Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2018

Thủ tướng Nhật Bản hòa dịu với Bắc Kinh để chống Trung Quốc tốt hơn

Trọng Nghĩa

mediaThủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (P) và đồng nhiệm Trung Quốc Lý Khắc Cường duyệt đội quân danh dự tại Đại Lễ Đường Nhân Dân, Bắc Kinh, ngày 26/10/2018.REUTERS/Thomas Peter
Vụ nhà báo Ả Rập Xê Út Jamal Khashoggi bị sát hại ngay trong lãnh sự quán nước ông tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và cuộc đọ sức Bruxelles-Rôma - ngân sách của Ý bị Châu Âu coi là trái luật - là hai đề tài được các tuần báo khai thác rộng rãi. Về những đề tài khác, đáng chú ý là hai bài viết trên tuần báo Anh liên quan đến Trung Quốc trong quan hệ với Nhật Bản và Hoa Kỳ. Lý thú nhất có lẽ là bài phân tích của The Economist về sự xích lại gần nhau rõ nét giữa Nhật Bản và Trung Quốc nhân dịp thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chính thức công du Bắc Kinh.





Đối với tuần báo Anh, đây là một chuyến thăm lịch sử, có thể so sánh với chuyến thăm Nhật Bản cách nay 40 năm của lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình để ký kết một hiệp ước hòa bình và hữu nghị, mở đường cho quan hệ bình thường với Nhật Bản.

Lễ đón tiếp thủ tướng Nhật Bản một cách linh đình tại Bắc Kinh, loạt hợp đồng và thỏa thuận hợp tác hai bên ký kết nhân chuyến thăm, thái độ thân thiện của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình…, tất cả đều khác xa quan hệ giá lạnh trong sáu năm gần đây, khi Trung Quốc hùng hổ cho tàu thường xuyên vào khiêu khích Nhật Bản tại vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Bắc Kinh đòi chủ quyền nhưng lại đang do Tokyo kiểm soát.
Một ví dụ cho thấy rõ sự thay đổi thái độ hoàn toàn của Trung Quốc đối với Nhật Bản : Vào năm 2014, khi đến Bắc Kinh để cố gắng giảm bớt căng thẳng song phương, ông Abe chỉ được ông Tập Cận Bình bắt tay một cách miễn cưỡng với một bộ mặt khó đăm đăm. Giờ đây, tình hình đã hoàn toàn đổi khác, chủ tịch Trung Quốc lúc nào cũng tươi cười, vui vẻ.
Cả Bắc Kinh lẫn Tokyo đều không muốn lưỡng đầu thọ địch
The Economist cho rằng lý do khiến Bắc Kinh thay đổi thái độ là rất dễ hiểu : Trung Quốc hiện rất cần đầu tư và thương mại Nhật Bản.
Tokyo dẫu sao vẫn là một nhà cung cấp máy công cụ quan trọng cho Bắc Kinh. Bên cạnh đó, Trung Quốc ngày càng phải gồng mình chống lại các đòn tấn công của Mỹ, và như một cố vấn của ông Abe đã giải thích, thì Trung Quốc không bao giờ chọn đối đầu với hai kẻ thù cùng một lúc. Do vậy, Bắc Kinh đã hòa hoãn với Tokyo để dồn sức đối phó với Washington.
Đối với The Economist, Tokyo cũng đi theo cùng một logic. Từ lâu nay, Nhật Bản đã liên minh chặt chẽ với Mỹ, và từng cho rằng liên minh đó luôn luôn vững chắc. Thế nhưng, khi lên cầm quyền, tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm xáo trộn mọi sự, từ việc rút Mỹ ra khỏi Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, một vùng tự do mậu dịch 12 nước mà Nhật Bản hy vọng sẽ ràng buộc Mỹ với khu vực, cho đến việc tuyên bố hoài nghi về giá trị của các liên minh. Sau đó, ông Trump còn phát động chính sách ngoại giao cá nhân với nhà độc tài Bắc Triều Tiên, nước có tên lửa đe dọa Nhật Bản.
Tóm lại, Nhật Bản cũng phải chú tâm « đối phó » với Mỹ. Do đó, Tokyo cũng phải hòa hoãn với Trung Quốc. Nhật cũng không thích bị hai thách thức cùng một lúc.
Dụng tâm sâu xa của Nhật Bản vẫn là tìm cách chống Trung Quốc
Một số người cho rằng Nhật Bản có nguy cơ bị kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng đối với The Economist, suy nghĩ như vậy là không hiểu gì về dụng tâm của Nhật Bản.
Trong việc xích lại gần Bắc Kinh, hầu như Tokyo không cầu cạnh bất kỳ điều gì. Kết quả đáng kể nhất của hội nghị thượng đỉnh Shinzo Abe - Tập Cận Bình là tái lập một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ giữa hai ngân hàng trung ương. Nếu được áp dụng toàn diện, có khả năng là Trung Quốc, với các ngân hàng ngập nợ và tiền tệ lung lay, sẽ là bên phải cầu cạnh Nhật Bản.
Một điểm khác là Nhật Bản rất muốn tham gia vào Sáng kiến Một Vành Đai, Một Con Đường của Trung Quốc. Ông Abe đang thúc giục giới kinh doanh, bảo hiểm và những người khác tranh thủ các cơ hội làm ăn mà cơ sở hạ tầng do Trung Quốc chủ trương tạo ra. Mục đích không phải là để phò trợ cho đường lối ngoại giao của Trung Quốc, mà là để chống lại nó, bằng cách thúc đẩy quyền lực mềm của Nhật Bản ở Đông Nam Á và xa hơn nữa.
Theo giới thân cận của ông Abe, vấn đề là làm sao để cho các nước trong khu vực thấy là không nhất thiết phải quỵ lụy Trung Quốc. Phương án thay thế mà Nhật Bản đề xuất là một trật tự mở, dựa trên luật pháp và thậm chí có thể có dân chủ, trong đó kinh tế được định hình theo thị trường, chứ không phải theo kiểu con buôn. Nhật Bản muốn đóng vai trò một quản lý quốc tế có trách nhiệm.
Chiến lược đó có một cái tên chính thức: một « vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương mở rộng và tự do đối phó », với Mỹ ở trung tâm, Úc là một trợ thủ háo hức, và hải quân Anh và Pháp đóng vai diễn viên phụ. Các chiến lược gia Nhật Bản hy vọng là mai kia Ấn Độ cũng sẽ quyết tâm hơn. Chiến lược này cũng là để chống lại Trung Quốc.
Một nhà chiến lược mô tả thái độ hòa hoãn của Nhật Bản đối với Trung Quốc như là một hành động phô bày chỗ yếu của mình cho người khác đánh. Nhưng đối với The Economist, nếu chủ trương cứng rắn của ông Trump đối với Trung Quốc là nhằm tái khẳng định quyền bá chủ của Mỹ ở châu Á, thì chủ trương đó được một số người ở Tokyo ủng hộ nhiệt tình nhất, trong đó có cả thủ tướng Abe.
Đồng thuận rộng rãi tại Mỹ : Phải cứng rắn với Trung Quốc
Như nói ở trên, tuần báo Anh The Economist cũng rất chú ý đến quan hệ Mỹ-Trung đang gặp sóng gió trên nhiều mặt, từ kinh tế, thương mại đến an ninh, quốc phòng. Việc Mỹ phải đẩy lùi Trung Quốc là một yếu tố được tờ báo gọi là « đồng thuận mới » tại Washington.
Trong một bài viết dài mang tựa đề « Thái độ mới của Mỹ đối với Trung Quốc đáng làm thay đổi quan hệ giữa hai nước », tuần báo Anh ghi nhận là bang giao Mỹ-Trung ngày càng đối kháng nhau trên nhiều phương diện.
Đối với The Economist, đã qua rồi thời kỳ mà nước Mỹ còn gượng nhẹ với Trung Quốc để khuyến khích nước này hội nhập vào cộng đồng quốc tế, có trách nhiệm hơn, và tôn trọng luật lệ và chuẩn mực quốc tế hơn.
Thái độ cứng rắn của tổng thống Trump và chính quyền Hoa Kỳ đương nhiệm đối với Trung Quốc cho đến gần đây còn bị nhiều nhà quan sát ở cả Mỹ lẫn Trung Quốc xem là chỉ hung hăng nhất thời, quan hệ có thể căng thẳng lúc này, lúc khác, nhưng sau cùng thì logic kinh tế sẽ lại thắng.
Tuy nhiên, theo tuần báo Anh, nước Mỹ lúc này quả thực đang bất an trước đà vươn lên về công nghệ của Trung Quốc - mà ông Trump cho là nhờ đánh cắp và bắt chẹt giới công nghệ Mỹ, cũng như trước tính chất ngày càng độc đoán của chế độ Bắc Kinh và sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc. Những điều vừa kể đã đẩy logic kinh tế xuống hàng thứ yếu.
Điểm đáng ghi nhận, theo The Economist, là ở nước Mỹ, hiện đang có một sự thay đổi sâu sắc trong suy nghĩ về Trung Quốc, ở cả cánh hữu lẫn cánh tả. Đã xuất hiện một sự đồng thuận mới cho rằng Trung Quốc đang thực thi một chiến lược dứt khoát để đẩy lùi nước Mỹ nhằm áp đặt ý chí của Bắc Kinh, vì thế Mỹ cần phải có một phản ứng mạnh mẽ.
Từ giới chủ trương mậu dịch tự do truyền thống ở Nhà Trắng, cho đến những người quyết ăn thua đến cùng trong Nhóm Trump và những thành phần diều hâu về mặt an ninh quốc gia trong Quốc Hội, tất cả đều tán đồng thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc. Giới lãnh đạo Lầu Năm Góc và các ông trùm của các cơ quan tình báo đều xác định rằng Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh nước Mỹ, và đòi hỏi là phải có một phản ứng của « toàn bộ chính phủ ».
Trong xã hội dân sự, liên minh chống Trung Quốc bao gồm những người bảo thủ tôn giáo, những người ủng hộ nhân quyền, công đoàn và những thành phần bảo hộ mậu dịch cố hữu.
Theo The Economist, bài nói chuyện của phó tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 04/10, trong đó ông nêu bật thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc, đã có dáng dấp của một lời tuyên bố chiến tranh lạnh.
Thái tử Ả Rập Xê Út MBS : Con người hai mặt
Diễn biến của vụ nhà báo Ả Rập Xê Út Jamal Khashoggi bị sát hại trong lãnh sự quán nước này ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) tiếp tục thu hút sự chú ý của các tuần báo Pháp, Anh. Đặc biệt tờ L’Express đã dành trang bìa cho sự kiện này, với chân dung của thái tử Ả Rập Xê Út MBS, tức Mohammed Ben Salmane. Tạp chí Pháp chạy tựa lớn « Bạo chúa đã lừa bịp phương Tây ».
Trong hồ sơ chính dài hơn 10 trang, L’Express khẳng định : « Vụ sát hại ông Khashoggi đã vạch trần bản chất thực thụ của chế độ Riyad : Đằng sau cái vỏ tân tiến, hiện đại được phô trương, là bản chất dã man của thời xa xưa ».
Về thái tử MBS, nhân vật mạnh của Ả Rập Xê Út, kẻ bị tình nghi đã ra lệnh thủ tiêu nhà báo Khashoggi, tờ báo đã điểm lại quá trình vinh thăng của một « thiếu niên đầy tự ti mặc cảm »đã biết dùng thủ đoạn để trở thành một « lãnh đạo đầy uy quyền ».
L’Express ghi nhận là đứa con cưng của quốc vương Ả Rập Xê Út đã bộc lộ hai bộ mặt : « Một bên là một nhà cách tân khá bạo dạn để lay chuyển các điều cấm kỵ trong xã hội Ả Rập Xê Út, và bên kia là một kẻ độc đoán tàn nhẫn, thiếu chín chắn và nóng tính. »
Đối với L’Express, vụ Khashoggi bùng lên cũng đã làm cho nước Pháp lúng túng, đe dọa chính sách nhẹ tay vốn có của Paris đối với Riyad, một « đối tác chiến lược ». Vậy mà, theo tạp chí Pháp, thái tử Ả Rập Xê Út, vốn rất mê Mỹ, chỉ xem Pháp là một đối tác hạng hai.
Riêng đối với Hoa Kỳ, L’Express cho rằng vụ sát hại nhà báo Khashoggi cũng nêu bật các bất cập trong chính sách Trung Đông của chính quyền Donald Trump. Tờ báo không ngần ngại chạy tựa « Washington trong bẫy rập Xê Út ».
Vụ Khashoggi: Thổ-Qatar-Iran được lợi, Ả Rập Xê Út-Mỹ-Israel bị thiệt
Vụ Khashoggi cũng được tạp chí Le Point chú ý khai thác, với một bài xã luận nêu bật sự kiện « Ai được lợi trong vụ sát hại Jamal Khashoggi ? », tựa đề bài phân tích.
Đối với Le Point, nước được lợi nhiều nhất dĩ nhiên là Thổ Nhĩ Kỳ, đối thủ của Ả Rập Xê Út trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng tại vùng Trung Cận Đông. Một nước khác cũng có thể thủ lợi là Iran, vốn đang phải chống chọi với các nỗ lực đánh phá của Mỹ khi Washington liên kết với Ả Rập Xê Út và Israel. Nước được lợi thứ ba là Qatar, vốn bị Ả Rập Xê Út phong tỏa từ hai năm nay.
Nếu có bên được lợi, thì phải có bên bị thiệt. Ngoài Mỹ và Ả Rập Xê Út, vụ Khashoggi, theo Le Point, còn tác hại đến Israel, vốn đã không nề hà công sức trong những năm gần đây để xây dựng một trục chiến lược với Riyad, dưới sự bảo trợ của Washington, nhằm đối phó với Iran và phong trào thánh chiến của hệ phái Hồi Giáo Sunni. Tình thế bấp bênh mà nhân vật mạnh ở Ả Rập Xê Út đang trải qua cho thấy là trục chiến lược đó không vững chắc như Israel từng lầm tưởng.
Ý và Liên Hiệp Châu Âu đang ngồi trên miệng núi lửa
Ngoài hồ sơ Khashoggi, tuần báo Le Point cũng nhấn mạnh một nguy cơ đang đe dọa châu Âu và cả thế giới. Đó là sự kiện giới lãnh đạo dân túy tại nước Ý đã quyết tâm duy trì một ngân sách quốc gia với những khoản chi tiêu khổng lồ, phá tung khuôn khổ chặt chẽ mà Liên Hiệp Châu Âu đã quy định cho các thành viên.
Đối với Le Point, điều này đe dọa thế cân bằng trong khu vực đồng euro, với những hệ quả khôn lường cho cả châu Âu và thế giới.
Vấn đề, theo tạp chí Pháp, gói gọn trong các con số : Chính quyền Ý đương nhiệm đã loan báo quyết định tăng chi trong ngân sách năm 2019 của nước này, đẩy thâm hụt lên mức 2,4% GDP, bất chấp chính phủ Ý tiền nhiệm đã cam kết không để thâm hụt quá 0,8%. Rôma cũng không đếm xỉa gì đến yêu cầu 1,6% của Ủy Ban Châu Âu.
Đối với Le Point, lần đầu tiên trong lịch sử, một quốc gia sáng lập Liên Hiệp Châu Âu đã thản nhiên chà đạp lên tất cả các hiệp ước về ngân sách. Phản ứng của Bruxelles rất tức thời. Hôm 23/10, Ủy Ban Châu Âu đã bác bỏ dự thảo ngân sách của Ý và cho chính quyền Rôma ba tuần để điều chỉnh.
Cựu thủ tướng Ý Mario Monti, cũng là một cựu Ủy Viên Châu Âu, đã không che giấu nỗi lo ngại về hậu quả của cuộc đọ sức : « Ngay lập tức tôi đã hiểu rằng một quyết định như vậy sẽ gây ra vấn đề cho nền kinh tế Ý và dẫn tới một cuộc đối đầu với châu Âu ». Chưa bao giờ một nước thành viên lại công khai thách thức các quy định của Châu Âu như vậy.
Trang bìa đa dạng của các tuần báo
Hồ sơ chính tuần này trên trang bìa các tuần báo đều khác nhau. L’Express xoáy mạnh trên tình hình Trung Đông sau vụ giết hại nhà báo Khashoggi. Courier International nhìn về châu Âu và đưa ra giả định : « Ngộ nhỡ tiến trình Brexit bị chặn lại thì sao ? ». Ảnh minh họa của Courrier International rất ngộ nghĩnh, cho thấy một gentleman Anh chính hiệu chân thì bước tới, nhưng đầu thì quay ngoặt về phía sau.
Tuần báo Le Point thì đặt ra một vấn đề mang tính chất toàn cầu : « Những giải pháp mới để cứu hành tinh », với một cuộc điều tra nhằm định hình điều được tạp chí gọi là phong trào sinh thái kiểu khác, không giáo điều cứng nhắc như phái truyền thống. Phong trào sinh thái« mới » này tập hợp nhiều tư tưởng gia, kinh tế gia và doanh nhân đang cố kết hợp việc bảo vệ môi trường với tiến bộ khoa học và tăng trưởng kinh tế.
Còn tuần báo L’Obs thì tập trung vào nội tình nước Pháp, nơi mà « Chất độc của nghi kỵ (đã thấm vào) chính trị và tư pháp », một nhận xét rút tỉa từ sự kiện lãnh đạo phong trào Nước Pháp Bất Khuất, La France Insoumise, mới đây đã lớn tiếng tố cáo ngành tư pháp là tuân lệnh của chính quyền Macron để « truy bức » ông và phong trào chính trị của ông.
Riêng tuần báo Anh ngữ The Economist nhìn sang nước Úc, mà theo tờ báo, có lẽ là một trong những quốc gia thành công nhất hiện nay trong số những nước giàu. Tuần báo Anh không ngần ngại nêu bật « Những gì mà thế giới có thể học hỏi từ nước Úc ».

Không có nhận xét nào: