-
Nếu tìm từ khóa “kinh tế Việt Nam phụ thuộc Trung Quốc”, cỗ máy tìm kiếm Google cho hần 60 triệu kết quả trong vòng chưa tới một giây, với vô vàn dữ liệu cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc. Trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, việc nền kinh tế của các quốc gia phụ thuộc lẫn nhau là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, sự phụ thuộc của kinh tế Việt Nam vào Trung Quốc hoàn toàn không phải là sự hợp tác đôi bên cùng có lợi, mà trong đó Trung Quốc hoàn toàn chi phối và lũng đoạn Việt Nam về mọi mặt, từ kinh tế cho đến chính trị và thậm chí là an ninh quốc phòng.
Thực tế hiện tại cho thấy Trung Quốc không chỉ đang tiến hành lấn chiếm biển Đông mà ngay trong nội tại Việt Nam, Trung Quốc hoàn toàn chủ động trong việc lũng đoạn cả kinh tế và chính trị Việt Nam. Vài số liệu cụ thể dưới đây cho thấy lãnh thổ Việt Nam đang đứng trước hiểm họa khôn lường từ Trung Quốc:
Có 23/24 nhà máy ngành xi măng do Trung Quốc làm tổng thầu (theo số liệu của Viện Nghiên cứu cơ khí công bố năm 2014). Có 15/20 dự án nhiệt điện đốt than do Trung Quốc trúng thầu, tỉ lệ nội địa hóa 0%. Có 2/2 dự án bauxite do Trung Quốc làm tổng thầu, nội địa hóa 2%, theo thống kê năm 2014.
Các dự án đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông, đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, Hà Nội- Lào Cai, nhà máy gang thép Lào Cai, nhiệt điện Duyên Hải 1, nhiệt điện Mông Dương 2… đều rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc. Trong đó, khi có biến, đường cao tốc Lào Cai – Hà Nội nối thẳng đến cửa khẩu Kim Thành (và kết nối luôn với cao tốc Hà Khẩu–Côn Minh của Trung Quốc) như mở toang cửa cho giặc tiến vào thủ đô nước ta từ biên giới Việt – Trung.
Trong các dự án có sự tham gia của các tập đoàn nhà nước Trung Quốc, có những dự án có vị trí đặc biệt quan trọng đối với an ninh quốc phòng. Điển hình như Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine trên đèo Hải Vân. Theo lờitrung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu IV, khu vực đèo Hải Vân là “điểm quân sự then chốt và sẽ chia cắt đất nước trong trường hợp có chiến tranh”, ai làm chủ được Hải Vân”sẽ thâu tóm luôn Đà Nẵng và Huế”. Còn về thế trận trên biển, Cửa Khẻm là điểm vươn xa nhất của đèo Hải Vân và gần nhất với đảo Hải Nam của Trung Quốc. Có được Hải Vân sẽ nắm quyền kiểm soát cả vùng biển. Một khi dự án khu nghỉ dưỡng của công ty Trung Quốc được xây dựng ở đây thì “mọi bí mật quân sự của vùng 3 Hải quân sẽ khó được giữ vững.”
Khu liên hợp gang thép Fomosa tại cảng nước sâu Vũng Áng, Hà Tĩnh. Hiện tại, nơi diễn ra dự án này đang trở thành khu vực “nội bất xuất, ngoại bất nhập.” Người dân bình thường không thể vào trong khu vực dự án vì chủ đầu tư thuê bảo vệ canh tứ phía. Nhiều người dân được hỏi cho biết, dù ở ngay bên cạnh dự án nhưng việc chủ dự án làm gì bên trong thì không hay biết. Không chỉ người bình thường mà ngay cả phóng viên báo chí chính thống của nhà nước muốn thâm nhập thực tế để viết bài cũng không được. Nên nhớ, số lượng công nhân Trung Quốc ở đây đủ để thành lập 2 “sư đoàn” và không có gì đảm bảo công nhân ở đây không phải là lính bộ binh Trung Quốc trá hình.
Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân ở Bình Thuận. Vùng đất này chính là yết hầu của Nam Trung Bộ, nơi ‘núi thò chân ra biển.’ Quốc lộ 1A độc đạo đi qua với một bên là núi, một bên là biển. Gọi là yết hầu hay độc đạo bởi không còn con đường nào khác nối liền Nam Bắc ở vùng duyên hải này. Nằm ở vị trí giáp biển, bên cạnh quốc lộ 1A (đồng thời là tuyến độc đạo nối liền Nam – Bắc) và một hải cảng lớn, Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân rõ ràng là một khu vực xung yếu về an ninh – quốc phòng.
Dự án bauxite ở Tây Nguyên, nóc nhà của Nam Trung Bộ và gần biên giới với Campuchia, là vùng chiến lược về an ninh quốc phòng. Dự án này đã bị sập bẫy kinh tế của Trung Quốc, khi khoản lỗ năm 2013 là 16 triệu USD/năm và đến năm 2014 mức lỗ tương đương là 42.8 triệu USD/năm. Ngoài ra, có hàng ngàn công nhân Trung Quốc tại nơi này, và nguy hiểm hơn hết là nguy cơ đe dọa an ninh môi trường từ hồ chứa bùn đỏ. Nếu có biến, Trung Quốc hoàn toàn có thể phá hồ khiến cho bùn đỏ tràn xuống các vùng dân cư thấp hơn, đe dọa tính mạng người dân trong vùng.
Các tỉnh Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum và Bình Dương đã cho 10 doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn dài hạn (50 năm) trồng rừng nguyên liệu với tổng diện tích hơn 300 ngàn ha, trong đó doanh nghiệp từ Hongkong, Đài Loan, Trung Quốc chiếm trên 264 ngàn ha, 87% ở các tỉnh xung yếu biên giới. Nguy hiểm hơn hết, tỉnh Quảng Ninh còn đề xuất cho Trung Quốc thuê đất gần cửa khẩu Móng Cái ở biên giới Việt-Trung làm đặc khu kinh tế trong thời hạn 120 năm, với điều kiện doanh nghiệp phía Trung Quốc trả tiền thuê đất chỉ trong một lần. Rõ ràng với đề xuất này, chúng ta không còn có thể phân biệt được giữa các khái niệm “cho thuê đất” và “bán đất”.
Gần đây, các khu phố Tàu mọc lên khắp nơi trong cả nước, có thể kể đến phố Tàu ở Bắc Ninh, Hạ Long, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Bình Dương… Lưu ý là người Hoa ở các nơi này là người Hoa từ Trung Quốc sang Việt Nam, chứ không phải là người Việt gốc Hoa như ở phố Tàu Chợ Lớn, TPHCM. Họ tự do mở cửa hàng, treo biển hiệu hoàn toàn bằng tiếng Hoa, và còn mở cả trung tâm dạy tiếng Hoa cho người Việt. Hai khu vực phố Tàu lớn nhất là ở Hà Tĩnh, nơi có “đại bản doanh” Fomosa của Trung Quốc, và ở Bình Dương, nơi mà người Hoa dự tính xây dựng cả một trung tâm thương mại Đông Đô (Đông Đô Đại Phố), kèm theo đó còn có khách sạn, khu phức hợp thể thao, sân golf, chùa chiền… Khó còn có thể nhận ra đây là khu vực thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Tại kỳ họp Quốc hội Việt Nam khóa XIII, ông Trương Trọng Nghĩa đã nói đến tình trạng này như sau: “Một trong những nguy cơ mới trong 10 năm qua là sự lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc. Tôi dùng chữ “lệ thuộc” theo nghĩa là muốn dứt ra mà không dứt được, biết không tốt không hay nhưng vẫn phải tiếp tục. Sự lệ thuộc này diễn ra trên nhiều lĩnh vực, về xuất nhập khẩu, nguyên phụ liệu, đấu thầu thi công, năng lượng, viễn thông, khai thác khoáng sản, trang thiết bị công nghệ, nhân công và hàng tiêu dùng… Nếu chúng ta giao quyền và giao tài sản cho những người kém về năng lực và đạo đức, lại tham lam thì người ta chưa mua đã chủ động chào bán, thậm chí buộc người ta hối lộ như là điều kiện để được làm ăn với mình, thì làm sao tránh khỏi lệ thuộc, thậm chí là mất nước.”
Ông nói thêm: “Một nước có tiềm năng nông nghiệp lớn như Việt Nam mà lại phải nhập khẩu nông sản, nguyên liệu, thực phẩm từ Trung Quốc, kể cả rau quả và trứng gà? Chúng ta có toàn quyền tổ chức đấu thầu, chấm thầu thì tại sao lại để lọt những nhà thầu Trung Quốc kém năng lực, có ngành chiếm đến 80-90% số lượng dự án? Tại sao thương buôn Trung Quốc có thể bằng visa du lịch đến tận miền Tây Nam Bộ thu mua nông sản, lập kho chứa, lũng đoạn giá, phá thị trường? Tại sao buôn lậu hàng chất lượng kém, thực phẩm ô nhiễm vẫn ồ ạt tràn qua biên giới theo đường tiểu ngạch? Tại sao nhà máy của Samsung xuất khẩu 130 triệu điện thoại di động trị giá 23,9 tỷ đôla, sử dụng 45 ngàn lao động mà chỉ sử dụng 70 người Hàn Quốc, mà chúng ta lại để 23 ngàn lao động Trung Quốc, chủ yếu là lao động phổ thông, làm việc khắp nơi từ Hà Tĩnh, Bình Thuận, Lâm Đồng, TPHCM, Bình Dương, Trà Vinh…? Dự án Fomosa có 4268 lao động Trung Quốc trên tổng số 5917 người! Tại sao Fomosa không được cho xây miếu thờ mà vẫn cứ xây, họ thờ ai và sau này có dẹp được hay không? Tại sao nạn buôn người sang Trung Quốc vẫn trầm trọng?”
Hiện tại, Việt Nam vẫn còn là một quốc gia độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, có quân đội và lực lượng công an, cảnh sát. Nói như vậy có nghĩa là, qua các số liệu và dẫn chứng nêu trên, có thể dễ dàng thấy được nếu không có sự tiếp tay thì thế lực ngoại bang không thể nào chi phối sâu rộng vào lãnh thổ của một quốc gia như vậy. Chắc chắn chính quyền thấy rõ những nguy cơ trên, nhưng một số người sẵn sàng hy sinh lợi ích của nhân dân hòng đạt được mục đích riêng cho một nhóm thiểu số, thậm chí vì quyền lợi cá nhân mà sẵn sàng bán linh hồn của dân tộc Việt Nam cho quỷ dữ, giặc tàu Trung Cộng.
Thật sự không khó hiểu khi gần đây Trung Quốc lộng hành ngoài biển Đông, xây đảo nhân tạo và gần nhất là cấm đánh bắt cá trong hải phận của Việt Nam, nhưng Việt Nam không có một động thái nào phản kháng mạnh mẽ. Nguyên nhân rất dễ thấy đó là Trung Quốc hiện tại đã nắm phần lớn những yếu huyệt của Việt Nam trên cả 3 mặt trận: trên biển, trên bộ, và mặt trận văn hóa. Các dự án có bàn tay của Trung Quốc quả thật không khác gì những quả bom nổ chậm hiện diện khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam. Rõ ràng, Trung Quốc đang siết chặt gọng kiềm từ mọi phía.
Nguồn: Tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét