Dân trí "Chúng ta có 7 tỉnh có đường biên giới giáp với Trung Quốc gồm Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Điện Biên và chỉ có những khu vực biên giới tại các tỉnh này mới được phép dùng đồng VND, CNY để thanh toán đối với hoạt động thương mại biên giới", ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó vụ trưởng Vụ quản lý ngoại hối cho hay.
>> Được phép dùng Nhân dân tệ để thanh toán ở biên giới Việt - Trung
>> Không điều chỉnh theo Nhân dân tệ, tỷ giá USD/VND hạ nhiệt
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 19 hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Thông tư này hướng dẫn Nghị định 14 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới và thay thế Quyết định 689 ngày 7/6/2004 về việc ban hành quy chế thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ tại khu vực biên giới và khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc.
Theo quy định tại Nghị định 14, hoạt động thương mại biên giới bao gồm: hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân; hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới và tại chợ biên giới.
Còn Thông tư 19 quy định cụ thể về đồng tiền được sử dụng trong thanh toán đối với hoạt động thương mại biên giới, theo đó: đối với hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới, thương nhân được sử dụng ngoại tệ tự do chuyển đổi và đồng bản tệ (CNY, VND) để thanh toán; đối với hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ của cư dân biên giới và tại chợ biên giới, đồng tiền được sử dụng trong thanh toán là đồng bản tệ (CNY, VND).
Về phương thức thanh toán, thanh toán qua ngân hàng là phương thức thanh toán chủ yếu áp dụng đối với hoạt động thương mại biên giới. Ngoài ra, Thông tư 19 quy định phương thức thanh toán bằng tiền mặt (CNY, VND) đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới của thương nhân Việt Nam và thanh toán bằng VND tiền mặt đối với hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ của cư dân biên giới và tại chợ biên giới.
Ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó vụ trưởng Vụ quản lý ngoại hối (Ngân hàng nhà nước) cho biết, cơ chế thanh toán bằng đồng bản tệ nêu trên đã được triển khai thực hiện từ năm 2004 theo quy định tại Quyết định 689 trước đây. Chúng ta có 7 tỉnh có đường biên giới giáp với Trung Quốc gồm Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Điện Biên và chỉ có những khu vực biên giới tại các tỉnh này mới được phép dùng đồng VND, CNY để thanh toán đối với hoạt động thương mại biên giới.
"Việc ban hành Thông tư 19 góp phần hoàn thiện chính sách thanh toán biên mậu, thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới giữa hai nước Việt - Trung ngày càng phát triển", NHNN cho hay.
Các nội dung chính của Thông tư số 19 như sau:
Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Phạm vi điều chỉnh: Thông tư quy định các nội dung liên quan đến quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc, bao gồm: (i) Thanh toán trong hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ qua biên giới của thương nhân; (ii) Thanh toán trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ của cư dân biên giới; (iii) Thanh toán trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ tại chợ biên giới; (iv) Các hoạt động ngoại hối khác như hoạt động ủy thác trong thanh toán bằng đồng CNY, xuất khẩu, nhập khẩu CNY tiền mặt và VND tiền mặt, sử dụng tài khoản thanh toán bằng đồng CNY tại chi nhánh ngân hàng biên giới…
Đối tượng áp dụng của Thông tư là Thương nhân, cư dân biên giới Việt Nam, thương nhân, cư dân biên giới Trung Quốc có hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc; Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối tại Việt Nam (được gọi là ngân hàng được phép trong Thông tư); Chi nhánh của ngân hàng được phép đặt tại vùng biên giới, khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc (được gọi là chi nhánh ngân hàng biên giới trong Thông tư); Tổ chức kinh doanh hàng miễn thuế, tổ chức cung ứng dịch vụ ở khu cách ly tại các cửa khẩu quốc tế, tổ chức kinh doanh kho ngoại quan tại vùng biên giới, khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động thanh toán trong thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Thông tư quy định hoạt động thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hóa dịch vụ qua biên giới Việt Nam- Trung Quốc của thương nhân, bao gồm:
Quy định về đồng tiền thanh toán: bao gồm ngoại tệ tự do chuyển đổi, VND hoặc CNY.
Phương thức thanh toán bao gồm: (1) Thanh toán qua ngân hàng (Thanh toán bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi qua ngân hàng được phép theo quy định hiện hành về quản lý ngoại hối; Thanh toán bằng CNY qua chi nhánh ngân hàng biên giới; và thanh toán bằng VND qua chi nhánh ngân hàng biên giới); (2) Thanh toán bằng VND tiền mặt hoặc CNY tiền mặt; (3) Thanh toán phần chênh lệch trong giao dịch bù trừ hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ của thương nhân.
Thông tư quy định cụ thể hoạt động sử dụng tài khoản CNY, VND nhằm tạo cơ sở pháp lý để thương nhân Việt Nam, Trung Quốc thực hiện các giao dịch thu, chi bằng đồng bản tệ trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ.
Thông tư quy định hoạt động thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hóa dịch vụ của cư dân biên giới và tại chợ biên giới, bao gồm:
Đồng tiền thanh toán là VND hoặc CNY.
Phương thức thanh toán bao gồm (1) Thanh toán qua ngân hàng (với các hình thức: Thanh toán bằng CNY qua chi nhánh ngân hàng biên giới; Thanh toán bằng VND qua chi nhánh ngân hàng biên giới); (2) Thanh toán bằng VND tiền mặt; (3) Thanh toán phần chênh lệch trong giao dịch bù trừ hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ của cư dân biên giới.
Thông tư cũng quy định cụ thể hoạt động sử dụng tài khoản CNY, VND của thương nhân, cư dân biên giới kinh doanh tại chợ biên giới; cư dân biên giới Việt Nam có hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ với cư dân biên giới Trung Quốc nhằm tạo cơ sở pháp lý để thương nhân, cá nhân thực hiện.
Ngoài các nội dung nêu trên, Thông tư cũng quy định một số hoạt động ngoại hối khác như hoạt động ủy thác thanh toán bằng đồng CNY, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu CNY tiền mặt và VND tiền mặt; và quy định cụ thể trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh biên giới, ngân hàng được phép cũng như của cá nhân, thương nhân và tổ chức khác nhằm giám sát, quản lý chặt chẽ, có hiệu quả đối với hoạt động quản lý ngoại hối trong thương mại biên giới Việt - Trung.
Nguyễn Hiền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét