Năng suất lao động của Malaysia gấp 5 lần Việt Nam và bài toán 10 năm đuổi kịp Malaysia của Bí thư Nguyễn Thiện Nhân
Bài phát biểu chưa đến 10 phút của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhưng dùng cụm từ “tụt hậu” 3 lần để nhấn mạnh khoảng cách tụt hậu của chúng ta ngày càng kéo dài. Còn Bí thư Nguyễn Thiện Nhân thì trăn trở với bài toán làm thế nào để 10 năm tới Việt Nam đuổi kịp Malaysia.
Tình hình phát triển kinh tế xã hội 3 năm qua nhìn chung thuận lợi, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối kinh tế lớn được đảm bảo. (Ảnh minh họa).
Tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã khép lại sau khi hàng loạt vấn đề nóng được các ĐBQH đặt lên bàn nghị sự. Hai ngày thảo luận kinh tế – xã hội tại hội trường nổi lên sự trăn trở chung của nhiều vị đại biểu, lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương về nỗi lo kinh tế đất nước tụt hậu xa hơn, không chỉ so với các quốc gia phát triển mà cả với các quốc gia trong khu vực.
Cách đây 5 năm, Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh đã dự báo: Nếu không đổi mới quyết liệt, e rằng tới đây thậm chí còn tụt hậu so với cả Campuchia, Lào.
Và điều đó đã phần nào trở thành sự thật khi năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia và 36,5% của Thái Lan. Mỗi lao động của Việt Nam chỉ có năng suất bằng 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippines và đặc biệt là chỉ bằng 87,4% năng suất lao động của Lào. Điều đáng lo là chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng.
2 lần lặp lại cụm từ “tụt hậu” của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng
Dành 10 phút trong phiên thảo luận kinh tế – xã hội chiều 27.10 nhằm giải trình trước Quốc hội những vấn đề được các ĐBQH quan tâm, nhưng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng có 3 lần sử dụng cụm từ “tụt hậu” được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng sử dụng khi chia sẻ về 5 thách thức Việt Nam phải đối mặt trong tương lai.
Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng
Đầu tiên, đó là khi ông nhắc tới vấn đề “tụt hậu và khoảng cách phát triển”, một vấn đề mà ông Dũng cho rằng chúng ta đạt được kết quả thì rất mừng, nhưng cũng rất lo.
Tiếp đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tiếp tục thể hiện nỗi lo “tụt hậu” bằng những con số và dẫn chứng rõ ràng hơn: “Chỉ số GDP bình quân đầu người dự kiến năm 2018 đạt 2.540 USD mà mục tiêu Đại hội Đảng 12 của chúng ta đề ra là đến năm 2020 chúng ta phải đạt 3.200 – 3.500 USD. Hiện nay, chúng ta tăng nhanh mới có 150 USD thì trong 2 năm còn lại thì việc tăng thêm từ 800 – 1.000 USD nữa là thách thức rất lớn và nếu chúng ta không đạt được mục tiêu này thì khoảng cách tụt hậu của chúng ta ngày càng kéo dài”.
Và lần cuối cùng cụm từ “tụt hậu” được sử dụng khi Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng đề xuất giải pháp chung nhằm “thu hẹp dần khoảng cách phát triển với các nước để tránh nguy cơ tụt hậu so với các nước”.
Theo Bộ trưởng Bộ KHĐT, nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới phải thực hiện mục tiêu kép. Đó là phải vừa duy trì ổn định kinh tế vĩ mô để thúc đẩy phát triển nhưng cũng phải đảm bảo thúc đẩy phát triển nhanh để tiếp tục duy trì sự ổn định vĩ mô đó.
“Đây là một mục tiêu mà chúng tôi cho rằng là phải được dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phải tận dụng được, đào tạo tốt được nguồn nhân lực tốt của chúng ta hiện nay. Đẩy nhanh các công trình hạ tầng mà chúng ta đã nêu trong ba chiến lược của chúng ta”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Bài toán 10 năm để năng suất lao động Việt Nam bằng Malaysia của Bí thư Nhân
Cùng nỗi lo đó, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM, dù không trực tiếp nhắc tới cụm từ “tụt hậu”, song những thông tin được Bí thư Nhân đưa ra xung quanh năng suất lao động – một trong các yếu tố về tăng trưởng kinh tế, lại cho thấy sự tụt hậu khá xa của Việt Nam, không chỉ so với các quốc gia phát triển mà cả với các quốc gia trong khu vực.
Theo số liệu thống kê, năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 là 4.019 USD, so với Thái Lan 11.633 USD, thấp hơn Thái Lan 3 lần. Năng suất của Malaysia gấp Việt Nam 5 lần. Năng suất Hàn Quốc gấp 14 lần, Nhật Bản gấp 18 lần và Singapore gấp 25 lần. Từ thực tiễn này, cũng có ý kiến cho rằng, sau hơn 40 năm đổi mới mà năng suất lao động Việt Nam bằng 34% của Thái Lan tức là 1/3 là quá thấp.
ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM
Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, năng suất lao động của các quốc gia tỷ lệ thuận trực tiếp với vốn của xã hội trên lao động. Nói một cách khác, đầu tư xã hội trên 1 lao động bao nhiêu thì năng suất lao động cũng tương thích bấy nhiêu.
“Như Việt Nam, năng suất 4.100 USD, đầu tư năm ngoái 1 lao động là 1.384 USD. So với Thái Lan, đầu tư của họ gấp 2 lần của ta còn năng suất gấp gần 3 lần. Hàn Quốc đầu tư đầu người năm ngoái gấp 12 lần của ta, năng suất lao động gấp 14 lần. Nhật Bản đầu tư gấp 13 lần chúng ta thì năng suất gấp 18 lần.
Như vậy, nếu chúng ta muốn năng suất lao động Việt Nam bằng Thái Lan, hiện nay Thái Lan đang hơn ta 3 lần, qua thống kê dự báo cũng cần 5-7 năm nữa. Nếu chúng ta muốn năng suất bằng Malaysia, hiện nay họ hơn chúng ta 5 lần thì chúng ta cũng cần 5-10 năm. Tất nhiên, đây cũng là dự báo sơ bộ, để chúng ta biết rằng, chúng ta không thể nóng vội, đầu tư của chúng ta do GDP thấp trong hàng chục năm so với các nước ở ASEAN từ 2 – 20 lần”, đại biểu Nhân phân tích.
Năng suất lao động của người Việt Nam qua các năm (Ảnh: I.T)
Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, muốn tăng năng suất lao động phải tăng đầu tư, cụ thể, tăng vốn để đầu tư công nghệ sẽ đem lại hiệu quả.
Tuy nhiên, đối với khoa học công nghệ, một trong hai yếu tố được Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng xác định là nền tảng để thực hiện “mục tiêu kép”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân lại đưa ra một thông tin không mấy tích cực. Đó là chi khoa học công nghệ năm 2012 ở Việt Nam bình quân 3 USD/người, thua Thái Lan 7 lần, thua Malaysia 29 lần, Singapore 43 lần.
Theo: http://danviet.vn/kinh-te/nang-suat-lao-dong-cua-malaysia-gap-5-lan-viet-nam-va-bai-toan-10-nam-duoi-kip-malaysia-cua-bi-thu-nguyen-thien-nhan-925218.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét