Thứ Sáu, 31/08/2018 13:09 PM GMT+7
(VTC News) - Trung Quốc còn một chặng đường rất dài phải đi nếu muốn trở thành một siêu cường có thể gây ảnh hưởng lớn tới việc định hình thế kỷ 21, theo Bloomberg.
Hơn ai hết, người Mỹ hiểu rõ nhất để trở thành một siêu cường tốn kém thế nào. Họ cần nguồn kinh phí khổng lồ để duy trì lực lượng quân sự hùng mạnh, các phái bộ ngoại giao có tầm ảnh hưởng và viện trợ các quốc gia khác.
Khi khát vọng mở rộng ra toàn cầu của Trung Quốc càng lớn, các áp lực về ảnh hưởng chính trị và kinh tế càng nặng nề hơn. Kể cả khi quốc gia đông dân nhất thế giới có nguồn tài chính khổng lồ đủ để họ trang trải cho những dự án đang bao phủ khắp thế giới, thì vẫn tồn tại những thách thức kinh tế và tài chính trong nước. Và nếu họ thất bại, tham vọng của Chủ tịch Tập sẽ bị giáng một đòn nặng nề. Như Tôn Vũ đã viết trong cuốn "Binh pháp tôn tử": Điều đầu tiên phải tính đến là cái giá phải trả.
Theo Bloomberg, câu hỏi quan trọng cần đặt ra với Trung Quốc là: Họ đang nhắm tới vị thế nào? Chắc chắn, Trung Quốc muốn thống trị châu Á, biến nơi đây thành sân sau của mình. Nhưng cường quốc trong khu vực khác xa với một siêu cường toàn cầu, khái niệm từng được dùng để mô tả đế quốc Anh, Liên Xô hay Mỹ ngày nay.
Theo tiến sĩ Alice Lyman Miller, một nhà nghiên cứu tại Viện Hoover, Đại Học Stanford, định nghĩa siêu cường để chỉ "một quốc gia có có sức mạnh vượt bậc, có ảnh hưởng tới bất cứ nơi nào trên thế giới và đôi khi ở nhiều khu vực trên thế giới cùng lúc, do đó có thể vươn tới vị thể bá chủ toàn cầu một cách đáng kinh ngạc".
Tiến sĩ Alice Lyman Miller là một nhà nghiên cứu nổi tiếng về lịch sử, phân tích chính trị và chính sách đối ngoại của Trung Quốc cho rằng để trở thành một siêu cường, một quốc gia phải vượt hẳn các quốc gia khác trên thế giới trên bốn phương diện là quân sự, kinh tế, chính trị và văn hoá.
Sức mạnh kinh tế
Trung Quốc hiện đã là một siêu cường kinh tế. Nếu tính về sức mua tương đương (PPP), tỷ giá dựa trên lượng tiền tệ mà một quốc gia cần phải đổi sang đơn vị tiền tệ khác để mua cùng một lượng hàng hay dịch vụ ở mỗi nước, nền kinh tế của Trung Quốc giờ đây còn lớn hơn cả Mỹ. Giới quan sát dự đoán Bắc Kinh thậm chí sẽ còn nới rộng khoảng cách này và có khả năng sẽ ngày càng giàu hơn trong tương lai.
Tuy nhiên, Bloomberg cho rằng sẽ là sai lầm nếu chỉ đánh giá quy mô một nền kinh tế dựa vào sức mua trong nước. Siêu cường phải bỏ tiền ra để xây dựng các căn cứ quân sự, mua ảnh hưởng về ngoại giao và kinh tế từ nước ngoài. Đồng USD mà Trung Quốc đầu tư thông qua sáng kiến “Vành đai và Con đường” kết nối các thị trường trên khắp thế giới cũng chỉ là đồng USD với sức mưa tương tự với bất cứ quốc gia nào khác.
Thêm vào đó, khi nhìn vào mức tăng sức mua của Trung Quốc trên thị trường toàn cầu mỗi năm thông qua tăng trưởng GDP theo đồng đô la hiện tại mà không tính tới lạm phát hay PPP, Trung Quốc đang thua kém so với Mỹ.
Người dân Trung Quốc trong vòng 1 thập niên trở lại đây tiếp tục xu hướng thoát ly khỏi các vùng quê để tìm đến các đô thị. Đây luôn được xem là bí quyết đằng sau sự phát triển phi thường của quốc gia đông dân nhất thế giới cho đến bây giờ. Nhưng do chính sách một con trước đây, mức tăng trưởng đó có thể sắp biến mất. Theo dự đoán của Liên Hợp Quốc, dân số của Trung Quốc sẽ bắt đầu giảm mạnh từ năm 2023.
Trung Quốc vẫn đang tìm cách thúc đẩy triển vọng dài hạn và mở rộng sức ảnh hưởng của nền kinh tế. Bắc Kinh đã bắt tay vào dự án được đánh giá là chiến dịch đầu tư nước ngoài tham vọng nhất trong lịch sử - sáng kiến Vành đai và Con đường. Dự án này của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kéo dài từ châu Á tới châu Âu và một số khu vực khác trên thế giới bằng đường bộ và đường biển. Với nguồn lực tài chính dồi dào, Trung Quốc sẽ không mấy khó khăn để tạo thêm các mối quan hệ và khiến các nước khác phụ thuộc vào mình.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng ngay cả khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc chưa kịp chuẩn bị để trở thành siêu cường, nhu cầu thúc đẩy và bảo vệ các khoản đầu tư trải rộng như vậy cũng chưa thể đưa họ chạm tới vị thế đó.
Sức mạnh quân sự
Quân đội trung Quốc đã có sự chuyển mình rõ rệt kể từ năm 1979. Các nhà làm quân sự nước này đã tăng cường trang bị các khí tài quân sự tiên tiến, tích cực sao chép, phát triển hoặc đẩy mạnh mua thêm nhiều tên lửa và công nghệ tàng hình, những thứ thiết yếu đối với quốc phòng của một cường quốc ở thế kỷ 21.
Hiện nay, Trung Quốc đang chi vào quốc phòng nhiều gấp 3 lần Nga và đang dần thu hẹp khoảng cách với Mỹ. Dù vậy, Bắc Kinh vẫn thiếu một tàu sân bay với sức mạnh đáng gờm như hàng không mẫu hạm của Mỹ và chưa thể có trong tay những động cơ phản lực tiên tiến nhất đủ khả năng giúp Bắc Kinh thay đổi những toan tính của Mỹ ở Biển Đông.
Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã tăng từ 19 tỷ USD năm 1989 lên 228 tỷ USD trong năm 2016, theo các số liệu thống kê mà nước này cung cấp. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc có thể đang làm khống các con số khi mà dù đẩy mạnh ngân sách quốc phòng, GDP của họ lại gần như không thay đổi.
Xét trên các phương diện khác, Trung Quốc đang cạnh tranh cực kỳ gay gắt với Mỹ. Đơn cử như với các thiết bị bay không người lái, nếu tính số lượng UAV đang sở hữu và xuất khẩu, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ. Giới quan sát nhận định Trung Quốc có thể xoay chuyển thế cân bằng lực lượng với Mỹ bằng cách tập trung vào tàu ngầm tấn công và công nghệ tên lửa với chi phí thấp.
Tuy nhiên, nếu xét về các hạng mục lớn như tàu sân bay, Trung Quốc vẫn còn một chặng đường rất dài phải đi. Bắc Kinh biết được điểm yếu của họ, nên đã cố gắng đẩy mạnh phát phát triển lợi thế về công nghệ như tên lửa siêu thanh hay công nghệ nhân tạo. Họ cũng đang tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng bằng việc xây dựng các căn cứ nước ngoài với phát súng đầu tiên là căn cứ ở quốc gia Đông Phi Djibouti.
Quyền lực mềm
Một trong những khía cạnh quyết định vị trí siêu cường của Mỹ xuất phát từ các liên minh mà Mỹ làm thành viên kể từ thời chiến tranh Lạnh từ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, khối liên minh quân sự Anzus năm 1951 tới một số hiệp định quân sự song phương với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc hay liên minh tình báo giữa 5 nước nói tiếng Anh. Trong khi đó, Trung Quốc hiện tại chỉ có vài đồng minh chính thức.
Gìn giữ hòa bình cũng là một cách để tăng cường ảnh hưởng trên thế giới. Từ việc gần như không đóng góp vai trò gì cách đây 20 năm, Bắc Kinh giờ đây trở thành quốc gia đóng góp lực lượng quân đội đông đảo nhất. Họ cũng chi trả 10% tổng số ngân sách cho hoạt động này, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào và chỉ chịu đứng sau Mỹ với 28,5%.
Một khía cạnh khác cũng được lưu tâm là tiếng nói của các nhà ngoại giao đối với thế giới. Trung Quốc đang cực kỳ quan tâm tới vấn đề này. Ngân sách cho ngoại giao của nước này trong năm 2019 đã tăng tới 15,6%, gấp đôi tỷ lệ tăng ngân sách quốc phòng. Tuy vậy, mức này chỉ rơi vào khoảng 9,5 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với Mỹ dù Tổng thống Trump đã cắt giảm ngân sách dành cho Bộ Ngoại giao từ 55,6 tỷ USD trong năm 2017 xuống còn 37,8 tỷ USD vào năm 2019.
Văn hóa
Chính sách “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống vô tình đã giúp Trung Quốc thể hiện mình như một nhà lãnh đạo mới về mở rộng biên giới và tự do thương mại. Nhưng thực tế thì Trung Quốc vẫn còn thua xa Mỹ về ảnh hưởng văn hóa trên toàn thế giới.
Nói tới công nghệ, Bắc Kinh không hề giấu diếm ý định thông qua bản đại kế hoạch “Made in China 2025” đưa Trung Quốc vượt Mỹ trở thành cường quốc công nghệ thống trị thế giới. Tương tự, Bắc Kinh cũng đang muốn đi tắt đón đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo với tham vọng trở thành “người cai trị thế giới” như câu nói nổi tiếng của Tổng thống Putin năm 2017 rằng nước nào đi đầu công nghệ nhân tạo, nước này sẽ thống trị toàn cầu.
Với những yếu tố trên, Bloomberg kết luận Trung Quốc chắc chắn sẽ vươn tới vị thế của một cường quốc lớn trên thế giới, có ảnh hưởng rất lớn tới việc định hình thế kỷ 21. Nhưng việc Trung Quốc có vượt qua được Mỹ hay không vẫn là một dấu hỏi lớn.
Điều có thể chắc chắn duy nhất là Trung Quốc sẽ cần rất nhiều thời gian để trở thành một siêu cường trong bối cảnh quốc gia đông dân nhất thế giới đang phải đối mặt với thực trạng già hóa và suy giảm dân số. Khi Mỹ đang ở vị trí tương tự như Trung Quốc vào thời điểm lăm le soán ngôi thống trị thế giới của đế quốc Anh từ năm 1880 đến năm 1950, dân số của họ đã tăng gấp 3 lần.
>>> Đọc thêm: Triều Tiên trở thành ‘siêu cường tin tặc’ thế nào?
(Nguồn: Bloo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét