Thứ Năm, 21 tháng 3, 2019

ĐỤNG ĐẾN JUNIN 2, SẼ ĐỤNG TỚI KHÔNG CHỈ NGUYỄN TẤN DŨNG MÀ CẢ NÔNG ĐỨC MẠNH, THEO TIN VỈA HÈ NGƯỜI GIỚI THIỆU ÔNG NGUYỄN PHÚ TRỌNG VÀO CHIẾC GHẾ TBT?; Cực hay: Về “tiền hoa hồng” ở dự án Junin 2, cần phải hiểu thế nào?

Junin 2 sẽ thành án lớn với 'Mạnh Mượt'?

Đăng bởi: Kiên Phạm on Thứ Năm, 21 tháng 3, 2019 | 21.3.19




Phát pháo lệnh ‘đánh’ vụ Junin 2 - theo truyền thống - vẫn được bắn ra bởi Thanh Niên - tờ báo mà vào tháng 3 năm 2017 đã phát pháo hiệu về ‘đánh’ vụ Đinh La Thăng và cho tới nay đã hoàn thành những chuẩn mực của một tờ báo ‘thân đảng’.


Tại phiên tòa xét xử vụ Hà Văn Thắm vào tháng 3 năm 2017, không phải ngẫu nhiên mà ngay sau Hội đồng xét xử yêu cầu điều tra làm rõ số tiền 800 tỷ đồng của PVN không cánh mà bay tại Ngân hàng Đại Dương, đã bùng lên loạt bài “Tài chính dầu khí và ‘vũng lầy’ PVN” trên báo Thanh Niên về những sai phạm ở Tổng công ty tài chính cổ phần dầu khí (PVFC) thuộc PVN mà đã gây ra thiệt hại của PVFC trên 500 tỷ đồng.

Vào thời điểm đó, Thanh Niên đã bị xem là ‘biến chất’ - từ một tờ báo mang quan điểm phản biện và có chút gi đó độc lập và quan điểm, trở thành “cánh tay phải của đảng”, nhất là sau vụ tờ báo này nhận tiền quảng cáo của đại gia để đánh nước mắm truyền thống khiến người sản xuất điêu đứng mà đảng vẫn để yên cho tổng biên tập tờ báo này.

Cú đánh mang tên ‘Junin 2’ của báo Thanh Niên về vụ Junin 2 một lần nữa phát ra tín hiệu ngành dầu khí sẽ bị ‘mổ lớn’ và vụ Junin 2 đang tràn trề triển vọng biến thảnh một vụ đại án cấp quốc gia, thậm chí còn lôi kéo vài ba gương mặt ủy viên bộ chính trị cũ và mới vào vụ án này.

Vào năm 2007 Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) do Đinh La Thăng khi đó là chủ tịch hội đồng thành viên đã có một phi vụ đầu tư vào một công ty khai thác dầu khí tại Venezuela - chế độ được xem là ‘người anh em xã hội chủ nghĩa’ của Việt Nam với sự chứng kiến của Nông Đức Mạnh - tổng bí thư thời đó mà còn những biệt danh khác như ‘Ông Răng Chắc’, ‘Mạnh Mượt’... Phi vụ này cũng được cho phép bởi thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng, đồng thời được ‘tập thể Bộ Chính trị’ gật đầu nhưng không thèm hỏi ý kiến Quốc hội - cơ quan mà về mặt luật là có thẩm quyền xem xét những dự án đầu tư tỷ đô như Junin 2.

Tiếp đến, một tổ hợp liên doanh ra đời giữa PVN và Công ty Dầu khí quốc gia Venezuela với cái tên “Dự án khai thác và nâng cấp dầu nặng lô Junin 2”, có tổng vốn đầu tư 12,4 tỷ USD, trong đó liên doanh vay 60%, tương ứng 5,8 tỉ USD; 40% còn lại do các bên đóng góp, tương ứng 3,1 tỉ USD. Phía Việt Nam tham gia 40% với số vốn góp là 1,241 tỉ USD.

Lẽ ra sự việc trên đã hoàn toàn bình thường như nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài khác, nếu không mang về một giọt dầu nào cho tới nay và không bị phát hiện một khoản chi quái lạ: “phí tham gia hợp đồng” (bonus), lên đến 584 triệu USD, khiến tổng vốn của phía VN phải bỏ ra lên đến 1,825 tỉ USD.

Con số 584 triệu USD bonus trên chi cho ai? Phải chăng PVN đã dùng nó để hối lộ những quan chức cao cấp của Venezuela?

Cộng hưởng với hậu quả Junin 2 trở thành dự án mà PVN đốt tiền ngân sách quốc gia và trơ khung trùm mền cho đến nay, số tiền ‘lại quả’ khủng khiếp trên đang khiến dự án này trở thành đầu đề nóng hổi trên mặt báo chí nhà nước vào những ngày này, lồng trong bầu không khí cực kỳ căng thẳng khi tổng giám đốc của PVN là Nguyễn Vũ Trường Sơn thình lình làm đơn xin từ chức, còn Bộ Công an thì đang ‘vào cuộc làm rõ’.

Trong lúc hầu hết ý kiến của giới ‘phe cánh chính trị’ và cả những cây bút độc lập đều nhất trí về khả năng cao là ‘Mạnh Mượt’ (tức Nông Đức Mạnh) phải chịu một phần trách nhiệm trong vụ đốt tiền Junin 2, khía cạnh tiếp theo được tranh luận ngày càng căng thẳng là liệu ‘Anh Ba X’ (tức Nguyễn Tấn Dũng) với tư cách là thủ tướng và là người cầm chịch cao nhất về dự án này khi đó có phải chịu trách nhiệm hay không, và có phải là cái đích cuối cùng và quan yếu nhất mà nhiều khả năng Junin 2 đang được đẩy thành một vụ án nhắm tới hay không; và liệu Nguyễn Phú Trọng - dù chỉ phụ trách một cơ quan bị xem là ‘bù nhìn’ khi đó - có phải chịu trách nhiệm gì không khi ông ta chẳng có được một phản ứng nào ra hồn khi Quốc hội bị PVN và Chính phủ qua mặt một cách không thương xót như thế; và ngoài ra, một nhân vật khác đóng vai trò quan tọng trong tiến trình đốt tiền của Junin 2 là Hoàng Trung Hải - hiện thời là Ủy viên bộ chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội và còn được một số dư luận xem là ‘cục cưng’ của Bắc Kinh), có liên quan trách nhiệm vụ này và có chịu chung số phận ‘cẩu đầu trảm’ với Nguyễn Tấn Dũng hay không…

Thường Sơn

(VNTB)

Cực hay: Về “tiền hoa hồng” ở dự án Junin 2, cần phải hiểu thế nào?


Tôi cũng định để ngày mai sẽ đưa kỳ cuối cùng về dự án Juni 2… Bởi lẽ đưa dồn dập, bài lại dài, sợ bạn đọc “ khó theo dõi”. Nhưng thấy trên một tờ báo lại vẫn có người cao giọng phán rằng “ đó là thủ thuật để tránh ngưỡng phải trình dự án ra Quốc hội xem xét. Đồng thời, nó cho thấy sự thiếu minh bạch của dự án này”…Mà kỳ lạ , vị này cũng là quan chức có cỡ ( dĩ nhiên là đã hưu), vậy mà không chịu tìm hiểu, không chịu xem xét thấu đáo, cứ phán lung tung.
 

Cũng thời gian qua, nhiều tờ báo và cả trên mạng xã hội đã nói về việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chi “tiền thưởng” cho PDVSA là một khoản tiền “đầy sự mờ ám”. Và họ cho rằng dầu chưa khai thác lên mà đã chi tiền thưởng là điều vô lý; rồi thậm chí khẳng định rằng “có sự khuất tất gì ở đây”.

Chính vì thế, mà thấy cần phải giải thích luôn về cái gọi là “ Tiền hoa hồng” này.

Về việc này, có lẽ tất cả mọi người đã hiểu sai về khoản tiền gọi là “Participant Bonus” hoặc cũng có nơi dùng từ “Signature Bonus”. Nếu hiểu theo nghĩa thô thiển, chữ Bonus nghĩa là tiền thưởng thì không sai. Nhưng nếu theo các hợp đồng dầu khí thì hoàn toàn khác.

Theo từ ngữ của các Hợp đồng Dầu khí thì khoản tiền này là khoản tiền mà nhà đầu tư phải trả cho nước chủ nhà khi ký hợp đồng dầu khí. Có thể giải thích một cách nôm na rằng, khoản tiền này giống như tiền ta đi mua hồ sơ thầu, giá trị của khoản tiền này nhiều hay ít tùy thuộc vào giá trị tổng thể của gói hợp đồng. Có nghĩa là khi PDVSA giao tài liệu cho ta thì ta phải trả tiền, và khoản tiền này cũng như một loại tiền đặt cọc để buộc tham gia dự án. Đây là một thông lệ bình thường ở quốc tế.

Các công ty nước ngoài vào Việt Nam khai thác dầu cũng phải trả khoản tiền này. Ví dụ, BHP (Anh) đã phải trả quyền khai thác ở mỏ Đại Hùng 90 triệu USD, hoặc khi chúng ta liên doanh với phía Nga khai thác dầu ở mỏ Nhenhetxky thì cũng phải trả phí tham gia hợp đồng gần 100 triệu USD.

Còn ở Venezuela, năm 2010, Nga cũng phải chi cho PDVSA 1 tỷ USD tiền phí tham gia hợp đồng để khai thác ở lô Ayacutcho 2,3. Trung Quốc cũng đã chi 1 tỷ USD cho cái gọi là “ Hoa hồng chữ ký”…Để được quyền khai thác ở các lô Juni 3, 4 .

Do cách hiểu và cách dịch có khác nhau nên người không hiểu về dầu khí dễ nghĩ đây là tiền hoa hồng, tiền “lại quả”. Việc thanh toán khoản phí này cũng theo luật dầu khí của Venezuela mà không thể làm khác được. Trong dự án Junin 2, khoản tiền phí tham gia dự án này của PVN là 584 triệu đô và sau khi ký Hợp đồng, phải chuyển ngay 300 triệu đô theo quy định của Luật Dầu khí Venezuela. Mà Luật Dầu khí Venezuela cực kỳ khắt khe, và “ sang chảnh”, bởi Venezuela quá nhiều dầu, nên nhiều công ty khai thác dầu mỏ đổ xô đến…Vì thế, Venezuela không bao giờ phải đi xin xỏ, quỵ lụy ai, mà ngược lại, chỉ có người khác đến cầu cạnh.

Hợp đồng đã ký, bất luận là do ý chí của lãnh đạo tối cao hay của ai, nếu chậm trả tiền theo thỏa thuận thì họ … tự động hủy hợp đồng, và chuyển cổ phần liên doanh sang nơi khác, mà không cần thông báo, xin ý kiến.

Vì vậy, không thể nào có chuyện chúng ta chuyển tiền cho Venezuela rồi họ lại cắt xén, chia chác, lại quả với nhà đầu tư Việt Nam.

Sự thật về chuyện tiền thưởng chỉ là như vậy! Những ai muốn hiểu về những khoản tiền thưởng này xin chịu khó hỏi “ông Guc-gồ” sẽ thấy ngay.

Cũng nói thêm là. trong dự án này Bộ Chính trị, Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, không hề có một sự “du di” nào.

Nếu gọi là có sự “du di” thì đó chỉ là dự án này, Việt Nam có được là do tình cảm đặc biệt của Tổng thống Hugo Chavez và của nhân dân Venezuela dành cho Việt Nam. Một điều nữa, sau khi ký hợp tác liên doanh giữa PVEP và PVDSA thì dự án này đã được Quốc hội Venezuela thông qua. Và một khi dự án được Quốc hội Venezuela thông qua thì bất luận thời thế thay đổi thế nào, ai lên nắm quyền thì đều phải tôn trọng và thực hiện đúng những điều Quốc hội đã quy định.

Thậm chí Quốc hội Venezuela quyết định nếu dự án Juni 2 chưa đạt hiệu quả kinh tế cao thì Quốc hội sẽ kéo dài thời gian thực hiện dự án cho phía Việt Nam. Sau khi ông Hugo Chavez mất, Tổng thống Nicolás Maduro lên nắm quyền. Khi sang thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, ông cũng đã chia sẻ với những khó khăn mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang gặp phải khi thực hiện dự án Junin 2. Và chính phủ Venezuela sẵn sàng cho Việt Nam lựa chọn một lô khác nếu Việt Nam thấy thuận lợi hơn, có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Khai thác dầu khí là như vậy, sự rủi ro đến mà không ai có thể lường trước được! Cũng như chúng ta đây, không ai dám đảm bảo rằng ngày mai, ngày kia sẽ gặp phải những rủi ro gì trong cuộc sống.

Còn về cái gọi là “ tiền hoa hồng” chỉ là có vậy.

Các cụ xưa để lại câu “ ăn có nhai, nói có nghĩ” và “ uốn lưỡi bảy lần rồi hãy nói” – Thiết nghĩ, những ai cố tình muốn hiểu sai về dự án này, và lợi dụng sự rủi ro, bất khả kháng của dự án Juni 2 này để phục vụ cho ý đồ cá nhân, thì cũng nên biết nghĩ.

PV 
 
(Secret Information)


Không có nhận xét nào: