Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2018

Phó thủ tướng: 'Nợ quốc gia tăng nhanh nhưng nợ Chính phủ giảm'

Một số khoản vay quốc tế của doanh nghiệp tư nhân khiến nợ quốc gia tăng nhưng theo ông Vương Đình Huệ, những khoản này Chính phủ không phải trả.

Tại phiên họp tổ ngày 24/10, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã dành thời gian để giải thích kỹ về lo ngại nợ quốc gia tăng nhanh của các đại biểu. 
Ông cho biết, nợ quốc gia tăng nhanh nhưng thực chất tỷ lệ nợ của Chính phủ lại đang giảm. Ông giải thích, cơ cấu nợ quốc gia gồm nợ Chính phủ và các thành phần kinh tế ngoài nhà nước. Như việc ThaiBev mua lại cổ phần Nhà nước ở Sabeco có giá trị khoảng 5 tỷ USD nhưng pháp nhân là doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam nên ngoài vốn chủ sở hữu, họ phải đi vay để huy động số tiền lớn để được chi phối ở Sabeco. Nợ này được tính vào nợ quốc gia nhưng Chính phủ không có nghĩa vụ phải trả.

Tương tự với trường hợp Vingroup vay nợ trên thị trường tài chính quốc tế để xây dựng hãng ôtô Vinfast. Các doanh nghiệp tư nhân phải trả khoản này. Khi bán được ôtô, họ sẽ có dòng tiền để trả và nợ này sẽ giảm.
"Việc này có rủi ro là tỷ giá và lãi suất USD có tăng lên nhưng Chính phủ đã lường trước để kiểm soát. Hiện nay, nợ Chính phủ giảm mạnh còn nợ của khối tư nhân thì tăng lên”, ông Vương Đình Huệ trấn an. 
Năm 2017, Chính phủ không bảo lãnh vay cho doanh nghiệp nào, năm 2018 bảo lãnh vay cho 2 dự án quan trọng của ngành điện, và năm 2019 hạn mức bảo lãnh "cũng rất thấp nhằm đảm bảo an toàn nợ công".
Trong khi đó, ông Hoàng Quang Hàm - Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc cơ cấu lại nợ đã có thành công khi giảm được khoản trả nợ trong ngắn hạn. Vay mới trả nợ cũ có ưu điểm là lãi suất thấp hơn giai đoạn trước, nhưng quy mô nợ rất lớn, và ngân sách Trung ương vẫn không có thặng dư để trả nợ nên có thể kéo dài nhiều năm nữa. 
“Từ nay đến 2021, mỗi năm ta có thể mất 400.000 tỷ để trả nợ lãi và gốc, tương đương với chi đầu tư của ta”, ông Hàm nói và nhất trí với chủ trương vay để phát triển. 
Chia sẻ điều này, ông Trần Hoàng Ngân lo lắng, khi nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia hiện đã 49,7% GDP và dự kiến năm 2019 là 49,9% GDP, sát trần cho phép. "Điều này đồng nghĩa khoản tiền trả nợ gốc hàng năm của Chính phủ tăng lên", ông lo ngại. 
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ với đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ở tổ. Ảnh: PV
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ với đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ở tổ.Ảnh: PV
Để tránh các khoản nợ vượt trần, ông Hoàng Quang Hàm kiến nghị, ngoài việc siết chặt quản lý nợ thì đầu tư từ các nguồn vay phải làm sao tạo được sự tăng trưởng, có tính liên kết vùng, tốt nhất là công trình có khả năng thu hồi vốn. "Chính phủ cũng cần nhìn lại việc cho vay lại và bảo lãnh vì hiện nay nợ quốc gia sắp chạm trần. Nếu vượt trần này, mức tín nhiệm của Việt Nam sẽ khác, các doanh nghiệp không trả được nợ sẽ ảnh hưởng đến uy tín quốc gia", ông nhấn mạnh.
Liên quan tới nợ công, ông Huệ thừa nhận, "nợ công tăng cao hơn GDP là chính xác", nhưng nhìn lại ba năm qua, Chính phủ đã nỗ lực để giảm mức tăng. Từ năm 2015 trở về trước, GDP bình quân tăng 6% nhưng nợ công tăng gấp 3 lần, mức 18%. Hiện nợ công vẫn tăng nhưng chỉ còn tăng khoảng 8% so với tăng GDP là 6,7%.
Về thu ngân sách, các đại biểu Quốc hội ghi nhận nỗ lực của Chính phủ khi tốc độ tăng thu ngân sách vượt tăng trưởng kinh tế. Nhưng theo ông Hoàng Quang Hàm, cơ cấu khoản thu chưa bền vững khi ba năm đều vượt thu nhờ đất, xổ số, tài nguyên còn ba khoản thu quan trọng từ doanh nghiệp Nhà nước, FDI và cổ phần hoá thì đều hụt. "Chúng ta thu đáp ứng nhu cầu chi nhưng nguồn thu không cân đối một cách bền vững”, ông Hàm nêu. Tỷ lệ thu ngân sách Trung ương cũng đang bị giảm so với giai đoạn trước. Điều này sẽ khiến khó làm những công trình quan trọng quốc gia. 
Với nội dung này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thừa nhận, thu ngân sách ba khu vực "động lực tăng trưởng" không đạt trong 3 năm qua "do việc đặt ra dự toán quá cao". Tuy nhiên, dự kiến cả năm thu ngân sách sẽ vượt 5% dự toán, thay vì chỉ 3% như chỉ tiêu ban đầu. 
Nhìn vào dự toán thu năm nay, 16 tỉnh, thành phố có ngân sách điều tiết về trung ương đều được giao tăng thu 18%. Riêng TP HCM và Hà Nội được trung ương giao thu cao hơn 24%, cao hơn nhiều mức tăng trưởng kinh tế.
Sang năm 2019, lãnh đạo Chính phủ nói, sẽ không giao cao như vậy nữa, bình quân 16 tỉnh thì chỉ giao thu ngân sách tăng trung bình 12%. Ngoài ra, Chính phủ sẽ trình tiếp với Quốc hội bố trí 5.600 tỷ đồng để bù hụt thu ngân sách trung ương và cấp 2.800 tỷ đồng để bù thiếu hụt cân đối ngân sách cho địa phương.
Với khoản giảm thu của doanh nghiệp Nhà nước, do số "ông lớn" này đã cổ phần hoá nên được xác định là thành phần kinh tế ngoài nhà nước dù vốn Nhà nước vẫn nắm chi phối. Năm 2019, Chính phủ sẽ kiến nghị Quốc hội chỉnh sửa khái niệm doanh nghiệp Nhà nước là doanh nghiệp có trên 50% vốn Nhà nước, thì số thu ngân sách từ khu vực này sẽ tăng lên. 
“Một mặt Chính phủ sẽ tính toán lại dự toán thu, mặt khác phải triển khai quyết liệt hơn chống thất thu, nhất là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh”, Phó thủ tướng chốt lại. 
Nguyễn Hoài

Không có nhận xét nào: