Dương Tự Lập
31-3-2019
Bác Lê Ba, Thứ trưởng Bộ Điện và Than khi ngồi nói chuyện với cha tôi thường tỏ ý không thích đi máy bay như bác nói:
– Ô tô hỏng giữa đường thì còn dừng lại để sửa chữa được, chứ máy bay ở trên không mà có sự cố gì thì biết làm sao. Giống đời cứ ghét của nào thì trời trao của nấy.
Đầu xuân Kỷ mùi 1979 vừa lên chơi chúc tết cha tôi thì tháng ba năm đó bác bị tai nạn máy bay nổ rơi ở bán đảo Sơn Trà – Đà Nẵng. Cuộc họp quân sự khẩn cấp tại Đà Nẵng chống bọn bành trướng Trung Quốc xâm lược đang diễn ra ác liệt ở phía Bắc có các ngành liên quan mà bác là người thay mặt Bộ. Trong chuyến máy bay quân sự rơi hôm đó có năm Thứ trưởng của các ngành khác nhau. Phía Nga bị mấy sĩ quan cao cấp và một Thiếu tướng.
Mọi chuyện rơi vào quên lãng ngay vì ngày ấy không có thông tin như bây giờ. Khi đấy tôi đang trong quân ngũ. Thằng Thành “nháy” viết thư cho tôi báo tin dữ về bố Hưng “kem” tử nạn. Chúng tôi chỉ đọc được mấy dòng ngắn tin này trên báo Nhân Dân, nói rằng tai nạn xảy ra là do khí hậu và thời tiết xấu.
Sau này cha tôi mới kể lại cho tôi nghe chuyện người bạn số đen đủi của ông bị chết vì rơi máy bay rõ ràng hơn thư của Thành viết. Phía Nga ngay sau vụ nổ máy bay đã có phản ứng dữ dội vì họ bị mất cả người lẫn của (máy bay Nga).
Họ chỉ trích gay gắt Việt Nam đã để lộ bí mật nên mới có bàn tay của kẻ thù thò vào gây tổn thất to lớn như thế. Bằng chứng là ngay sau sự vụ cũng hãng máy bay quân sự như thế, cùng một “sê-ri” như thế, thời tiết lại còn xấu hơn thế. Nga đã cho phi công của họ diễn lại bay lượn mấy vòng trên vùng trời Sơn Trà rồi hạ cánh an toàn để dằn mặt Việt Nam.
Hưng “kem” là con trai út bác Lê Ba, cùng tuổi với tôi, nó cũng mê bóng bàn như tôi. Nhưng vào cuộc chơi bất kể nó được se vít “service” trước hay sau tôi thì kết cục năm “séc” nó phải thua tới ba, bốn “séc”. Trong khu tập thể bọn tôi thời đó chỉ có một chiếc bàn bóng bằng gỗ, chiếc kia là bàn đá thì chẳng đứa nào thích chơi. Đã đúng dân “nghiện” bóng bàn thì ai đời nào chịu xài bàn đá. Độ nẩy của bóng không thật. Những cú se vít ghìm bóng hay những quả “tiu” quả “ve” sẽ mất hay, nên bàn gỗ lúc nào cũng đông tay vợt.