Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

Về một cuốn sách của Lê Nin

Bởi
 AdminTD
 -

Nguyễn Phương Văn
30-10-2018
Không phải bỗng dưng chủ nghĩa Marx trở thành học thuyết chính thống của cách mạng vô sản, nó cần một ai đó sử dụng nó để hành động. Con người hành động ấy, cũng không chỉ đơn giản là đi phát động một cuộc cách mạng. Ông ấy còn phải biết lý luận. Lý luận ấy phải viết thành sách. Tên nhà cách mạng ấy là Lenin, còn tên cuốn sách trong tiếng Việt là “Chủ nghĩa duy vật và Chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán”. Bản tiếng Anh có tên “Materialism and Empirio-criticism. Critical Comments on a Reactionary Philosophy“. Ai quan tâm có thể đọc ở đây.
Cuốn sách này được coi là tác phẩm lý luận quan trọng nhất với cách mạng vô sản toàn thế giới. Chưa kể nó là hạt giống đầu tiên để đưa “tính đảng” vào trong nghiên cứu khoa học. Không chỉ khoa học xã hội, mà cả khoa học tự nhiên. Nghiên cứu vật lý lý thuyết, hay làm bom nguyên tử cũng phải có tính đảng. Đó là nhờ siêu phẩm này của Lê Nin.

Nếu chịu khó đọc tiểu luận (rất ngắn) này, hoặc nhìn vào tên tiếng Anh của nó, ta cũng có thể đoán thêm được các khái niệm quen thuộc ở Việt Nam như “phản động”, “suy thoái tư tưởng”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có nguồn gốc từ trước tác này của Lê Nin.
***
Lenin sinh năm 1870, lớn hơn Einstein (sinh năm 1879) chín tuổi. Lúc sinh ra ông chưa phải là Lenin đâu, thế mới tài, bởi khi lớn rồi ông mới tự chọn nick Lenin cho mình để làm cách mạng.
Năm Lenin 16 tuổi thì bố chết. Năm 17 tuổi thì anh ruột bị Nga Hoàng tử hình. Ông nói: từ nay ta sẽ đi theo con đường khác. Con đường khác đó là con đường mà chủ nghĩa Marx chỉ ra, còn cậu bé tuổi teen Lenin, lúc đó vẫn chưa phải là Lenin,  là người nhiệt tình học hỏi rồi tham gia phổ biến vào nước Nga suốt một thời gian dài cho đến năm 27 tuổi mới thôi. Lý do là năm đó ông bị Nga Hoàng bắt bỏ tù. Tội của ông là dám làm một nhà hoạt động Marxist quá nổi bật.
Ra tù năm 1900, khoảng 30 tuổi, Lenin ra nước ngoài sống lưu vong và tham gia đảng Lao Động Dân chủ Xã Hôi Nga. Ở đây, do đường lối cực tả (radical) của mình, chẳng may ông làm cho Đảng này bị chia rẽ. Phe của Lenin đông hơn. Với vài chiêu thức toán xác suất căn bản, ông đề xuất phương pháp “đa số cai trị thiểu số, thiểu số phục tùng đa số”. Phương pháp bỏ phiếu này ở VN có tên gọi “tập trung dân chủ”.  Đa số, tiếng Nga là bol’sheviki, trong tiếng Việt là Bôn Sê Vích. Nay còn gọi tắt là Bôn, với ý nghĩa khác.
Đến giai đoạn 1907-1908, trong phái Bolshevik ở hải ngoại thế quái nào lai nảy nòi ra một nhà lãnh đạo nổi bật, lấn án cả Lenin. Tên ông ta là Bogdanov. Ông ta cũng theo chủ nghĩa Marx, tất nhiên rồi. Vậy nên Lenin ghét lắm, và chụp cho luôn rằng ông này rằng đã là một tay Mác Xít mà lại dám suy thoái tư tưởng, tự diễn biến, và trở thành một tên phản động, duy tâm, tiểu tư sản. Lenin không phê phán bằng mồm. Ông viết hẳn một cuốn sách nhỏ để làm việc này. Đây chính là cuốn sách mà ta đã nói ở trên. Cuốn này về thể loại thì tiếng Anh gọi là “pamphlet”, còn bản tiếng Việt họ gọi là “Bút ký triết học của Lenin”, hoặc “Bút chiến của Lenin”.
***
Để viết cuốn sách này, vốn thông minh, thạo nhiều ngoại ngữ, Lenin bỏ ra khoảng 9 tháng sống ở Zurich và London, suốt ngày ở trong thư viện, vừa đọc vừa viết. Tài liệu tham khảo để viết cuốn này, như được liệt ra trong sách, lên tới 200 tác phẩm. Trong đó ngoài triết học và thần học, còn có nhiều công trình vật lý khá là cập nhật, như tác phẩm kinh điển về nguyên lý tương đối năm 1904 của Henri Poincaré, thậm chí có cả công bố khoa học năm 1908.
Lenin tuồn bản thảo vào Nga, đến tận tháng 4 năm 1909 ông vẫn còn sửa chữa bản thảo, một phần là để cho bớt gay gắt nhằm tránh kiểm duyệt của Nga Hoàng. Cuốn sách được in 1909 và nay đã thành kinh điển của cách mạng vô sản toàn thế giới.
***
Nếu đọc bản tiếng Việt của cuốn sách này ta sẽ thấy Lenin gay gắt tấn công chủ nghĩa Ma-khơ và những người theo chủ nghĩa Ma-khơ . Tư tưởng của chủ nghĩa Ma-khơ là phản động về mặt khoa học. Các đảng viên đảng Bôn-sê-vích đã theo chủ nghĩa Marx mà dám xét lại chủ nghĩa này do ảnh hưởng của tư tưởng Ma-khơ là bọn tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Ma-khơ, là phiên âm từ tiếng Nga qua tiếng Việt của một nhà vật lý và cũng là triết gia tên là Ernst Mach. Lúc Lenin viết cuốn sách này thì Mach khoảng 70 tuổi. Khi ta nói vận tốc Mach 1, hay Mach 2, chính là tốc độ tương đối so với âm thanh, được đặt theo tên của nhà vật lý này.
Tư tưởng của Mach không hiểu vì sao ảnh hưởng rất mạnh đến các nhà Marxist người Nga, trong đó có Bogdanov, người mà Lenin cứ bảo là đảng viên Bolshevik mà lại tự diễn biến. Trong “bút ký triết học” của mình, ông gọi những người tự chuyển hóa theo Mach là Russian Machian, còn cái tư tưởng thoái hóa kia là Machism.
Vậy Machism mà Lenin phê phán là gì. Ta có thể tìm hiểu chủ nghĩa (tư tưởng) này qua cách gọi của Einstein. Einstein gọi tư tưởng ấy là nguyên lý của Mach (Mach’s Principle). Einstein cũng nói nguyên lý Mach là một trong ba nguyên lý nền tảng củaThuyết tương đối tổng quát. Tư tưởng ấy đi ngược lại thế giới quan vật lý tuyệt đối của Newton, và cho rằng (không gian và thời gian) là tương đối. Và tất nhiên Lenin, người thích lãnh đạo một đảng của những người Bolshevik cực tả, sẽ ưa thích sự chuyên chính (tuyệt đối) hơn tư tưởng “tương đối” của Bogdanov. Ông gọi chủ nghĩa Marx mà Bogdanov đi theo là “xét lại” và là “duy tâm vật lý” (hàm ý chủ nghĩa duy vật mới thực sự là vật lý, tức là khoa học tự nhiên đúng nghĩa).
Đế chống lại Mach’s principle, một nguyên lý sau này trở thành trụ cột của Thuyết tương đối, Lenin cho một lô một lốc các nhà khoa học lừng danh đương thời, bao gồm cả Henri Poincaré vào một ruộc rồi tha hồ chỉ trích là duy tâm, duy linh (tức là phản khoa học tự nhiên).
Ông không làm vậy một cách thô sơ, mà rất có lý luận. Trong Phần 3 của tập bút ký triết học, ông dành hẳn Chương 5 để viết về đề tài vật lý (và cũng là triết học) rất nổi trội lúc bấy giờ: Không gian và Thời gian.
Ông dành hẳn ra một phần (Phần 5) để nói về cuộc Cách mạng của khoa học tự nhiên (và sau này nó được đồng nhất với Cách mạng vô sản). Chương đầu tiên của phần này nói về Cuộc khủng hoảng trong vật lý hiện đại. Đây là đề tài thời thượng kéo dài mấy chục năm cuối thế kỷ 19 và vắt sang đầu thế kỷ 20. Ông bắt đầu bằng việc nhắc đến một tác phẩm rất mới và rất nóng sốt lúc bấy giờ, là cuốn Valeur de la science của PoincaréTrong cuốn sách này, có in bài thuyết trình năm 1904 của Poincaré: Các nguyên lý của vật lý toán hay là Cuộc khủng hoảng của Vật lý toán. 
Cuộc khủng hoảng này, như ta biết, liên quan chủ yếu đến vấn đề nghiệm của phương trình Maxwell mâu thuẫn với Newton, và phân tử/nguyên tử có tồn tại hay không. Cuộc khủng hoảng vật lý này đã tạo sinh ra Thuyết tương đối hẹp của Einstein; và cũng nhờ khủng hoảng này mà Einstein có công trình về photon ánh sáng, qua đó đặt nền móng cho Thuyết lượng tử.
Cả hai công trình này Einstein cùng công bố trong năm 1905. Chưa hết, cuộc khủng hoảng này và tư tưởng của Mach còn giúp Einstein năm 1907 phát minh ra nguyên lý tương đương, một nguyên lý cực kỳ quan trọng của vật lý.  Vậy mà khi viết cuốn “bút chiến” này vào năm 1908 Lenin lại không nhắc một lời đến Einstein và Thuyết tương đối. Chắc chắn Lenin biết đến Einstein và Thuyết tương đối hẹp, bởi ông phê phán những tên tuổi có đóng góp rất nhiều vào thuyết này. Một người là Mach, còn người kia là Poincaré. (Chưa kể Lenin còn nhắc đến nhiều nhà vật lý khác có liên quan, ví dụ nhà vật lý Poynting, vector Poynting được sử dụng nhiều trong Thuyết tương đối tổng quát).
Và quan trọng hơn cả, một trong các luận điểm của Lenin đó là chủ nghĩa duy vật biện chứng chắc chắn là phải đúng hơn các chủ nghĩa duy tâm, duy linh, duy ý thức. Đó là vì vật chất khách quan (là cái mà theo ông phải thực sự hiện hữu, phải tận tay nắm bắt được) sẽ không thể chuyển hóa thành năng lượng (không có dạng hình thức vật lý để hiện hữu, để nắm bắt được, ví dụ như ánh sáng). “Quan điểm” mà Lenin phê phán này, chính là Thuyết tương đối hẹp. Là tín đồ của Marx, Lenin tin vào vật chất quyết định ý thức, và không thể chấp nhận vật chất và ý thức có thể chuyển hóa xuôi ngược thoải mái thông qua phương trình ngắn tũn của Einstein: E=mc2.
Như vậy, xét theo một nghĩa nào đấy, cuốn bút ký triết học, đỉnh cao về lý luận của Lê Nin, một tác phẩm đề cao tuyệt đối chủ nghĩa duy vật của Marx và coi mọi lý thuyết khác nó, bao gồm cả các lý thuyết vật lý quan trọng nhất, là sai lầm, hóa ra lại sai lầm ngay từ khi nó được viết ra. Bởi lý thuyết và tư tưởng mà tập bút ký phê phán, còn ra đời trước cuốn sách mấy năm, và chẳng bao lâu sau sẽ được chứng minh là tuyệt đối đúng. Những kẻ tự diễn biến, tự chuyển hóa, tự suy thoái cuối cùng thành ra lại tin vào chính chân lý, một chân lý ra đời còn trước những lý luận mà vì nó họ bị tiêu diệt.
Cái quan trọng hơn nữa, có thể chính Lenin cũng biết cái mình viết ra là sai từ gốc. Người ta không bao giờ tìm thấy bản thảo gốc của cuốn sách. Ngay cả khi nếu ông chưa biết mình sai vào vào quãng thời gian 1908-1909, thì ông cũng phải biết mình sai những năm sau này. Năm 1916 Einstein chính thức công bố Thuyết tương đối tổng quát, năm 1917 Lenin về Nga và Cách mạng Nga thành công, năm 1921 Einstein được giải Nobel, năm 1924 Lenin qua đời.
Tác dụng của cuốn Bút ký triết học Lenin còn kéo dài nhiều năm sau khi Lenin qua đời.
***
Tư tưởng và lý thuyết cực kỳ cách mạng của Einstein được đón nhận khắp nơi.Thuyết tương đối hẹp được du nhập vào Nhật năm 1909. Quãng năm 1922 Einstein đến Nhật diễn thuyết, kéo theo làn sóng các nhà vật lý hàng đầu, bao gồm các nhân vật cha đẻ của thuyết lượng tử như Heisenberg, Dirac, Bohr cũng đến Nhật. Nước Nhật trở thành cường quốc khoa học.
Thông qua Nhật, tư tưởng của Einstein được giới thiệu vào Trung Hoa, và có tác động lớn đến trí thức nước này. Các trí thức đã dũng cảm đứng lên đả phá tư tưởng nho học nô dịch dân tộc họ hàng ngàn năm. Trong số các trí thức đó có Lỗ Tấn. Làn sóng đổi mới tư duy này đã dẫn đến cách mạng 1919 ở Trung Quốc, xóa bỏ phong kiến.
Còn ở Nga, sau khi Lenin qua đời, đến thời Stalin thì tư tưởng của Einstein được coi là “duy tâm”, là phản động. Thuyết tương đối và Cơ lượng tử thất thế hoàn toàn trong giới khoa học Xô Viết . Năm 1934, nhà vật lý Xô Viết Garmow phải đào thoát qua Mỹ (sau nhiều lần trốn chạy bất thành). Garmow là nhà vật lý nguyên tử và lượng tử, tác giả của hiệu ứng đường hầm lượng tử. Năm 1938, nhà vật lý Landau bị Stalin bỏ tù, sau đó được đồng nghiệp viết thư xin Stalin thả ra. Năm 1962 Landau được Nobel vật lý. Cũng năm 1938, Matvei Bronstein, lúc này mới 32 tuổi đã bị Stalin bắt và xử bắn lập tức vì tội phản động thoái hóa tư tưởng. Chết oan khi còn rất trẻ nhưng Bronstein đã kịp để lại công trình mà sau này thành nền tảng củaQuantum Gravity. Tên của anh được các nhà vật lý thuộc lĩnh vực đang rất hot hiện nay là Loop Quantum Gravity đặt cho một giải thưởng khoa học của họ.
Ở Trung Quốc, trong Cách mạng văn hóa, do ảnh hưởng từ Liên Xô, Einstein cũng bị đem ra đấu tố. Mãi cho đến thời Bốn hiện đại hóa của Đặng, Einsntein và Thuyết tương đối mới quay trở về Trung Quốc.
***
Nghiệm của phương trình Maxwell cho ta biết vận tốc sóng điện từ. Cuối thế kỷ 19, người ta quen với thế giới của Newton, đó là nói đến vận tốc thì phải là vận tốc so với cái gì. Nghiệm Maxwell cho thấy sóng điện từ (hồi đó các nhà vật lý còn chưa biết ánh sáng cũng là sóng điện từ) có vận tốc chẳng so với cái gì cả. So với người đứng yên, vận tốc ánh sáng là c (vận tốc ánh sáng ký hiệu là c). So với người chạy ngược chiều với tia sáng, dù người này chạy nhanh đến mấy, vận tốc ánh sáng mà người này đón nhận, cũng vẫn là c. Hoặc nếu một người đuổi theo tia sáng, dù chạy nhanh đến mấy, thì tia sáng cũng rời xa anh ta với vận tốc là c. (Einstein đã làm thí nghiệm như vậy ở trong đầu mình và nhờ đó giải quyết được “cơn khủng hoảng của vật lý hiện đại” ).
Năm 1895 thì Hendrik Lorentz công bố phép biến đổi mà ngày nay mang tên ông (biến đổi Lorentz). Phép biến đổi này dùng để khảo sát xem, ví dụ không gian và thời gian, sẽ biến đổi thế nào khi người quan sát chuyển động. Công trình này được Einstein lúc này còn rất trẻ tìm đọc và phát triển theo tư duy “vật lý” của mình. Công trình này cũng được Henri Poincaré phát triển theo lối “toán học” cùng với chính Lorentz. Đến năm 1904 thì Poincaré có đề xuất một thuật ngữ là “nguyên lý tương đối”. Đến năm 1905 thì Einstein công bố Thuyết tương đối hẹp. Đây là lý do gây ra nhiều tranh cãi về việc Poincaré có đóng góp thế nào vào Thuyết tương đối hẹp. Hay là Einstein có thực sự là cha đẻ của Thuyết tương đối hẹp hay không. Poincaré đến chết (1912) vẫn có ý phủ nhận thuyết của Einstein Einstein thì né tránh nhắc đến Poincaré, mãi khi Einstein gần chết (1955) mới nói vài lời đánh giá cao đóng góp của Poincaré.
Cách đây chừng hơn chục năm, Poincaré cực kỳ nổi ở Việt Nam. Năm đó Giả thuyết Poincaré, một trong 7 bài toán thiên niên kỷ, được Perelman giải xong. Perelman được giải Fields nhờ vụ này. Còn Giả thuyết Poincaré cho đến nay vẫn là bài toán duy nhất trong số 7 bài được giải quyết.
Đến những năm 198x thì các cuộc tranh cãi ngã ngũ rằng chỉ mình Einstein là chủ nhân của thuyết tương đối tổng hẹp. (Nếu chỉ đọc phần toán, tức là chỉ đọc các phương trình trong các nghiên cứu của Lorentz/Poincaré và nghiên cứu của Einstein, quả thực giống nhau đến 9/10).
Nhưng gần đây, các nhà vật lý một mặt công nhận Einstein là cha đẻ thực sự của Thuyết tương đối hẹp, nhưng công nhận thêm nhà toán học Minkowski (cũng đồng thời là thầy giáo toán hồi đại học của Einstein) là người hoàn thiện thuyết này, trong đó có sử dụng đóng góp quan trọng của Poincaré năm 1904. Minkowski cũng là người đặt ra thuật ngữ spacetime (không thời gian) chứ không phải Einstein. Bởi vậy Không thời gian này còn được gọi là Không gian Minkowski. Lúc đầu Einstein coi thường công trình của thầy mình, ông bảo đó chỉ là mẹo toán học, rồi thì “từ khi các nhà toán học bước chân vào vật lý thì tôi chả hiểu gì nữa”. Nhưng sau đó, khác với Lenin, Einstein nhận ra cái sai của mình, và từ việc hiểu Minkowski, ông đi được đến Thuyết tương đối tổng quát.
Minskowski công bố công trình spacetime của mình năm 1908, và qua đời ngay sau đó khi mới hơn 40 tuổi. Năm 1908, tình cờ, là năm Lenin đang lăn vào viết cuốn bút chiến độc đáo của mình.
PS:
1. Bài viết này là để quảng bá cho cuốn sách này.
2. Các quan chức ngoài bắc kém nói lái. Nên phát biểu của họ hay mắc lỗi. Họ hay nói: Một là, hai là, ba là. Lẽ ra đến Bốn Là, họ phải nói là Tư Là. Nhưng họ vẫn cứ nói “bốn là”. Tương tự như thế, câu nói ông ấy Bôn lắm (ý là Bôn sê vích lắm), hay bị diễu là ông ấy (thế nào) mà Bôn Lành cho lắm. Hoặc gần đây có luật là sinh viên sư phạm “bốn lần” bán dâm thì bị đuổi học.
3. Thuyết tương đối hẹp rất là khó hiểu. Bạn có thể bỏ ra năm phút xem nó khó hiểu thế nào. Giả sử không gian chỉ có một chiều. Hệ tọa độ (descartes) sẽ chỉ có một trục, là một đường thẳng. Con kiến sống trong không gian này chỉ bò đi bò lại trên đường thẳng này mà thôi. Nếu không gian có thêm một chiều nữa, hệ tọa độ sẽ có thêm một trục nữa, là một đường thẳng vuông góc với trục kia. Lúc này ta có một mặt phẳng, như tờ giấy, con kiến tha hồ bò ngang dọc trên mặt phẳng ấy. Nếu không gian có thêm một chiều nữa, là ba chiều, thì trục tọa độ thứ ba sẽ vuông góc với cả hai trục con lại. Lúc này hệ tọa độ đại khái như cái góc tường nhà, ba trục vuông với nhau. Con kiến cần có thêm cánh như con ong, để bay khắp cái không gian ba chiều (là căn phòng ấy). Trong thuyết tương đối, chiều thứ 4 là thời gian được thêm vào, trục tọa độ  thời gian sẽ phải vuông góc (trực giao) với cả ba trục tọa độ kia. Bạn thử tưởng tượng bốn đường thẳng trực giao với nhau như vậy mà xem, rất khó đấy.
Bình Luận từ Facebook

Không có nhận xét nào: