RFA
Thông tin về thân thế, sự nghiệp lãnh đạo đảng và nhà nước nằm trong danh mục ‘mật’ của dự thảo Luật Bảo Vệ Bí Mật Nhà Nước. Điều này khiến nhiều vị đại biểu quốc hội quan ngại.
Truyền thông trong nước loan tin tại buổi làm việc góp ý về dự Luật Bảo vệ Bí Mật Nhà Nước vào chiều ngày 25 tháng 10, các đại biểu quốc hội Việt Nam cho rằng phạm vi qui định bí mật nhà nước trong dự luật quá rộng. Cụ thể Điều 7 của Dự thảo Luật Bảo Vệ Bí Mật Nhà Nước qui định những thông tin như thân thế, sự nghiệp lãnh đạo đảng cộng sản, nhà nước Việt Nam, quốc phòng an ninh, đất đai, địa chất, biển, công nghiệp, thương mại… đều là thông tin bí mật nhà nước.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa thuộc đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng thân thế, sự nghiệp của lãnh đạo đảng và nhà nước phải được tuyên truyền, phổ biến để người khác học tập.
Vị đại biểu này đề nghị cần phải phân định thật rõ đâu là bí mật nhà nước vì nếu qui định quá rộng hay quá chặt sẽ dẫn đến tình trạng khiến nhiều người không dám làm gì, không dám phổ biến/tuyên truyền cho điều gì hết.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, thuộc đoàn Hà Nội, đề cập đến lĩnh vực tài nguyên- môi trường, đất đai được liệt vào danh mục ‘mật’ nhà nước cần bảo vệ trong dự luật Bảo vệ Bí Mật Nhà Nước; trong khi đó có đến 70% khiếu nại tố cáo hiện nay liên quan đến lĩnh vực đất đai .
Bà Trần Thị Quốc Khánh nêu vụ việc Thủ Thiêm và cho rằng nếu người dân không thể tiếp cận được thông tin liên quan đến bản đồ do nằm trong danh sách thông tin mật. Và như vậy làm sao giải quyết được.
Trong khi đó thì ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy Ban Quốc Phòng An Ninh, cơ quan thẩm tra dự luật cho rằng phạm vi bí mật nhà nước là những thông tin quan trọng chưa được công khai; nếu lộ ra sẽ gây ảnh hưởng đến đất nước và dân tộc.
Phó chủ tịch Quốc Hội, ông Đỗ Bá Tỵ, có kết luận khi kết thúc phiên thảo luận góp ý cho dự Luật Bảo Vệ Bí Mật Nhà Nước cho rằng dự thảo qui định 15 lĩnh vực để xác định bí mật nhà nước là phù hợp. Tuy vậy ông đề nghị Ban Soạn thảo rà soát để bảo đảm phù hợp với quyền tiếp cận thông tin theo Luật vừa có hiệu lực kể từ đầu tháng 8 vừa qua.
Còn đối với dự Luật Bảo vệ Bí Mật Nhà Nước thì đây là lần thứ hai quốc họi thảo luận và có kế hoạch thông qua vào cuối ký họp thứ 6 sẽ kết thúc vào tháng 11 tới đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét