Dân trí Do chậm tiến độ, đến nay, một số thiết bị tại nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 dù chưa đưa vào sử dụng nhưng đã bị quá thời hạn bảo hành của nhà sản xuất.
>> Sếp Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 xin nghỉ việc vì lo... rủi ro pháp lý
>> Tại sao Tập đoàn Dầu khí không loại PVC khỏi nhiệt điện Thái Bình 2?
Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 là tâm điểm khiến nhiều lãnh đạo PVN vướng lao lý.
Nhiều cán bộ lo rủi ro, xin chuyển công tác
Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về kiến nghị của PVN đối với dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2, đến giữa tháng 7/2018, tiến độ tổng thể của Dự án đạt 82,68%. Tổng số vốn đã giải ngân là 432,06 triệu USD, số đã trả nợ là 81 triệu USD, số dư 351 triệu USD, số còn lại chưa thể giải ngân là 505,07 triệu USD.
Theo tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2 được duyệt, dự kiến nguồn vốn còn thiếu khoảng 9.600 tỷ đồng chưa thu xếp được. Tính đến cuối năm 2017, PVN đã phải sử dụng 21.577 tỷ đồng vốn chủ sở hữu để giải ngân phục vụ Dự án.
Qua kiểm tra, Bộ Công Thương cho biết đến nay, dự án vẫn chưa hoàn thành công tác mua sắm vật tư, thiết bị và lựa chọn nhà thầu phụ.
PVC đã ký hợp đồng trọn gói với giá trị 1,2 tỷ USD với tiến độ 39 tháng hoàn thành tổ máy 1; 45 tháng hoàn thành tổ máy 2 là thiếu khả thi, không thực tế trong khi PVC chưa có kinh nghiệm làm tổng thầu EPC nhà máy nhiệt điện than.
"Việc PVC sử dụng tiền tạm ứng của dự án (1.080 tỷ đồng) vào mục đích khác đã ảnh hưởng đến nguồn lực trong triển khai dự án. Năng lực tài chính của PVC hạn chế dẫn tới khó khăn hoặc không đảm bảo khả năng thanh toán, giải ngân cho thầu phụ", Bộ Công Thương cho biết.
Ngoài ra, thời gian qua, PVC chưa chủ động thu xếp được nguồn vốn để triển khai công việc, không đủ nguồn lực tài chính để thanh toán cho các công việc đã hoàn thành và tạm ứng cho các hợp đồng đã ký.
Khó khăn trong thu xếp nguồn vốn còn thiếu và số vốn vay nước ngoài chưa giải ngân được rất lớn, trong khi thời hạn giải ngân cuối cùng chưa được gia hạn.
"Những khó khăn về đảm bảo dòng tiền cho dự án và vướng mắc trong việc lựa chọn nhà thầu cung cấp vật tư, thiết bị, dịch vụ đã ảnh hưởng đến việc chậm tiến độ dự án, đồng thời dự án vẫn tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục chậm tiến độ", Bộ Công Thương nhận định.
Do chậm tiến độ, đến nay, một số thiết bị tại nhà máy dù chưa đưa vào sử dụng nhưng đã bị quá thời hạn bảo hành của nhà sản xuất. Do vậy, việc dự án tiếp tục bị chậm tiến độ theo Bộ Công Thương sẽ dẫn đến tăng rủi ro liên quan đến chất lượng thiết bị đã quá thời hạn bảo hành của nhà sản xuất.
Đặc biệt, nhiều cán bộ của tổng thầu PVC và chủ đầu tư có biểu hiện tâm lý, lo sợ các rủi ro pháp lý nên xin chuyển công tác. Càng về sau, Tổng thầu càng khó khăn trong việc đảm bảo, duy trì nguồn nhân lực có chất lượng, kinh nghiệm tiến độ, đấu thầu, mua sắm.
Trước tình hình trên, PVN đã đưa ra 3 phương án đối với việc thực hiện Hợp đồng EPC: Tiếp tục triển khai Hợp đồng EPC với PVC; Chấm dứt Hợp đồng EPC với PVC và lựa chọn, ký kết hợp đồng với PVC; Cắt giảm các công việc còn lại của PVC.
Tuy nhiên qua phân tích, PVN cho rằng các phương án đều tiềm ẩn các khó khăn và rủi ro. PVN khẳng định, hiện tại phương án tiếp tục với PVC là lựa chọn bắt buộc với chủ đầu tư.
Một loạt kiến nghị
Báo cáo Thủ tướng, Bộ Công Thương cho biết PVN đã kiến nghị cho phép điều chỉnh tiến độ hoàn thành dự án: tổ máy 1 vào tháng 6/2019; tổ máy 2 vào tháng 9/2019.
Theo ý kiến của Bộ Công Thương, dự án phải hoàn thành tổ máy số 1 vào tháng 9/2015, tổ máy số 2 vào tháng 3/2016. Như vậy nếu hoàn thành dự án vào năm 2019 như kiến nghị của PVN thì tiến độ dự án chậm khoảng 42-45 tháng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, rất khó có thể hoàn thành Dự án vào năm 2019 như PVN báo cáo. Do dự án bị chậm tiến độ nên việc PVN rà soát, cập nhật lại tiến độ để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của chủ đầu tư và tổng thầu là cần thiết. Bên cạnh đó, việc xác định lại tiến độ hoàn thành dự án không miễn trừ các nghĩa vụ trách nhiệm của chủ đầu tư, của PVC theo Hợp đồng EPC đã ký.
PVN cũng đã kiến nghị cho phép miễn phạt hợp đồng với điều kiện PVC nỗ lực hoàn thành Dự án theo tiến độ điều chỉnh đã cam kết. Vấn đề này theo ý kiến của Bộ Công Thương, hiện tại dự án chưa hoàn thành nên chưa thể có đánh giá tổng thể để đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng xem xét.
Ngoài ra, PVN kiến nghị chấp thuận chủ trương để Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo Ocean Bank giải toả số dư tiền gửi của PVC (82 tỷ đồng) và đơn vị thành viên đang thi công tại Dự án là PVC-IC (45 tỷ đồng) đang bị phong toả để dùng cho dự án. Đồng thời cho OeacnBank/PVN tiếp tục gia hạn đến năm 2021 đối với hợp đồng cho vay uỷ thác đã ký kết vào năm 2011 để PVC tập trung nguồn lực cho dự án...
Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 do PVN làm chủ đầu tư và Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) làm tổng thầu EPC. Đây là dự án khiến nhiều lãnh đạo PVN vướng lao lý. Liên quan tới sại phạm tại dự án này, nhiều lãnh đạo bao gồm: ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận, Lê Đình Mậu - nguyên Kế toán trưởng PVN, Vũ Hồng Chương - nguyên Trưởng ban dự án Thái Bình 2, Trần Văn Chương - kế toán trưởng Thái Bình 2… đã bị khởi tố, bắt giam và đưa ra xét xử.
Thông tin trước đó cho thấy, đây là một trong những dự án điển hình của việc dùng vốn sai mục đích của PVC dưới thời Trịnh Xuân Thanh. Thực tế, số tiền tạm ứng cho dự án này được PVN (thời ông Đinh La Thăng là Chủ tịch PVN) rót cho PVC hồi năm 2011 khoảng 1.300 tỷ đồng và 6,6 triệu USD đã bị sử dụng sai mục đích.
Nguyễn Khánh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét