Một số nhà đầu tư Trung Quốc đang đặt vấn đề đầu tư vào hạ tầng giao thông Việt Nam theo các hình thức khác nhau. Tới đây, một số dự án giao thông sẽ được chào thầu quốc tế, nên có khả năng nhà đầu tư Trung Quốc sẽ tham gia.
>>Làm cao tốc Bắc - Nam: Trung Quốc dễ thắng thầu?
>>Tập đoàn Trung Quốc muốn đầu tư cao tốc Bắc - Nam
Ðiểm ngắm của dòng vốn nhân dân tệ
Bằng các cách thức khác nhau, những năm gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh dòng vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Tại Việt Nam, hiện chưa có dự án giao thông nào thực hiện theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) với nhà đầu tư Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ trong tháng 3 này, nhà đầu tư Trung Quốc đã thể hiện sự quan tâm với một số dự án hạ tầng giao thông theo hình thức PPP của Việt Nam.
Mới đây, lãnh đạo Tập đoàn Thái Bình Dương (Trung Quốc) đã đề xuất với lãnh đạo Bộ GTVT được tham gia đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Thậm chí, doanh nghiệp này còn muốn đầu tư toàn tuyến, thay vì phân đoạn đưa ra đấu thầu quốc tế tìm nhà đầu tư theo hình thức BOT đã được Quốc hội phê duyệt, Bộ GTVT chuẩn bị chào thầu.
Cũng trong tháng 3, một đơn vị tư vấn đường sắt Trung Quốc cũng làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT về báo cáo giữa kỳ Dự án lập Quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối Trung Quốc với tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Theo đó, 2 phương án đã được tư vấn đưa ra là cải tạo tuyến đường sắt hiện hữu lên khổ ray 1.435mm, hoặc đầu tư tuyến đường sắt mới. Đơn vị tư vấn chọn làm tuyến đường sắt mới kết nối Hà Khẩu (Trung Quốc) - Hải Phòng (Việt Nam), đi qua các tỉnh thành: Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ - Vĩnh Phúc - Hà Nội - Hưng Yên - Hải Dương - Hải Phòng. Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 392 km, chạy tàu điện khí hóa.
Theo tìm hiểu của PV, báo cáo quy hoạch tuyến đường sắt khổ ray 1.435mm đoạn Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai và kết nối Trung Quốc đi châu Âu, do Cty Hữu hạn Tập đoàn Viện Khảo sát thiết kế số 5 Đường sắt Trung Quốc thực hiện. Chi phí lập do Trung Quốc viện trợ Việt Nam, với số tiền khoảng 10 triệu Nhân dân tệ (hơn 34 tỷ đồng). Theo đề xuất trên của tư vấn, số tiền đầu tư vào tuyến đường sắt trên khoảng 6-8 tỷ USD.
Một lãnh đạo Bộ GTVT cho hay, đề xuất trên của đơn vị tư vấn mới là đề xuất để bổ sung vào quy hoạch mạng đường sắt quốc gia trong tương lai, không phải dự án làm ngay. Do đó, số tiền đầu tư chưa nói lên điều gì. Vốn đầu tư cho tuyến đường sắt tương lai ra sao, từ nguồn nào, phải tới giai đoạn nghiên cứu dự án mới được chi tiết hóa (dự án lớn phải được Quốc hội thông qua). Theo lãnh đạo này, Việt Nam đang ưu tiên đầu tư cải tạo tuyến đường sắt Bắc - Nam, với dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TPHCM.
Trước đó, khi dự án đường bộ cao tốc Trà Lĩnh (Cao Bằng) - Đồng Đăng (Lạng Sơn) được Thủ tướng phê duyệt (năm 2016), một nhà đầu tư Trung Quốc cũng vào nghiên cứu, với tuyến đường dài 144km, tổng vốn đầu tư 47.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do không đảm bảo cho khả năng hoàn vốn qua thu phí, nên nhà đầu tư Trung Quốc đã rút lui.
Kinh nghiệm “xương máu” với nhà thầu nước ngoài
Nói về nhà đầu tư Trung Quốc tham gia các dự án BOT giao thông Việt Nam, các chuyên gia đều cho rằng, đó là điều đáng mừng vì chúng ta có thêm sự lựa chọn. Vấn đề là có chọn được nhà đầu tư "thật tâm" để có dự án tốt hay không. Ngoài ra, không loại trừ khả năng, với đường bộ cao tốc Bắc - Nam, chỉ có nhà đầu tư Trung Quốc tham gia đấu thầu.
Ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho rằng, các đoạn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đầu tư theo hình thức BOT, điều kiện chọn nhà đầu tư nào do Việt Nam quyết. Điều này khác các tuyến đường sử dụng vốn vay ODA, sẽ phải theo điều kiện chọn nhà thầu của nước cho vay. Do đó, việc chọn được nhà đầu tư tốt hay xấu, có năng lực hoặc không phụ thuộc vào các điều kiện, đề bài do Việt Nam đưa ra (trực tiếp là Bộ GTVT).
Tuy vậy, ông Tăng cũng không loại trừ khả năng đấu thầu một số đoạn BOT cao tốc Bắc - Nam chỉ có nhà đầu tư Trung Quốc tham gia. Vì với các nhà đầu tư ở các nước phát triển, dù đã tới Việt Nam tìm hiểu, nhưng còn nhiều vấn đề Việt Nam chưa đáp ứng được, nên họ chưa tham gia. “Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm xương máu với nhà thầu nước ngoài, đặc biệt nhà thầu Trung Quốc. Trước đây còn có thể nói ta không có kinh nghiệm nên bị hớ, nhưng nay các vấn đề của nhà thầu ta biết cả, vấn đề là ta có muốn làm tốt, hoặc đủ năng lực để làm tốt hay không. Còn với nhà đầu tư, dù từ nước nào, lợi nhuận là trên hết”, ông Tăng nói.
TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Đường bộ (Đại học GTVT Hà Nội) nêu quan điểm: nhà đầu tư nước nào bày tỏ muốn tham gia đầu tư dự án giao thông tại Việt Nam đều đáng hoan nghênh. Bởi khi có nhà đầu tư Trung Quốc tham gia, sẽ thêm phần cạnh tranh với các nhà đầu tư các nước khác, và chính nhà đầu tư Việt Nam. Còn chọn nhà đầu tư nào là quyền của Việt Nam.
“Với các dự án BOT giao thông, chúng ta là người đặt ra cuộc chơi, luật chơi và chọn đội chơi, hoàn toàn chủ động để chọn nhà đầu tư tốt. Với nhà đầu tư Trung Quốc, phải cẩn trọng hơn để đưa ra giải pháp khắc chế các chiêu trò của họ. Có bộ trưởng từng nói, nhà thầu Trung Quốc tham nhũng do nước mình nhiều tham nhũng quá. Khi khắc phục nhược điểm của mình sẽ khắc phục được nhược điểm của người khác”, ông Toản nói.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 654km, tổng vốn đầu tư khoảng 118,7 nghìn tỷ đồng. Toàn tuyến chia làm 11 đoạn, với 8 đoạn theo hình thức BOT. Khi các đoạn tuyến hoàn thành sẽ kết nối với một số tuyến cao tốc đang khai thác hiện nay.
Với 8 đoạn đầu tư theo hình thức BOT, dự kiến tháng 4 tới, Bộ GTVT sẽ phát hành hồ sơ mời thầu quốc tế, sau đó khoảng 3 tháng sẽ công bố kết quả nhà đầu tư trúng thầu.
Theo Lê Hữu Việt
Tiền Phong
Tiền Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét