Tỉnh Hà Giang ngày nay nằm trong tỉnh Tuyên Quang thời Minh Mạng, triều Nguyễn. Lãnh thổ tỉnh Tuyên Quang lúc bấy giờ nằm trong các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, và các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc thuộc tỉnh Cao Bằng ngày nay.
Sau cuộc tiến quân lần thứ nhất đánh dẹp Nông Văn Vân tại châu Bảo Lạc vào cuối năm Minh Mệnh thứ 14 [1833], trên đường về Nguyễn Công Trứ dâng tập ‘Thỉnh an’ lên vua, trình bày vị trí chiến lược của vùng đất An Biên, Hà Giang, xin đặt tỉnh thành tại đây, để chế ngự vùng thượng du miền Bắc.
‘Thỉnh an’ tuy có nghĩa là hỏi thăm sức khỏe vua, nhưng thực chất là bản báo cáo hàng tháng, do các Tổng đốc dâng lên triều đình. Mở đầu ‘Thỉnh an’ tác gỉả trình bày yếu tố về địa lý, từ thành Tuyên Quang men theo dòng sông Lô đến đồn An Biên đối ngạn với Hà Giang (tương đương với đoạn quốc lộ số 2 ngày nay, từ tỉnh lỵ Tuyên Quang đến tỉnh lỵ Hà Giang) phải mất 8 ngày đường; từ đó tiến đến châu Bảo Lạc (tương đương với đường 34 ngày nay, từ tỉnh lỵ Hà Giang đến huyện lỵ Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng), sào huyệt của Nông Văn Vân, lại phải mất thêm 8 ngày; đó là chỉ kể đường đi, không phải đánh nhau, cũng phải mất đến nửa tháng:
Thự Tổng đốc Hải Yên là Nguyễn Công Trứ có nói trong tập thỉnh an rằng: “Tỉnh Tuyên Quang tiếp giáp với huyện Hùng Quan thuộc phủ Ðoan Hùng, tỉnh Sơn Tây. Từ tỉnh đến đồn An Biên hết 8 ngày đường; từ đồn An Biên do đường An Ðịnh, Bắc Nhự đến Vân Trung [Bảo Lạc] thì hết 5 ngày; nếu do đường Ðại Miện, Tiểu Miện đi Vân Trung thì hết 8 ngày. Tính suốt ra, từ tỉnh thành [Tuyên Quang] đến châu Bảo Lạc, đi được yên lành cũng đã hơn nửa tháng.” 1
Hà Giang-A. P.V.Đ
Với đường giao thông xa xôi khó khăn như vậy, mọi sự tiếp tế lương thực, tiếp viện quân lính, lại chỉ dựa vào tỉnh Sơn Tây tại cuối dòng sông Lô; nên trong quá khứ gặp nhiều sự trở ngại, như đồn An Biên tại Hà Giang mấy lần bị đánh mất không kịp cứu, vùng châu Bảo Lạc Nông Văn Vân nổi dậy, không dập tắt được kịp thời:
Núi sông hiểm trở, đều thuộc đất của thổ ty, khi có việc xẩy ra, chờ được tin báo thường quá chậm không kịp việc. Phương chi những việc quan trọng đều do tỉnh Sơn Tây điều khiển, sự đi lại và điều động phải hàng tuần hàng tháng mới xong. Công việc có khi bị trở ngại và lầm lỡ cũng do vì tình thế cách trở xui nên thế. 2
Ðích thân hành quân qua vùng An Biên, Hà Giang; thự Tổng đốc Hải Yên Nguyễn Công Trứ nhận định rằng đất này có vị trí chiến lược đủ để khống chế các vùng xung quanh; lại có khả năng tự túc, tự cường lập tỉnh thành lớn.
Riêng về mặt địa hình quân sự, ông nhận định rằng vị trí An Biên rộng rãi, trước có sông Lô ngăn chặn, ba mặt núi đá ôm quanh; các phía phải, trái, núi hiểm có thể làm quan ải chặn giữ. Về an ninh xa có các sông Ðại Miện, Tiểu Miện; hoặc các vùng An Ðịnh, Bách Ðích có thể xây đồn để chặn giữ:
An Biên là nơi trung độ nhất của Tuyên Quang, mặt trước có dòng sông ngăn chặn, ba mặt có núi đá ôm quanh, quãng giữa rộng rãi, chứa được vài vạn người, có thể lập tỉnh thành. Tòng Tạo bên hữu, Lạp Lĩnh ở bên tả có thể xây dựng quan ải, phía nam con sông có núi đất, xây pháo đài để phòng thủ được nghiêm. Như thế tự thành một nơi hiểm trở có thể ở được. Ngoài ra các nơi xung yếu như Ðại Miện, Tiểu Miện, mỏ son Bách Ðích và An Ðịnh đều đắp đồn để ngăn chặn; những chỗ bị nghẽn lấp quanh co, chật hẹp thì cho khai đào, sửa phẳng để dễ đi lại. 3
Ảnh Hà Giang-P.V.Đ
Từ vị trí chiến lược này, giống như cái trục của cỗ xe, có thể lần theo nan quạt, tỏa ra bốn phương: hoặc theo đường 34 hiện nay để đến các châu Mèo Vạc, Bảo Lạc; hoặc theo sông Gầm, sông Năng đến hồ Ba Bể [Bắc Kạn] thuộc vùng đất tỉnh Thái Nguyên thời đó; hoặc xuôi dòng sông Lô qua tỉnh lỵ Tuyên Quang ngày nay để đến tỉnh thành Hưng Hóa, hoặc ngược sông Lô đến châu Vị Xuyên để kiểm soát vùng mỏ Tụ Long 4:
Như vậy thì mặt tây có thể chống giữ Bảo Lạc, Lục Yên, mặt đông có thể trấn áp Ðại Man, Vị Xuyên, mặt nam có thể khống chế Hưng Hóa, mặt bắc có thể thông với Thái Nguyên; thực được cái thế ở chỗ trọng mà trị chỗ khinh, chẳng khác gì thân người sai khiến chân tay vậy. Vận động đã nhanh, tin tức lại nhậy, có thể ngăn chặn được cái chưa nảy mầm, tiêu trừ những cái không yên tĩnh.5
Ðiều quan trọng là vùng đất chiến lược này có thể tự túc, tự cường; Nguyễn Công Trứ ước tính cần bỏ ra 3 năm cải tạo, đưa dân vào khuôn phép, để về lâu về dài không còn mối lo biên giới:
Rồi thay đặt những kẻ đầu trưởng để cai trị vỗ về dân, khiến chúng noi khuôn theo phép, tai thấm, mắt nhuần, thì không quá 3 năm có thể biến đổi thói man thành phong tục người kinh, lâu dài tuyệt được mối lo biên giới.6
Về lực lượng quân sự, thì ngoài số quân hiện hữu, cho mộ thêm 2 cơ binh địa phương, khuyến khích ban chức tước để khích lệ người chiêu mộ:
Hơn nữa, trước giờ, số biền binh thuộc tỉnh được phái đi nã giặc đến gần một nửa, số hiện còn tại ngũ, sợ điều khiển không đủ. Nhưng thổ mục trong tỉnh và những thủ hạ của thần, gặp khi có việc quân, kể cũng đắc lực. Nay cho xin mộ người lập làm 2 cơ binh, mỗi cơ 600 người. Kẻ nào mộ được 60 người, thì cho làm suất đội, kẻ nào mộ được 10 đội cho làm quản cơ. Số lính mộ trong đám lậu đinh này không những có thể dùng để sai phái, mà những kẻ không có căn cước ghi trong sổ sách cũng được quản thúc. Như vậy cũng là một cách tăng thêm quân và dẹp yên giặc. 7
Về mặt kinh tế, Nguyễn Công Trứ thấy được tiềm năng nông nghiệp của vùng châu thổ sông Lô quanh Hà Giang. Là chuyên viên về dinh điền, ông đề nghị chỉ cần tiếp tế 6 tháng lương thực để giúp cho dân khẩn hoang, sau đó có thể tự cung cấp được:
Nói về nhu phí: Hạt này đất màu mỡ; núi, chỗ nào cũng gieo trồng được. Vừa rồi những chỗ thần đi qua thấy thóc lúa để lộ trong rừng, trong gò. Hơn 4000 binh dõng đi trận chuyến này, suốt từ tháng 10 đến tháng chạp, mà một xã Vân Quang cung cấp không thiếu thốn, thì đủ biết những nơi khác. Xét ra, ruộng ở đây không có sổ điền và cũng không nạp thuế. Những đất có thể gieo trồng được còn bỏ hoang rất nhiều. Vậy thì chỉ phải chuyển vận lương thực một lần đủ dùng nửa năm. Sau này, chiêu mộ những dân xiêu tán ở các xã khai khẩn, rồi chiếu những đất thực đã trồng cấy được, châm chước thu thuế, chứa lại để chi dùng, có thể đầy đủ, không sợ thiếu thốn. 8
Về công cuộc khai mỏ, thế mạnh của vùng thượng du miền Bắc, ông chủ trương nên kiểm soát chặt chẽ, không cho người Thanh thao túng; làm được như vậy sẽ giúp cho ngân quỹ dồi dào và an ninh được củng cố:
Lại nữa, các sở mỏ vàng, mỗi năm nộp thuế từ 1 đến 4 lạng, mỗi lạng tính ra 80 quan tiền. Những người Thanh làm mỏ, mỗi nơi tụ tập để kiến ăn trên dưới 700, 800 người, đều là những kẻ du đãng trốn tránh. Chúng đào xẻ mạch đất, quấy nhiễu dân địa phương, thường gây ra xích mích. Ngày nọ, giặc Vân đi đến đâu, chém giết bừa bãi đến đấy, đều do bọn này hùa đảng, giúp nó làm bậy cả. Số thuế vàng thu nhập ấy, có hay không, đều không đáng kể. Nay xin tạm bắt các mỏ vàng đóng cửa. Ðuổi hết về nước những người Thanh tụ tập kiếm ăn tại đây. Sau này, có ai xin trưng, cứ quan địa phương xét thực, sẽ chiếu theo cái lệ “Hộ làm vàng” ở Quảng Nam mà đánh thuế. Rồi thường cho kiểm soát, không để chúng tự giấu bớt như trước. Như vậy, đã dứt được cái lo bất ngờ, mà lại làm dồi dào thêm việc tiêu dùng của nhà nước. 9
Nhắm phản bác luận điệu chống đối việc dời tỉnh thành (từ tỉnh lỵ Tuyên Quang đến tỉnh lỵ Hà Giang hiện nay) vì cho rằng nước độc, Nguyễn Công Trứ nêu bằng chứng tại phố chợ tại Hà Giang người Kinh, người Thanh buôn bán sầm uất. Lại theo niềm tin lúc bấy giờ cho rằng nơi nào nước nặng là độc, nước nhẹ là lành; ông cất công cân thử nước sông Lô tại hai vùng, thì thấy không xê dịch mấy, nên kết luận rằng thực chất những lời phản đối chỉ vì ngại đường xa đó thôi:
"Có điều là dời đổi tỉnh thành là việc người ta lấy làm ngại, có hai cớ: Một là ở An Biên lam chướng nặng; hai là đường vận chuyển lương thực khó khăn. Thần đã hai ba lần trù tính: An Biên đối ngạn với Hà Giang, ở đây chợ phố liên tiếp, người Kinh, người Thanh ở lẫn với nhau được phồn thịnh. Vả lại, từ An Biên đến Tuyên Quang cùng ăn một con sông, đã cho cân nghiệm thì nước hai nơi không nặng nhẹ hơn bao nhiêu. Nay cho lam chướng, chẳng qua người ta thích gần, ngại xa đó thôi". 10
*
Bản ‘Thỉnh an’ của Nguyễn Công Trứ đưa lên, vua Minh Mệnh cho là có lý, tuy nhiên ‘Hãy chờ sau này biên giới yên tĩnh, sẽ bàn chưa muộn’ 11, nhưng rồi bỏ qua; đó là một điều đáng tiếc. Giả sử lúc bấy giờ [1833] tỉnh thành Hà Giang được thiết lập; có một lực lượng quân sự đủ mạnh để chế ngự vùng thượng du và trung du Bắc Kỳ, thì những vụ nỗi loạn liên miên của giặc Khách [Tàu] dưới thời Tự Ðức được đàn áp kịp thời, đất nước không lâm vào cảnh kiệt quệ. Tuy nhiên giá trị chiến lược của Hà Giang không vì thế mà mai một, sau khi chiếm Việt Nam, thực dân Pháp thấy được sự cần thiết, đã cho lập tỉnh vào đầu thế kỷ 20 [1900], rồi vị thế tỉnh Hà Giang tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay.
Chú thích:
1. Ðại Nam Thực Lục, tập 4, trang 92. Quốc sử quán triều Nguyễn, Viện sử học phiên dịch, Nhà xuất bản Giáo Dục: Hà Nội, 2007.
2. Ðại Nam Thực Lục, sđd, tập 4, trang 92.
3. Ðại Nam Thực Lục, sđd, tập 4,trang 92-93.
4. Vùng Tụ Long sau hiệp ước Thiên Tân [1885], nằm trong bản đồ Trung Quốc.
5. Ðại Nam Thực Lục, sđd, tập 4, trang 93.
6. Ðại Nam Thực Lục, sđd, tập 4, trang 93.
7. Ðại Nam Thực Lục, sđd, tập 4, trang 94.
8. Ðại Nam Thực Lục, sđd, tập 4, trang 93.
9. Ðại Nam Thực Lục, sđd, tập 4, trang 93-94.
10. Ðại Nam Thực Lục, sđd, tập 4, trang 93.
11. Ðại Nam Thực Lục, sđd, tập 4, trang 94.
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét