Thứ Hai, 20 tháng 8, 2018

5 tội lớn của ngành đường sắt và 5 lời nhắn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể

Bởi
 AdminTD
 -

19-8-2018
Đọc tin báo Vnexpress ngày 18/8/2018 về đường sắt cao tốc Bắc Nam rằng: “Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam được xây dựng mới, khổ đường 1.435 mm, từ Hà Nội đến TP HCM, đi qua 20 tỉnh, thành phố, dài khoảng 1.545 km và dự kiến có 23 ga”.
Và rằng: “Trước đó Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thế đã yêu cầu tư vấn so sánh, làm rõ sự khác nhau của hai loại công nghệ về các vấn đề liên quan như suất đầu tư, giá thành, khai thác, vận hành. Những so sánh, đánh giá về công nghệ phải trung thực, nêu bật được ưu, nhược điểm và căn cứ đề xuất áp dụng ở Việt Nam”.
Vì đã thất kinh về vụ THU GIÁ, nên vội vàng gửi đến bộ trưởng Nguyễn Văn Thể 5 lời nhắn sau đây.
I. NĂM TỘI LỚN CỦA NGÀNH ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM
1. Đường sắt Việt Nam từ hơn 40 năm nay, kể từ năm 1975, về cơ bản là không thay đổi. Đó là tội lớn thứ nhất.

2. Việt Nam có lãnh thổ trải dài Bắc –Nam. Nên đường sắt Việt Nam phải phát triển theo sơ đồ xương cá. Chỉ một trục xương sống duy nhất Bắc – Nam được xây dựng trước thì sẽ giải quyết cơ bản vấn đề vận tải cả nước. Còn các đường xương cá sẽ được phát triển phù hợp sau đó theo thời gian. Rất khác với các nước như Pháp hay Đức, với lãnh thổ có chiều Đông – Tây, Nam – Bắc gần tương đương nhau, hệ thống đường sắt phải nối vòng cùng các đường xuyên tâm, dài và phức tạp. Thế nhưng ngành đường sắt Việt Nam trong nhiều năm đã không nhận thấy đặc thù này để đầu tư phát triển dứt điểm cơ bản hệ thống đường sắt Việt Nam. Đó là tội lớn thứ hai.
3. Xây đựng tuyến đường sắt Bắc – Nam với tốc độ 200 km/h, như hệ thống đường sắt châu Âu, thì đi từ Hà Nội tới TP. HCM không quá 10h. Giải quyết cơ bản vấn đề vận chuyển hành khách và hàng hóa Bắc – Nam. Cắt giảm thời gian và chi phí. Tạo thuận lợi cho cho nhân dân cả nước đi lại. Là đòn bẩy mạnh mẽ để kinh tế phát triển. Thế nhưng ngành đường sắt đã không nhìn thấy điểm chiến lược cực kỳ quan trọng này để quyết tâm cố công phát triển ngành đường sắt. Đó là tội lớn thứ ba.
4. Việt Nam là nước nghèo, chậm phát triển. Nhưng ngành đường sắt lại trình dự án đường sắt cao tốc đắt tiền của các nước tiên tiến giàu có. Tốn kém mà không giải quyết được vấn đề vận chuyển đa số nhân dân, lại không vận chuyển được hàng hóa. Mục tiêu viển vông. Mục đích ngầm là hưởng lợi bất chính. Vì lợi ích riêng mà không màng đến tốn kém vô ích của quốc gia. Đó là tội lớn thứ tư.
5. Đã không thay đổi, nhưng liên tục trong suốt mấy chục năm qua tiêu hàng núi tiền mà chỉ để nâng cấp vụn vặt. Không biết hướng trọng tâm vào các nước có ngành đường sắt phát triển ở châu Âu, mà lại bám vào thiết bị lạc hậu của Trung Quốc, lại còn cả đồ thải ra. Đó là tội lớn thứ 5 của ngành đường sắt.
5 tội lớn của ngành đường sắt cũng là 5 tội lớn của lãnh đạo Bộ GTVT trong nhiều nhiệm kỳ. Ngồi ở vị trí quản lý ngành, tiêu tốn không biết bao nhiêu trăm ngàn tỷ đồng, mà để lạc hậu, không phát triển ngành vận tải chiến lược quan trọng bậc nhất của nước nhà.
II. MUỐN NGHE ĐƯỢC TƯ VẤN THÌ PHẢI GIỎI HƠN TƯ VẤN
Việc nghe tư vấn là chuyện đương nhiên và cần thiết. Nhưng giữa các ý kiến khác nhau thì làm sao biết đúng sai? Bởi thế, muốn nghe được tư vấn để nhận quyết định đúng thì phải giỏi hơn tư vấn.
III. PHẢI CHỈ CHO CẤP DƯỚI CHỨ KHÔNG DỰA VÀO ĐỀ XUẤT CỦA CẤP DƯỚI
Lãnh đạo phải biết dựa vào cấp dưới. Nhưng lãnh đạo Việt Nam trong vài chục năm trở lại đây phần lớn chỉ biết dựa vào cấp dưới. Đó là tai họa.
Không phải thủ tướng chỉ dựa vào đề nghị của bộ trưởng rồi xem xét quyết định mà thủ tướng phải chỉ bộ trưởng phải làm cái gì, làm như thế nào!
Không phải Bộ trưởng Bộ GTVT dựa vào ngành đường sắt rồi phê duyệt phương án của ngành đề ra, mà bộ trưởng phải chỉ cho ngành đường sắt phải phát triển như thế nào.
Hãy nhìn vào lãnh đạo các nước phương Tây thì thấy sự khác biệt giữa lãnh đạo ta và họ.
IV. HÃY TỰ MÌNH ĐÍCH THÂN CHỈ HUY
Tuyến đường sắt Bắc – Nam giữ vai trò động lực cực kỳ quan trọng cho phát triển kinh tế nước nhà. Lại phải tiêu tốn hàng chục tỷ USD. Chọn công nghệ sai, mua thiết bị không đúng là thiệt hại cả hàng tỷ USD và sẽ làm nền kinh tế thêm chậm phất triển.
Cho nên bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phải đích thân cầm quân xây dựng tuyến đường sắt quốc gia Bắc – Nam. Ông phải dồn trí tuệ, tâm lực, thời gian cho tuyến đường sắt với tư cách một tổng công trình sư đích thực.
V. KHÔNG LÀM ĐƯỢC THÌ TỪ CHỨC
Làm bộ trưởng chỉ huy xây dựng đường sắt thì phải biết giá từ chiếc bulon cho đến giá một đoàn tàu. Phải biết giá thành của 1m đường sắt ở Đức, ở Pháp, ở Thụy sĩ khác nhau như thế nào. Phải biết mua thiết bị này ở Đức, Thụy sĩ hay ở Nhật hay ở nước nào là tốt hơn.
Làm bộ trưởng quản lý ngành đường sắt thì phải biết hệ thống đường sắt ở các nước tiên tiến khác nhau ra sao. Phải tự mình nghiên cứu tìm hiểu chứ không chỉ dựa vào tư vấn. Phải biết chỉ ra cái sai của tư vấn, chứ không phải chỉ nêu cho tư vấn làm rõ.
Không phải dựa vào cấp dưới, mà phải chỉ cho cấp dưới làm như thế nào, mua cái gì ở đâu, giá bao nhiêu.
Làm bộ trưởng xây dựng tuyến đường sắt Bắc – Nam trị giá nhiều tỷ USD thì phải đích thân đàm phán giá cả.
Làm bộ trưởng là phải để cho tư vấn và cấp dưới sợ hãi về chuyên môn của bộ trưởng, kinh hồn về hiểu biết giá cả của bộ trưởng, kính nể tầm nhìn và trình độ quản lý của bộ trưởng.
Nếu không làm được như vậy thì từ chức. Trong nhân dân có nhiều người làm được bộ trưởng với tư cách tổng công trình sư đích thực như nêu trên.

Không có nhận xét nào: