Kỳ lân là con vật trong truyền thuyết, người Trung Quốc xưa tin rằng bắt được lân là điềm báo hiệu đất nước thái bình. Tuy là truyền thuyết, nhưng lân được mô tả trong sách cổ; Phù Thụy Đồ đời Hán chép “Lân là thú có lòng nhân, thân hình giống như con quân, đuôi trâu, 1 sừng, cuối sừng có thịt.” Hán Việt Tự điển Thiều Chửu ghi quân là con chương; mà không giải thích rõ chương là con vật như thế nào. Sách Nhĩ Nhã 1 chép “con quân, lớn như con nai, có 1 sừng.”
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nước ta chép việc cống lân vào đời vua Lý Thánh Tông năm Đinh Dậu [1057] như sau :
Sai sứ đem con thú lạ sang biếu nhà Tống nói là con lân. Tư Mã Quang nói: “Nếu là con lân thực mà đến không phải thời cũng chẳng lấy gì làm điềm tốt, nếu không phải lân, thì làm cho người phương xa chê cười. Xin hậu thưởng rồi bảo đem về”.
Sử liệu chứng tỏ triều đình ta đã tham khảo các sách nêu trên, biết chắc rằng con vật có trong tay chỉ là con thú lạ có một vài điểm giống lân; nên nói là con kỳ lân rồi đem sang biếu Trung Quốc. Hai con vật lạ vừa là món quà giao hảo của nước Đại Việt, vừa là cuộc chơi về tri thức.
Tư Mã Quang là Tể tướng của nhà Tống, cũng là tác giả Tư Trị Thông Giám. Tầm cỡ Tư Mã Quang, tượng trưng cho trí thức siêu việt của Trung Quốc, qua trích dẫn, cũng không xác quyết được con vật nước Đại Việt cống là con gì.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư không mô tả con vật lạ, nhưng Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên của Lý Đào đời Tống, ghi rõ ngày tháng đến cống và chi tiết như sau:
Ngày Đinh Mão tháng 6 [21/7/1058], Giao Chỉ cống 2 thú lạ. Lúc đầu nước này xưng cống lân, hình dáng giống như trâu nước, thân che bởi giáp thịt, cuối mũi có sừng, ăn cỏ hoặc trái dưa; phải đánh trước rồi mới cho ăn.
丁卯,交阯貢異獸二。初,本國稱貢麟,狀如水牛,身被肉甲,鼻端有角,食生芻果瓜,必先以杖擊然後食。
Nếu so sánh con vật Đại Việt cống với con lân mô tả trong truyền thuyết, chúng chỉ giống nhau ở chỗ đuôi trâu và có 1 sừng; nên khi đưa con vật trình lên triều đình, viên Khu mật sứ Điền Huống dựa vào lời tâu của viên quan châu Nam Hùng [Nam Hùng thị, Quảng Đông] để phản đối, vì e rằng bị lừa dối:
Hôm qua Thiêm phán châu Nam Hùng Đồn điền viên ngoại lang Tề Đường tâu con thú này so với những điều trong sách sử chép thì không giống; sợ không phải là kỳ lân, như vậy triều đình sẽ bị man di lừa dối.
「昨南雄州簽判、屯田員外郎齊唐奏此獸頗與書史所載不同。儻非麒麟,則朝廷殆為蠻夷所 詐。
Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên
Lại có Tri Kiền Châu [Cống Châu thị, Giang Tây] Tỷ bộ lang trung Đỗ Thực căn cứ vào lời người ngoại quốc đến giao thiệp với Trung Quốc tại Quảng Châu [Quảng Đông] để phản biện. Người ngoại quốc, Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên gọi là phiên; sau khi xem qua con vật này do Sứ giả nước ta trên dường đi cống ghé qua Quảng Châu [Quảng Đông], khẳng định rằng đó là con tê giác trên núi. Đỗ Thực chấp nhận lời nói đó, cùng trưng lên các lập luận từ các sách; để khuyên triều đình trong văn thư trả lời nước ta, không gọi đó là kỳ lân chỉ gọi là con thú lạ, để khỏi bị mắc lừa:
Tại Quảng Châu từng nghe viên Thương biện Phiên [ngoại quốc] nói rằng: ‘đó chỉ lá sơn tê [tê giác trên núi] mà thôi.’ Kính cẩn xét Phù Thụy Đồ chép lân là con thú có lòng nhân, thân mình giống như con quân [麕]1, đuôi trâu, một sừng, cuối sừng có thịt. Nay Giao Chỉ hiến không có thân hình như con quân, mà có giáp; biết rằng nó không phải là lân, nhưng không biết tên là con gì. Trước kia vào cuối đời Tống Thái Thủy, Vũ Tiến đưa ra một con thú có 1 sừng, đầu giống dê, cánh giống rồng, chân ngựa, các phụ lão không biết giống gì; như vậy vật lạ tại trung nguyên cũng có. Sách Nhĩ Nhã chép con quân, lớn như con nai, có 1 sừng… Quảng Chí ghi rằng chi xem như lân, da có giáp lân; trông thì cũng gần giống, nhưng hình thể lại như trâu, lại sợ rằng không phải. Bởi vậy các quan ở ngoài triều, mấy lần dâng tấu chương tranh biện. Vậy phải chăng triều đình muốn cho nước di xa xôi hưởng lợi trong việc triều cống, để ràng buộc; thì cũng không nên nói là có được lân rồi cho đó là điềm lành. Hãy xin tuyên dụ cho Tiến phụng sứ Giao Chỉ, cùng ban chiếu chỉ hồi đáp rằng được phụng tiến thú lạ, nhưng không nói là kỳ lân, đủ để cho thói tục lạ không lừa được ta; cũng không mất ý nghĩa triều đình hoài nhu với nước xa xôi.