Kinh tế chưa vững chắc vì còn phụ thuộc vào FDI
Phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội sáng 24/10, ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư cho rằng, trong thời gian qua kinh tế, xã hội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Chúng ta kiên trì xây dựng một thể chế kinh tế thị trường, tạo hành lang pháp lý để khơi dậy sự phát triển của các thành phần kinh tế, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh….

Tuy nhiên, ông cũng đề nghị lưu ý đến nhận định “nền kinh tế chưa vững chắc”. Theo ông, sự chưa vững chắc ở đây thể hiện qua việc còn dựa vào nhiều vào đầu tư nước ngoài. “Cứ như thế này thì không thể nói nền kinh tế độc lập, tự chủ được. Cái này chúng ta cần phân tích kỹ, chúng ta thu hút đầu tư nước ngoài nhưng phải có giải pháp nâng thực lực kinh tế trong nước lên. Chứ bây giờ cứ dựa vào FDI, nếu họ rút đi thì sẽ khó khăn ngay”, ông Vượng cảnh báo.
Về đầu tư công, Thường trực Ban Bí thư nhận xét “triển khai quá chậm”. Ông dẫn chứng, 2-3 năm rồi chẳng có công trình nào cả. “Đất nước muốn phát triển thì phải có công trình chứ. Trong khi đó 2- 3 năm nay chúng ta có tiền, Quốc hội cũng đã quyết định, thế mà không triển khai được. Cái này cần phải phân tích kỹ, nếu vướng về thủ tục thì phải thay đổi thủ tục, chứ có tiền mà không đầu tư được thì rất gay, làm sao tạo ra của cải vật chất được”, ông nói.
Không để lại được gì cho con cháu nếu môi trường ô nhiễm
Đề cập đến vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, Thường trực Ban Bí thư cho rằng, trong tình hình hiện nay phải chú ý. “Mấy năm gần đây, qua các vụ việc và môi trường chúng ta đã quan tâm, bừng tỉnh, chứ không thu hút đầu tư bằng mọi giá nữa”, ông nói.
Ông Vượng cũng khẳng định, Formosa là bài học đắt giá và đã làm cho mọi người thức tỉnh về vấn đề môi trường. “Cái này cần phải làm mạnh hơn nữa, nếu không chúng ta sẽ không để lại được gì cho con cháu với môi trường sống không đảm bảo”, ông Vượng cảnh báo.
Một nội dung khác cũng được ông Vượng bày tỏ sự băn khoăn là trong báo cáo của Chính phủ không có đề cập đến nội dung kinh tế biển. “Đất nước của mình là đất nước của biển. Trung ương vừa rồi thảo luận và sẽ ra nghị quyết về kinh tế biển. Do đó chúng ta phải tập trung phát triển kinh tế biển”, ông Vượng nói.
Theo ông, Việt Nam có mấy chục triệu người sống nhờ biển. Nếu trong các kế hoạch hang năm không nói gì đến kinh tế biển thì làm sao ra được kế hoạch 5 năm, 10 năm. “Báo cáo của Chính phủ cần đề cập đến vấn đề này, vì đây là vấn đề rất quan trọng đối với đất nước chúng ta. Nếu chúng ta có mở rộng không gian sinh tồn thì cũng là tiến ra biển”, ông nói.