Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2018

Một loại hạt từ Mỹ thâm nhập Việt Nam: 50 triệu người lo sợ

18/10/2018  14:00 GMT+7

Việt Nam đang đứng trước nguy cơ cao bị loại cỏ kế đồng - loại cỏ khiến Mỹ khiếp sợ - xâm nhập vào do phát hiện 1,6 triệu tấn lúa mỳ nhập khẩu nhiễm loại cỏ này. Vậy mà các doanh nghiệp cho rằng nên cho phép có tỷ lệ phần trăm nhất định nhiễm cỏ kế đồng khi nhập khẩu lúa mì.
Đường đi nông sản Trung Quốc nhái Đà Lạt
Các chuyên gia cảnh báo, nếu không kiểm soát chặt chẽ, để cỏ kế đồng xâm nhập vào Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và môi trường, chưa kể nguy cơ một loạt thị trường nhập khẩu nông sản Việt Nam lần lượt đóng cửa hoặc nông sản Việt bị kiểm soát gắt gao hơn. 
Mỹ tốn hàng chục triệu USD mỗi năm để phòng trừ
Theo tin từ Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT), cỏ kế đồng được cho là có nguồn gốc tại vùng Địa Trung Hải, châu Âu sau đó lan sang Mỹ, Canada và một số quốc gia khác do nhập khẩu, vận chuyển các lô hàng bị nhiễm loại cỏ này. Chúng có khả năng thích nghi và phát triển tại nhiều vùng sinh thái khác nhau, với các loại đất khác nhau. Đặc biệt, cỏ có thể xuất hiện, gây hại tại vùng khí hậu ôn đới, cận nhiệt đới và nhiệt đới giống Việt Nam.
Một loại hạt từ Mỹ thâm nhập Việt Nam: 50 triệu người lo sợ
Nhiều nước trên thế giới xếp cỏ kế vào nhóm gây hại cho nền nông nghiệp
Cỏ kế đồng là loại cỏ lưu niên sinh sản có thể cao đến 1,5m, lây lan rất nhanh bằng vô tính (hình thành cây mới từ rễ) và hữu tính (bằng hạt); sức chống chịu, thích nghi với môi trường rất tốt. Rễ cỏ mọc rất sâu trong đất, có thể sâu đến 3m, mọc lan ngang đến 6m. Chỉ bằng sinh sản vô tính, 1 cây cỏ ban đầu có thể nhanh chóng tạo ra quần thể cỏ rộng xâm lấn hàng chục mét vuông. Mỗi cây có thể tạo ra 5.000 hạt cỏ rất nhỏ, dễ phát tán. Hạt cỏ dễ dàng trôi dạt theo dòng nước và có thể nảy mầm sau khi nằm trong đất hoặc trong nước 20 năm. Khi mọc sẽ cạnh tranh dưỡng với các cây trồng, tiết ra chất độc để ức chế các loài cây khác phát triển.
Theo thống kê từ 40 quốc gia đã bị xâm lấn, cỏ kế đồng là loài cỏ có khả năng xâm hại cao, có thể gây hại nghiêm trọng cho hơn 27 loại cây trồng như ngô, đậu tương, các loại đậu đỗ, hành, tỏi, ớt, các loại dưa, cải bắp, cà rốt, bầu bí, cà chua, khoai tây,...
Nhiều quốc gia như: Úc, Braxin, Argentina, Mexico, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Campuchia,... xếp cỏ kế đồng là đối tượng kiểm dịch thực vật phải kiểm soát nghiêm ngặt để không cho chúng xâm nhập, lây lan theo hàng hóa nhập khẩu vào trong nước.
Loại cỏ này cũng khiến Mỹ khiếp sợ, được xếp vào nhóm cỏ gây hoại nguy hiểm và xâm hại vì rất khó phòng trừ. Theo đó, ở Mỹ, hàng năm cỏ kế đồng làm giảm năng suất, gây thiệt hại trực tiếp về kinh tế hàng chục triệu USD. Bên cạnh đó, nước này cũng tốn hàng chục triệu USD cho chi phí phòng trừ mỗi năm. 
Ở Canada, từ năm 1865, quốc gia này đã ban hành đạo luật về phòng trừ cỏ kế đồng và phạt tiền những cá nhân vi phạm, không phòng trừ loài cỏ nguy hại này.
Nguy cơ “đóng sập” cánh cửa xuất khẩu nông sản Việt
Tại cuộc họp của Cục Bảo vệ Thực vật với các doanh nghiệp (DN) liên quan để bàn giải pháp khắc phục tình trạng các lô hàng lúa mì nhập khẩu từ các nước nhiễm cỏ kế đồng tổ chức sáng 17/10, đa phần DN lúa mì trong nước đều có chung kiến nghị về việc cần có những nghiên cứu kỹ hơn về quy định tạm nhập tái xuất, đồng thời đề xuất kéo dài thêm thời gian 6 tháng trước khi thực hiện quy định về tạm nhập tái xuất lúa mì nhiễm cỏ kế đồng để DN có thể tìm kiếm nguồn cung thay thế. Ngoài ra, phía DN cũng kiến nghị cần có quy định lúa mì nhập khẩu nên cho phép tỷ lệ phần trăm nhất định nhiễm cỏ kế đồng.
Một loại hạt từ Mỹ thâm nhập Việt Nam: 50 triệu người lo sợ
Các chuyên gia cảnh báo, nếu không kiểm soát chặt, để cỏ kế đồng xâm nhập vào Việt Nam thì nguy cơ nông sản xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng
Tuy nhiên, TS Nguyễn Văn Liêm, Viện trưởng Viện Bảo vệ Thực vật, cho biết, ở góc độ nhà khoa học, nếu cỏ kế đồng xâm nhập vào Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến 50 triệu nông dân, và nguy cơ “đóng sập” cánh cửa xuất khẩu nông sản là rất lớn. Việt Nam chưa nhiễm loại cỏ này là việc cực kỳ may mắn. Do đó, việc tái xuất, ngăn chặn không cho lúa mì nhiễm cỏ kế đồng vào Việt Nam là việc phải làm.
Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, từ đầu năm đến nay, chúng ta nhập khẩu 4 triệu tấn lúa mì thì có 1,6 triệu tấn nhiễm cỏ kế đồng. Dù đã được cảnh báo từ cách đây 6 tháng, tuy nhiên, lượng lúa mì nhiễm cỏ kế đồng không những không giảm mà ngày càng gia tăng. Nếu tháng 5 chỉ có vài lô hàng thì đến tháng 8 kiểm đếm đã có khoảng 1,6 triệu tấn lúa mì nhiễm cỏ. 
“Bộ không cấm, cũng không ngừng, nhưng nếu tình trạng không thay đổi sẽ triển khai tái xuất. Việc này, giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp và cho cơ quan quản lý nhà nước”, ông Trung cho hay.
"Với số lượng 1,6 triệu tấn bị nhiễm cỏ kế đồng, để tránh gây đột ngột, gây thiệt hại cho DN, Cục đã nỗ lực, triệu tập DN để cảnh báo, cùng tháo gỡ với DN. 
Quốc tế không ai làm như vậy, EU chỉ cần 5 lô hàng nhiễm sinh vật gây hại là họ sẽ cấm ngay lập tức. Trong khi đó, Việt Nam mới nâng lên một bước đó là tái xuất. Chúng ta cũng đã có một lộ trình gần 6 tháng để cho DN chuẩn bị”, ông Trung nói.
Ông Trung cho rằng, tác động với DN là ngắn hạn. Cần nhìn toàn cục về hậu họa khôn lường vàkhông tính toán được bằng tiền bạc.
Ông Trung nhấn mạnh, đã là quy định của pháp luật thì phải thực hiện. Trước sau gì cũng phải tái xuất nếu tình trạng không thay đổi và cần có những biện pháp tháo gỡ, cao hơn sẽ phải báo cáo Bộ ngừng nhập khẩu.
Song, trước kiến nghị lùi lại thời hạn 6 tháng, các nước cũng muốn lùi thời hạn để 2 bên đàm phán, tìm giải pháp tháo gỡ. Do đó, phía Cục sẽ tạm thời chưa áp dụng hình thức tái xuất từ 1/11. Còn khi nào áp dụng hoặc có biện pháp khác sẽ báo cáo Bộ NN-PTNT. Các DN cần chuẩn bị kế hoạch việc tái xuất hoặc tạm ngừng. Nếu áp dụng hình thức tái xuất, Cục sẽ thông báo trước cho DN ít nhất trước 1 tháng.
Bảo Phương 

Không có nhận xét nào: