Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2018

Nhiều dự án vay vốn ODA không có khả năng trả nợ

06:21' 10/08/2018 (GMT+7)
   |  


(VnMedia) - Báo cáo giám sát của Quốc hội về sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011- 2016 cho thấy, giải ngân vốn ODA vượt dự toán tới 126.267 tỷ đồng. Có những dự án không có khả năng trả nợ, đứng trước nguy cơ mất vốn, gây hậu quả nghiêm trọng cho ngân sách nhà nước; một số dự án không có khả năng thanh toán, phải chuyển nợ quá hạn.
Chiều 9/8, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016.

Phùng Đức Hải
Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Theo Báo cáo, giai đoạn 2011-2016, đã có 319 Hiệp định được ký kết với tổng giá trị đạt khoảng đạt 33,643 tỷ USD, cao hơn 59% so với mức của thời kỳ 2006 - 2010.

Trong đó, ODA vốn vay và vốn vay ưu đãi đạt 32,296 tỷ USD, chiếm khoảng 96% và ODA viện trợ không hoàn lại đạt 1,346 tỷ USD chiếm khoảng 4% so với tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã ký kết cho thời kỳ này.
Trong số vốn vay đã đàm phán, ký kết, phần sử dụng để cấp phát cho các chương trình, dự án đầu tư không có khả năng hoàn vốn thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước khoảng 21,5 tỷ USD, chiếm 65% tổng trị giá ký kết; Cho vay lại khoảng 11,8 tỷ USD, chiếm 35% giá trị ký kết.
Bình quân trong giai đoạn 2011-2016, vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài chiếm 37,6% tổng chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước.
Theo báo cáo, nguồn lực đối ứng chủ yếu dành cho các công trình giao thông (31.146 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn đối ứng.
Về dư nợ, báo cáo cho biết, đến 31/12/2016, nợ nước ngoài của quốc gia là 44,3%GDP, trong giới hạn cho phép (không quá 50% GDP theo Nghị quyết của Quốc hội.)
Trong giai đoạn 2011 - 2016, tổng giải ngân cả giai đoạn khoảng 28 tỉ USD (tương đương khoảng 560 nghìn tỉ VND), trong đó, giải ngân nguồn vốn vay ODA 23,2 tỉ USD (chiếm 82,3%), vốn vay ưu đãi là 3,2 tỉ USD (chiếm 11%), vay thương mại là 1,7 tỉ USD (chiếm khoảng 6%) tổng trị giá giải ngân.
Cũng theo báo cáo này, việc trả nợ các khoản vay nước ngoài của Chính phủ về cơ bản được thực hiện chặt chẽ, đúng hạn, bao gồm cả nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ và nghĩa vụ nợ cho vay lại, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn ảnh hưởng tới cam kết, góp phần giúp Chính phủ từng bước cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia.
Nhiều dự án không có khả năng trả nợ
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế.
Theo đó, chất lượng chuẩn bị một số dự án chưa đáp ứng yêu cầu, gây lãng phí, hiệu quả thấp, có những dự án chuẩn bị và thực hiện trong nước kéo dài dẫn đến không còn tính cấp thiết và làm cho thiết kế ban đầu không còn phù hợp.
Đặc biệt, có những dự án trả nợ chậm tiến độ, có những dự án không có khả năng trả nợ, đứng trước nguy cơ mất vốn, gây hậu quả nghiêm trọng cho ngân sách nhà nước; Một số dự án phải ứng vốn từ Quỹ tích lũy trả nợ để trả nợ, trong đó có một số dự án không có khả năng thanh toán, phải chuyển nợ quá hạn.
Báo cáo nêu rõ, từ năm 2015 trở về trước, vốn ODA được giải ngân theo tiến độ thực hiện dự án thì kết quả giải ngân luôn lớn hơn nhiều so với dự toán được Quốc hội thông qua, có những dự án giải ngân gấp nhiều lần kế hoạch vốn .
Cụ thể, dự án quản lý thiên tai (WB5) kế hoạch bố trí 13,6 tỉ đồng, nhưng thực tế giải ngân tới 113,096 tỉ đồng (gấp hơn 8 lần); dự án Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ tỉnh Quảng Trị (JICA) kế hoạch vốn bố trí 57 tỉ đồng trong khi giải ngân là 116,278 tỉ đồng (gấp 2 lần).
Báo cáo cũng chỉ ra, việc giao kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài chỉ mang tính hình thức, dẫn đến giải ngân thực tế vượt dự toán lớn, làm tăng bội chi ngân sách so với số dự toán đã được Quốc hội quyết định.
Theo đó, năm 2011 giải ngân vốn ODA vượt dự toán 5.775 tỉ đồng, năm 2012 vượt 17.143 tỉ đồng, năm 2013 vượt 29.422 tỉ đồng, năm 2014 vượt 26.169 tỉ đồng, năm 2015 vượt 30.725 tỉ đồng, năm 2016 vượt 17.033 tỉ đồng. Như vậy, giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2016, giải ngân vốn ODA vượt dự toán tới 126.267 tỷ đồng.
Về nguyên nhân của các tồn tại, báo cáo đặc biệt nhấn mạnh nhận thức về ý nghĩa của nguồn lực ODA và vay ưu đãi trong một số cán bộ còn hạn chế, còn quan niệm nguồn vốn tài trợ ODA là “cho không”.
Bên cạnh đó, việc Chính phủ đi vay và cấp phát cho các địa phương, địa phương không phải chịu áp lực trả nợ, trả lãi, vì vậy, chưa thực sự chú trọng đến trách nhiệm phải quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.
Huy động vốn vay phải gắn với kế hoạch trả nợ
Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Giai đoạn tiếp theo (2021-2025) Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, theo đó, nguồn vốn ODA giảm dần (tốt nghiệp IDA năm 2017, tốt nghiệp ADF từ năm 2019), xu hướng phải tiếp cận với các nguồn vốn vay với chi phí cao hơn, trong khi nợ công, nợ Chính phủ tăng cao, sức ép trả nợ các khoản vay cũ tăng dần.
Do vậy, đoàn Giám sát của Quốc hội kiến nghị tiếp tục quán triệt và thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng về huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài gắn với định hướng tái cơ cấu nền kinh tế, cơ cấu lại đầu tư công. Thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính theo quy định của Hiến pháp, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật liên quan.
Huy động vốn vay phải được kế hoạch hóa, gắn kết đồng bộ với Kế hoạch đầu tư công trung hạn, Kế hoạch vay, trả nợ quốc gia phải bảo đảm khả năng trả nợ, trong giới hạn các chỉ tiêu an toàn về nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
Đối với nguồn ODA viện trợ không hoàn lại, cần ưu tiên hỗ trợ giảm nghèo bền vững, các lĩnh vực xã hội (y tế, giáo dục,…), phát triển thể chế và nguồn nhân lực, khoa học, kỹ thuật, chuyển giao kiến thức và công nghệ… Đối với vốn vay ODA: Cần tập trung cho những dự án có quy mô lớn, mang tính lan tỏa cao, có tính chất liên vùng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng, miền, bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp quy hoạch, phát huy tối đa hiệu quả dự án để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã được Quốc hội quyết định.
Đối với vốn vay ưu đãi tập trung lựa chọn các dự án có khả năng thu hồi vốn đã trả nợ trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Cần thực hiện nghiêm quy định không vay để chi thường xuyên. Các dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài cần tính toán, cân nhắc, so sánh hiệu quả, chi phí so với vay trong nước, tránh lệ thuộc vào các nhà đầu tư nước ngoài; đồng thời, phải được đánh giá kỹ về hiệu quả kinh tế - xã hội và tác động đối với nợ công.
Xuân Hưng

Không có nhận xét nào: