Thứ Năm, 23 tháng 8, 2018

Cuộc chiến Mỹ-Trung không thể quay đầu

Cuộc đối đầu Mỹ-Trung chưa có dự báo kết thúc nhưng có thể hình dung cả hai đều chưa thể dừng lại và nỗ lực giảm thiểu tổn thương.

Chính quyền Trump (phải) đang trong cuộc chiến không thể quay đầu với chính quyền Tập. Ảnh: GETTY
Thông tin Trung Quốc (TQ) và Mỹ sẽ quay lại các cuộc đàm phán thương mại vào tuần này đã nhanh chóng giúp thị trường trở nên tươi sáng hơn. Việc này bắt đầu sau các cuộc họp đầu tiên giữa các lãnh đạo cao cấp của TQ tại chương trình hội nghị mùa hè bí mật diễn ra thường niên tại khu nghỉ mát ở bãi biển Bắc Đới Hà (Beidaihe), phía Đông tỉnh Hà Bắc.

Cuộc chiến không thể dừng lại

Theo tờ South China Morning Post, các nhà lãnh đạo hàng đầu của TQ đã không xuất hiện trước công chúng trong hai tuần để cùng nhau nhóm họp. Thông tin về cuộc họp này là hoàn toàn bí mật. Nhưng theo Bloomberg, có thể dự đoán được chủ đề chính của mùa hè năm nay hiện vẫn là cuộc chiến thương mại Mỹ-TQ. Nhiệm vụ chính của các nhà lãnh đạo TQ là tìm ra giải pháp khả dĩ để xoay chuyển tình thế các căng thẳng ngày càng leo thang với Washington mà không làm mất mặt chính quyền Bắc Kinh.

Nhiệm vụ này dường như đang vô cùng khó khăn. Trong cuộc đối đầu đậm màu sắc “zero-sum” (một bên được, một bên mất) mà dường như cả Tổng thống Mỹ Trump rất quyết đoán, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh đang đứng trước các kịch bản xấu (nhất) mà Mỹ có thể nhắm đến TQ. Một là các gói đánh thuế ngày càng có xu hướng cao hơn, rộng hơn và mức độ ngày càng trầm trọng hơn; hai là việc quay đầu lại với các quyết sách trước đây, dù đối với Mỹ hay TQ, đều buộc vị trí lãnh đạo của ông Trump lẫn ông Tập phải trả giá đắt hơn. Hai bên vì thế sẽ khó thoái lui (trước đối thủ).

Có ý kiến cho rằng ông Tập sẽ tìm thỏa thuận để nhượng bộ ông Trump vì thặng dư thương mại TQ với Mỹ là rất cao nên tổn thương sẽ lớn. TQ có ít công cụ tấn công Mỹ nhưng nếu mở rộng phạm vi thương mại ra khỏi quan hệ Mỹ-Trung thì vai trò TQ trong chuỗi cung ứng toàn cầu là rất lớn. Các doanh nghiệp Mỹ đặt trụ sở sản xuất tại TQ xuất khẩu hàng đi khắp thế giới (ví dụ Apple) chắc chắn sẽ bị nhắm tới khi ông Tập đã dùng hết vai trò gói thuế đánh vào hàng nhập khẩu từ Mỹ. Nói cách khác, tổng GDP mà TQ phải gánh chịu vì thuế của ông Trump sẽ được chia sẻ cho chính các doanh nghiệp Mỹ đang làm ăn tại TQ, một con số không nhỏ. Ngoài ra, khi nguồn cung nguyên liệu từ TQ sang Mỹ bị ách tắc vì thuế, các doanh nghiệp sản xuất ở Mỹ cũng sẽ gặp khó khăn khi hàng hóa không còn tính cạnh tranh. Tỉ lệ thất nghiệp gia tăng sẽ là hệ lụy nằm trong dự báo.

Giảm tổn thương

Cả Mỹ và TQ lúc này đều phải tìm giải pháp chấp nhận được để kiểm soát tình thế. Tuy nhiên, thật khó để có thể kết luận rằng tương lai hai nước sẽ có người thắng, kẻ thua một cách toàn diện. Cả hai quyết giữ lấy những lợi ích cốt lõi vốn mâu thuẫn với nhau: TQ với “made in China 2025” và các biện pháp thương mại quốc tế thiếu công bằng, thiếu minh bạch, kèm theo các chính sách an ninh, ngoại giao ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đe dọa vị thế của Mỹ, điều mà Washington chắc chắn không thể chấp nhận. Viễn cảnh cả hai cùng nỗ lực để đối thủ tổn thương nhiều hơn và giảm thiểu tổn thương của chính mình sẽ là khả dĩ.

Chúng tôi ủng hộ mong muốn của Tổng thống Trump trong việc bảo vệ các doanh nghiệp Mỹ, tiếp tục tăng trưởng kinh tế và mang lại việc làm cho người dân Mỹ. Nhưng quan điểm của chúng tôi là các mức gia tăng thuế dự kiến (với hàng hóa TQ) sẽ đi ngược lại với mong muốn đó.

Lĩnh vực thương mại, theo Bloomberg, chiếm khoảng 38% GDP của TQ trong khi chiếm 27% GDP của Mỹ. Với quy mô đánh thuế 50 tỉ USD hiện nay, các phân tích cho thấy Mỹ-TQ đều chấp nhận được các khoản tổn thương về lợi nhuận, trong khi niềm tin hay thái độ của nhà đầu tư suy giảm, thiếu lạc quan hơn mới là điều đáng lo ngại. Nhưng nếu cuộc đối đầu thương mại song phương leo thang lên mức 650 tỉ USD như các cảnh báo, tức một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện thì nền kinh tế hai nước nói riêng và thế giới nói chung sẽ bị mất mát “tiền tươi thóc thật” chứ không đơn thuần chỉ là vấn đề thái độ của nhà đầu tư. Sự suy giảm về niềm tin với thị trường kèm theo suy giảm tăng trưởng kinh tế sẽ tạo ra vòng xoắn ốc mang tính cộng hưởng lẫn nhau khiến tình hình kinh tế ngày càng trở nên tồi tệ.

Đối đầu thương mại dường như chỉ là khởi đầu của hàng loạt biện pháp nhắm vào TQ trong cuộc tranh chấp vị thế bá chủ thế giới giữa Bắc Kinh và Washington. Cũng như mục tiêu của người tiền nhiệm, ông Trump đang tiến hành một cuộc tấn công tổng thể vào TQ cho dù kết quả ra sao vẫn còn là nhiều ẩn số. Các vấn đề nóng về an ninh như Đài Loan, Triều Tiên, biển Đông,… cũng sẽ không nằm ngoài các toan tính chiến lược giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Điều đó càng khiến cuộc chiến thương mại khó có thể dừng lại khi nó trở thành một trụ không chỉ mang bản chất lợi ích kinh tế mà còn là công cụ để hai cường quốc mặc cả các vấn đề khác.

Thùy Anh

(Pháp Luật)

Không có nhận xét nào: