Có
thể nói, từ đầu thế kỷ thứ hai mươi cho đến nay, Chế Lan Viên được
đánh giá là một nhà thơ lớn tài năng. Và khi nghiên cứu, ta có thể
thấy, thơ văn cũng như con người ông có nhiều mâu thuẫn, phức tạp, đa
diện nhất trong dòng văn học sử Việt Nam từ trước đến nay. Có lẽ,
xuất phát từ mâu thuẫn nội tâm ấy, ông luôn làm người đọc phải kinh
ngạc, và không chỉ đưa đến nhiều điều thú vị, mà còn cả những điều
nhạt nhẽo, khó chịu khác. Ở cái tuổi mười bảy, Chế Lan Viên rất
đĩnh đạc, bất ngờ đóng thẳng vào chân móng của trào lưu thơ mới,
bằng thi tập Điêu Tàn rắn chắc và già dặn. Ngay từ tập thơ đầu này,
ta có thể thấy, thi pháp cũng như tư tưởng Chế Lan Viên bộc lộ một
cách rõ ràng, mạch lạc và tính cách khác lạ. Và cùng một thời
điểm xuất phát ấy, nếu Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương…đang
chờn vờn mây trời, sông nước, với nỗi đau tình ái, thì tiếng thơ Chế
Lan Viên bi ai, quằn quại với thân phận, nỗi đau của con người, của dân
tộc. Sau 1945, tuy tài năng, vốn sống được nâng lên và dày dặn hơn,
nhưng thi pháp, tư tưởng, ngòi bút của ông bẻ ngoặt theo một chiều
hướng đã định. Để rồi, khi trở về với đất, ông phải mang theo một
nỗi u hoài, với những lời thán ca muộn màng, tiếc nuối.
Chế Lan Viên tên thật Phan Ngọc Hoan sinh năm 1920 tại Quảng Trị, theo học
và chỉ đỗ bậc Thành chung (cấp 2) ở Qui Nhơn. Và suốt dọc tuổi thơ
Chế Lan Viên gắn liền với mảnh đất nơi đây. Ở đó, cũng cho ông nguồn
cảm hứng cùng với Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Bích Khê lập ra
nhóm Trường Thơ Loạn. Năm 1945, ông tham gia kháng chiến, và sau hiệp
định Geneve 1954 tập kết ra Bắc. Từ đó, Chế Lan Viên làm văn nghệ, và
tuyên huấn tư tưởng. Ông mất năm 1989 tại Sài Gòn.