Thứ Tư, 29 tháng 8, 2018

Thêm một vụ nhầm lãnh thổ Trung Quốc và Việt Nam trên địa cầu

28/08/2018
Hình ảnh bản đồ trên quả địa cầu do một công ty của Ukraine bán trên mạng trong đó một phần lãnh thổ Việt Nam được đưa vào lãnh thổ Trung Quốc. (Photo Facebook Nguyễn Việt Long)
Sau khi Chính phủ Việt Nam nêu quan ngại về những quả địa cầu nhựa in các tỉnh phía bắc của Việt Nam vào lãnh thổ Trung Quốc ở Ukraine, một công ty bán các sản phẩm này đã phải lên tiếng xin lỗi.

Trên quả địa cầu được công ty Globus Plus của Ukraine rao bán, bản đồ của Việt Nam đã bị phần bản đồ của lãnh thổ Trung Quốc lấn vào hầu như toàn bộ vùng Đông Bắc, gồm các tỉnh như Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang. Bên cạnh đó, hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông cũng không xuất hiện trên quả địa cầu này.
Theo Tuổi Trẻ, công ty Ukraine nơi bán những quả địa cầu này cho biết họ mua chúng từ những nhà buôn Trung Quốc ở Kharkov, thành phố lớn thứ hai của Ukraine.
VTC News trích dẫn bức thư của đại diện công ty Globus Plus của Ukraine trả lời yêu cầu của họ về nguồn cung cấp các quả địa cầu hôm 24/8, trong đó công ty này nói họ không phải là nhà sản xuất quả địa cầu trên và lất làm tiếc khi không biết bản đồ in trên đó bị sai.
Nhận định về sự sai phạm này, Tiến sỹ Trần Công Trục, cựu Trưởng ban biên giới Chính phủ Việt Nam, cho rằng bản đồ in trên quả địa cầu trên được dựa trên những thông tin không đúng. Ông cho rằng nơi cung cấp thông tin không phải là từ chính phủ Trung Quốc.
“Trên các quả địa cầu và các bản đồ được xuất bản ở một số nơi đã có sự nhầm lẫn. Tôi nghĩ là do nguồn thông tin mà họ dựa vào có thể không được chính thức. Họ dựa vào những thông tin cũ hoặc thông tin do một tổ chức cá nhân nào đó đưa ra, cho nên nó không phản ánh đúng thực chất của vấn đề mà hai bên đã tiến hành phân giới cắm mốc.”
Theo Tiến sỹ Trục, trên thực tế không còn sự tranh chấp qua lại về đường biên giới phía bắc sau khi Việt Nam và Trung Quốc hoàn tất Hiệp định phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa hai nước vào năm 2008.
Ngay sau khi truyền thông trong nước và mạng xã hội đưa thông tin về những quả địa cầu in bản đồ sai về lãnh thổ của Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine đã gửi thư tới Bộ Ngoại giao Ukraine và công ty Globus Plus để trình bày vụ việc, theo Tuổi Trẻ.
Ngay sau đó công ty này đã ngừng bán các quả cầu trên.
Trong bức thư gửi VTC News, quản lý công ty Globus Plus xác định rằng họ “đã gỡ các sản phẩm này khỏi trang bán hàng trực tuyến.”
Trên trang bán hàng trực tuyến của Globus Plus (https://globusplus.com.ua/) hiện không còn bán các quả địa cầu này trên nữa.
Trước đây vào tháng 9/2017, Bảo tàng Hoàng gia Greenwich của Anh cũng đã phải dừng bán các quả địa cầu trên đó có in đường lưỡi bò mà Trung Quốc đặt ra để tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông. Bản đồ trên các quả địa cầu được bày bán trong cửa hàng của bảo tàng Anh cũng ghi Hoàng Sa và Trường Sa – hai quần đảo mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền – bằng tiếng Trung Quốc chứ không phải bằng ngôn ngữ trung tính là tiếng Anh, theo TS Lê Trung Tĩnh của Quỹ Nghiên cứu Biển Đông.
Ông Tĩnh đã viết một bức thư gửi bảo tàng này trong đó chỉ ra sự phi pháp của đường chữ U và là nguyên nhân gây ra ra căng thẳng và tranh chấp trong khu vực. Theo vị TS này, bảo tàng Anh sau đó cho biết họ sẽ không mua các quả địa cầu đó nữa.

    Diễn đàn Facebook

    Không có nhận xét nào: