Từ thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng về những vi phạm của ông Chu Hảo:
Giữ gìn phẩm giá, uy tín của người trí thức chân chính
QĐND - Trí thức là những người đặc biệt trong xã hội. Tính đặc biệt thể hiện ở chỗ họ có tư duy, hiểu biết, kiến thức hơn người, có khả năng tìm ra những phát minh, sáng chế, sáng kiến góp phần thúc đẩy xã hội phát triển văn minh, tiến bộ và làm giàu của cải vật chất, văn hóa, tinh thần cho xã hội. Nói đến trí thức là nói đến phẩm chất lao động sáng tạo.
Không có tính sáng tạo thì khó có thể gọi là trí thức. Tuy nhiên, một trí thức chân chính, ngoài phẩm chất say mê lao động sáng tạo, thì còn phải có lòng tự trọng, đồng thời phải biết đồng hành, gắn bó thủy chung với cộng đồng, dân tộc, đất nước đã sinh ra, nuôi dưỡng mình lớn khôn, trưởng thành.
Thời gian qua, trong khi phần đông trí thức Việt Nam luôn phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình và có nhiều đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, thì vẫn còn một số trí thức có những hành vi làm tổn hại đến sự nghiệp chung, gây bất lợi cho ổn định chính trị và sự đồng thuận xã hội.
Đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp thứ 30 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: TTXVN |
Mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra thông báo về những sai phạm rất nghiêm trọng của một trí thức, đó là ông Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Giám đốc-Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri thức (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam). Theo thông tin của cơ quan chức năng cung cấp, từ năm 2005 đến 2018, với vai trò là Giám đốc-Tổng biên tập, ông Chu Hảo đã để Nhà xuất bản Tri thức xuất bản 29 cuốn sách có nội dung sai phạm; trao giải thưởng một số đầu sách có nội dung phức tạp, nhạy cảm. Là một đảng viên, nguyên là lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, nhưng từ năm 2011 đến nay, ông Chu Hảo đã tham gia ký tên, soạn thảo và trực tiếp soạn thảo 7 kiến nghị, thư ngỏ với nhiều nội dung chưa đúng, không phù hợp, trái với đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước, để các phần tử xấu lợi dụng, xuyên tạc sự thật, ảnh hưởng đến uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Không chỉ vậy, ông Chu Hảo đã “Vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, có những bài viết, phát ngôn có nội dung trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vi phạm, khuyết điểm này là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, tác động xấu tới tư tưởng xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật”-như thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra.
Nhiều ý kiến cho rằng, đáng ra ông Chu Hảo phải bị thi hành kỷ luật từ lâu, vì vi phạm của ông diễn ra trong thời gian dài. Mặc dù đã được các cơ quan cấp trên, cơ quan chức năng, tổ chức nghề nghiệp nhiều lần chân thành góp ý, nhắc nhở, nhưng ông vẫn không khắc phục khuyết điểm. Tuy nhiên, vì ông Chu Hảo từng đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo của một bộ, lại là một trí thức có ảnh hưởng nhất định trong đời sống xã hội, nên cơ quan chức năng và những người có trách nhiệm đã rất thận trọng trong xử lý, xem xét toàn diện ở mọi khía cạnh rồi mới thống nhất đề xuất cấp có thẩm quyền ra quyết định kỷ luật. Tất nhiên, phải quyết định kỷ luật đối với một trí thức là việc không ai mong muốn. Nhưng như người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta đã từng khẳng định: “Kỷ luật một vài người để cứu muôn người”.
Qua sự việc này, chúng ta mới thấy không phải cứ là trí thức thì sẽ được mọi người vị nể, trọng vọng. Tài năng đến mấy nhưng không mang tài năng ấy ra phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân, mà lại lợi dụng khả năng, vị thế công tác của mình để làm phương hại đến sự nghiệp chung, tác động xấu đến dư luận xã hội, niềm tin trong nhân dân, thì rất đáng phê phán. Không riêng ông Chu Hảo, thời gian qua, nhân danh “kẻ sĩ yêu nước”, “trí thức thương nòi”, một số tri thức, văn nghệ sĩ đã lợi dụng tên tuổi của mình, lợi dụng bầu không khí tự do sáng tạo, đã có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trong đó nổi lên các biểu hiện như: Phản bác, phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện “đa nguyên, đa đảng”, thể chế “tam quyền phân lập”, phát triển “xã hội dân sự”; nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, văn học-nghệ thuật; cổ xúy cho quan điểm, tư tưởng dân chủ cực đoan; thổi phồng mặt trái của xã hội; sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng…
Trí thức trước hết là một công dân, nên phải có ý thức, bổn phận, nghĩa vụ, trách nhiệm đối với xã hội như bao công dân khác. Trong xã hội pháp quyền lại càng đòi hỏi mọi công dân có ý thức sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đối với trí thức là đảng viên thì còn phải chấp hành điều lệ, kỷ luật Đảng. Không những vậy, người trí thức-đảng viên chân chính còn phải tham gia xây dựng, giữ gìn và làm lan tỏa ảnh hưởng vị thế, uy tín, danh dự của Đảng trong xã hội, góp phần làm cho hình ảnh của Đảng ăn sâu vào tình cảm, niềm tin trong nhân dân.
Là người lao động trí óc, có trình độ học vấn, chuyên môn cao, có năng lực tư duy độc lập và sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy tiến bộ xã hội phát triển. Bất cứ một quốc gia nào muốn phồn vinh, hưng thịnh thì cũng phải đề cao vị thế, vai trò và biết khơi nguồn tiềm năng to lớn, sức mạnh dồi dào của đội ngũ trí thức. Nhận thức rõ vấn đề đó, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có quan điểm nhất quán là “Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước. Ðầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”. Một mặt, Đảng ta khẳng định, thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của trí thức vì những mục tiêu tốt đẹp của đất nước, xã hội; mặt khác cũng mong muốn đội ngũ trí thức có bổn phận trước Tổ quốc và dân tộc, không ngừng phấn đấu nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn, đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Bầu không khí tự do vừa là bệ đỡ, vừa là động lực nuôi nguồn cảm hứng và thúc đẩy tài năng sáng tạo cho trí thức. Nhưng cần hiểu tự do ở đây không phải là tự do vô giới hạn, mà là tự do có giới hạn và giới hạn đó không gì khác chính là ranh giới cần thiết để phòng ngừa những lệch lạc có thể làm tổn hại đến thanh danh, uy tín của trí thức và tác động không thuận đến sự ổn định, phát triển lành mạnh của xã hội, đất nước. Nói như một nhà văn, đối với trí thức và văn nghệ sĩ chân chính, không có tự do nào tuyệt đối bằng tự do tuyệt đối phụng sự Tổ quốc, phụng sự dân tộc, phục vụ nhân dân. Khi tâm huyết, tài năng của mình được thể hiện tự do trong tình yêu Tổ quốc, tình yêu nhân dân, tình yêu dân tộc thì nhất định công trình, tác phẩm của trí thức, văn nghệ sĩ sẽ được xã hội công nhận và đi vào lòng công chúng. Nếu không nhận thức thấu đáo vấn đề này, trí thức, văn nghệ sĩ sẽ đi chệch khỏi "đường ray" cuộc sống và dễ bị đào thải.
Lịch sử đã chỉ ra rằng, một khi trí thức giàu lòng tự trọng, trách nhiệm, tâm huyết với nhân dân, với Tổ quốc, biết giải quyết hài hòa giữa thực hiện vai trò, sứ mệnh của trí thức với đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân trong cuộc sống và trong hành trình sáng tạo của mình thì mới để lại danh thơm tiếng tốt cho bản thân, gia đình và xã hội. Ngược lại, nếu để “cái tôi” cá nhân lấn át “cái ta” cộng đồng, thiếu sự thủy chung, tinh thần xây dựng và ứng xử tiền hậu bất nhất... thì khó có chỗ đứng trong lòng công chúng.
THIỆN VĂN
Xử lý nghiêm để tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng và pháp luật của nhà nước
QĐND - LTS: Sau khi Báo Quân đội nhân dân đăng bài "Từ thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng về những vi phạm của ông Chu Hảo: Giữ gìn phẩm giá, uy tín của người trí thức chân chính", Tòa soạn Báo Quân đội nhân đã nhận được nhiều ý kiến của cán bộ, đảng viên, cựu chiến binh và quần chúng nhân dân, bày tỏ sự đồng tình với kết luận của UBKT Trung ương và nội dung của bài báo. Chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến tâm huyết đó.
Ông NGUYỄN TÚC, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam:
Bài học đắt giá
Tôi rất đồng tình với quan điểm của Báo Quân đội nhân dân qua bài báo "Từ thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng về những vi phạm của ông Chu Hảo: Giữ gìn phẩm giá, uy tín của người trí thức chân chính". UBKT Trung ương đã kết luận, những vi phạm, khuyết điểm của ông Chu Hảo là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, tác động xấu tới tư tưởng xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật. Điều này khiến tôi rất buồn và suy nghĩ. Bởi tôi và ông Chu Hảo từng quen biết đã lâu, có thời gian cùng công tác tại một trường đại học lớn ở Hà Nội. Hơn nữa, đây là một người được sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, được Đảng, Nhà nước quan tâm trong đào tạo; trong những năm đang công tác, đã nỗ lực phấn đấu rèn luyện; được tổ chức trọng dụng, tin tưởng đề bạt, giao nhiều trọng trách, trong đó có chức Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Tuy nhiên, thời gian qua, ông Chu Hảo đã có những diễn biến không tốt về chính trị-tư tưởng, đặc biệt là vi phạm những điều đảng viên không được làm, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, như kết luận của UBKT Trung ương; đi ngược lại truyền thống gia đình; làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức nơi ông công tác, đảm nhiệm chức vụ được giao.
Đây là trường hợp rất đáng tiếc, là bài học đắt giá vì đảng viên đã không nghiêm chỉnh chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ Đảng. Qua sự việc này, nhắc nhở đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, đặc biệt là những cán bộ, đảng viên giữ trọng trách cao, đội ngũ trí thức nói riêng, phải luôn phấn đấu rèn luyện ở mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm; phải giữ vững phẩm chất của người đảng viên cộng sản. Quá trình công tác, sinh hoạt, người cán bộ, đảng viên có thể có chính kiến, ý kiến khác nhau, thì có quyền kiến nghị thông qua con đường của tổ chức, không nên có những hành động, phát ngôn trái với nghị quyết, chỉ thị của Đảng, vi phạm những điều đảng viên không được làm; đặc biệt “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tự đánh mất mình…
--------------------
Thiếu tướng NGUYỄN KHẮC NGỌ, nguyên Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị
Cán bộ chức vụ càng cao khi vi phạm càng phải xử lý nghiêm
Sai phạm của ông Chu Hảo đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra rất rõ. Đối chiếu với những quy định của Điều lệ Đảng và những điều đảng viên không được làm, bất cứ cán bộ, đảng viên nào cũng thấy, sai phạm của ông Chu Hảo là rất nghiêm trọng. Từng là Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện là Giám đốc-Tổng biên tập Nhà Xuất bản Tri thức, những hành động của ông Chu Hảo có ảnh hưởng lớn đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là tầng lớp trí thức. Lẽ ra với cương vị của mình, được Đảng, Nhà nước nuôi dưỡng, đào tạo bài bản, nắm giữ những trọng trách trong hệ thống chính trị, ông Chu Hảo phải ý thức rõ trách nhiệm, bổn phận với Đảng, với nước, với dân. Đằng này, ông lại lợi dụng vốn tri thức đã được Đảng giáo dục, rèn luyện để có những hành động chống lại Đảng, chống lại chế độ, đi ngược lại lợi ích của Đảng, của dân, thì không thể chấp nhận được.
Tri thức là tài sản vô giá, nếu được sử dụng để phụng sự cho lý tưởng của Đảng, cho lợi ích của toàn dân đó là điều rất đáng trân trọng. Ngược lại, nếu nó bị chính những người mang danh trí thức lợi dụng để phục vụ cho ý đồ không trong sáng thì hậu quả sẽ rất tai hại.
Là một cán bộ được Đảng giáo dục, rèn luyện, từng có nhiều năm công tác trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng của Đảng trong quân đội, tôi cho rằng, càng những người giữ chức vụ cao, khi vi phạm kỷ luật Đảng thì càng phải xử lý nghiêm minh để tăng tính răn đe, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Chúng ta không thể dung túng cho sai phạm, dù người đó là ai, giữ cương vị gì. Tính nghiêm minh của kỷ luật Đảng phải luôn được đề cao, tôn trọng.
--------------------
Đại tá, cựu chiến binh ĐẶNG QUANG QUÝ, phường Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng):
Lời cảnh tỉnh cho những cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng
Việc ông Chu Hảo, Giám đốc-Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri thức có những bài viết, phát ngôn trái với Cương lĩnh chính trị, nghị quyết của Đảng, vi phạm chính sách, pháp luật của nhà nước, cho thấy những dấu hiệu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong tư tưởng, đạo đức, lối sống, vi phạm nghiêm trọng Điều lệ Đảng. Những việc làm đó đi ngược lại niềm tin, kỳ vọng của quần chúng nhân dân cũng như đảng viên và tổ chức đảng. Điều đáng nói, sau việc ông Chu Hảo bị xem xét kỷ luật, một số đối tượng núp dưới danh nghĩa trí thức đã lợi dụng sự kiện này để xuyên tạc, kích động và có những luận điệu phủ nhận những thành quả của cách mạng, những chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta.
Thực tế hiện nay, một số ít nhân sĩ, trí thức hoặc lợi dụng danh nghĩa trí thức, chưa vững vàng về lập trường, tư tưởng, có những dấu hiệu suy thoái về đạo đức, lối sống; trong đó có những đảng viên phai nhạt lý tưởng bị lôi kéo, kích động đi ngược lại lý tưởng cách mạng. Theo tôi, việc xử lý kỷ luật về Đảng đối với ông Chu Hảo là cần thiết, không chỉ nhằm giữ nguyên kỷ luật Đảng, loại bỏ những đảng viên thoái hóa, biến chất ra khỏi Đảng, đồng thời giúp xây dựng, kiện toàn bộ máy lãnh đạo, quản lý trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, xuất bản trong sạch, vững mạnh hơn; đồng thời là sự cảnh tỉnh cho những cán bộ, đảng viên có dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”...
--------------------
Ông ĐỖ THẾ TRÀ, thôn 7, xã Đội Cấn, TP Tuyên Quang (Tuyên Quang):
Chú trọng trau rèn phẩm chất, sự nêu gương của cán bộ, đảng viên
Đọc báo Quân đội nhân dân , tôi được biết, ông Chu Hảo đã có những bài viết, phát ngôn làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, tác động xấu tới xã hội, khiến quần chúng nhân dân bất bình. Để cảnh báo, ngăn chặn các hành vi, trường hợp tương tự, các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị-xã hội cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục đối với cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Đảng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tăng cường rèn luyện đạo đức, tác phong, lối sống đối với cán bộ, đảng viên.
Qua vi phạm của ông Chu Hảo, mong rằng đội ngũ cán bộ, đảng viên cần nghiêm túc nêu gương trước quần chúng nhân dân. Cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức vụ cao, không được tự cao, tự đại, tự mãn, cho mình giỏi hơn tập thể; phải luôn có thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, yêu thương cấp dưới, quý mến đồng nghiệp; tận tâm, tận lực, trách nhiệm với công việc. Cán bộ, đảng viên phải “nói đi đôi với làm”; dũng cảm đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm; chống lối sống cơ hội, thực dụng, biết hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích của tập thể, cao hơn là lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, của Đảng. Qua sự việc vi phạm của ông Chu Hảo, cũng đặt ra đối với tổ chức đảng, phải làm tốt hơn công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên, để đảng viên không ngừng phấn đấu, hy sinh vì mục tiêu lý tưởng của Đảng, của cách mạng.
--------------------
Ông TRẦN MINH TÂM, cán bộ hưu trí phường Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân, Hà Nội)
Không xứng đáng với cái tâm, cái tầm của người trí thức
Tôi thấy rằng, từ việc làm và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, những hành vi của ông Chu Hảo thực sự đi ngược lại Điều lệ, Cương lĩnh của Đảng. Xét về trách nhiệm công dân, hành vi của ông Chu Hảo là trái với pháp luật, những ấn phẩm của Nhà xuất bản Tri thức đã vi phạm pháp luật, bị cơ quan chức năng thu hồi vì trái với Luật Xuất bản. Hơn nữa, những “kiến nghị” mà ông tham gia, tán phát trên mạng là trái với quy định của Hiến pháp về vai trò lãnh đạo cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông Chu Hảo đang lợi dụng cái tôi cá nhân làm những điều trái với quan điểm của Đảng, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc; vi phạm nghiêm trọng những điều đảng viên không được làm. Là một cán bộ trí thức nghỉ hưu, tôi thấy những việc làm của ông Chu Hảo không xứng đáng với cái tâm, cái tầm của một trí thức. Việc UBKT Trung ương đề nghị thi hành kỷ luật đối với ông Chu Hảo, theo tôi là đúng đắn, đồng thời cho thấy kỷ luật của Đảng ta là nghiêm minh, nhằm giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng và Nhà nước.
--------------------
Ông PHAN THANH, quận Ba Đình, Hà Nội
Xử lý kỷ luật là cần thiết
Xét về trách nhiệm cán bộ, đảng viên, những hành vi của ông Chu Hảo đi ngược lại Điều lệ, Cương lĩnh của Đảng. Trong những văn bản (dưới hình thức “Thư ngỏ”, “kiến nghị” gửi Bộ Chính trị, khóa XI, ông Chu Hảo và nhóm ký tên đã kiến nghị đòi từ bỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin, chuyển sang tư tưởng “dân chủ, dân tộc”. Thực chất những cái gọi là "kiến nghị" nêu trên là nhằm xóa bỏ chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa, thể chế Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Xét về trách nhiệm công dân, hành vi của ông Chu Hảo là trái với pháp luật, chưa kể đến những ấn phẩm của Nhà xuất bản Tri thức đã vi phạm pháp luật, bị cơ quan chức năng thu hồi vì trái với Luật Xuất bản. Ông Chu Hảo còn vi phạm Hiến pháp 2013, những “kiến nghị” mà ông tham gia, tán phát trên mạng là trái với quy định của Hiến pháp về vai trò lãnh đạo cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều 4, Hiến pháp 2013 quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam-Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”
Gần đây, khi Quốc hội thảo luận, thông qua Luật An ninh mạng, ông Chu Hảo đã có hành vi bịa đặt, bôi nhọ người khác. Ông Chu Hảo và một vài người phản bác Luật An ninh mạng, đã cho rằng: Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an là người tham gia vào “nhóm chuyên gia” (soạn thảo Luật An ninh mạng). Tuy nhiên, Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn đã phủ nhận thông tin này và viết thư gửi Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Báo Thanh niên (tờ báo đăng tải thông tin trên) để thông báo rằng, ông Chu Hảo bịa đặt việc ông tham gia vào nhóm nói trên. Trong thư, Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn khẳng định: “Tôi cho rằng một số người (trong đó có ông Chu Hảo...) đã lợi dụng vị trí cá nhân, chức vụ của tôi trước đây để đưa những thông tin không đúng sự thật. Đây là hoạt động bịa đặt, nhằm bôi nhọ, hạ uy tín của cá nhân tôi và mục đích cuối cùng của họ là nhằm phủ nhận dự thảo Luật An ninh mạng, ngăn cản Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng…”[1]
Việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiến nghị thi hành kỷ luật đối với ông Chu Hảo là đúng đắn, đồng thời cho thấy kỷ luật của Đảng ta là nghiêm minh, cho dù người bị xử lý là ai, đã và đang giữ cương vị gì, thấp hay cao; trình độ chính trị, văn bằng là gì, quá trình công tác và thành tích như thế nào… nếu vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật thì đều bị xử lý nghiêm minh. Xử lý kỷ luật ông Chu Hảo nhằm giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng và Nhà nước.
[1] -“Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn khẳng định không tham gia “nhóm chuyên gia” nào về dự án Luật An ninh mạng”. Công an nhân dân online 17:53 07/06/2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét