BÀI PHỎNG VẤN NHÀ VĂN NGUYÊN NGỌC VỪA THỰC HIỆN (BÀI HAY, ẢNH
QUÝ)
Hiếm có người cầm bút
Việt Nam nào được như nhà văn Nguyên Ngọc. Ở tuổi tám mươi lăm, ông vẫn tiếp
tục những hoạt động hết sức đa dạng và sôi động trên nhiều lĩnh vực, từ văn học
nghệ thuật, văn hóa, giáo dục…, cho đến thời sự chính trị, xã hội. Ông nói chuyện,
viết sách, dịch sách, mở trường, tổ chức các hoạt động thường xuyên về nhiều
mặt, như một người còn trẻ, tràn đầy năng lượng. Nhờ đâu…?
*Xin ông cho biết, vì
sao ở tuổi tám lăm, cuộc sống của ông vẫn hết sức bận rộn?
-Tôi là người tham lam.
Mà cuộc sống thì bao nhiêu chuyện cần làm, muốn làm, cảm giác có thể góp tay
tháo gỡ, dù chỉ đôi chút.
Nào Tây Nguyên tôi đã
gắn bó suốt đời và nay đang quá đáng lo; nào giáo dục ở ta chẳng ai có thể yên
tâm; nào thực trạng văn hóa không thể không suy nghĩ và lên tiếng; nào Phan
Châu Trinh mà tôi cho rằng phải còn giải thích và suy nghĩ về những điều ông
phát hiện cho đất nước hơn 100 năm trước và nay càng thời sự hơn bao giờ hết;
nào lịch sử và chính con người Việt ngày càng cảm thấy bao nhiêu điều phải căn
vặn, đặt câu hỏi và cố trả lời;… Cả chuyện voọc chà vá trên núi Sơn Trà, quá
đẹp thế mà đang bị đe dọa mãi mãi biến mất; cả chuyện Hội An vì quá đẹp nên
cũng thật mong manh và đang đầy thách thức…
Còn sách hay thì phong
phú quá, mới và lạ, lắm cuốn muốn dịch để chia sẻ. Bao nhiêu chuyện khác, theo
nghĩa nào đó đều cấp bách. Và còn cả… rong chơi nữa.
Đi để nghe, thấy, cảm,
đi để nghĩ và tìm ra cái viết, cách viết, để gặp bao ngẫu nhiên, thường bao giờ
cũng hay.
Tôi là người thích di
chuyển, dừng lâu thì cuồng chân, bạn bè vẫn nhận xét tôi mà ngồi một chỗ thế
nào cũng ốm, cứ đi thì lại khỏe ra. Tôi cũng là người không thích đứng ngoài,
đến đâu cũng muốn được vào cuộc.
Hồi chiến tranh xuống
đơn vị, dù chỉ là phóng viên, nhưng vẫn xông vào đánh nhau như lính, có khi làm
bí thư xã, lăn lộn sống chết cùng anh em. Và cuối cùng, vẫn ảo tưởng mình còn
viết được cái gì đó, còn cái gì đó để viết, và chưa mất ảo tưởng có thể viết
khác… Ảo tưởng chăng? Để rồi xem…
*Trước khi viết tác phẩm
đầu tiên, ông có nghĩ rồi cuộc đời mình sẽ gắn liền với văn chương?
-Tôi vốn học toán, với
thầy Hoàng Tụy. Sau này nhiều lần ông bảo tôi có thể đi theo toán được, bỏ mất
là uổng. Nhưng rồi cuộc đời đã dắt tôi đi con đường khác.
*Nguyên do nào thúc đẩy
ông trở thành nhà văn? Câu chuyện đã xảy ra thế nào?
-Hẳn là do Tây Nguyên.
Tôi lên đó năm 1950 và lập tức bị Tây Nguyên mê hoặc.
Không biết người đọc có
nhận ra điều này: hể gặp miền núi là tôi viết dễ và dễ viết hay. Tôi với Tây
Nguyên cứ như là phát hiện ra nhau. (Về sau gặp người Mông ở Hà Giang cũng vậy,
“nhận” ra nhau ngay, có gì đó cứ như là mỗi bên tự phát hiện ra mình do gặp gỡ
ấy).
Bấy giờ, năm 1950, tôi
làm phóng viên báo Vệ Quốc Quân (mấy năm sau đổi thành báo Quân Đội Nhân Dân)
liên khu 5 (tức Nam Trung bộ). Báo thả tôi đi tự do, nên tôi lang thang trên ấy
không chịu về, làm lính một đội vũ trang tuyên truyền. Trong đội còn có Nhật
Lai và Y Yơn sau này đều trở thành nhạc sĩ có tiếng. Và chị Hải, người Phú Yên,
mà chúng tôi gọi là Mai Đua = Chị Hai.
Có lần chúng tôi bị Pháp
tập kích ở Buôn Kreah Lớn, chị Hải bị thương, Y Yơn, Nhật Lai và tôi khiêng chị
vượt đường 14 rồi đường 21, về núi Dleya, cố cứu mà không được. Chị chết vì khí
núi lạnh quá và vì chúng tôi hoàn toàn không có thuốc, một chút bông băng cũng
không.
Đấy là người phụ nữ Kinh
đầu tiên hy sinh ở Tây Nguyên.
Chúng tôi sống như vậy
đó, cũng phải nổ súng khi gặp Pháp, còn thì đi vào các buôn, tuyên truyền kháng
chiến và múa hát, sống cùng bà con Ê Đê. Bấy giờ tôi đã biết tiếng Ê Đê kha
khá, có thể hiểu được đôi chút Đam San do các cụ già Ê Đê kể.
Năm 1951, thay vì gửi về
cho báo các tin tức, tường thuật như thường lệ, tôi đã viết và gửi về… một cuốn
tiểu thuyết tên là Pra, lấy tên một địa phương ở Đak Lak, nhân vật chính là Ama
Yơk, một ông già Ê Đê, nửa hiện thực nửa huyền thoại, đã tìm đến xin vào đội vũ
trang tuyên truyền của chúng tôi.
Báo đăng nhiều kỳ và ghi
là "Ký" nhưng ngày nay nhìn lại thì đúng là tiểu thuyết. Đăng được
tới kỳ thứ 5 thì tôi lặng lẽ bỏ dở dù cuối bài có ghi "Còn nữa"… Vì
tôi viết đến đó thì bí, không biết dắt dẫn các nhân vật của mình đi đâu nữa.
Cũng định bỏ cả công cuộc viết lách luôn từ đấy.
Rồi thỉnh thoảng tôi có
viết đôi cái ký ngắn, cũng là người và việc Tây Nguyên, nay nhớ lại thì đấy là
những phác họa đầu tiên của một giọng văn tôi muốn tạo nên để viết về Tây
Nguyên, vừa tự phát vừa ít nhiều có ý thức, đặc biệt trong một bài ký viết về
Đinh Nói, một người lính dân tộc Re ở Tây Quảng Ngãi.
Không phải nhại theo
cách nói của họ khi họ nói tiếng Việt, mà cố diễn đạt cách người Tây Nguyên
nhìn thế giới quanh mình, từ toàn bộ cách sống, cách nghĩ, lịch sử, môi trường
đặc trưng của họ, tóm lại từ toàn bộ điều gọi là "văn hóa" của họ...
Cho đến cuối năm 1955, tập kết ra Bắc, tôi được Tổng cục Chính trị gọi về Hà
Nội và giao viết về một anh hùng quân đội tùy chọn. Tất nhiên tôi chọn Núp của
Tây Nguyên.
Cũng cần nói thêm: lẽ ra
viết xong Núp, tôi sẽ được trả về sư đoàn, chắc sẽ làm một anh cán bộ tuyên
huấn kiểu nào đó. Nhưng lại xảy ra chuyện Nhân văn Giai phẩm, bắt đầu từ trong
quân đội. Các anh ở phòng Văn nghệ Quân đội: Trần Dần, Hoàng Cầm, Tử Phác,
Phùng Quán… bị đuổi ra khỏi quân đội. Chúng tôi được giữ lại để thay thế, có
tôi, Nguyễn Khải, Hồ Phương, Nguyễn Trọng Oánh, Lý Đăng Cao…
Về sau còn thêm Hữu Mai,
Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu, Xuân Sách, Xuân Khánh… Cũng là tình cờ cả. Hóa ra
đấy là lớp nhà văn lớn lên trong kháng chiến chống Pháp, và định hình giữa hai
cuộc chiến tranh.
*Trong tác phẩm Đất nước
đứng lên, hình tượng anh hùng Núp ông có được từ cảm xúc trước một con người có
thật hay từ lý trí của một người cầm bút cần một “hình mẫu”?
-Thực ra, Đất nước đứng
lên không phải là tác phẩm đầu tiên của tôi. Đấy là một thứ Pra được viết lại,
viết tiếp. Phần nào đó Núp chỉ là một cái cớ, để gửi vào đấy tất cả những gì
tôi biết và mê say về Tây Nguyên: trời đất, cỏ cây, sông suối, đất đá, núi rừng,
dã thú, mưa gió, con người Tây Nguyên… suốt những năm tháng lang thang, la cà
trên đó.
May là tôi đã không viết
"từ lý trí của một người cầm bút cần một hình mẫu", chắc sẽ chẳng ra
gì. Tôi chỉ muốn khoe với mọi người, với cả nước cái hương sắc Tây Nguyên kỳ lạ
và kỳ diệu của tôi, mà tôi đã tìm được cho mình.
*Anh hùng Núp có được là
nhờ Tây Nguyên hay ngược lại?
-Tôi đã may mắn gặp Núp,
có thể gửi vào hình tượng của ông hàng chục, hàng trăm con người Tây Nguyên tôi
đã biết. Núp của Đất nước đứng lên là một kiểu Ama Yơk của Pra đã tương đối
hiện đại và hiện thực hơn.
Nói thật, tôi vẫn tiếc
Ama Yơk của Pra. Có thể nói ông Tây Nguyên hơn Núp, một Tây Nguyên còn huyền
hoặc, huyền thoại đang bước đầu chen chân vào hiện thực, mà theo tôi sau này
Trung Trung Đỉnh phần nào đó đã gợi lên được trong tiểu thuyết Lạc rừng rất lạ
và rất hay của anh.
*Nói như nhà văn Nguyễn
Khắc Phục, ông có một “giọng văn tráng lệ”. Sự trau chuốt trong hành văn của
ông xuất phát từ điều gì? Ông thường viết nhanh hay chậm so với những người
khác?
-Tôi chịu ảnh hưởng sâu
sắc của văn chương Pháp từ thời còn đi học trường Tây.
Đến nay còn thể đọc
thuộc lòng từng đoạn dài thứ văn tuyệt đẹp của Alphonse Daudet, Anatole France,
thơ Beaudelaire, Musset… Và lần đầu tiên đến Paris, vào vườn Luxembourg, rõ
ràng cảm giác trở về, gặp lại cảnh xưa, “lá vàng rơi từng chiếc một trên những
đôi vai trắng ngần của các pho tượng”…
Tôi nghĩ trong văn
chương, hình thức cũng chính là nội dung. Tôi cũng nghĩ nếu đến nay người ta
chưa hoàn toàn quên mất Đất nước đứng lên thì là vì hình thức thẩm mỹ của nó
chứ không phải chỉ vì nó viết về một người anh hùng.
Trong nghệ thuật cái dở
rất nguy hiểm, nó khiến người ta quen với cái thấp kém, tầm thường, là môi
trường của cái ác. Hình như ở ta chưa chú ý đến điều này. Đừng tưởng cứ chiếu
phim chợ lăng nhăng suốt ngày trên truyền hình sẽ không liên quan gì đến văn
hóa và đạo đức đang xuống cấp trong xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà
Dostoievski đã nói “Cái đẹp sẽ cứu thế giới ”. Nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng
nhất của văn học là phải Hay.Tôi viết từ cái này qua cái khác rất chậm, còn khi
đã bắt tay viết được một cái gì, cảm thấy dòng văn đã chảy, thì lại rất nhanh,
đến không kiềm lại được.
*Giờ đây, sau hơn bốn
mươi hai năm hòa bình, ông nghĩ gì về những tác phẩm viết trong thời chiến của
mình? Những thế hệ tương lai liệu có nhìn nhận chúng như những thế hệ từng sống
trong chiến tranh?
-Nói thế này thì có thể
nghe hơi lạ, nhưng quả thật tôi không phân biệt những gì đã viết trong thời
chiến và sau thời chiến. Thời nào thì cũng phải cố mà viết cho hay, và dù viết
trong thời nào cũng thế thôi, cái gì viết được hay thì còn có cơ sống sót với
thời gian.
Tôi nghĩ có thể đóng góp
của tôi là tạo ra được một cách viết về miền núi trong văn học mình, khác với
thời Lan Khai, cũng khác Tô Hoài. Tạo ra một cái giọng riêng, có thể còn nhiễm
đến người đi sau muốn động tới miền núi.
Núi không chỉ là đất, đá
và cây, núi là một thực thể rất lạ, là sinh thể đặc biệt, của Trời, của Chúa.
Nó thăm thẳm bí ẩn, và tiếng nói của nó vừa thiêng liêng vừa tráng lệ.
Tôi có đọc trên trang La
vie des idées của báo Le Monde một bái viết có tên là Ce que sait la montagne?
(Núi biết những gì?). Núi có những minh triết của nó mà người không biết. Tôi
có học được ít nhiều của núi và gắng để nó thấm vào văn chương mình.
*Trong bản chất, ông có
phải là một người hay đặt ra các vấn đề, một người phản biện? Ông đã viết Mạch
nước ngầm (và cả Đề dẫn Đại hội Nhà văn) xuất phát từ điều gì?
-Trong cuộc sống, đến
một lúc tôi đã học được thói nghi ngờ. Mạch nước ngầm có lẽ là tác phẩm đầu
tiên ở văn chương miền Bắc sau 1954 nghi ngờ rằng, người anh hùng trong chiến
tranh cũng có thể hư hỏng trong hòa bình.
Còn Đề dẫn viết năm 1979
sau khi tôi đi Kampuchia về thì nói rằng, nếu không biết tôn trọng cá nhân thì
sẽ rơi vào tai họa của chủ nghĩa tập thể bầy đàn, như tôi đã bàng hoàng chứng
kiến ở bọn Pôn Pốt bên Kampuchia. Tôi muốn cảnh báo.
Cả hai cái này đều bị
ông Tố Hữu đánh tơi bời. Nhưng tôi ương ngạnh. Tôi đã trưởng thành.
*Là người “khai phá” Tây
Nguyên, ông đã nhiều lần cảnh báo về những hiểm họa cho cả thiên nhiên và con
nguời nếu không đối xử với Tây Nguyên một cách đúng mực. Vậy hiện trạng Tây
Nguyên đang ra sao, về cả văn hóa lẫn chính trị-xã hội?
-Trước hết cần nói: sau
năm 1975 Tây Nguyên cơ bản vẫn còn nguyên, về tự nhiên và cơ cấu xã hội. Bốn
mươi hai năm qua, do quan niệm và chủ trương coi Tây Nguyên là kho tài nguyên
vô tận, cần tận khai làm vốn cho phát triển ban đầu của cả nước.
Hì hục suốt hơn 40 năm,
ta đã biến vùng đất và người vốn giàu có, phong phú và độc đáo này thành nơi
kiệt quệ nhất nước về tự nhiên, đổ vỡ về cơ cấu xã hội, tàn lụi về văn hóa,
luôn âm ỉ không ổn định về an ninh. Có những cảnh báo khá sớm về tất cả các
hiểm họa này, như của Chương trình nghiên cứu Tây Nguyên I do Gia1o sư Nguyễn
Văn Chiển đứng đầu, của nhà dân tộc học tài năng Nguyễn Từ Chi, và nhiều nhà
văn hóa, khoa học khác …, tất cả đều bị gác ngoài tai. Cho đến tận hôm nay vẫn
chưa có gì thay đổi.
*Có thông tin rằng ngành
công an từng mời ông đến nói chuyện về Tây Nguyên và cử tọa đều rất bất ngờ
trước những thông tin ông cung cấp. Ông nghĩ sao về “hiệu ứng” này?
-Họ bất ngờ, còn tôi thì
kinh ngạc. Tôi nghĩ họ lên đây đều muốn làm tốt, nhưng hóa ra chẳng ai hiểu
chút gì về Tây Nguyên cả. Họ hăm hở muốn cho Tây Nguyên "phát triển"
nhưng phát triển từ cái gì và sẽ thành cái gì trong 20 năm, 30 năm, 50 năm nữa
ở vùng đất và người rất đặc sắc và đặc trưng này thì không ai có chút hình
dung. Nên càng hăm hở làm thì càng phá… cho đến tình cảnh ngày nay!
*Thời đại tràn ngập sự
nhộn nhạo đầy bi kịch cho con người, vì sao Việt Nam vẫn chưa có tác phẩm thật
sự tương xứng, theo ông?
-Đúng là thịnh suy của
văn học không phải bao giờ cũng trùng khớp với thịnh suy của xã hội và chính
trị, ngược lại là khác. Tác phẩm lớn, như Kiều, ra đời trong thời loạn ly, khi
thân phận con người lâm cảnh đảo điên. Thời tràn ngập nhộn nhạo như hiện nay lẽ
ra văn học phải hay. Mà không được thế thì rõ ràng văn học đang đuối sức, nhiều
người có thể cảm nhận.
Vì sao? Chắc có vấn đề
về tự do sáng tác (cũng như tự do học thuật trong giáo dục và khoa học), nhưng
tôi nghĩ giải thích như thế còn rất chưa đủ. Còn một nguyên nhân khác quan
trọng hơn, nếu không phải là quan trọng nhất, cơ bản và lâu dài hơn: nền tảng
văn hóa mỏng của người cầm bút, khiến họ hụt hơi.
*Ông đã từng bỏ nhiều
công sức tổ chức một “đại học hoa tiêu” nhưng không thành công. Theo ông, lý do
chính của sự thất bại trong dự án giáo dục này là gì?
-Bất cứ dự án giáo dục
nào ở ta bây giờ cùng sẽ thất bại về cơ bản nếu không thực hiện được điều Giáo
sư Hoàng Tụy đã nói: Phải thế tục hóa giáo dục. Tách nó ra khỏi nhà thờ. Giáo
dục phải tự chủ. Tự chủ với ai? Tự chủ với nhà thờ. Giáo sư Hoàng Tụy đã cẩn
thận nhắc, khi châu Âu làm cuộc cách mạng thế tục hóa giáo dục, thì xã hội châu
Âu vẫn là xã hội Thiên Chúa giáo, nghĩa là giáo dục không nhất thiết chờ xã hội
thay đổi thể chế. Giáo dục cứ lẹt đẹt theo sau nhà thờ như thế này thì dù đổi
mới, cải cách, "hoa tiêu" gì cũng chỉ là đùa chơi tốn tiền thôi,
không thể không thất bại.
Đang diễn ra một cuộc di
tản giáo dục to lớn mà dân chúng gọi là "lên thuyền", tức muốn nói nó
cũng giống như cuộc di tản chính trị thê thảm mấy chục năm trước. Chẳng lẽ Bộ
Giáo dục và Chính phủ không biết?
*Từng trực tiếp tham gia
cả hai cuộc chiến tranh với Pháp và Mỹ, ông đã có mặt trong cuộc chiến với
Trung Quốc thế nào? Ông có từng dự đoán về cuộc chiến tranh này?
-Năm 1979, khi nổ ra
chiến tranh biên giới phía Bắc, tôi lên Cao Bằng. Trở về, tại Quốc hội, tôi có
đọc tham luận mang tên "Nhận mặt kẻ thù". Tôi không nói kẻ thù mới.
Là kẻ thù cũ, từ ngàn xưa. Tôi có cảm giác phương Tây, vì đang bận đối mặt với
Hồi giáo cực đoan, còn chưa nhận ra hết hiểm họa Trung Hoa.
Điều nguy hiểm đối với
ta hiện nay là đã bị họ cài thế quá sâu. Nếu phải đánh nhau hôm nay, thì họ đã
có người phục sẵn ở khắp nơi, cả ở những chỗ hiểm yếu nhất. Đối với Tàu, thì
còn rất rất dài…
*Là sĩ quan thuộc Quân
khu 5, ông có thể nói gì về sự khốc liệt của chiến tranh ở vùng đất này? Đến
giờ, đã có con số chính xác về thiệt hại nhân mạng của quân và dân khu 5 ở cả
hai phía?
-Trong chiến tranh chống
Mỹ, tôi có ở Tây Nguyên một ít, cũng có lúc ở Bình Định, còn chủ yếu ở Quảng Đà
(bắc Quảng Nam), là chiến trường ác liệt nhất Quân khu 5, quanh căn cứ lớn của
Mỹ ở Đà Nẵng.
Ở đây có xã số liệt sĩ
bằng cả một huyện, thậm chí một tỉnh nơi khác. Tôi chắc sẽ không bao giờ thống
kê được số người chết cả hai phía trên chiến trường này. Có những xã, bằng Tổ
quốc Ghi công gửi về không còn biết trao cho ai, cả một đại gia đình không còn
người nào để nhận. Gia đình chị Liễu, người đã đào hầm bí mật nuôi tôi hồi tôi
về hoạt động ở xã Điện Hòa nay chỉ còn mỗi mình chị, bị thương cưa mất một chân
hồi sau Mậu Thân.
Lúc bấy giờ cả xã chỉ
còn 7 người trụ bám nuôi và bảo vệ chúng tôi. Sau 1975, chị có thẻ thương binh,
được một năm thì bị "trên" về thu mất, vì truy ra chị bị thương khi
"không có ai giao nhiệm vụ" (theo quy định của nhà nước). Đúng là hồi
đó không có ai giao nhiệm vụ cho chị và mẹ chị phải trụ lại. Chúng tôi còn giục
họ đi đi, chạy tránh tạm vào thành phố một thời gian, nhưng bà Vịnh mẹ chị bảo:
"Tau đi rồi, chúng mày sống với ai?".
Quả thật những năm đó,
không có họ, chúng tôi đã bị tiêu diệt hết rồi …
*Theo ông, báo Văn Nghệ
đã làm được gì trong giai đoạn đầu đổi mới? Có chương trình đáng làm nào của
báo đã bị lỡ mất sau khi ông phải rời tòa soạn Văn Nghệ?
-Trước hết cần nói rõ:
hồi bấy giờ báo Văn nghệ đối nghịch với lãnh đạo Hội, cụ thể là Thường vụ Hội
Nhà văn, nên cuối cùng tổng biên tập mới bị "thuyên chuyển công tác".
Nói nôm na, thường vụ muốn giữ một nền văn học an toàn. Người tiền nhiệm của
tôi ở báo tuyên bố "chỉ đá bóng giữa sân, không ra biên".
Khi về báo Văn Nghệ, tôi
nói rõ với anh em: Nhìn thẳng vào đời sống thực sôi động và phức tạp mà đối
mặt. Tôi chủ trương khôi phục thể phóng sự, từng nổi tiếng từ thời Vũ Trọng
Phụng, Trọng Lang, Tam Lang… nhưng đã lặng đi trong chiến tranh, để thực tế đời
sống ùa vào tờ báo và văn học.
Tôi xin Trần Huy Quang ở
báo Độc Lập của đảng Dân Chủ (bấy giờ vừa bị giải tán), rồi Hoàng Minh Tường là
những người viết phóng sự hay về, đăng những phóng sự đầu tiên về quản lý kinh
tế, về thực trạng nông thôn, lập tức gọi được hàng loạt phóng sự gửi đến sôi
nổi, từ Lời khai của bị can (về Vua Lốp) cho đến Cái đêm hôm ấy đêm gì chấn
động của Phùng Gia Lộc…
Người đọc từng bỏ tờ báo
ế đến mức không còn tiền mua giấy và trả nhà in, trong thực tế đã phải đình
bản, ngay lập tức quay lại với tờ báo (và cũng là với văn học). Số in báo có
lúc lên đến mười vạn, rồi mười hai vạn. Truyện ngắn cũng thức dậy và lên đến
đỉnh cao với Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài…
Tôi không phải người làm
báo giỏi. Tôi chỉ là người gắn với đời sống, với dân, điều những năm lăn lộn
trong chiến tranh đã dạy cho tôi. Nên trong thời thế bấy giờ, tôi cùng anh em
đã có chủ trương đúng. Tôi nói với các anh chị ở báo: "Báo Văn Nghệ có ưu
thế hơn xuất bản ở chỗ xuất bản (sách) là công nghiệp nặng, là hàng nằm, còn
báo Văn Nghệ là báo, chiến đấu trực diện hàng ngày. Lại có ưu thế hơn các báo
khác ở chỗ nó nói chuyện nóng bỏng của đời sống bằng văn học với thân phận con
người, nên sâu hơn. Phải nhằm vào ưu thế riêng đó mà làm".
Nhìn lại thời ấy, chúng
tôi đã rất linh hoạt, khá bài bản và toàn diện. Phóng sự là mũi nhọn mở cửa,
truyện ngắn cô đọng lại, in sâu ấn tượng, chạm đến chuyện con người. Cũng chính
giai đoạn truyện ngắn này (cùng với nỗ lực về đổi mới lý luận văn học) đã chuẩn
bị cho một thời bùng nổ của tiểu thuyết. Đỉnh cao là năm 1991 với Mảnh đất lắm
người nhiều ma, Bến không chồng và Nỗi buồn chiến tranh… Về lý luận văn học,
chúng tôi triển khai loạt bài về những vấn đề rất cơ bản của Lê Ngọc Trà Văn
nghệ và chính trị, Văn nghệ và hiện thực …, định đi tiếp Vai trò của nguời nghệ
sĩ trong xã hội thì tôi phải rời báo. Nghĩa là báo Văn nghệ thời ấy vừa đưa văn
học trở lại với đời sống thực, mở đường cho hiện thực đời sống tràn vào văn
học, đánh thức văn học dậy sau giấc ngủ mệt mỏi hậu chiến và bao cấp, đồng thời
cũng từng bước chuẩn bị đường đi lâu dài, căn cơ cho văn học.
Chính vào lúc đó thì nó
(và chừng nào đó cả văn học) bị ngáng đường bởi các lực lượng bảo thủ. Tôi được
"thuyên chuyển"…
*Trường Viết văn Nguyễn
Du có phải là một trong những việc mà ông tâm huyết nhất?
-Năm 1979, khi đang ở
quân đội, bỗng được điều sang Hội Nhà văn, tôi được anh Trần Độ bấy giờ là
trưởng ban Văn hóa Văn nghệ gọi đến, hỏi nếu về Hội tôi định sẽ làm những gì.
Tôi nói với anh một loạt dự định lớn nhỏ, rồi nói thêm hai việc cụ thể tôi tính sẽ tập trung sức: Làm lại tạp chí Văn học Nước ngoài, nâng cao và mở rộng hơn, giao cho các anh Đào Xuân Quý, Nguyễn Thành Long, Huy Phương phụ trách, khắc phục tình trạng bị đứt với văn học thế giới suốt mấy cuộc chiến tranh; và, mở Trường Viết văn Nguyễn Du.
Tôi nói với anh một loạt dự định lớn nhỏ, rồi nói thêm hai việc cụ thể tôi tính sẽ tập trung sức: Làm lại tạp chí Văn học Nước ngoài, nâng cao và mở rộng hơn, giao cho các anh Đào Xuân Quý, Nguyễn Thành Long, Huy Phương phụ trách, khắc phục tình trạng bị đứt với văn học thế giới suốt mấy cuộc chiến tranh; và, mở Trường Viết văn Nguyễn Du.
Bấy giờ xảy ra tranh
luận: Có đào tạo được nhà văn không? Tôi nghĩ là không. Có thể lấy một người
tay ngang đào tạo thành bác sĩ, kỹ sư, nhưng không thể dạy họ để trở thành nhà
văn. Tôi cũng nhận xét tài năng văn học ở ta thường xuất hiện rất sớm: Nguyên
Hồng viết Bỉ vỏ năm 16, Chế Lan Viên in Điêu tàn năm 17 tuổi… nhưng lại thường
không đi được xa. Vì cái nền xuất phát của họ không đủ cao. Giáo dục, cả ở bậc
đại học của ta, không chuẩn bị cho họ cuộc xuất phát tầm xa ấy.
Trường Nguyễn Du muốn
làm việc ấy, thay một đại học thật sự chưa có, để họ có thể sung sức đường dài.
Là trường đại học, nhưng trường Nguyễn Du chỉ nhận người đã chứng tỏ có năng
khiếu văn học rõ rệt. Thí sinh cần nộp sáng tác của mình, cho một hội đồng đánh
giá. Trường chủ trương không dạy nhiều về cái gọi là "nghề viết", các
nhà văn có tên tuổi chỉ đến trò chuyện về công việc viết của mình.
Tôi quan niệm chẳng ai
có cách viết giống ai, và nếu nhà văn đi trước lại tạo ra một người đi sau
giống hệt mình thì chẳng để làm gì. Đặc điểm của văn học nghệ thuật là đơn
nhất, có hai ông Nguyễn Du giống hệt nhau thì sẽ thừa một ông...
Suốt 4 năm ở trường
Nguyễn Du, sinh viên được gặp các chuyên gia hàng đầu đến nói với họ phần tinh
túy nhất trong lĩnh vực họ chuyên sâu. Về Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo, Thiên
chúa giáo, về Lịch sử tư tưởng Việt, về Làng xã Việt Nam, cốt lõi của Lịch sử
Việt, về nhân học và dân tộc học, tâm lý học và phân tâm học, về chuyển động
của các trào lưu văn học nghệ thuật thế giới, về lịch sử và văn hóa nhân loại
Đông Tây, về lịch sử triết học, về âm nhạc và hội họa, điện ảnh và sân khấu, về
văn hóa văn học dân gian…, cả một số vấn đề quan trọng của khoa học tự nhiên…
Bảo Ninh nói với tôi
rằng anh không còn nhớ được gì các thầy dạy ở Nguyễn Du, nhưng chắc chắn không
có trường Nguyễn Du thì anh không thể có Nỗi buồn chiến tranh. Những người học
rồi quên hết, là những người thành công nhất. Tất cả những gì anh nghe được,
nhận được đã biến thành một tinh chất mới, cấp độ mới trong con người anh. Và
từ nay anh viết với cái đó, tiếp tục học và đi xa suốt đời…
*Ông nghĩ, nếu thật sự
cần một tổ chức, thì một Hội Nhà văn nên được hình thành thế nào, và nên làm
gì?
-Tôi đã có lần nói với
một người quyền lực rất cao hồi ấy là ông Lê Đức Thọ rằng, không nên có Hội Nhà
văn của nhà nước như cho đến nay. Hội như thế là không bình thường, chỉ tồn tại
trong tình hình không bình thường như trong chiến tranh. Quy luật tồn tại và
phát triển bình thường của văn học (và nghệ thuật) là các nhóm tự nguyện độc
lập "chơi" với nhau, do cùng khuynh hướng nghệ thuật hay xã hội, hoặc
chỉ vì thích nhau, gần gũi nhau thế nào đó…
Trong nhóm, họ trao đổi,
kích thích sáng tạo của nhau, giúp đỡ và bảo vệ nhau. Càng nhiều nhóm càng hay,
có khi thành "trường phái"…
Có lần anh Trần Độ nói,
khi tôi bày tỏ với anh về nỗ lực cho những đỉnh cao mới trong văn học, anh bảo:
"Mình đồng ý thôi, nhưng mình nghĩ trong nghệ thuật, muốn có đỉnh cao mới
thì phải có trường phái mới…". Tôi kinh ngạc và kính trọng vì ý kiến sâu
sắc đến bất ngờ của anh, và hai anh em càng thân nhau từ đấy …
*Theo ông, sự hòa giải
hòa hợp dân tộc sẽ bắt đầu từ đâu giữa người Việt nói chung và người viết nói
riêng?
-Từ xóa bỏ hận thù, ở cả
hai phía, ở người Việt nói chung, chắc càng đặc biệt ở người viết. Lưu Hiểu Ba
nói: "Tôi không có kẻ thù". Nelson Mandela nói: "Tha thứ và hòa
giải"…
*Ông có thời gian dành
cho gia đình không? Vợ ông từng là một tù chính trị nổi tiếng ở miền Nam. Bà có
đủ khỏe mạnh để “đương đầu” với cuộc sống hiện nay?
-Tôi ân hận vì không
dành được bao nhiêu thời gian cho gia đình.
Tôi là kẻ vác tù và hàng
tổng, đi quanh năm suốt tháng. Vợ tôi bị Mỹ bắt nên là tù binh, đã qua hầu hết
các nhà tù miền Nam suốt 7 năm trời. Bị tra tấn nhiều vì ngang bướng nổi tiếng,
nên bây giờ cô ấy rất yếu. Trong dấn thân của mình cho đến hôm nay, tôi nghĩ
tôi có một hậu phương vững chắc ở cô ấy.
*Ông có phải một người
lạc quan? Ông nghĩ, Việt Nam liệu có thể ra khỏi tình thế hiện nay? Và bằng
cách nào?
-Theo tôi, không ai yêu
nước bằng Phan Châu Trinh, vì thế cũng không ai như Phan Châu Trinh, dám nhìn
ra và mắng nặng nề đến vậy những thói xấu căn bản nhất của người Việt, kể cả ở
người nổi tiếng nhất cùng thời với ông. Vì vậy ông cũng là người lạc quan nhất
về đất nước và dân tộc này. Ông tin có thể chữa bệnh cho dân tộc. Bằng cách
học, “Chi bằng học!”.
Chẳng phải người Nhật đã
vượt qua cuộc giáp mặt sinh tử với phương Tây và trở thành hùng cường đúng như
thế sao?
*Xin hãy nói điều gì đó
với người đọc Việt Nam ?
-Vừa rồi có bộ phim
Vietnam War, một lần nữa người Mỹ lại tự vấn về chính họ. Khó nhọc, văn minh,
và dũng cảm. Xin hãy ủng hộ văn học Việt Nam làm một cuộc tự vấn như thế về
chính dân tộc mình. Về con đường mình đã chọn, để ra hôm nay.
Theo tôi, đã đến lúc cấp bách.
Theo tôi, đã đến lúc cấp bách.
*Xin cảm ơn ông về cuộc
trò chuyện thú vị và cần thiết này!
Ngô Thị Kim Cúc thực
hiện
(Có lẽ nên bổ sung một
chi tiết mà mọi người hình như bỏ quên trong tiểu sử nhà văn Nguyên Ngọc: Ông
từng là bí thư đảng đoàn khi là Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam).
Bài đã đăng trên Người
Đô thị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét