HỒNG THỦY
(GDVN) - Tại sao quyền hạn trong tay, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận không thể biến sách "đánh vần lạ" thành sách giáo khoa" mà phải "lách luật" với 50 triệu đồng?
Dân phải bỏ hàng trăm tỷ đồng mỗi năm nuôi cách đánh vần lạ?Cách đánh vần lạ, bao giờ hàng trăm ngàn học sinh mới thoát kiếp thí điểm?Cơn sốt nhân tạo thiếu sách đầu năm học và kế bán lạc kèm bia
Cuộc thí điểm triền miên Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục suốt 40 năm qua không chỉ tiêu tốn khá nhiều ngân sách nhà nước, mà còn khiến người dân bỏ ra hàng trăm tỷ đồng mỗi năm để con em họ "thí điểm" mà không hề hay biết.
Đằng sau cuộc thí điểm này là cả một hệ thống bán "sách giáo khoa" thu về hàng trăm tỷ đồng mỗi năm hoàn toàn khép kín theo chỉ đạo chặt chẽ của ngành giáo dục.
Trong bài viết này, chúng tôi xin tiếp tục phân tích lý do tại sao lại có cuộc trường kỳ thí điểm này.
Giáo sư tự hào khoe lách luật
Trong bài trả lời phỏng vấn Báo Nhân Dân điện tử có tiêu đề "Thực nghiệm là "lời thưa" của tôi với con trẻ" đăng ngày 19/8/2013, Giáo sư Hồ Ngọc Đại cho biết:
"Cách đây hai năm, anh Luận đã bỏ tiền túi đi tàu hỏa lên Lào Cai, thuê xe ôm đi về năm trường tiểu học ở địa phương để tự tìm hiểu chương trình tiếng Việt thực nghiệm đang được giảng dạy ở đây.
Sau khi tự mình mắt thấy tai nghe, Bộ trưởng đã biết rằng sách của tôi có thể triển khai đại trà được.