà biên kịch và con trai của thư ký của chủ tịch Hồ Chí Minh, viết về tình bạn giữa một người lính Việt Nam và binh lính thuộc địa Pháp trong kịch bản “Đêm cuối cùng, ngày đầu tiên”, ông đã xóa nhòa ranh giới giữa “bạn và thù”.
Trong khi một số nghệ sĩ chống lại một cách mạnh mẽ sự trói buộc của tư tưởng chủ nghĩa xã hội hiện thực, những người khác lại chỉ không muốn phục vụ mục đích chính trị khi từ chối tuân theo đường lối ý thức hệ (của Đảng). Trong môi trường âm nhạc Hà Nội, hình thức ca khúc được chấp nhận duy nhất là các bài hát phản ánh tinh thần cách mạng hay nhạc chiến trận mà chính phủ phê duyệt, và việc chơi bất cứ loại nhạc nào khác trong thời chiến là bất hợp pháp. Cái gọi là nhạc vàng (đối lập với nhạc đỏ của cách mạng) bị cấm vì sự suy đồi, ủy mị, và ảnh hưởng ngoại lai. Khi các nhạc sĩ Nguyễn Văn Lộc, Phan Thắng Toán (người cũng được biết đến với biệt danh “Toán Xồm”), và Trần Văn Thành thành lập một ban nhạc và bắt đầu chơi các bản tình ca tiền chiến hay các bản nhạc lãng mạn khác ở đám cưới và các bữa tiệc, họ biết rằng họ đang phạm pháp. Nhưng trong tư duy của họ, họ không “làm chính trị”; chỉ đơn giản là họ chơi thứ nhạc mình thích.
Cũng giống như chính quyền Johnson, Đảng dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Lê Duẩn không khoan nhượng đối với các  hình thức chống đối công khai. Trong khi Washington tiến hành chiến dịch Operation Chaos, một chiến dịch bí mật nhằm làm suy yếu phong trào phản chiến ở Mỹ, thì Hà Nội cũng tiến hành các nỗ lực đàn áp của riêng mình nhằm đập tan bất đồng chính kiến trong nước. Bắt đầu từ mùa hè năm 1967, Lê Đức Thọ, Trưởng Ban Tổ chức TW, Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Công an, đã tiến hành bắt bớ hàng loạt những người được cho là “phản bội” và những “phần tử phản động”, những người được dán nhãn “bọn xét lại”.
Lực lượng công an đáng sợ này đã câu lưu hàng trăm công dân Bắc Việt Nam, bao gồm cán bộ đảng, sĩ quan quân đội cao cấp, nhà báo, luật sư, nhà văn và nghệ sĩ. Sau khi họ bị bắt, Thọ và Hoàn buộc tội họ “phá hoại chính sách đối ngoại của Đảng và chính sách chống Mỹ cứu nước của Đảng”, và “thay vào đó cổ vũ chủ nghĩa hữu khuynh thỏa hiệp và nhân nhượng”. Chiến dịch năm 1967 sau này được gọi là “Vụ án xét lại chống Đảng”,  còn được gọi là “Vụ án Hoàng Minh Chính”, theo tên nhân vật đầu tiên bị bắt.
Các nghệ sĩ và “nhạc sĩ nhạc vàng” cũng được coi là không kém phần nguy hiểm. Việc quay bộ phim “Đêm cuối cùng, ngày đầu tiên” của Vũ Thư Hiên không bao giờ được thực hiện; nhà biên kịch này bị quy là “trắng trợn tuyên truyền cho chủ nghĩa nhân đạo chung, nhân tính chung vượt ra bên ngoài tính giai cấp”. Hiên bị bắt vào cuối tháng 12 năm 1967.
Các nhạc sĩ nhạc vàng cũng bị quy là “đầu độc thế hệ trẻ với những bản nhạc bi quan ủy mị và phản động, khuyến khích một lối sống suy đồi, nhục tính”. Nguyễn Văn Lộc và các thành viên của ban nhạc tự coi mình là phi chính trị của ông đã bị bắt năm 1968.
Việc dập tắt những tiếng nói “chống chiến tranh” này ở Bắc Việt Nam có liên hệ mật thiết với cuộc thảo luận về chiến lược cho cuộc tổng tiến công quân sự vào năm 1968. Trong một nỗ lực nhằm thoát khỏi tình thế bế tắc và giành chiến thắng trong cuộc chiến, Lê Duẩn kêu gọi các lực lượng cộng sản tiến hành các cuộc tiến công phối hợp bất ngờ vào các đô thị miền Nam, đủ mạnh để thúc đẩy một cuộc nổi dậy của quần chúng nhằm lật đổ chính quyền Sài Gòn. Chủ tịch Hồ Chí  Minh và Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp phản đối cuộc nổi dậy dịp Tết đầy tham vọng của Lê Duẩn, cho rằng các lực lượng cộng sản thiếu sức mạnh cần thiết để thúc đẩy một cuộc tổng nổi dậy trên cả nước. Họ đã trả một cái giá đắt cho sự phản đối của mình.
Trong khi ông Hồ và ông Giáp bị lần lượt đưa đi sang Bắc Kinh và Hungary, lực lượng an ninh đã bắt và bỏ tù các thư ký và trợ lý cá nhân của họ, tất cả đều dưới chiêu bài đàn áp các phần tử phản chiến. Tổng số có 30 đảng viên và sĩ quan thân cận với Hồ và Giáp bị bắt, kể cả những người tham gia chuẩn bị tích cực cho cuộc nổi dậy Tết Mậu Thân. Khi Đại tá Lê Trọng Nghĩa, người tham gia xây dựng kế hoạch cho cuộc tổng tấn công nhưng trung thành với tướng Giáp bị bắt vào đầu năm 1968, ông lo ngại rằng sự vắng mặt của mình có thể ảnh hưởng đến thành công của chiến dịch. Trong khi đó, những người bắt giữ ông thì lại quan tâm đến vấn đề khác: tìm ra mối liên hệ giữa ông Hồ, ông Giáp, và các “thế lực phản bội” khác trong Vụ án Xét lại chống Đảng đang đe dọa đến cuộc chiến tranh của Lê Duẩn.
Phong trào chống chiến tranh ở Mỹ và Bắc Việt Nam không tương đồng, nhưng có những điểm chung. Trong cả hai trường hợp, phong trào phản chiến đều bao gồm các thành phần tham gia đa dạng. Trong khi các sử gia bắt đầu chú ý đến sự không thống nhất và tìm hiểu về sự tương tác giữa nhiều nhóm và các tổ chức khác nhau bên phía Mỹ, thì chúng ta vẫn chưa bắt đầu vén màn về vô số những tiếng nói và sự tương tác giữa họ với nhau ở bên phía Việt Nam.
Một sự so sánh nổi bật khác nằm ở sự phản ứng của chính quyền đối với phong trào phản chiến ở nước mình. Cả Hà Nội và Washington đều sử dụng các biện pháp vượt ra khỏi khuôn khổ pháp luật để làm suy yếu và dập tắt các tiếng nói chống đối.
Trong khi Johnson mở rộng quyền lực của C.I.A để tiến hành chiến dịch do thám trong nước, Lê Duẩn tiến hành chiến dịch “chống phản cách mạng” dưới sự chỉ đạo của Ban Tổ chức TW và Bộ Công an. Trong con mắt của cả hai chính quyền, không thể có cái gọi là bất đồng chính kiến lành mạnh trong thời chiến.
Lien-Hang Nguyen (Nguyễn Liên Hằng) là giáo sư sử học tại Đại học Columbia và là tác giả của cuốn sách sắp xuất bản “Tet 1968: The Battles that Changed the Vietnam War and the Global Cold War”.
Dịch giả trân trọng cảm ơn TS. Nguyễn Liên Hằng về sự giúp đỡ liên quan đến bản dịch này.
Hình: Tổng Bí thư Lê Duẩn, người chỉ đạo chiến dịch “chống phản cách mạng”, tại một buổi mít tinh. Nguồn NYT.