Có ý kiến lo ngại ga ngầm C9 và tuyến đường sắt ngầm dự kiến được xây dựng sát Hồ Gươm, Hà Nội, sẽ phá hủy không gian văn hóa lịch sử này.
Vi phạm luật
"Tôi hết sức lo ngại khi tuyến đường sắt 2b và 2c, thuộc dự án ga ngầm C9, chạy dưới đường Đinh Tiên Hoàng và đường Lê Thái Tổ kẹp hai bên Hồ Gươm."
"Dự án ga ngầm C9 vừa vi phạm di tích quốc gia vừa vi phạm Luật Di sản và Văn hóa," tiến sỹ Hà Đình Đức, một người đã có nhiều năm nghiên cứu về Hà Nội, nói với BBC ngày 22/8.
Ga C9 thuộc dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội số 2, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo. Theo phương án quy hoạch, ga này được bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng và vườn hoa hồ Hoàn Kiếm - khu vực xung quanh Hồ Gươm, Hà Nội.
"Khoảng cách ngắn nhất từ nhà ga C9 tới hồ Hoàn Kiếm chỉ khoảng 10m, tới tượng đài Cảm Tử 81m, đến đền Bà Kiệu 83m, đến Tháp Bút có 36m, tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ 120m," ông Đức nói với BBC.
Ông Đức cho hay, di sản văn hóa được chia làm ba vùng, trong đó khu vực Hồ Gươm và đường quanh hồ thuộc "vùng lõi, bất khả xâm phạm".
Hồ Gươm, hay còn gọi là Hoàn Kiếm, cùng với đền Ngọc Sơn, được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2013 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam.
Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng mới đây đã gửi văn bản tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng.
Văn bản này nêu rõ phương án tuyến đường sắt đô thị số 2, với ga ngầm C9 đặt ở khu vực Hồ Gươm) không chỉ vi phạm Luật Di sản Văn hóa mà còn xâm phạm không gian văn hóa đặc biệt của Thủ đô, theo truyền thông Việt Nam.
Có thể làm nghiêng Hồ Gươm
"Theo kết quả khảo sát của chúng tôi, độ sâu Hồ Gươm chỗ sâu nhất là 1,20 m còn độ sâu trung bình chỉ khoảng 0,80 - 0,90 m. Nếu đào đường hầm bằng công nghệ ép với áp lực cao thì đáy Hồ Gươm sẽ bị đội lên là điều chắc chắn bởi vì vùng đất này rất mềm và không có điểm tựa khi bị dồn nén," ông Hà Đình Đức nói với BBC.
Giới khoa học trước đây đã từng đưa ra nhiều lời cảnh báo tương tự về ảnh hưởng của việc xây dựng ga C9 tới đất nền và các di tích quanh Hồ Gươm.
Kiến trúc sư Nguyễn Quang Huy (Phòng tư vấn kiến trúc, xây dựng Hà Nội) được VTC dẫn lời, nói việc sử dụng công nghệ ép đất trong xây dựng nhà ga C9 chắc chắn ảnh hưởng dây chuyền đến lòng đất, đặc biệt là khu vực Hồ Gươm.
"Lực ép quá lớn có thể khiến cho Hồ Gươm bị nghiêng so với bề mặt," ông Huy nói. "Chúng ta chưa thể dám đảm bảo bất cứ một điều gì sẽ không xảy đến với Hồ Gươm, với độ sâu trên 1,60 m như hiện nay."
Đứng dưới gốc độ văn hóa lịch sử, kiến trúc sư Lê Hồng Kế cho rằng công trình hiện đại này sẽ làm mất đi vẻ cổ kính của khu vực Hồ Gươm vốn được coi là mảnh đất linh thiêng từ ngàn đời nay.
Còn theo kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội, thành phố cần tìm địa điểm thích hợp hơn để đặt ga G9 vì Hồ Gươm là không gian tâm linh, lễ hội, trung tâm hành chính, chính trị của thành phố.
'90% đồng thuận'
Nhưng UBND Hà Nội thì cho biết, sau 22 ngày lấy ý kiến, có 90% ý kiến đồng thuận với quy hoạch tổng thể mặt bằng ga C9 trong số 1.800 người tham gia góp ý, theo Vietnamnet.
Còn theo ông Lê Trung Hiếu, phó trưởng BQL đường sắt đô thị Hà Nội, dự án này đã được UBND TP Hà Nội duyệt từ chục năm trước.
Ông Hiếu nói với báo giới Việt Nam hôm 22/8 là nhà ga C9 đưa hành khách đến tham quan di tích, "là công trình mang tính chất phục vụ khu vực Hồ Gươm" nên người làm kỹ thuật như ông nghĩ là "không vi phạm luật Di sản văn hoá".
Ông Hiếu cũng cho hay qua nghiên cứu thì thấy vị trí đặt nhà ga C9 hiện nay là khả thi nhất, không còn phương án nào thay thế. Bởi vị trí đặt ga C9 còn liên quan trực tiếp đến hướng tuyến và hai ga kế tiếp (ga C8 - đặt tại vườn hoa Hàng Đậu và ga C10 - đặt tại đường Hàng Bài).
Ngoài ra, ông Hiếu cho rằng độ lún tối đa ở khu vực này chỉ từ 4-8,8mm, "rất nhỏ, không ảnh hưởng đến di tích", theo Tienphong.vn.
Nhưng ông Hà Đình Đức nói với BBC là không thể viện lý do 'sự đã rồi' để tiếp tục dự án này vì sẽ để lại rất nhiều hệ lụy.
Từ năm 2008, ông Đức cho biết đã gửi thư kèm các văn bản, tài liệu phân tích chi tiết các vấn đề có thể phát sinh nếu nhà ga được xây dựng, gửi ông Nguyễn Thế Thảo, lúc đó là Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cùng nhiều lãnh đạo các cơ quan liên quan.
"Nhưng các ông ấy đến nay không ai trả lời."
Cũng theo ông Đức, ông Daisuke Oura, chuyên gia Phân tích Môi trường thuộc Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản - một trong các chủ đầu tư của dự án ga ngầm đô thị, đã đích thân tới gặp ông để "tham khảo ý kiến về đoạn đường đi qua đường Đinh Tiên Hoàng và đường Lê Thái Tổ".
"Nhưng họ cũng chỉ ghi nhận và cám ơn vậy chứ chưa có phản hồi gì khác," ông Đức nói với BBC.
Xem thêm về Hà Nội:
Từ sáp nhập Hà Nội liên hệ tới Luật Đặc khu
Dân trí Ông Lê Trung Hiếu – Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội khẳng định nhà ga C9 và đường ngầm tuyến đường sắt đô thị số 2 không xâm phạm di tích hồ Gươm và không vi phạm Luật Di sản văn hóa.
Thứ Tư, 22/08/2018 - 00:36
Ban Quản lý đường sắt: Không còn cơ hội đổi vị trí ga C9 ở Hồ Gươm!
Dân trí Ông Lê Trung Hiếu – Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội khẳng định nhà ga C9 và đường ngầm tuyến đường sắt đô thị số 2 không xâm phạm di tích hồ Gươm và không vi phạm Luật Di sản văn hóa.
>> Đường sắt đô thị số 2 Hà Nội xâm phạm không gian di tích Hồ Gươm(!?)
Ngày 21/8, ông Lê Trung Hiếu - Phó Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội đã chia sẻ với báo chí một số vấn đề liên quan việc Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nhà ga C9 và đường ngầm tuyến đường sắt đô thị số hai vi phạm di tích hồ Gươm.
- Ga ngầm C9 tuyến tàu điện số 2 có xâm phạm di tích hồ Gươm và vi phạm Luật Di sản văn hóa như nhận xét của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đưa ra không, thưa ông?
Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án trong đó có vi trí nhà ga C9 (ga hồ Gươm) được UBND TP Hà Nội phê duyệt từ năm 2008. Ngày 9/12/2013, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định về việc xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt đối với di tích lịch sử danh thắng hồ Gươm và Đền Ngọc Sơn. Còn trong quá trình trình cấp giấy chứng nhận di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ở khu vực hồ Gươm lại không cập nhật vị trí đặt ga C9 (đã được quyết định trước từ năm 2008).
Nhà ga C9 đưa hành khách đến tham quan di tích, theo tôi nghĩ đây cũng là công trình mang tính chất phục vụ khu vực hồ Gươm. Do vậy, quan điểm của tôi là (người làm kỹ thuật), công trình này không vi phạm Luật Di sản văn hóa.
Còn các chuyên gia trong buổi tọa đàm thì cho rằng đây là công trình giao thông, phục vụ gián tiếp cho khu vực này. Do vậy, họ cho rằng công trình này vi phạm Luật Di sản văn hóa.
Hiện tại, UBND TP đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin ý kiến về vấn đề này theo đúng quy định.
Ông Lê Trung Hiếu - Phó Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội
- Quá trình chuẩn bị dự án các chuyên gia đưa ra hai phương án, trong đó có phương án hai không chạy qua khu vực hồ Gươm. Vậy tại sao TP Hà Nội lại chọn phương án một, phương án được cho là ảnh hưởng đến di tích?
Phương án hai ít tác động vào di sản nhưng lại tác động trực tiếp vào thân đê. Các cụ đã nói “nhất thủy, nhì hỏa”. Nên nếu tác động vào thân đê ngoài việc vi phạm Luật Đê điều (2006) nó còn nguy hiểm hơn rất nhiều, vì nó tác động, ảnh hưởng đến một vùng rộng lớn của Hà Nội khi có thiên tai xảy ra.
Về mặt nguyên lý khi phát triển đường sắt đô thị phải tiếp cận được khu vực nhiều hành khách và tạo điều kiện cho họ tiếp cận khu vực tham quan, làm việc, học tập. Ngoài ra, phương án một, tuyến phần lớn đi ngầm giữa tim đường, nhà ga chủ yếu lấy đất cơ quan nhà nước, tránh GPMB nhà dân, ít tác động người dân nhất.
- Khi các chuyên gia chưa thống nhất như vậy, TP Hà Nội có tính đến phương án thay đổi vị trí đặt nhà ga C9 hay không?
Thực tế hiện nay không còn phương án nào đặt vị trí nhà ga C9 và đường ống tàu điện ngầm khu vực này. Bởi vị trí đặt ga C9 còn liên quan trực tiếp đến hướng tuyến và hai ga kế tiếp (ga C8 – đặt tại vườn hoa Hàng Đậu và ga C10 – đặt tại đường Hàng Bài).
Phương án một là vị trí đặt ga C9 tuyến đường sắt đô thị số 2
- Vậy TP Hà Nội sẽ tiếp thu quan điểm của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội như thế nào?
Dự án chúng tôi đã nghiên cứu gần 15 năm. Trong thời gian hữu hạn của buổi tọa đàm, cùng với các ý kiến của một số chuyên gia chưa thể đại diện cho ý kiến của đa số chuyên gia có hiểu biết sâu về Quy hoạch đô thị cũng như đường sắt đô thị. Do vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục giải trình thêm, báo cáo thêm các ý kiến Ủy ban để tạo sự đồng thuận.
Sụt lún, rung lắc không tác động đến di tích
- Những di tích quanh hồ Gươm tồn tại hàng trăm năm nay, kết cấu rất yếu. Điều đó khiến nhiều chuyên gia lo ngại trong quá trình thi công và vận hành tuyến đường sắt đô thị số 2 sẽ có những tác động tiêu cực đến di tích?
Trong quá trình thi công và vận hành tuyến đường sắt đô thị số 2 ở khu vực hồ Gươm, có hai vấn đề chúng tôi tính toán kỹ đó là độ lún và rung lắc. Theo tính toán của chúng tôi, độ lún tối đa ở khu vực này chỉ từ 4-8,8mm. Đây là độ lún rất nhỏ, không ảnh hưởng đến di tích. Còn quá trình vận hành, các chuyên gia tính toán, khi ống hầm nằm sâu 15m thì các xung động không thể truyền lên mặt đất.
Phương án kiến trúc lối lên xuống của nhà ga C9
- Các chuyên gia đưa ra cảnh báo, khu vực hồ Gươm có nền địa chất yếu, dẫn đến những nguy cơ khó lường khi làm tuyến ống ngầm đường sắt đô thị và ga ngầm C9. Điều này có thể ảnh hưởng không chỉ đến di tích mà còn nhà dân trong khu vực, thưa ông?
Cả Hà Nội và TP HCM đều hình thành và nằm trong vùng châu thổ của 2 con sông, địa chất phức tạp. Tuy nhiên, chúng tôi đã tính toán cụ thể với các thông số đã được đưa ra. Việc khoan khảo sát địa chất khu vực này cho thấy lớp địa chất yếu tương đối mỏng, còn lại là lớp cát rất mịn.
Từ những phân tích cụ thể, cho thấy lớp địa chất ở khu vực này là bình thường. Các biện pháp thi công hiện tại hoàn toàn có thể đáp ứng được với lớp kết cấu địa chất ở đây. Việc tính toán kết cấu công trình cũng đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình vận hành khai thác vận tải sau này.
- Dù tính toán lớp địa chất không đáng quan ngại và trong quá trình xây dựng, vận hành tàu điện không có tác động gì đến di tích. Nhưng các chuyên gia vẫn còn có những lo ngại nhất định. Vậy trong thời gian tới, TP Hà Nội có xây dựng các phương án để lường trước những tình huống xấu có thể xảy ra bất cứ lúc nào hay không?
Công nghệ thi công các tuyến ngầm hiện nay tương đối hiện đại. Việc thi công đường ngầm bằng máy khiên đào có thể cân bằng áp lực trong lòng đất và đào đến đâu chúng tôi lắp đặt vỏ ống ngầm đến đó. Với công nghệ đó quá trình thi công kết cấu và áp lực trong lòng đất sẽ không thay đổi, dẫn đến không ảnh hưởng gì đến công trình xung quanh.
Các nhà khoa học đưa ra những cảnh báo với mong muốn không có tác động tiêu cực đến di tích quanh hồ Gươm. Theo ông, nếu không xây tàu điện ngầm ở khu vực này, có ảnh hưởng gì đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô hay không?
Dự án này hoàn toàn nhằm mục tiêu công cộng và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Trong quá trình thực hiện dự án, chúng tôi luôn thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng là không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Do vậy, chúng tôi áp dụng tất cả các biện pháp để không tác động đến môi trường, cảnh quan trong khu vực hồ Gươm trong quá trình thi công, cũng như khai thác tuyến tàu điện số 2.
Xin cảm ơn ông!
Quang Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét