Ngày 12/8, truyền thông Anh tiết lộ, một chuyên gia kinh tế Trung Quốc có quan hệ thân thiết với lãnh đạo cấp cao ở Bắc Kinh cho biết: Hành động của Tổng thống Mỹ Trump đã khiến giới lãnh đạo Trung Quốc kinh hoảng.
Kể từ khi nổ ra cuộc chiến tranh thương mại Trung – Mỹ, nhà cầm quyền đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) rơi vào tình cảnh khốn khó cả về đối nội và đối ngoại. Có thông tin rằng kỳ nghỉ Bắc Đới Hà đã kết thúc và cuộc chiến tranh thương mại Trung – Mỹ là chủ đề chính của Hội nghị Bắc Đới Hà.
Lãnh đạo cấp cao của Bắc Kinh đều bị sốc vì Trump
Ngày 12/8, Thời báo Tài chính Anh (Financial Times) đưa tin, trong cuộc họp Bắc Đới Hà, Trump là trọng tâm của các cuộc thảo luận cấp cao. Các quan chức ĐCSTQ hy vọng rằng cuộc chiến thương mại mà họ không mong muốn này sẽ sớm dừng lại, ít nhất là trong mùa hè này. Thông tin dẫn lời một chuyên gia kinh tế Trung Quốc có quan hệ thân thiết với lãnh đạo cấp cao ở Bắc Kinh cho biết: “Tất cả lãnh đạo cấp cao của Bắc Kinh đều bị sốc trước những hành động của Tổng thống Mỹ Trump. Đa số quan chức Trung Quốc nghĩ rằng Trump chỉ đang cố gắng gây áp lực một cách giới hạn, cuối cùng rồi sẽ phải nhượng bộ”. Nhưng thực tế ngược lại, ông Trump vẫn tiếp tục gia tăng áp lực đối với ông Tập Cận Bình.
Cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ chính thức khai màn ngày 6/7, ban đầu hai bên đã áp thuế lẫn nhau vào giá trị hàng hóa 34 tỷ USD. Sau đó Mỹ lại tuyên bố tăng thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD. Sau 3 ngày im lặng, Bắc Kinh đã đưa ra một danh sách trả thù đối với hàng hóa Mỹ trị giá 60 tỷ USD.
Tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 19/7, khi được phóng viên hãng tin AFP của Pháp hỏi Trung Quốc làm thế nào để đối phó với 200 tỷ USD thuế quan mà Mỹ bổ sung vào hàng hóa Trung Quốc, phát ngôn viên Cao Phong của Bộ Thương mại Trung Quốc lặp đi lặp lại rằng “Trung Quốc sẽ không bỏ qua, chắc chắn sẽ đưa ra các biện pháp đáp trả cần thiết”, tuy nhiên biện pháp đáp trả cụ thể là như thế nào thì không thấy Cao Phong nhắc đến.
Kể từ khi chiến tranh thương mại nổ ra, Trung Quốc liên tục chịu thất bại khiến cả thị trường chứng khoán và tiền tệ đều suy sụp, đầu tư nước ngoài tháo chạy, nguồn vốn trong nước cũng lặng lẽ chạy ra nước ngoài “lánh nạn”… Đồng thời, cơ sở hạ tầng kết nối tại 65 quốc gia trong sáng kiến “Một vành đai Một con đường” của Trung Quốc đã bị các nước tham gia nghi ngờ và phản đối.
Công chúng chỉ trích sai lầm của “giới tinh hoa”
Thời điểm chiến tranh thương mại Trung – Mỹ nổ ra, những luận điệu chung trong công tác tuyên truyền của ĐCSTQ là “bên sai lầm là Mỹ, bên đúng đắn là Trung Quốc”. Thời gian gần đây, công chúng Trung Quốc đã châm biếm cách tuyên truyền trước sau mâu thuẫn của ĐCSTQ khi mới trước đó không lâu tràn ngập những bài viết giọng điệu “tự hào quá tổ quốc ơi” thì giờ đây nhanh chóng chuyển làn điệu chủ đề thành “khoảng cách giữa nước ta và các nước phát triển còn vài thập niên”.
Chuyện giáo sư Đại học Thanh Hoa Hồ An Cương (Hu Angang) khoe khoang sức mạnh của Trung Quốc đã vượt qua Mỹ bị công chúng chỉ trích nặng nề, bị cáo buộc lừa dối trung ương vì thế đã nổ ra chiến dịch “chống Hồ” với hàng ngàn cựu sinh viên Đại học Thanh Hoa cùng nhau ký chung kiến nghị yêu cầu chỉnh đốn ông Hồ An Cương. Kiến nghị nêu ra cái gọi là báo cáo của Hồ An Cương với tựa đề “Sức mạnh toàn diện của Trung Quốc vượt qua Mỹ” là một trong những nguyên nhân khiến “chính sách quốc gia bị sai lầm, gây ảo tưởng cho người dân”.
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý là người phụ trách ý thức hệ Cộng sản là ông Vương Hộ Ninh cũng bị chỉ trích vì quá ca tụng thổi phồng người lãnh đạo, là người phải chịu trách nhiệm cao nhất trong xu thế tuyên truyền khoe khoang hống hách và tệ nạn sùng bái cá nhân. Đối với cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ, ông Vương Hộ Ninh cũng đã bị một số học giả cấp cao trong nội bộ Đảng chỉ trích vì sử dụng quá đà “lập trường chủ nghĩa dân tộc”.
Việc ông Vương Hộ Ninh thất bại cũng đã được thể hiện qua nhiều hiện tượng: Từ khi khởi đầu cuộc chiến thương mại vào đầu tháng 7 cho đến cuộc họp Bắc Đới Hà vào tháng 8/2018, cơ hội xuất hiện của Vương Hộ Ninh giảm đáng kể, gần như “biến mất”; trong khi trước đó, kể từ sau Đại hội 19, ông Vương Hộ Ninh vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị đã thường xuyên xuất hiện trước công chúng, nhiều nhận định chỉ ra số lần chỉ xếp sau ông Tập Cận Bình.
Có phân tích cho rằng chế độ của ĐCSTQ đã tạo ra những người như Vương Hộ Ninh và Hồ An Cương, vì chế độ phải sử dụng những người kiểu này nhằm mục đích tuyên truyền bảo vệ chế độ.
Nhà bình luận Tạ Điền (Xie Tian) tại Hồng Kông trích dẫn nguồn tin từ Bắc Kinh cho biết, trên thực tế cuộc họp bí mật tại Bắc Đới Hà của ĐCSTQ không tập trung vào việc làm thế nào để đối phó với cuộc chiến thương mại với Mỹ, mà là thảo luận về cách để trở lại xây dựng nền kinh tế kế hoạch nhằm bảo vệ chế độ cộng sản, duy trì quyền lực của ĐCSTQ.
Ông Tạ Điền nhấn mạnh ĐCSTQ đã tính toán sai lầm, vì hiện nay người dân đã thức tỉnh, làn sóng chống cộng sản và chống đàn áp đang ngày càng mạnh hơn, ví dụ như sự kiện 37 triệu tài xế xe tải đình công, 57 triệu cựu chiến binh công khai phản đối nhưng ĐCSTQ không dám đàn áp. Bởi vì những cựu chiến binh cũng từng là lãnh đạo, đồng nghiệp hoặc bạn bè của những người lính hiện nay, họ rất hiểu cách dụng binh nên ĐCSTQ không dám ra tay đàn áp. Nếu ĐCSTQ bế quan tỏa cảng thì người dân khó mà chấp nhận, họ sẽ nổi dậy lật đổ chế độ cộng sản.
Theo Trithucvn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét